Tuyên bố DOC

Chia sẻ bởi Lê Kim Ngọc | Ngày 12/10/2018 | 55

Chia sẻ tài liệu: tuyên bố DOC thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

TUYÊN BỐ VỀ CÁCH ỨNG XỬ CỦA CÁC BÊN Ở BIỂN ĐÔNG
1. Giới thiệu chung
Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được các nước ASEAN và Trung Quốc ký ngày 04/11/2002 tại Campuchia nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và TQ đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. DOC phản ánh nguyện vọng chung của các quốc gia trong khu vực về giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông, giúp thúc đẩy việc tăng cường hợp tác, xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng, nguy cơ xung đột.
2. Mục đích, nguyên tắc của DOC
Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của DOC được nêu ngay trong phần mở đầu của Tuyên bố. Đó là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình và lâu dài cho tranh chấp ở Biển Đông, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác hiện có giữa các bên ký kết. Ngoài ra, DOC còn tạo bước đệm cho việc tiếp tục xây dựng và tiến tới ký kết COC. Như vậy, có thể khẳng định rằng DOC không phải là một văn kiện để giải quyết tranh chấp, mà chỉ tạo điều kiện, cơ hội cho các bên tìm kiếm một giải pháp cho tranh chấp. Mục tiêu mà DOC đặt ra là phù hợp vì các bên đều hiểu rằng trước mắt chưa thể có một giải pháp nào giải quyết dứt điểm tranh chấp ở Biển Đông. Tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết từng bước một, vì vậy trước mắt là phải tạo ra được một môi trường hợp tác, thân thiện thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin và các hoạt động hợp tác, làm tiền đề cho một giải pháp lâu dài hơn.
3. Nội dung cơ bản của DOC
Nội dung chính của DOC có thể được chia thành 3 nhóm chính:
i) Nhóm các vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế: trong đó các bên khẳng định tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước 1982, Hiệp ước thân thiện và hữu nghị (TAC), năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, coi đây là các nguyên tắc nền tảng điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia; giải quýet các tranh chấp liên quan đến Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực.
ii) Nhóm các vấn đề liên quan đến hoạt động xây dựng lòng tin: Các bên khẳng định sẽ nỗ lực trên tinh thần hợp tác và hiểu biết lẫn nhau nhằm tìm ra các phương cách xây dựng lòng tin bao gồm các biện pháp như: tiến hành đối thoại quốc phòng, đối xử nhân đạo với người bị nạn, trao đổi thông tin trên cơ sở tự nguyện. Sẵn sàng trao đổi, tham khảo ý kiến kể cả trao đổi ý kiến thường niên về việc tuân thủ DOC.
Các biện pháp cụ thể để thúc đẩy và xây dựng lòng tin được cụ thể hóa tại điểm 5 trong DOC. Theo đó, nghĩa vụ chung của các quốc gia phải thực hiện là tự kiềm chế (self-restraint), không có các hành động gây phức tạp và gia tăng tranh chấp có thể ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Bốn biện pháp cụ thể xây dựng lòng tin giữa các bên, gồm:
a. Tiến hành đối thoại và trao đổi quan điểm, khi thích hợp, giữa các quan chức quốc phòng và quân sự của các bên;
b. Bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo đối với những người gặp nguy hiểm hoặc tai họa;
c. Thông báo, trên cơ sở tự nguyện, cho các bên khác về các hoạt động tập trận chung hoặc phối hợp;
d. Trao đổi các thông tin có liên quan trên cơ sở tự nguyện.
iii) Nhóm các vấn đề liên quan đến hoạt động hợp tác: các bên cam kết trong khi chờ đợi một giải pháp lâu dài và toàn diện cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, các bên có thể thăm dò, hoặc tiến hành hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như: bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển, an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia. Tuy nhiên, để tránh việc các bên có thể lợi dụng các hoạt động hợp tác để gây phương hại đến quyền lợi của các bên khác, DOC quy định thể thức, phạm vi và địa điểm liên quan đến hợp tác song phương và đa phương phải được các bên liên quan nhất trí trước khi thực hiện.
DOC đã cụ thể hóa yêu cầu hợp tác trong 5 lĩnh vực:
a. Bảo vệ môi trường biển;
b. Nghiên cứu khoa học biển;
c. An toàn và an ninh hàng hải;
d. Tìm kiếm cứu nạn trên biển;
e. Chống tội phạm xuyên quốc gia; bao gồm và không giới hạn ở hoạt động buôn bán ma túy, cướp biển và cướp tàu có vũ trang và buôn lậu vũ khí;
Các lĩnh vực hợp tác này được coi là ít nhạy cảm và là các biện pháp hỗ trợ cho việc xây dựng lòng tin giữa các bên. Các lĩnh vực hợp tác này được quy định trong Công ước Luật biển 1982 và trên thực tế đã được triển khai song phương hoặc đa phương giữa các nước trong khu vực. Ban đầu các bên chỉ tập trung hợp tác trong các lĩnh vực này là hợp lý, vì phù hợp với khả năng của các bên và điều kiện, hoàn cảnh ở Biển Đông.
4. Tình hình triển khai DOC
Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc đã xác định được một loạt các dự án hợp tác nhằm triển khai DOC. Đồng thời, ASEAN và TQ cũng đang hoàn tất việc soạn thảo Quy tắc hướng dẫn triển khai DOC làm cơ sở cho việc các bên tiến hành các hoạt động hợp tác triển khai DOC.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Lê Kim Ngọc
Dung lượng: 528,00KB| Lượt tài: 3
Loại file: ppt
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)