SỰ LỰA CHỌN RẤT... VÔ TRÁCH NHIỆM

Chia sẻ bởi Ngọc Long Châu | Ngày 11/10/2018 | 25

Chia sẻ tài liệu: SỰ LỰA CHỌN RẤT... VÔ TRÁCH NHIỆM thuộc Ngữ văn 7

Nội dung tài liệu:

Sự lựa chọn rất… vô trách nhiệm!?
(Dân trí) - Trong nền kinh tế thị trường cũng như sự phát triển mạnh mẽ của đất nước hiện nay, có thể nói không nghề nào không chịu nhiều sức ép. Thế nhưng chịu nhiều sức ép nhất có lẽ không ai khác ngoài giáo viên trong ngành giáo dục.
 

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Có thể thấy các sức ép lớn sau đây. Thứ nhất, ngay từ khi ra trường, họ đã chọ nhiều sức ép trong việc kiếm công ăn việc làm. Do quan niệm xã hội cộng với chiến lược đào tạo thiếu thích ứng, có thể nói hiện nay giáo viên xin việc là khó nhất. Ngoài việc phải dạy hợp đồng nhiều năm (thậm chí có trường hợp lên đến 9-10 năm) mới được biên chế, còn có hiện tượng mà theo độc giả Dân trí phản ánh, số tiền “chạy” lên đến cả trăm triệu đồng.
Sức ép thứ hai là từ đồng lương. Ngoại trừ một số giáo viên ở các thành phố, thị xã còn lại hầu hết giáo viên đều sống từ mức khá nghèo đến mức… nghèo. Mặc dù mong ước đến năm 2010, giáo viên sống được bằng lương của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi ông còn làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trôi qua 4 năm nhưng có lẽ trong tương lai vài năm tới, điều đó vẫn còn là mong ước.
Thứ ba, sức ép từ chương trình, giáo án và tỉ lệ học sinh khá giỏi. Với cách làm giáo dục “nhồi nhét” hiện nay, chương trình học đang rất nặng ở tất cả mọi cấp, đặc biệt là với học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Quan niệm giáo dục học sinh giỏi toàn diện có vẻ như thiếu khoa học bởi con người ta mỗi người chỉ cần giỏi “một diện” đã là ước mơ khó thành hiện thực. Vì vậy, có thể nói chỉ tiêu học sinh khá giỏi là một sức ép… viển vông. Nhân loại sinh ra vốn hầu hết là người trung bình, những người tài giỏi hiếm “như sao buổi sớm” nên đòi hỏi tỉ lệ học sinh giỏi lên đến 60 – 70% là điều vô lý, thiếu cơ sở khoa học.
Thứ tư, là sức ép từ dư luận xã hội. Đây là sức ép lớn nhất mà ngành giáo dục đào tạo đang phải gánh chịu. Có thể nói, không có những thói hư, tật xấu nào lại không được đổ lên đầu ngành giáo dục. Từ việc học sinh đánh lộn nhau trong trường đến tệ nạn trộm cắp, cướp của giết người ngoài xã hội thì cái đích cuối cùng đều quy về ngành giáo dục. Đương nhiên, ai cũng biết giáo dục là yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo dựng nên nhân cách mỗi con người nhưng nó là sự kết hợp giữa Gia đình - Nhà trường và Xã hội.
Nói như thế không có nghĩa là rũ bỏ trách nhiệm của ngành giáo dục nhưng “đổ” hết lên đầu cho ngành này thì cũng thiếu công bằng. Và tiếc thay, sự thiếu công bằng này không chỉ ở ngoài xã hội mà đôi khi còn có ở cả nghị trường Quốc hội.
Yếu tố thứ năm, đó là các thày cô giáo đang bị “trói tay” trong việc sử dụng hình phạt khi học sinh mắc lỗi. Không cổ súy cho hình phạt trong giáo dục nhưng có lẽ cũng không nên xơ cứng đến mức không được áp dụng bất cứ hình phạt nào dù chỉ là lời khiển trách hay một vài cái vụt nhẹ vào tay bằng thước kẻ đối với một số học sinh cá biệt.
Trước các sức ép trên, đó đây đã xuất hiện hiện tượng mà theo một bài báo là “Thời của những nhà giáo… vô trách nhiệm”. Bài báo viết: “Hiện nay giáo viên vẫn truyền nhau học trò là bất trị. Họ quyết định đến với những phương thức ... vô trách nhiệm hơn. Họ mặc kệ học trò hư. Chúng vi phạm nội quy - họ hạ hạnh kiểm, mời phụ huynh. Chúng tiếp tục vi phạm - họ hạ hạnh kiểm, cảnh cáo toàn trường. Chúng vẫn tiếp tục - họ đưa lên hiệu trưởng, cảnh cáo lần cuối. Và nếu chúng không thay đổi - trường đuổi học”.
Đây có thể nói là sự lựa chọn rất vô trách nhiệm nhưng tiếc thay đang là một sự thật. Thế nhưng nếu là giáo viên, bạn còn có lựa chọn nào khác?
 
Bùi Hoàng Tám

* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Ngọc Long Châu
Dung lượng: 52,74KB| Lượt tài: 0
Loại file: rar
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)