Bài tuyên truyền GTS GV 2016-2017

Chia sẻ bởi Huỳnh Thị Hưởng | Ngày 09/10/2018 | 44

Chia sẻ tài liệu: bài tuyên truyền GTS GV 2016-2017 thuộc Tự nhiên và xã hội 1

Nội dung tài liệu:

VIỆT NAM QUỐC HIỆU
&CƯƠNG VỰC HOÀNG SA - TRƯỜNG SA
Người dự thi: HUỲNH THỊ HƯỞNG
Đơn vị: TH ĐÔNG HIỆP 1
Hội thi
TUYÊN TRUYỀN SÁCH
CẤP HUYỆN
NĂM HỌC :2016-2017
Sách được giới thiệu
“Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi…”
(Tổ quốc nhìn từ biển)
Biển đảo quê hương – Hoàng Sa, Trường Sa – từng từ từng chữ ấy khắc sâu vào trong tim mỗi con người Việt Nam, nhất là khi thực tại chủ quyền lãnh thổ của đất nước đang bị xâm chiếm. Một cuốn sách mang đậm dấu ấn của cháu con ngược dòng lịch sử trở về ngàn năm trước để một lần nữa khẳng định những gì tất yếu thuộc về Tổ quốc Việt Nam thân thương này. Một cuốn sách mang nhiều tính nghiên cứu nhưng được tác giả chọn lựa chi tiết ấn tượng, ngôn ngữ gãy gọn, rõ ràng nên độc giả dễ dàng tiếp thu. Một cuốn sách có thể coi đây là cuốn "biên niên Sử" quý giá bổ sung kiến thức khái quát cho các thế hệ hôm nay và mai sau nữa.
Đó là những gì chúng ta sẽ tìm thấy được trong cuốn “Việt Nam Quốc hiệu & Cương vực. Hoàng Sa - Trường Sa”.
Đây là công trình vừa mang tính khoa học, vừa phổ thông khái quát suốt chiều dài lịch sử hơn 4000 năm của dân tộc Việt Nam, từ thuở Vua Hùng dựng nước đến nay của Nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý Nguyễn Đình Đầu. Đặc biệt, để cập nhật vấn đề thời sự, tác giả bổ sung phần về Lãnh hải Việt Nam gồm nhiều tư liệu và bản đồ cổ của thế giới ghi nhận Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt nam suốt gần 500 năm qua.
Giáo sư Nguyễn Đình Đầu
 
"Việt Nam quốc hiệu & cương vực. Hoàng Sa - Trường Sa" do NXB Trẻ ấn hành, xuất bản năm 2013 chứa đựng rất nhiều tư liệu, bản đồ quý về chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu. “Lịch sử dân tộc ta có lúc thăng lúc trầm, và người dân Việt lúc nào cũng rất có ý thức đó” – nó như một thông điệp của lòng yêu nước mà những người làm sách muốn chia sẻ với tất cả bạn đọc Việt Nam cũng như độc giả trên toàn thế giới.
Đúng như tên gọi, nội dung cuốn sách được chia thành hai phần:
Phần "Quốc hiệu và cương vực" được đề cập thành 4 thời kỳ: I. Thời kỳ dựng nước; II. Thời kỳ đấu tranh giành độc lập; III. Quốc hiệu và cương vực nước ta trong thời kỳ độc lập tự chủ; IV. Thời kỳ thống nhất lãnh thổ với quốc hiệu Việt Nam. Để tiện tra cứu, tại cuối phần này có bảng tóm lược quốc hiệu, Thủ đô, dân số, từ quốc hiệu Giao Chỉ, Văn Lang đến Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phần đất liền nước ta rộng hơn 331.000km2, trước nay đã được các sử gia nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng còn phần Biển Đông với diện tích 1 triệu kilômét vuông thì việc nghiên cứu còn quá sơ sài. Đến nay, sau mấy chục năm dày công sưu tầm và nghiên cứu, Nguyễn Đình Đầu đã có trong tay 69 tấm bản đồ nói về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa do người Việt và người Pháp vẽ, tất cả được in vào phần 2 của sách.

Đọc "Việt Nam quốc hiệu & cương vực; Hoàng Sa - Trường Sa" chúng ta càng biết ơn tổ tiên đã đổ bao máu xương để mở mang và gìn giữ giang sơn gấm vóc, và hôm nay dù phải chịu bao gian khó thì các thế hệ cháu con phải kiên quyết giữ gìn, không để người ngoài xâm phạm một tấc núi, một thước sông.
Cuối tác phẩm, phần Lời bạt của giáo sư Nguyễn Đình Đầu có lẽ là phần em tâm đắc nhất. Những trăn trở, suy tư, tất cả tâm sự của vị giáo sư suốt một đời tìm kiếm tư liệu, bản đồ để khẳng định rõ ràng nhất, cụ thể và xác đáng nhất những gì thuộc về của quyền dân tộc. “Trong đời nghiên cứu không chuyên và khiêm tốn của tôi, chưa bao giờ tôi có tâm trạng bất an và băn khoăn như khi viết xong phần lãnh hải của Tổ quốc”. Một người nắm trong tay nhiều bằng chứng chắc chắn như thế vẫn còn lo âu trước thực tại đang diễn ra, vậy thử hỏi làm sao những độc giả Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ như chúng em không thể không tự ý thức được trách nhiệm của bản thân với đất nước được! Sinh ra dưới thời bình, nhưng chúng em càng phải nắm rõ và nắm sâu sắc lịch sử của nước nhà. Đọc những lời từ tâm can của tác giả, em như đọc thấy cả một tinh thần dân tộc sôi sục trong trái tim của bản thân mình và trong cả tâm hồn của mỗi người dân đất Việt.


Tác giả cũng trân trọng viết: "Chúng tôi đã thu thập và nghiên cứu hàng trăm bản đồ thế giới của các nước phương Tây thực hiện, hầu hết trong đó đều có ghi đất nước ta với các hải đảo Hoàng Sa – Trường Sa mà họ gọi tên chung là Paracel hay Pracel. Bờ biển Pracel là ở Trung bộ Việt Nam. Không một bản đồ nào ghi bờ biển Pracel ở Nam Trung Hoa hay ở Phi Luật Tân, Indonesia hay Mã Lai. Thật hiển nhiên, khắp thế giới đều thừa nhận Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam". Lời khẳng định ấy thay cho vạn vạn con người Việt Nam cất lên tiếng nói thiêng liêng của dân tộc. Ấy là tiếng nói khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương, là tiếng nói tố cáo những sai lầm của Trung Quốc, tiếng nói tha thiết kêu gọi nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cùng chung sức giúp đỡ Việt Nam trong cuộc đấu tranh trước Tòa án Quốc tế.
Có lẽ vậy mà gần cuối sách, ông viết riêng cả một bài tựa là “Những cuộc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa” với đoạn kết: “Cuộc đấu tranh trên biển Đông vì toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam thật là cam go và phức tạp. Sao cho công lý và hòa bình cùng được thực hiện. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng của chính quyền và của mỗi công dân trong cương vị và khả năng của mình”.
Viết để lên án những sự xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam từ xa xưa đến nay là thế. Ấy vậy mà cuối cùng, tiếng nói thao thức nhất, tha thiết nhất của một con người gắn bó với lịch sử quê hương sắp đi đến chặng cuối cuộc đời lại vang lên, hiệu triệu cả một thế hệ Việt Nam còn ngủ quên trong những chiến thắng vàng son của quá khứ để trở về với thực tại đầy căm go của đất nước: “Nay tuổi đã cao, tôi không biết còn thời gian khi tái bản tập sách nhỏ này, mà bỏ hẳn được đoạn “Những cuộc vi phạm vào chủ quyền Việt nam ở Hoàng Sa và Trường”. Giấc mơ hay hy vọng cuối đời người giá lão nếu tỏ ra khẩn thiết thì cũng là điều dễ hiểu mà thôi”.
Đầu tháng 5.2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 trong vùng biển của Việt Nam. Điều đó càng lộ rõ dã tâm thôn tính Biển Đông của Trung Quốc. Hành động ngang ngược này đang bị cả thế giới lên án. Đọc “Việt Nam Quốc hiệu & Cương vực. Hoàng Sa - Trường Sa”, mỗi người Việt Nam chúng ta càng cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn và hành động ngang ngược, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế  của Trung Quốc. Cuộc đấu tranh này còn phức tạp, lâu dài, nhưng chúng ta vững tin rằng chính nghĩa cuối cùng sẽ chiến thắng.
Đọc cuốn sách, tình yêu đến dịu dàng trong em cho những miền đất dẫu em chưa một lần đặt chân đến với những con người em chưa hề biết mặt. Em yêu sự chân chất giản dị nhưng kiên quyết của những ngư dân đang ngày đêm bám biển làm giàu cho quê hương, yêu vẻ đẹp kiên cường của anh bộ đội "đứng gác trời khuya đảo vắng" giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc. Yêu sao những trái tim biết truyền cảm hứng từ rung động tuyệt vời trước sự giao hòa giữa biển trời bao la tươi đẹp và lòng người náo nức vui say:
"Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay
Non nước mây trời lòng ta mê say
Sóng nước trùng dương dài theo bờ cát
Những dãy đảo xa nằm nghe biển hát"
(Tình em biển cả - Nguyễn Đức Toàn)
Mời toàn thể các bạn, hãy thử một lần cầm cuốn sách này trên tay và đọc nó. Đọc để hiểu, đọc để thêm yêu, đọc để trân trọng từng tấc đất tấc biển của tổ quốc, đọc để thấy trách nhiệm của mỗi con người, mỗi thế hệ Việt Nam trước lời kêu gọi thiết tha của quê hương đất nước. Đọc để vận dụng vào đó cách xử sự với cả thế giới, đọc để có những cách giải quyết, những hướng đi đúng đắn nhất trên cơ sở hòa bình. Không hề phân biệt cuốn sách này giành cho một tầng lớp, giai cấp hay thế hệ nào. Đến với “Việt Nam Quốc hiệu & Cương vực. Hoàng Sa - Trường Sa”, ta sẽ cùng với giáo sư Nguyễn Đình Đầu, làm một cuộc lội ngược dòng tìm lại quá khứ, một lần nữa, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng, khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là máu thịt của dải đất hình chữ S này.
 
Em tin rằng từng trang từng dòng của cuốn sách sẽ thắp lên trong lòng người đọc niềm tin, tình yêu, khát vọng và cả niềm tự hào dân tộc. Nỗi lo sẽ hóa sức mạnh khi mỗi người Việt Nam sẵn sàng hành động và gieo hành động bằng chính phần công sức dù nhỏ bé của mình với những việc làm thiết thực xuất phát từ tình yêu ruột thịt, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Một khi cuộc đấu tranh ấy đến gần hơn, sâu hơn với mỗi cá nhân, sức mạnh đoàn kết của “một dân tộc gan góc” ắt sẽ làm nên lịch sử.
Bài dự thi của em đến đây là kết thúc, em xin cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Một lần nữa, xin kính chúc quý vị đại biểu, quý ban giám khảo sức khỏe, chúc hội thi của chúng ta thành công tốt đẹp.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Huỳnh Thị Hưởng
Dung lượng: 968,50KB| Lượt tài: 1
Loại file: ppt
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)