GIAO AN

Chia sẻ bởi Nguyễn Thị Yến | Ngày 10/10/2018 | 31

Chia sẻ tài liệu: GIAO AN thuộc Toán học 3

Nội dung tài liệu:

KIỂM TRA NỘI BỘ TRƯỜNG HỌC

1.Cung cấp cho cán bộ quản lí (CBQL)
và cộng tác viên thanh tra (CTVTT) những hiểu biết chính xác các thuật ngữ khoa học mang tính công cụ về các hoạt động thanh-kiểm tra; từ đó có nhận thức đúng đắn về mặt lí luận cơ bản, xác định rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động này trong công tác quản lý - thanh tra GD.
MỤC TIÊU CHUYÊN ĐỀ
2.Trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn trong nghiệp vụ kiểm tra nội bộ đơn vị trường học đối với một số đối tượng hoạt động chính trong nhà trường hiện nay : Hiệu trưởng và cộng tác viên thanh tra.
3.Tiếp cận công tác nghiên cứu khoa học giáo dục, giúp Hiệu trưởng và cộng tác viên thanh tra xây dựng được kế hoạch, qui trình kiểm tra nhằm đánh giá đúng tác dụng của các thành tố sư phạm trong nhà trường, từ đó tự đánh giá được hiệu quả công tác quản lí của mình.
PHẦN MỞ ĐẦU
Hoạt động kiểm tra nội bộ trường học (KTNBTH) hay còn gọi là kiểm tra nội bộ đơn vị là hoạt động truyền thống của ngành GD (diễn ra từ lâu và thường xuyên trong các mặt hoạt động GD). Nó góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu quả SP, nâng cao chất lượng dạy-học. Trong thực tiễn, nhiều Hiệu trưởng (HT) đã tổ chức được những mạng lưới kiểm tra chặt chẽ hoạt động dạy và học, đưa nhà trường vào kỷ cương, nền nếp.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là còn nhiều HT nhận thức về công tác KTNBTH chưa đầy đủ về nội dung, đối tượng; dẫn đến tư tưởng xem nhẹ hoạt động này, làm một cách đối phó hay tổ chức thực hiện một cách lệch lạc, xem nó là một biện pháp trong phong trào thi đua Hai tốt : kiểm tra để xếp loại, bình bầu danh hiệu hay kiểm điểm những sai phạm nào đó.
Chúng ta cần có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về khái niệm, vị trí, chức năng, nguyên tắc, đối tượng, nội dung… của hoạt động KTNBTH; xác định rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động này trong công tác quản lí trường học và thanh tra GD.

Kiểm tra, đánh giá đúng đắn sẽ nắm bắt được các sai sót, mâu thuẫn trong quá trình tổ chức, chỉ đạo hoạt động dạy-học và kịp thời xử lí các mâu thuẫn, sai sót đó; kể cả việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo.

Kiểm tra cũng là một biện pháp tích cực để khắc phục bệnh quan liêu. Có thể nói rằng quản lí và kiểm tra là một. Quản lí mà không tổ chức kiểm tra thì coi như không quản lí.
Phần I
CƠ SỞ LÍ LUẬN

I. KHÁI NIỆM : KTNBTH LÀ GÌ ?

Kiểm tra trong GD vừa là điếu tra, xem xét, đánh giá tác dụng một quá trình hoạt động sư phạm vừa là kiểm tra, đánh giá hiệu quả của người CBQL. Chức năng kiểm tra nói chung không chỉ nhằm tiến tới, nhận xét kết luận sự việc mà còn nhằm xác định phương hướng, mục tiêu, điều chỉnh kế hoạch cho một quyết định mới.
Trước hết, cần phân biệt các khái niệm thanh tra, kiểm tra, kiểm soát; sự giống nhau và khác nhau giữa các tổ chức thanh tra GD (TTGD), kiểm tra thi đua và thanh tra nhân dân (TTND).
Điểm giống nhau rất cơ bản giữa các hoạt động và tổ chức này là đều kiểm tra, theo dõi, giám sát, phát hiện các hoạt động SP ở cả hai mặt đúng-sai, tốt xấu nhằm động viên, uốn nắn, giúp đỡ đội ngũ CB-GV-NV hoàn thành nhiệm vụ. Bản chất của các hoạt động này đều thể hiện mối quan hệ nghịch giữa CBQL và các đối tượng được quản lí.
Mặt khác nhau giữa các hoạt động và tổ chức này thể hiện ở phạm vi, hình thức, tổ chức, phương thức hoạt động và các nguyên tắc, quyền hạn xử lí theo luật định.
Kiểm tra : Xem xét, nhận định từ bên trong.
(Đánh giá trong)

Kiểm soát : Soát xét, phát hiện ở vòng ngoài.

Thanh tra : Nhận định, đánh giá từ ngoài vào.
(Đánh giá ngoài)

VD: - Hành khách tự kiểm tra mình đã mua vé xe chưa?
Phụ xe kiểm tra vé của hành khách
Kiểm soát viên kiểm soát vé của hành khách.
Thanh tra giao thông thanh tra theo luật định.
Thanh tra đánh giá cả người kiểm soát lẫn người kiểm tra
- Thanh tra GD : Tổ chức nhà nước chuyên trách thanh tra hoạt động GD được qui định trong Luật Thanh tra (mục 2, chương II) và Luật GD (mục 4, chương VII) có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được xác định bằng các văn bản dưới luật.
- Ban Thanh tra nhân dân: Tổ chức quần chúng trực thuộc BCH. Công đoàn cơ sở để kiểm soát, giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ chính sách và kế hoạch năm học của BGH, phát huy quyền làm chủ tập thể của CB-GV-NV ở đơn vị trường học (điều 11, chương I Luật Thanh tra và CV 469 ngày 22-10-2009 của CĐ.GDVN)).
- Kiểm tra thi đua : Tổ chức liên tịch của ngành, đơn vị, địa phương nhằm xem xét, đánh giá thành tích để bình bầu, công nhận các danh hiệu của đơn vị, tập thể, cá nhân tiên tiến trong phong trào thi đua Hai tốt theo những tiêu chuẩn riêng và danh sách đăng kí trước.

+ Nói chung, thanh tra-kiểm tra-đánh giá thi đua là những hoạt động khoa học và sư phạm, không phải ai cũng làm được mà phải có nghiệp vụ chuyên ngành; không phải lúc nào cũng thanh-kiểm tra tùy tiện được mà phải có tổ chức, kế hoạch vào thời điểm thích hợp.
Một cách tổng quát, KTNBTH được hiểu như sau:

- KTNBTH là một chức năng quản lí của người HT để theo dõi, xem xét, đánh giá các hoạt động SP trong phạm vi nội bộ trường mình nhằm xác định kết quả GD có phù hợp với mục tiêu (toàn diện), kế hoạch (cân đối), nội dung (chính xác), phương pháp (phù hợp), qui chế (chặt chẽ) … đã đề ra hay không.
- Tìm ra nguyên nhân của những sơ hở, sai sót và lệch lạc trong toàn bộ các mặt hoạt động GD của đơn vị để kịp thời khắc phục, sửa chữa và uốn nắn để nâng cao hiệu quả quản lí và chất lượng GD, đưa nhà trường tiếp cận với mục tiêu GD một cách có kỷ cương và nền nếp.
- Hiệu trưởng là người ra quyết định, tổ chức, phân công và chỉ đạo hoạt động KTNBTH đạt tới hiệu quả cao nhất. Hiệu trưởng tiến hành KTNBTH cũng chính là tự kiểm tra công tác quản lí của mình.
II. VỊ TRÍ KIỂM TRA NỘI BỘ TRƯỜNG HỌC

Hiệu trưởng quản lí nhà trường bằng 3 phương thức: Kế hoạch, pháp chế và thi đua.
Trong chu trình quản lí, hoạt động kiểm tra được xếp thứ tư sau ba khâu kế hoạch hóa (KHH), tổ chức (TC) và chỉ đạo (CĐ).

Tuy xếp ở vị trí thứ tư nhưng hoạt động kiểm tra không có nghĩa đứng phía sau các hoạt động khác, là động tác sau cùng mà nó là mắc xích rất quan trọng trong 4 khâu của chu trình quản lí vì trong thực tế lao động hàng ngày của người HT có năng lực, trước khi có quyết định mới về kế hoạch phải kiểm tra, khi tổ chức thực hiện đều phải kiểm tra và trong quá trình chỉ đạo cũng phải kiểm tra.
III. CHỨC NĂNG KTNBTH
Hoạt động KTNBTH có 4 chức năng chính:
1. Kiểm soát và phát hiện
Kiểm soát và phát hiện là chức năng đầu tiên của hoạt động kiểm tra nhằm xác định thực chất , hiệu quả GD. Kiểm soát đúng sẽ phát hiện được các ưu khuyết điểm của các bộ phận, các tổ chuyên môn, từng CB-GV-NV, giúp cho HT làm tốt công tác điều khiển, định hướng trong công tác quản lí-chỉ đạo. Chức năng kiểm soát-phát hiện một khi được thể hiện thường xuyên sẽ giúp cho CBQL không mắc bệnh quan liêu.
2. Động viên phê phán
Động viên phê phán mang thuộc tính tâm lí xã hội. Nhờ kiểm tra thường xuyên HT mới nắm được đầy đủ diễn biến tư tưởng, tình cảm, tài năng và đức độ của cả thầy và trò. Mọi ý kiến giáo dục, động viên, phê phán đều xuất phát từ khâu kiểm tra, đánh giá.
Bản thân hoạt động kiểm tra đã mang tính chất động viên phê phán đối với đối tượng quản lí. Thật là trì trệ nếu trong một nhà trường người GV tích cực cũng như GV tiêu cực, HS tốt cũng như HS xấu đều bị cào bằng như nhau, không được khen thưởng, xử phạt đúng mức.
Động viên phê phán là một chức năng quan trọng của hoạt động KTNBTH, của nghệ thuật quản lí để tạo nên niềm tin vững chắc giữa tập thể với CB lãnh đạo. Khi được kiểm tra, đánh giá chắc chắn GV và HS sẽ phải nỗ lực làm việc tốt hơn để bộc lộ phẩm chất và tài năng của họ.
3. Nhận định đánh giá
Nhận định đánh giá trong kiểm tra nhằm đo lường, xác định hiệu quả của lao động SP, xác định trình độ thực hiện kế hoạch, xác định phẩm chất và năng lực của đội ngũ GV lẫn tập thể HS.
Nhận định đánh giá còn nhằm thẩm định những tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan; nguyên nhân và mức độ của những sơ hở và sai sót trong quá trình lao động SP để giúp HT đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa; điều chỉnh các quyết định nhằm bảo đảm cho chu trình quản lí được liên tục và đạt kết quả cao.
4. Thu thập thông tin
Thu thập thông tin là chức năng trung tâm của hoạt động quản lí. Quản lí mà thiếu thông tin hoặc nhận thông tin sai lạc cũng giống như “thầy bói xem voi”, hiện tượng đơn lẻ nào cũng qui thành bản chất, dẫn đến những biện pháp xử lí lệch lạc, làm mất lòng tin của đội ngũ CB-GV-NV và tập thể HS.
Chỉ qua hoạt động kiểm tra mới thu thập được những thông tin đáng tin cậy. Việc xử lí đúng đắn các thông tin giúp cho HT điều chỉnh kế hoạch, tác động kịp thời vào các tổ chức và bổ sung quyết định cho chu trình quản lí mới.
IV. NGUYÊN TẮC KTNBTH
Ngoài những nguyên tắc hết sức cơ bản trong khoa học quản lí GD phải luôn luôn nắm vững như nguyên tắc tính Đảng, tính khoa học, tính dân chủ, tính thực tiễn… người HT phải nhận thức đúng về tầm quan trọng cũng như xác định rõ tính đa dạng, phức tạp của loại hình công việc KTNBTH. Tại sao? - Vì đối tượng kiểm tra trong nhà trường là con người (GV-HS) và nội dung kiểm tra mang tính sư phạm cao (dạy-học và các hoạt động vệ tinh) – Mục đích của kiểm tra là vì sự tiến bộ của con người, là để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo. Do đó, không thể tiến hành KTNBTH một cách tùy hứng. Khi tổ chức thực hiện, HT nhất thiết phải đặc biệt coi trọng 5 nguyên tắc phổ biến sau đây:
1. Nguyên tắc pháp chế
HT chính là người đại diện nhà nước trong trường học. Quyết định của HT phải được coi là “tiếng nói” của pháp luật. Ai chống đối quyết định kiểm tra là chống đối pháp luật. Ngược lại, nếu HT lợi dụng kiểm tra để thực hiện ý đồ cá nhân, thì trước tiên, HT chính HT vi phạm nguyên tắc này, tức là vi phạm pháp luật.
2. Nguyên tắc kế hoạch

Cơ sở khoa học của nguyên tắc kế hoạch là tính thống nhất trong việc thực hiện mục tiêu GD, là bảo đảm sự ổn định của các mặt hoạt động toàn diện khác vì mục tiêu giáo dục-đào tạo HS. Kiểm tra có kế hoạch là đưa công việc kiểm tra vào đúng quỹ đạo trung tâm của hoạt động dạy và học một cách hợp lí và thống nhất, không gây xáo trộn hoặc cản trở việc tiến hành các mặt hoạt động GD khác.
3. Nguyên tắc khách quan
Cơ sở khoa học của nguyên tắc khách quan chính là tính trung thực trong hoạt động kiểm tra. Người kiểm tra phải tuyệt đối tôn trọng sự thật khách quan trong quá trình phát hiện, đánh giá và xử lí. Không được vì bất cứ động cơ, lí do nào để có những nhận định lệch lạc, sai trái với sự thật hiển nhiên.
Hình thức biểu hiện của nguyên tắc khách quan là tính công khai, dân chủ và công bằng.
4. Nguyên tắc hiệu quả
Cơ sở khoa học bảo đảm nguyên tắc hiệu quả là hiệu suất lao động và lợi ích kinh tế giáo dục trong hoạt động kiểm tra. Kiểm tra phải gọn nhẹ, không tốn kém. Kiểm tra để giải quyết thỏa đáng và dứt điểm các sai sót và mâu thuẫn, để thúc đẩy các mặt tốt và hạn chế mặt tiêu cực, tuyệt đối không được để các vụ việc dây dưa kéo dài hay xử lí phản tác dụng.
5. Nguyên tắc giáo dục
Cơ sở khoa học của nguyên tắc GD trong hoạt động KTNB là tính sư phạm kết hợp với lòng nhân ái. Kiểm tra là để nắm chắc thông tin, hiểu biết và giúp đỡ con người tiến bộ. Kiểm tra phải mang tính thiện chí. Tính giáo dục bộc lộ rõ ở mục đích, nội dung, đối tượng và phương pháp kiểm tra.
Bảo đảm tốt nguyên tắc GD sẽ góp phần làm chuyển biến quá trình KTNBTH thành tự kiểm tra, thành hoạt động thường xuyên tự bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ.
Vấn đề cần trao đổi thảo luận
Vậy nguyên tắc GD có mâu thuẫn với nguyên tắc pháp chế không?
Làm thế nào để thể hiện cùng lúc hai nguyên tắc phổ biến này?

Để giải quyết vấn đề khá phức tạp trên, trước tiên cần trả lời được hai câu hỏi đơn giản này: Cộng tác viên thanh tra là ai? Cần có những phẩm chất, năng lực cơ bản gì?
Kiểm tra : Nắm vững qui pháp chế để đối chiếu, so sánh, phát hiện đúng sai.
Đánh giá : Nhận định, đánh giá đúng mức độ thực trạng, xếp loại theo tiêu chuẩn.
Tư vấn : Hướng dẫn khải đạo, giúp đỡ bồi dưỡng GV tự thân vận động (không áp đặt)
Lời khuyên đối với
cộng tác viên thanh tra:
Cộng tác viên thanh tra (đ. 32-33, m.3, ch.II, LTTr.) trước tiên phải là nhà giáo chân chính (hội đủ những tiêu chuẩn về thâm niên, trình độ, phẩm chất theo luật định)
đồng thời là nhà tư pháp
là trọng tài
và quan trọng nhất là nhà tâm lí…
V. ĐỐI TƯỢNG KTNBTH
Đối tượng KTNBTH bao gồm 9 thành tố cùng bảo đảm sự hoạt động thống nhất và đồng bộ trong nhà trường nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục-đào tạo:
1.Mục tiêu (ĐT), 2.Nội dung (CT), 3.Phương pháp (GD), 4-5.Đội ngũ (CB-GV-NV và HS), 6.Hoạt động phục vụ (HC-TC), 7.CSVC-TTBKTDH, 8.Kết quả và 9.Mối quan hệ tương tác (toàn diện) của chúng với nhau.
Người CBQL thường tiếp cận với 9 thành tố kể trên nhưng 3 thành tố mục tiêu, nội dung, phương pháp hoặc mang tính pháp chế cao hoặc tương đối ổn định nên qua kiểm tra có thể thấy những bất hợp lí nhưng không dễ thay đổi, chỉ tập trung kiến nghị và chờ đợi.
(Nhân đây cần bác bỏ quan niệm sai lạc tồn tại dai dẳng trong GV cho rằng sách giáo khoa là “pháp lệnh” cần nhất nhất tuân theo không được nói khác, làm khác trong khi Tổ chuyên môn có thể lập biên bản giải quyết các khái niệm không chính xác hoặc các thí nghiệm bất khả thi để tránh các trường hợp soạn giáo án đối phó, thiếu trung thực.)
Trong 6 đối tương KTNB còn lại, HT chủ yếu quan tâm đến các thành tố con người GV-HS (ít quan tâm nhân viên), sau đó mới đến CSVC-TBKT, hoạt động phục vụ dạy và học (HC-TC), cuối cùng là kết quả GD và mối quan hệ tương tác giữa 8 thành tố với nhau.
* Vậy HSSS, giáo án của tập thể Tổ và cá nhân GV thuộc thành tố kiểm tra nào?
(Câu trả lời sẽ có trong phần nói đến nội dung kiểm tra)
VI. NỘI DUNG KTNBTH


Một cách tổng quát, có bao nhiêu đối tượng kiểm tra thì có ít nhất chừng ấy nội dung kiểm tra.
Phần II


NGHIỆP VỤ THANH TRA
I. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KTNB NĂM HỌC

Trên cơ sở 45 nội dung kiểm tra bao trùm lên 9 đối tượng kiểm tra, cọng với những nội dung mới phát động theo từng chủ đề năm học: Hai không, trường học thân thiện..., HT xây dựng kế hoạch KTNB trường mình sao cho thật sát hợp, ngắn gọn, thiết thực.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH NĂM

1. Căn cứ xây dựng kế hoạch
a. Đặc điểm tình hình
b. Căn cứ pháp lí
2. Những nội dung và chỉ tiêu chủ yếu
- Liệt kê những nội dung cụ thể theo từng đối tượng cần kiểm tra trong năm
- Làm lịch kiểm tra theo mẫu trong đó có sẵn các mốc thời gian theo qui định biên chế năm học của Bộ và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Sở
- Đưa các nội dung cụ thể vào thời gian trống phù hợp theo lời khuyên ở dưới.
3. Lịch kiểm tra cụ thể
III. KẾ HOẠCH KIỂM TRA THÁNG
Nội dung kiểm tra mỗi tháng dựa vào các đầu việc của kế hoạch năm nhưng được cụ thể hóa, không chỉ ghi đầu việc mà còn ghi rõ địa chỉ, thời gian tiến hành; sao cho đối tượng được kiểm tra có ý thức chủ động kiểm tra phòng ngừa và tự kiểm tra phần việc của họ.
Kế hoạch KT tháng được phân phối theo lịch biểu gợi ý sau :
IV. KẾ HOẠCH KIỂM TRA TUẦN
Nếu kế hoạch kiểm tra tuần không quá phức tạp thì ghi chung vào lịch công tác tuần của Hội đồng GV, của Hiệu trưởng và các Phó hiệu trưởng với nội dung thật cụ thể (VD: Dự giờ kiểm tra GV..., môn ..., lớp..... bài dạy................)
Trừ các nội dung khác, hoạt động dự giờ có thể thông báo mời các Gv cùng bộ môn trống giờ tham dự để thông qua việc góp ý cho đối tượng kiểm tra, những GV này cũng rút được kinh nghiệm cho bản thân để tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Mười lời khuyên khi làm kế hoạch KTNBTH
1. Dự thảo toàn bộ công việc diễn ra trong năm nhằm giáo dục toàn diện học sinh.
2. Nội dung kiểm tra phải chú trọng đầy đủ 9 đối tượng trong nhà trường (kể cả những thành tố trừu tượng như mục tiêu toàn diện hoặc phòng chống bạo lực HĐ).
3. Phân phối hợp lí trong từng tháng. Khối lượng HKI thường nhiều hơn HKII (6/4).
4. Đảm bảo tính ổn định đối với các hoạt động cơ bản theo biên chế năm học của Bộ và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Sở.
5. Phối hợp đồng bộ giữa KTNB với TTGD cấp trên.
Mười lời khuyên khi làm kế hoạch KTNBTH

6. Kiểm tra toàn diện các bộ phận, tập thể lớp, Tổ chuyên môn…và hoạt động sư phạm của cá nhân GV chỉ bảo đảm chừng 25% tổng số hiện có, không làm tràn lan thiếu hiệu quả. Còn lại kiểm tra chuyên đề theo chu kì 4 năm.

7. Bố trí kiểm tra CSVCTB làm trước hoặc sau năm học.

8. Riêng tài chính phải kiểm tra hàng tháng. Mọi sổ sách kế toán thanh toán, tổng hợp không được tẩy xóa và có đủ chữ kí của chủ tài khoản. Mọi khoản tạm ứng phải thanh toán kịp thời. Mọi chứng từ thu, chi, hóa đơn phải được lưu giữ cẩn thận.

9. Xây dựng kế hoạch phải từ cơ sở và phải thông qua cơ sở. Kiểm tra và thanh tra đều không có gì bí mật. Kế hoạch kiểm tra phải được tiến hành công khai, đúng qui trình, nhận xét phải hết sức khách quan, đánh giá phải công bằng và dân chủ.

10. Hiêu trưởng là người xây dựng, theo dõi việc tổ chức thực hiện và ra quyết định điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết.
IV. QUI TRÌNH KTNBTH
Thực hiện Thông tư số 02/2010/TT-TTCP ngày 02-3-2010 của Thanh tra chính phủ Qui định quy trình tiến hành một cuộc thanh tra, Thanh tra Sở hướng dẫn các đơn vị vận dụng các qui định đó để bảo đảm ba giai đoạn trong quá trình tiến hành một cuộc kiểm tra nội bộ của đơn vị như sau ( Những nội dung in nghiêng nhạt có thể lược bớt nếu không cần thiết )
1. Giai đoạn 1: Chuẩn bị kiểm tra. Gồm 5 bước chính sau:
a. Khảo sát, nắm tình hình đối tượng kiểm tra.
b. Ra quyết định kiểm tra. c. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch kiểm tra (KHKT).
d. Phổ biến KHKT.
đ. Xây dựng đề cương, nội dung yêu cầu đối tương kiểm tra báo cáo, khảo sát.
e. Thông báo về việc công bố quyết định kiểm tra.
2. Giai đoạn 2: Tiến hành kiểm tra. Gồm 7 bước chính sau:


a. Công bố Quyết định kiểm tra.
b. Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra.
c. Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu.
d. Báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.
đ. Sửa đổi, bổ sung kế hoạch kiểm tra.
e. Thay đổi trưởng đoàn, thành viên; bổ sung nhân sự đoàn kiểm tra.
f. Gia hạn thời gian kiểm tra.
g. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ phận, thành viên.
h. Ghi chép Nhật ký đoàn kiểm tra.
i. Kết thúc hoạt động kiểm tra.
3. Giai đoạn 3: Kết thúc kiểm tra. Gồm 5 bước chính sau:

a. Xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra.
b. Đánh giá chứng cứ kiểm tra.
c. Xem xét báo cáo kết quả kiểm tra.
d. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của người ra quyết định kiểm tra.
đ. Xây dựng dự thảo kết luận kiểm tra.
e. Ký ban hành và công bố kết luận kiểm tra.
f. Giao trả hồ sơ tài liệu.
g. Tổng kết cuộc kiểm tra.
THANH TRA TOÀN DIỆN ĐƠN VỊ,
HĐSP GIÁO VIÊN
VÀ THANH TRA THI
MỤC TIÊU CHUYÊN ĐỀ
1.Thông qua chuyên đề này, giúp CBQL nhận thức rõ hơn về nội dung chuyên đề Kiểm tra nội bộ đơn vị đã trình bày ở trước, giúp đội ngũ CTV thanh tra nhận rõ tầm quan trọng của hoạt động thanh tra toàn diện đơn vị, có hiểu biết nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ được phân công khi tham gia đoàn thanh tra và tham mưu cho thủ trưởng đơn vị về KTNBTH
2.Thống nhất lại các yêu cầu về nội dung, qui trình và hồ sơ theo Thông tư 43/TT-BGDĐT ngày 20-10-2006 và công văn 106/TTr ngày 31-3-2004 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra toàn diện nhà trường và hoạt động SP của nhà giáo để cộng tác viên thanh tra có thể tự tiến hành một cuộc thanh tra hoạt động sư phạm của cá nhân GV theo phương thức độc lập.
3.Trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn trong nghiệp vụ thanh tra các kỳ thi TN.THPT, tuyển sinh lớp 10, kiểm tra HKII lớp 9, lớp 5 và các kỳ thi, kiểm tra khác từ khâu coi, chấm thi cho đến khâu xét duyệt, công nhận kết quả nhằm góp phần làm cho các kỳ thi, kiểm tra diễn ra an toàn, chính xác, công bằng, đúng qui chế.
Phần I


THANH TRA
TOÀN DIỆN ĐƠN VỊ
Thông thường, khi tham gia đoàn thanh tra của Sở, đội ngũ cộng tác viên thanh tra (CTVTT) chỉ chú trọng đến việc thanh tra hoạt động sư phạm của cá nhân GV (sẽ trình bày ở phần II) mà ít quan tâm đến hoạt động thanh tra toàn diện đơn vị là nhiệm vụ chính của mình.
Để thống nhất rằng đây là nhiệm vụ trung tâm, CTVTT cần chú ý mấy điểm sau:
1. Lên lịch làm việc một cách chi tiết và cụ thể nhằm thực hiện nhiệm vụ do Trưởng đoàn giao trong đó ưu tiên cho hoạt động thanh tra 4 nội dung của đơn vị rồi mới đến thanh tra toàn diện GV sau khi đã thống nhất với Tổ trưởng chuyên môn. Lịch làm việc của CTVTT (được coi là kế hoạch cá nhân) nộp cho lãnh đạo đoàn ngay sau buổi làm việc thứ nhất.
2. Tùy theo nhiệm vụ được phân công CTVTT sử dụng các biểu mẫu số 1,2,3,4 hoặc biên bản bộ phận, hoặc biên bản làm việc để ghi lại kết quả thanh tra.
a.Mẫu 1: BIÊN BẢN THANH TRA Về đội ngũ cán bộ, nhà giáo và nhân viên.

+ Kết quả kiểm tra lần lượt từ BGH, GV (xếp theo bộ môn) đến nhân viên.
- Số lượng : đủ, thiếu, thừa theo qui định (có hiện tượng GV dạy chéo môn không).
- Chất lượng : tỉ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn ( danh hiệu GV giỏi, nhà giáo ưu tú ?)
+ Nhận xét về ưu-khuyết điểm đội ngũ và kiến nghị.
b. Mẫu 2: BIÊN BẢN THANH TRA
Về cơ sở vật chất kỹ thuật

+ Kết quả kiểm tra 5 nội dung:
- Diện tích khuôn viên (đủ chuẩn theo qui đinh?), cảnh quan môi trường SP.
- Khối phòng học, P.làm việc, P.bộ môn, P.TNTH, P.truyền thống, thư viện, y tế.
- Khu để xe, sân chơi bãi tập, nhà đa chức năng, khu nội trú, bếp ăn tập thể (nếu có)
- Mạng máy tính, trang thiết bị, ĐDDH, sách thư viện.
- Việc sử dụng và bảo quản CSVCKT.
Kinh phí cho hoạt động GD: (số liệu cụ thể lấy từ thanh tra viên tài chính)
+ Nhận xét về ưu-khuyết điểm CSVCKT và kiến nghị.
c. Mẫu 3: BIÊN BẢN THANH TRA
Về thực hiện kế hoạch giáo dục

+ Kết quả kiểm tra việc thực hiện 13 nội dung:
- Kế hoạch phát triển GD.
- Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy các bộ môn văn hóa.
- Thực hiện qui chế kiểm tra, thi, cho điểm, đánh giá xếp loại HS.
- Kết quả thi tốt nghiệp, thi HS giỏi (nếu có) 3 năm liền kề.
- Quản lí, cấp phát văn bằng chứng chỉ
- Tổng hợp kết quả thanh tra hoạt động SP của GV.
- Thực hiện ND chương trình GD đạo đức và xếp loại hạnh kiểm 3 năm liền kề.
- Thực hiện ND chương trình GD thẩm mỹ, thể chất.
- Thực hiện ND chương trình GD quốc phòng
- Thực hiện ND chương trình GD lao động hướng nghiệp, dạy nghề.
- Thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng theo qui định (nếu có).
- Kết quả xếp loại học lực của HS 3 năm liền kề.
- Các nhiệm vụ khác được giao (nếu có).
+ Nhận xét ưu khuyết điểm việc thực hiện kế hoạch GD và kiến nghị.
d. Mẫu 4: BIÊN BẢN THANH TRA Về công tác quản lí của thủ trưởng đơn vị.

+ Kết quả kiểm tra việc thực hiện 9 nội dung:
- Xây dựng kế hoạch GD.
- Quản lí hồ sơ công chức và bố trí, sử dụng CB-GV-NV.
- Thực hiện qui chế dân chủ, giải quyết khiếu nại tố cáo trong đơn vị.
- Công tác kiểm tra nội bộ trường học.
- Tổ chức cho CB-GV-NV tham gia các hoạt động, thực hiện chế độ chính sách.
- Quản lí tài chính-tài sản.
- Công tác tham mưu, xã hội hóa GD.
- Quản lí và tổ chức giáo dục HS.
- Phối hợp công tác với các tổ chức, đoàn thể, ban đại diện CMHS.
+ Nhận xét ưu khuyết điểm công tác quản lí và kiến nghị.
Một số điểm cần lưu ý thêm:
1. Nếu chỉ thanh tra một số nội dung nhỏ trong 4 nội dung lớn kể trên
VD: Phòng học,bộ môn, thư viện, hoạt động công đoàn, ban đại diện CMHS.. thì CTVTT dùng biên bản bộ phận hoặc biên bản làm việc. Phần cuối các mẫu biên bản này ngoài chữ kí của TTV đều phải có chữ kí của đối tượng TTr. và xác nhận có đóng dấu của BGH.

2. Ngoài ra, CTVTT có thể được phân công tổng hợp một số phiếu khảo sát về chất lượng đội ngũ, uy tín BGH, thực trạng học thêm trong và ngoài nhà trường….

3. Các nhận xét ưu khuyết điểm phải có địa chỉ rõ ràng, cụ thể ( họ và tên GV, Tổ nhóm chuyên môn, họ tên HS, lớp…), các kiến nghị phải khả thi và mang lại hiệu quả rõ rệt (nếu cần, phải photocopy các tư liệu minh chứng cho nhận xét đánh giá ưu khuyết điểm đó đính kèm biên bản)
4. Biên bản phải ghi hoặc đánh vi tính rõ ràng, không tẩy xóa. Trường hợp ghi sai có thể gạch ngang, ghi lại nội dung đúng và ký xác nhận “Tôi sửa” ở lề gần nhất.
5. CTVTT phải báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ được phân công và nộp biên bản bộ cho lãnh đạo đoàn thanh tra chậm nhất một ngày trước ngày tổng kết thanh tra.
Phần II

THANH TRA HOẠT ĐỘNG
SƯ PHẠM CỦA GIÁO VIÊN
I. Mục đích yêu cầu

Thanh tra hoạt động sư phạm của giáo viên (TTHĐSPGV) nhằm đánh giá khách quan, toàn diện HĐSPGV để tư vấn biện pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy; đôn đốc việc tuân thủ qui chế chuyên môn; xác định những căn cứ quan trọng để quyết định việc bố trí sử dụng, đào tạo bồi dưỡng và đãi ngộ GV một cách hợp lí. Do đó, CTVTT cần chú ý các điểm sau:
- Kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả giảng dạy của GV một cách khách quan, trung thực, thẳng thắn trên cơ sở đối chiếu với qui định của chương trình, nội dung, phương pháp và kế hoạch giảng dạy.
- Xem xét rộng rãi hoạt động toàn diện của GV (kể cả hoạt động dạy thêm ở nhà) để phát hiện tiềm năng, hạn chế nhằm giúp phát triển các năng lực sở trường vốn có và khắc phục hạn chế, sai sót.
II. Nội dung và hồ sơ
TTHĐSPGV có 4 nội dung:
1.Nghiệp vụ SP, 2.Qui chế chuyên môn, 3.Hiệu quả giảng dạy, 4. Phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống
và được sắp xếp trong bộ hồ sơ theo thứ tự sau :

1. Bìa : HỒ SƠ THANH TRA HĐSP CỦA GIÁO VIÊN NĂM HỌC ………………..
2. mẫu 7 : BIÊN BẢN THANH TRA HĐSP CỦA GIÁO VIÊN
3. Ít nhất hai PHIẾU DỰ GIỜ đối tượng thanh tra.
4. PHIẾU NHẬN XÉT-ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN QUI CHẾ CHUYÊN MÔN
5. BẢN NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ CỦA HIỆU TRƯỞNG (GIÁM ĐỐC) VỀ PHẨM
CHẤT CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC LỐI SỐNG CỦA GIÁO VIÊN.
III. Hướng dẫn thực hiện
1. Sau khi làm việc với Tổ trưởng chuyên môn để xác định đối tượng thanh tra toàn diện (3 GV khá-giỏi, TB, yếu hay 2GV khá-giỏi, yếu), CTVTT xem TKB, lịch báo giảng để xác định giờ dự ghi vào lịch làm việc (Họ và tên GV…., tiết…., lớp, bài dạy ………………..) cùng một số GV dự giờ tham khảo khác.
2. Việc chọn giờ dự cố gắng đủ các phân môn, tiết lý thuyết, thực hành thí nghiệm (MN: hoạt động dạy, hoạt động ngoài trời; TH: Tiếng Việt, Toán, THCS&THPT: Ngữ văn, Làm văn; Toán: Đại số, Hình học). Nếu cần, kiến nghị nhà trường chỉnh TKB cho phù hợp.
Mời các GV cùng bộ môn không có tiết cùng dự giờ để rút kinh nghiệm chung.
3. Trừ tiết dự tham khảo, hai tiết dự giờ thanh tra toàn diện phải được đánh giá cùng loại hoặc chênh nhau hai loại để xếp chung loại giữa (VD: 1 tiết tốt, 1 tiết ĐYC; xếp loại trình độ CMNV chung: KHÁ hoặc 1 tiết khá, 1 tiết 0ĐYC; xếp loại trình độ CMNV chung: ĐYC).
Nếu hai tiết chênh nhau một loại, phải bố trí dự tiết thứ 3; tiết thứ 3 xếp trùng vào một trong hai tiết trước thì xếp chung loại đó).
4. Sau khi dự giờ, TTV phải tiến hành kiểm tra HS 15 phút để đánh giá hiệu quả tiết dạy. Đề kiểm tra ngắn gọn, nội dung thuộc bài vừa dạy hay bài liền kề trước đó (có thể thống nhất với GV). TTV chấm điểm, hòa chung với kết quả kiểm tra của GV trước đó (chất lượng đầu năm, HKI...) để đánh giá hiệu quả giảng dạy của GV.


5. Trước khi dự giờ, GV phải nắm vững vị trí lớp (theo sơ đồ trường cung cấp), giờ giấc, mượn trước SGK và tư liệu liên quan (ở Thư viện trường). Tuyệt đối không hỏi GV,HS vị trí lớp học, không vào trễ giờ hoặc mượn SGK của HS trong lớp.
6. Chỉ góp ý và đánh giá tiết dạy sau khi đã dự xong 2 tiết. Nên bố trí nơi góp ý biệt lập, giờ góp ý khác buổi để GV thoải mái và đủ thành phần dự tham gia. Nên để GV tự nhận xét đánh giá xếp loại trước, sau đó mới các thành viên tham dự, cuối cùng TTV mới nhận xét, đánh giá. Trong quá trình nhận xét đánh giá nên nương theo bài soạn GV và đối tượng HS, không nên áp đặt theo kinh nghiệm cá nhân của TTV.

7. Phần lí lịch GV trong phiếu nhận xét của HT do TTV ghi và nộp một lần cho HT.
Phần III


NGHIỆP VỤ THANH TRA THI
Công tác thanh tra thi thực hiện theo Quyết định số 41/2006/QĐ-BGDĐT ngày 16-10-2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Qui định về tổ chức và hoạt động thanh tra các kỳ thi, văn bản số 405/BGDĐT-TTr ngày 16-01-2007 của Chánh thanh tra Bộ về Hướng dẫn thanh tra thi, văn bản số 260/TTr ngày 8-4-2009 về Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra thi và các Quy chế thi của các ngành bậc học có liên quan.
Thanh tra thi bao gồm 3 khâu:

1. TT công tác chuẩn bị thi,
2. Thanh tra coi thi,
3. Thanh tra chấm thi

(Không kể thanh tra giải quyết khiếu tố về thi do Thanh tra Sở chuyên trách).
1. Thanh tra công tác chuẩn bị thi
a. Thanh tra hoạt động của Ban chỉ đạo thi địa phương: Có văn bản hay chủ trương gì trái với Qui chế của Bộ hay hướng dẫn của Sở. Sự phối hợp của các tổ chức công an, điện lực, y tế, truyền thông, giao thông… để tập trung phục vụ cho kỳ thi.

b. Thanh tra sự bảo đảm an toàn, bí mật của kỳ thi:
Khu vực đặt HĐ thi có tường rào kiên cố, cách biệt các phòng thi với khu vực bên ngoài, phương án bảo vệ bí mật đề thi, bảo quản bài thi, an toàn cho lực lượng coi thi, phòng ngừa gây rối và vi phạm qui chế thi.

c. Thanh tra công việc chuẩn bị CSVC, nhân sự và tài chính cho kỳ thi:

Giấy thi, giấy nháp, ấn chỉ thi, phù hiệu có đầy đủ và đồng bộ không. Các phòng thi có đầy đủ bàn ghế cho GT 1-2 ( ghế của GT2 có ngồi sau và xa 2TS đầu bàn dãy cuối không), TS cách nhau ≥1m;
các vật dụng như bảng, phấn, khăn lau, ánh sáng, quạt, rèm che nắng có đầy đủ phục vụ cho ophòng thi không ?
Đã dán đầy đủ các hồ sơ phòng thi đúng qui định, có bàn ghế để vật dụng không mang vào phòng thi của TS (sát tường phòng thi) và ghế cho GT3 không. Phòng thi còn sót các bảng biểu chuyên môn, hộc bàn còn sót giấy rác không ?
Phòng CTHĐ có đủ tủ khóa niêm phong đề thi, bảo quản bài thi và hồ sơ HĐCT không. Khu vực văn phòng, phòng y tế còn có hệ thống thông tin liên lạc nào khác ngoài điện thoại bàn dùng chung cho HĐCT, các máy in, máy photocoy đã được niêm phong (cùng các phòng không dùng cho kỳ thi) theo qui định.
Nhân sự coi thi có đầy đủ, quán triệt qui chế và nghiệp vụ coi thi. Việc tổ chức cho TS học qui chế. Kiểm tra TS có nộp tiền sai qui định.
(TTV phải lập biên bản ghi nhớ và báo cáo Trưởng đoàn thanh tra nếu có sự cố bất thường trong khâu chuẩn bị của HĐCT).
2. Thanh tra công tác coi thi :
Khâu trọng tâm và diễn ra trong thời gian rất ngắn.

a. Giám sát việc thực hiện quy định về lịch thi các môn của Bộ GD&ĐT, kế hoạch phân công GT của CTHĐ và các thành viên lãnh đạo HĐ, việc mở bì đựng đề thi và qui trình giao nhận đề thi (lưu ý phòng ngừa việc mở nhầm đề hoặc tình huống HĐ sao in vào bì nhầm hoặc thiếu đề thi).
b. Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ coi thi của GT và các lực lượng tham gia kỳ thi:
Việc tổ chức và ngăn chận thí sinh thi hộ, mang tài liệu và vật dụng không qui định vào phòng thi, đánh sơ đồ phòng thi của GT2. Việc giao nhận đề thi và bảo quản bí mật các đề thi còn lại (nếu có) của GT1. Giám sát việc thực hiện hiệu lệnh kỳ thi của GT1-2. Giám sát vị trí của GT3 nhằm giúp GT1-2 ngăn chận TS trao đổi đề thi, giấy nháp, bài làm, ngồi không đúng vị trí, quay cóp, sử dụng tài liệu… Yêu cầu tất cả thành viên HĐCT đeo phù hiệu và giữ nghiêm vị trí qui định.

c. Giám sát việc thực hiện thu bài của GT1-2 (lưu ý ngăn ngừa GT cho TS ký tên nộp bài trước khi nộp bài), qui trình giao nhận bài của HĐCT và việc niêm phong, vận chuyển, bảo quản bài thi.

d. Giám sát việc xử lí các biên bản ghi nhớ và xử lí vi phạm qui chế đối với các đối tượng tham gia kỳ thi.
3. Thanh tra công tác chấm thi và xét duyệt kết quả
a. Chấm trắc nghiệm:
Giám sát cán bộ thực hiện nghiêm qui định không được mang theo vật dụng cấm khi xử lí phiếu trả lời trắc nghiệm (tẩy, bút chì…), quá trình quét và xử lí, mở và niêm phong phiếu trả lời trắc nghiệm và đĩa CD ghi các dữ liệu và kết quả bài thi…
b. Bộ phận làm phách : Giám sát qui trình làm phách và công tác bảo mật.
c Chấm tự luận:
- Giám sát việc điều hành, quản lí chấm thi của lãnh đạo HĐ về bố trí các phòng làm việc, việc giao nhận , quản lí bài thi, phân công GK chấm 2 vòng độc lập, việc thực hiện qui chế và hướng dẫn chấm, việc ghi điểm vào phiếu chấm và bài thi, chữ ký của cặp giám khảo, việc xử lí bài thi có dấu hiệu bất thường và bài chênh lệch điểm.
- Chấm thanh tra xác suất từ 5→10% tổng số bài thi bộ môn bằng cách nhận từng xấp bài ở các Phó chủ tịch bộ môn, sau đó chọn chấm ba loại bài gioỉ, TB, kém (chú ý các bài điểm liệt và các bài cùng điểm ở đầu và cuối xấp và xem lại toàn bộ số bài còn lại về thực hiện qui chế chấm (điểm bằng số, bằng chữ, họ tên-chữ ký cặp GK, khóa bài, ghi và cọng điểm thành phần…)
Các bài chấm thanh tra, tùy theo trường hợp, sẽ ghi ở phần trống đầu bài làm thí sinh:
“ Bài chấm thanh tra. Điểm không đổi” hoặc
“ Bài chấm thanh tra. Điểm thay đổi” (điểm cũ bằng số→điểm mới cả số và chữ)”
TTV ký và ghi họ tên.
Sau đó, giám sát việc điều chỉnh điểm trên bài thi và trên phiếu thống nhất của cặp GK (TTV không tham gia việc điều chỉnh điểm, chỉ yêu cầu Tổ trưởng ký xác nhận vào Phiếu thống nhất).
d. Thanh tra khâu hồi phách, dò điểm và xét duyệt kết quả

Thanh tra viên phải gương mẫu chấp hành việc phân công và các qui định làm nhiệm vụ như không mang vật dụng cấm vào phòng để tập trung giám sát GK hồi phách đúng hướng dẫn, rà soát hình thức bài thi, sửa chữa đúng qui định và sắp xếp, bảo quản bài thi gọn gàng ngăn nắp. Ghi lại các sai sót cần khắc phục vào biên bản nộp Trưởng đoàn thanh tra chấm thi để theo dõi việc xử lí. Tuyêt đối kiến nghị Tổ trưởng, lãnh đạo HĐChT không cho phép GK và CB ra về trước khi tổng kết HĐ để tránh việc không có người trực tiếp khắc phục sai sót hoặc sửa chữa một cách tùy tiện, sai nguyên tắc.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Nguyễn Thị Yến
Dung lượng: 58,91KB| Lượt tài: 0
Loại file: rar
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)