Quê huong

Chia sẻ bởi Lê Hoàng Ngọc Nghi | Ngày 12/10/2018 | 86

Chia sẻ tài liệu: Quê huong thuộc Tư liệu tham khảo

Nội dung tài liệu:

Cảm nhận mùa bầu --- Phan Lệ Hoa ---
Từ thuở ấu thơ, quả bầu đã cho tôi tình yêu quê hương tiềm ẩn trong lời mẹ nằm võng ru tôi lắng sâu vào giấc ngủ trưa hè ở làng quê thanh bình với câu ca: Ve kêu rạc nắng vườn trưa Gian bầu trĩu quà đu đưa gió nồm Nhớ hồi tôi còn bé, mỗi khi đến mùa trồng bầu, ông nội tôi thường lấy ở thùng đựng thóc trong buồng nhà ra một quả bầu to, dài, khô, rỗng. Trong quả có chứa những hạt bầu già đã được ông tôi phơi khô để làm giống. ở tuổi lên năm, tôi ôm quả bầu dài bằng người. Tôi nhoẻn miệng cười nhìn ông, tay tôi vỗ về quả bầu tưởng như đang vỗ về ôm ẵm một đứa em. Tôi nâng quả bầu lên xóc mạnh cho những hạt khô ở trong quả nảy lên va chạm nhau kêu lọc xọc. Khi đưa quả bầu cho ông giốc hạt ra lòng bàn tay để đem gieo, tôi chợt nghĩ và hỏi: - Ông ơi, tại sao mẹ cháu lại nói: "Muốn ăn lâu trồng bầu tháng chín" hả ông? Ông nheo mất cười nhìn tôi, rồi đáp: - À đó là câu tục ngữ nhắc nông dân ta nên trồng bầu đúng thời vụ, vì nếu gieo hạt giống muộn thì mùa bầu sẽ ngắn và cây bầu sẽ ra quả ít hơn cháu ạ! Làng Sặt quê tôi nằm bên chân đê tả ngạn sông Đáy thuộc vùng đất bãi, chuyên sống bằng nghề trồng rau màu và cây quả các loại như cải hành, cà, đậu, bầu, bí, mướp... đến vụ thu hoạch bầu, sớm, chiều xóm bãi rậm rịch xe, người gồng gánh, hồ hởi tiếng nói, cười dưới những dàn bầu rợp xanh bóng lá ở các vườn, bãi. Tiếng trẻ con, người lớn í ới gọi nhau cắt hái bầu xếp đầy xe cải tiến, sọt thồ xe đạp và quang gánh chuyên chở về từng ngõ, từng nhà. Tay người cầm những quả bầu xanh tươi, óng mượt lông tơ, lòng thầm vui với thành quả lao động đã đem lại bằng mồ hôi thấm đất gieo trồng, ướt đẫm lưng áo người vun tưới. Vào thời vụ này, những phiên chợ ở quê tôi đậm đặc màu xanh của những quả bầu được mùa. Mẹ tội cất bầu ở vườn nhà, xếp đầy quang rổ gánh đi bán ở chợ làng. Trước khi xào hoặc nấu, gọt vỏ quả bầu, rồi dùng dao sắc băm nhẹ xung quanh quả nhát dao băm sâu vừa đến phần ruột bầu rồi nghiêng lưỡi dao vát lấy phần cùi bầu ở ngoài, còn phần ruột thì bỏ đi, bầu thường nấu với tôm he bóc vỏ, gỡ lấy thịt, ngắt đầu tôm cho vào bát giã nhỏ, đổ nước sôi ở nồi canh vào chắt lấy nước ngọt để nấu. Ngoài ra, bầu còn nấu canh với trai bằng cách: rửa sạch trái, cho vào nồi luộc đun sôi cho trai há vỏ, thịt trai đem thái miếng mỏng xào qua mỡ. Canh bầu nấu gần chín thì đổ thịt trai xào vào, đun tiếp cho bầu chín tới, tra hành dăm thái nhỏ rồi bắc ra. Bầu xào với tỏi giã dập, phi mỡ thơm, khi ăn rắc bột hạt tiêu cũng là món ăn hấp dẫn về mùa hè. Với tôi những bữa cơm có món canh bầu nấu tôm, ăn với cà bát muối xổi nhai ròn dưới ánh trăng lên lấp ló sau ngọn tre vườn nhà vào buổi tối mùa hạ đã trở thành những kỷ niệm ngọt ngào thời niên thiếu Đến nay, tuy tôi đã là một sinh viên sống xa nhà, nội trú trong ký túc xá trường đại học, nhưng tâm hồn tôi vẫn mang đậm dấu ấn về những mùa bầu ở làng quê. Có lần vào ngày chủ nhật, tôi đạp xe về nhà lấy gạo đựng vào túi xách và cắt hái đôi ba quả bầu ở vườn nhà, xếp vào rọ xe đèo đến ký túc xá nhà trường. Trong những bữa cơm góp gạo thổi cơm chung cùng ăn với bạn học gái, trong mâm cơm có thêm bát canh bầu nấu với tôm nõn, khiến chúng tôi cảm thấy ăn ngon hơn, khác nào những bữa cơm ấm tình gia đình. Quả bầu khô đã được nhân cách hóa với tình người thương yêu, đùm bọc trong cộng đồng dân tộc bằng câu ca dao: Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn... Ôi những mùa bầu xốn xang, háo hức tình quê. Những mùa bầu gọi giục lòng tôi nhớ về mảnh vườn nhà với giàn bầu xanh tươi ký ức một thời.

* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Lê Hoàng Ngọc Nghi
Dung lượng: 26,50KB| Lượt tài: 0
Loại file: doc
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)