Nhà Trần_Kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 1

Chia sẻ bởi Nguyễn Văn Sang | Ngày 23/10/2018 | 19

Chia sẻ tài liệu: Nhà Trần_Kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 1 thuộc Hóa học 8

Nội dung tài liệu:

TRANG SỬ VIỆT
NHÀ TRẦN
KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN NGUYÊN LẦN THỨ NHẤT
Hoài Nguyễn – thực hiện tháng 9-2010
1. Cuối đời nhà Lý, Trần Thủ Độ nắm mọi quyền hành. Một hôm ông bày hội lớn ở điện Thiên An. Các quan trong triều đều có mặt đông đủ. Trần Thủ Độ giả lệnh Lý Chiêu Hoàng, đọc chiếu chỉ nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Trần Cảnh mới 8 tuổi, lên ngôi vua là Trần Thái Tông (1226), lập ra nhà Trần.
2. Trần Thái Tông phong cho Trần Thủ Độ làm Thái Sư, Quốc Thượng Phụ (một chức quan lớn nhất trong triều và được coi như là cha của vua, của nước). Vì Trần Thái Tông mới có 8 tuổi, nên mọi việc trong triều đều do Trần Thủ Độ quyết định hết.
3. Lúc này Lý Huệ Tông (cha của Lý Chiêu Hoàng) đã đi tu ở chùa Chân Giáo ngoài kinh thành. Hàng ngày, Huệ Tông thường ra vườn nhổ cỏ dại. Một hôm Trần Thủ Độ tới thấy thế liền bảo: "Nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc cho hết mọi cái rễ mới được".
4. Lý Huệ Tông nghe thế, phủi tay đứng dậy đáp: "Ta hiểu ý của Thái sư rồi." Mấy hôm sau, Trần Thủ Độ cho lính tới chùa tìm Huệ Tông. Huệ Tông biết ý trước đã treo cổ tự tử ở sau chùa. Trần Thủ Độ cho hỏa táng xác Huệ Tông rồi để tro vào tháp Bảo Quang.
5. Trần Thủ Độ dù ít học, độc ác nhưng hết lòng với nhà Trần. Muốn trừ hết con cháu nhà Lý, Trần Thủ Độ sai đào hầm ở dưới, đặt phên nứa lên trên, rồi bắt con cháu nhà Lý vào làm lễ vua Lý. Phên nứa sụt, mọi người rớt xuống hố. Trần Thủ Độ cho đổ đất lên chôn sống tất cả.
6. Có nhiều người phàn nàn là Trần Thủ Độ quyền hành quá lớn, dễ lấn át vua Trần. Được tin này, Trần Thủ Độ đã không giận dữ, mà còn bảo: "Họ nói đúng. Có điều là họ chưa hiểu lòng ta!" Rồi từ đó Trần Thủ Độ giữ gìn ý tứ, theo đúng đạo vua tôi để mọi người yên lòng.
7 Một hôm, vợ ông là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung ngồi kiệu, định vào cung. Quân canh không biết mặt bà, liền ngăn lại. Bà phàn nàn với chồng. Ông cho đòi lính canh tới. Sau khi biết rõ sự tình, ông nói: "Quân lính giữ đúng phép nước là đáng khen chứ không có tội!"
8. Vợ ông xin cho người họ xa làm một chức vị trong làng. Ông cho gọi người ấy tới, bảo: "Ngươi lo lót với phu nhân ta, ta bằng lòng cho, nhưng phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác." Anh này sợ quá, kêu van mãi xin tha cho tội lo lót công việc, trái với phép nước.
9. Trần Thủ Độ chỉ tìm cách làm thế nào cho nhà Trần được bền vững. Thấy Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Thái Tông đã 12 năm, vẫn chưa có con. Trần Thủ Độ liền bắt Trần Thái Tông bỏ vợ. Rồi ông đem vợ Trần Liễu đã có thai ba tháng vào cung, làm vợ Trần Thái Tông, Trần Liễu giận lắm.
10. Trần Liễu (là anh ruột Trần Thái Tông) đem quân chống lại Trần Thủ Độ. Trần Thái Tông buồn giận, trốn ra chùa Yên Tử (Quảng Yên). Trần Thủ Độ đem các quan đi đón mãi mà Trần Thái Tông không chịu về. Sau vị sư già ở chùa thấy thế, phải van lạy mãi, Trần Thái Tông mới chịu về kinh.
11. Ít lâu sau, Trần Liễu biết sức không làm gì được, nhân lúc Trần Thái Tông ngự thuyền đi chơi, liền giả làm người đánh cá, lẻn xuống thuyền xin hàng. Hai anh em ôm nhau khóc, vì mọi việc đều do Trần Thủ Độ mà ra.
12. Trần Thủ Độ nghe tin chạy tới, rút gươm toan giết Trần Liễu. Thái Tông phải quỳ xin tha cho Trần Liễu, mãi Trần Thủ Độ mới thôi. Sau đó Trần Thái Tông lại lấy vùng đất ở Hải Dương ban cho Trần Liễu làm Thái ấp, và phong cho làm An Sinh Vương.
13. Trần Thủ Độ đã giết hết con cháu vua Lý rồi nhưng còn muốn không cho ai nhớ đến họ Lý nữa. Vì thế nên ông lấy cớ rằng Lý là tên húy của Trần Lý (tổ tiên họ Trần) mọi người đều phải kiêng. Do đó, dân chúng ai họ Lý đều phải đổi ra họ Nguyễn hết.
14. Lúc này nhà Tống bên Tàu đã bị quân Mông Cổ đánh tan. Hốt Tất Liệt lên làm vua, đổi tên nước là Nguyên. Nhà Nguyên sai sứ sang đòi Trần Thái Tông phải về hàng. Trần Thái Tông bắt sứ giả giam lại, rồi chia quân giữ phía Bắc, vào năm Đinh Tỵ 1257.
15. Tướng Nguyên là Ngột Lương Hợp Thai từ Vân Nam đem quân tràn xuống đánh Thăng Long. Quân Mông Cổ to lớn, hung tợn, giỏi cưỡi ngựa và bắn cung nên đã từng đánh chiếm nhiều nước từ Á sang Âu (như Cao Ly, Trung Hoa, Ba Tư, và đông bắc Âu Châu)
16. Quân nhà Trần chống không nổi. Trần Thái Tông phải bỏ kinh đô xuống thuyền, chạy về đóng ở Thiên Mạc (Hưng Yên). Đêm khuya, Trần Thái Tông sang thuyền của Khâm Thiên Vương Trần Nhật Hiệu để hỏi ý kiến. Trần Nhật Hiệu lấy tay viết lên mạn thuyền hai chữ "Nhập Tống".
17. "Nhập Tống" nghĩa là chạy vào đất Tống, dựa Tống chống Mông Cổ, vua lại đi hỏi Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ tâu: "Đầu tôi chưa rớt xuống đất, thì xin Bệ hạ chớ lo!" Thấy Trần Thủ Độ nói cứng như vậy, Trần Thái Tông mới quyết tâm đánh giặc.
18. Trong khi ấy thì vợ Trần Thủ Độ đã lo việc đưa các cung phi cùng vợ con các tướng sĩ (còn ở ngoài mặt trận) đi lánh giặc. Bà còn cho dân chúng dùng thuyền, chuyên chở thóc gạo trong kho về vùng Hoàng Giang (Hà Nam) để giặc không lấy được lương thực.
19 Quân Mông cổ tiến vào thành Thăng Long. Chúng thấy các kho lương thực trống rỗng. Vào ngục thất thì thấy ba sứ giả Mông Cổ còn bị trói nằm đó. Đến khi cởi dây trói ra thì một tên đã chết. Ngột Lương Hợp Thai giận lắm
20. Ngột Lương Hợp Thai liền ra lệnh cho quân sĩ Mông Cổ đi cướp phá. Chúng đốt lửa cháy rợp trời. Chúng giết các ông già. Chúng bắt trẻ con rồi ném vào đống lửa. Bao nhiêu dân lành không chạy kịp đều bị chúng giết.
21. Trong khi rút khỏi kinh thành, vua Trần Thái Tông đã nhiều lần bị vây hãm rất nguy kịch. Tướng Phạm Cụ Chích liều mình cản giặc, phá vỡ vòng vây để nhà vua rút lui. Nhưng ông bị tên bắn chết.
22. Tướng Lê Tần vừa bảo vệ cho vua Trần Thái Tông, vừa mở đường máu để rút lui. Chạy tới Lãnh My đã có thuyền chực sẵn. Lê Tần dìu vua xuống thuyền ngay. Sau này Lê Tần được vua đổi tên cho thành Lê Phụ Trần, tước Bảo Văn Hầu.
23. Chiếm được thành Thăng Long rồi, quân lính Mông Cổ vì không hợp thủy thổ nên phát bệnh, nằm la liệt. Thêm vào đó, lương thực cạn nên chúng sợ sẽ bị đói. Ngột Lương Hợp Thai họp cùng các tướng rồi quyết định rút quân về Tàu.
24. Được tin này, Trần Thái Tông đem đại quân lên đánh ở Đông Bộ Đầu. Quân Mông Cổ bị thua to. Chúng vội bỏ thành Thăng Long. Ngột Lương Hợp Thai cùng phò mã Hoài Đô và con trai của y là A Truật, kéo tàn quân chạy về phương Bắc.
25. Chạy đến rừng Qui Hóa (thuộc Yên Bái) tàn quân lại bị Hà Bổng cùng thổ dân đón đánh. Những tảng đá lớn, những khúc cây to, từ trên núi cao lăn xuống, khiến quân Mông Cổ thương vong rất nhiều. Bọn sống sót chạy về Vân Nam.
26. Thế là sau mười ngày bị xâm chiếm, thành Thăng Long đã hết sạch bóng giặc. Tuy nhiên, dấu vết đốt phá vẫn còn. Nhà cửa, cung điện bị xập, gỗ gạch vương vãi khắp nơi. Trong cảnh hoang tàn đó, quân lính nhà Trần kéo vào kinh đô.
27. Đi đầu là những lá cờ lớn thêu chữ "Trần" rồi tới đoàn quân cưỡi ngựa, đoàn voi trận. Sau đó là các quan văn, võ đi theo xe ngựa của vua Trần Thái Tông. Dân chúng các phường đã kéo về đứng chật hai bên đường để mừng quân ta vừa thắng giặc.
28. Quân lính vội thu dọn tạm một chỗ để vua Trần Thái Tông họp triều đình. Các vương hầu cùng các tướng đều đông đủ. Mọi người làm lễ chúc thọ nhà vua và ăn mừng chiến thắng. Vua ban thưởng cho những người có công đánh giặc.
29. Nhân dịp này, Thái tử xin vua trị tội thật nặng một viên quan tên là Hoàng Cự Đà để làm gương cho những kẻ bất trung. Theo lời Thái tử thì hôm ấy là ngày 13 tháng chạp, năm Đinh Tỵ 1257, Triều đình đang rút lui khỏi Thăng Long.
30. Hoàng Cự Đà ngồi trên một chiếc thuyền nhẹ, rút về phương Nam. Đến bến Hoàng Giang thì gặp thuyền của Thái tử. Hoàng Cự Đà chèo thuyền chạy thẳng. Thái tử cho quân gọi to hỏi xem hiện nay giặc Mông Cổ ở đâu?
31. Hoàng Cự Đà vẫn không ngừng thuyền lại mà chỉ nói: "Đi mà hỏi bọn ăn muỗm, tôi không biết." Thì ra Hoàng Cự Đà vẫn còn oán giận việc nhà vua sơ sót quên không chia phần muỗm cho hắn trước đây.
32. Số là vào tháng 5, năm Ất Mão 1255, được mùa muỗm trồng dọc bờ sông Cái (Hồng Hà). Nhân dịp này vua Trần Thái Tông cho thị vệ (quan hầu vua) đem mấy gánh muỗm ra chia cho các quan trong triều, mỗi người một trái lớn
33. Không hiểu vì sao lại để sót Hoàng Cự Đà không có phần. Hoàng Cự Đà bực tức vì một trái muỗm chả đáng là bao, nhưng lộc vua ban không có là một cái nhục. Vì thế cho nên Hoàng Cự Đà thù oán mãi. Và Hoàng Cự Đà đã không ngừng thuyền để đón tiếp và trả lời Thái tử.
34. Nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, vua Trần Thái Tông thong thả phán: "Hoàng Cự Đà có lỗi vì chút thù nhỏ, mà quên nghĩa lớn với đất nước. tuy nhiên Trẫm cũng có lỗi một phần vì chia lộc nước chưa công minh. Vậy tha tội cho Hoàng Cự Đà."
35. Sau đó vua Trần Thái Tông lại ban rượu cho các quan cùng uống. Uống rượu xong rồi, mọi người vui vẻ dắt tay nhau, cùng múa hát rất thân mật. Bỗng có thị vệ vào tâu vua có 2 sứ giả của Mông Cổ xin vào chầu. Vua cho vào.
36. Hai sứ giả Mông cổ tiến vào trong sân. Thị vệ bắt chúng quỳ xuống nhưng chúng không chịu, mà chỉ nghiêng mình vái chào và dâng thư lên. Các tướng tức giận, muốn xông ra đánh nhưng vua Trần Thái Tông ngăn lại, rồi nhận thư đọc.
37. Trần Thái Tông xem thư thấy Ngột Lương Hợp Thai tuy đã thua chạy về Vân Nam mà lại còn sai sứ sang dụ hàng. Trần Thái Tông tức giận, truyền đuổi chúng, ném thư trả lại. Triều thần thấy vua cương quyết như thế đều vui lòng hả dạ.
38. Tuy nhiên, vì không muốn kéo dài chiến tranh, nên sau đó vua Trần Thái Tông lại cử Lê Phụ Trần làm chánh sứ, sang Tàu cầu hòa với nhà Nguyên. Lê Phụ Trần vào gặp vua Mông Cổ và xin cứ ba năm lại đem lễ vật sang cống một lần.
39. Từ năm 1251, Trần Thái Tông đổi niên hiệu là Nguyên Phong. Đến năm 1258 thắng quân Mông Cổ rồi, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Hoảng. Trần Thái Tông muốn dạy bảo mọi việc trị nước cho Thái tử để ngày sau, anh em không tranh quyền của nhau.
40. Triều đình tôn Trần Thái Tông lên làm Thái Thượng Hoàng để cùng coi việc nước với Thái tử Trần Hoảng tức Trần Thánh Tông. Trần Thái Tông là một vị vua nhân từ, trị vì được 33 năm, làm Thái Thượng Hoàng được 19 năm thì mất 1277, hưởng thọ 60 tuổi.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Nguyễn Văn Sang
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)