Trò chơi -Tôi là ai
Chia sẻ bởi Hứa Mạnh Tuân |
Ngày 12/10/2018 |
49
Chia sẻ tài liệu: Trò chơi -Tôi là ai thuộc Bài giảng khác
Nội dung tài liệu:
Tôi là con gì ?
1. Mục đích:
Nhận biết một số loài động vật khác nhau thông qua cấu trúc, hình dạng, màu sắc, thức ăn và nơi ở của chúng.
Luyện tập kỹ năng đặt câu hỏi có câu trả lời có hoặc không.
2. Thời gian: 30 phút.
3. Địa điểm: Trong lớp học hoặc sân trường.
4. Đối tượng: Học sinh Tiểu học
5. Chuẩn bị:
Một bộ tranh cắt từ hoạ báo hoặc tự vẽ một số loại động vật: Khỉ, rắn, chim, cá mập, hươu, rùa núi, voi... (không bắt buộc là những sinh vật trên, tốt nhất là có tranh các động vật của địa phương nơi HS ở).
Kim băng hoặc băng dính để gắn tranh con vật lên lưng.
6. Các bước tiến hành:
HĐ 1: Động não (5-10 phút).
Giáo viên (GV) giới thiệu: Thế giới tự nhiên vô cùng đa dạng. Nếu đến thăm một vùng thiên nhiên, chỉ cần ở một chỗ chúng ta cũng có thể phân biệt và đếm được rất nhiều loài động thực vật khác nhau.
Cho HS lần lượt xem bộ tranh. HS nói đó là con gì. Sau đó GV đặt các câu hỏi để học sinh nêu một số đặc điểm của động vật có trong bức tranh. Ví dụ:
1. Con rùa là động vật thuộc nhóm bò sát, có mai bảo vệ cơ thể, di chuyển chậm chạp, sống ở dưới biển, trong rừng hoặc trên núi.
2. Con hươu sao có lông vàng đốm trắng, sống ở trong rừng.
3. Cá mập sống ở biển, cỡ lớn, rất dữ, có thể ăn thịt người.
HĐ 2: Luyện tập cách đặt một số câu hỏi có câu trả lời có hoặc không để xác định và phân biệt các con vật khác nhau(5-10 phút):
GV yêu cầu HS thảo luận 2 người, mỗi người đưa ra 1 câu hỏi “có hay không” về nơi ở, thức ăn, hình dáng, màu sắc, hành vi, đặc điểm…của động vật. Học sinh lần lượt phát biểu. Một số câu hỏi đúng được viết lên bảng. Một số câu hỏi không đúng cũng được phân tích để tránh đặt sai khi tham gia trò chơi. Ví dụ:
1. Nó có sống ở dưới nước không? (đây là câu hỏi đúng yêu cầu vì có thể trả lời có hoặc không).
2. Nó màu gì? (câu hỏi sai yêu cầu vì không trả lời được bằng từ có hay không. Phải trả lời bằng màu sắc).
3. Nó ăn cỏ, ăn lá cây hay ăn thịt? (câu hỏi này phải tách ra thành 3 câu thì mới đúng yêu cầu: Nó có ăn cỏ không? Nó có ăn lá cây không? Nó có ăn thịt không?)
HĐ 3: Phân biệt một số loài động vật qua trò chơi “Tôi là con gì”(20-25 phút).
Nắm luật chơi: Yêu cầu HS đứng thành vòng tròn. Một HS đứng vào giữa vòng tròn và một HS khác lấy một tranh con vật gắn vào lưng HS đứng giữa vòng tròn. Cần bảo đảm rằng HS đứng giữa vòng tròn không biết con vật được gắn lên lưng mình là con gì. HS đứng giữa vòng tròn đi xung quanh vòng tròn để các bạn nhìn rõ đó là con vật gì (tất cả HS giữ im lặng).
Sau đó HS này đặt 5 hoặc 10 câu hỏi cho các bạn mình để tìm ra con vật sau lưng. Các HS khác chỉ được trả lời có hoặc không. GV có thể giảm số lượng câu hỏi mà HS có thể hỏi để trò chơi mang tính thử thách cao hơn. Hết số câu hỏi quy định mà HS này không đoán được đó là con vật gì thì phải đứng vào vòng tròn cho bạn khác thay vị trí của mình.
Chơi mẫu: HS chơi mẫu với 1 con vật. Ví dụ, HS đứng giữa vòng tròn có thể đặt các câu hỏi: Tôi có sống ở trong rừng không? Tôi có 4 chân phải không? Tôi có ăn lá cây không? Lông của tôi màu vàng? Tôi có cánh không? Tôi có đi kiếm ăn vào ban đêm không? Tôi có sống trong hang không?
Chơi thật: Trò chơi diễn ra trong 15 phút. Khen, hoan hô những bạn đặt ít câu hỏi mà đã đoán được mình là con gì.
Gợi ý cho GV
Động vật có thể sống trên cây, trong hang hốc, trong nước, trong đất, trong rừng hoặc trên các trảng cỏ. Những động vật bay trong không trung phải có cánh. Những động vật đi trên mặt đất phải có chân. Chúng có thể có 2, 4, 6 hoặc rất nhiều chân. Song chúng cũng có thể không có chân như loài rắn. Một số sinh vật chỉ ăn cỏ và hoa quả, một số loài chỉ ăn thịt và côn trùng. Nhiều loài sinh vật kiếm ăn vào ban ngày, nhưng một số loài khác chỉ kiếm thức ăn khi đêm xuống. Màu sắc của động vật cũng khác nhau, giúp chúng có thể ẩn nấp trong môi trường sống của mình nhằm tránh sự săn đuổi của kẻ thù. Trò chơi sẽ giúp các em hiểu sự khác nhau của các loài sinh vật, đồng thời giúp các em có khả năng xác định và phân biệt một số loài sinh vật địa phương.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...
Người chia sẻ: Hứa Mạnh Tuân
Dung lượng: 84,50KB|
Lượt tài: 1
Loại file: ppt
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)