Đề thi Học sinh giỏi Ngữ văn 7

Chia sẻ bởi Nguyễn Thị Lộc | Ngày 11/10/2018 | 38

Chia sẻ tài liệu: Đề thi Học sinh giỏi Ngữ văn 7 thuộc Ngữ văn 7

Nội dung tài liệu:

KỲ THI HỌC SINH GIỎI TRƯỜNG
NĂM HỌC 2010 – 2011
Môn: Ngữ văn 7 (Thời gian 120 phút)


ĐỀ RA:
Câu 1: Phân tích giá trị biểu cảm của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
“Mai rồi con lớn khôn
Trên đường xa nắng gắt
Lời ru là bóng mát.
Lúc con lên núi thẳm
Lời ru cũng gập ghềnh,
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông”.
(Trích “Lời ru của mẹ” – Xuân Quỳnh)

Câu 2: Vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ hòa hợp thống nhất với cốt cách của người chiến sĩ Hồ Chí Minh qua hai bài thơ “Cảnh khuya”, “Rằm tháng giêng” (Nguyên tiêu). (Ngữ văn 7 – Tập I).











ĐÁP ÁN

Câu 1: Các biện pháp tu từ trong đoạn thơ trên.
Ý 1: + Điệp từ “Lời ru”: có tác dụng tạo nên giọng điệu tha thiết, gợi sức sống, sự bền bỉ của lời ru.
- Lúc đường xa: lời ru là bóng mát.
- Lúc con lên núi thẳm: lời ru cũng gập ghềnh
- Lúc con ra biển rộng: lời ru thành mênh mông
Ý 2: + Ẩn dụ: “Lời ru”:
- Đó là tình mẫu tử, tình mẹ thiêng liêng và cảm động.
- Tình mẫu tử có ở khắp nơi, che chở đời con, dõi theo con mỗi bước con đi, giúp con vững bước trên đường đời.
* Hình thức: HS thể hiện dưới một bài tập viết ngắn có bố cục ba phần.
Câu 2:
1. * Nội dung:
- Bài viết thể hiện cảm xúc, suy nghĩ về hai bài thơ “Cảnh khuya”, “Rằm tháng giêng” (Nguyên tiêu) để làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ Hồ Chí Minh.
- Biểu cảm chủ yếu dựa trên hai bài thơ, đồng thời có thể dựa vào thực tế cuộc đời hoạt động của Bác, văn thơ của Bác… làm nổi bật hình tượng vĩ đại của Bác Hồ.
* Hình thức:
- Bố cục bài rõ.
- Bài viết có luận điểm (tránh chung chung), giàu cảm xúc
- Diễn đạt tốt.
2. Cụ thể:
* Mở bài:
- Giới thiệu hình ảnh Bác Hồ qua hai bài thơ đó là sự hòa hợp thống nhất giữa vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ và cốt cách của người chiến sĩ Hồ Chí Minh.
- Khái quát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân.
* Thân bài:
- Hoàn cảnh ra đời của hai bài thơ: trong những năm tháng chiến đấu gian khổ của dân tộc.
Sự hòa hợp thống nhất giữa vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ và cốt cách của người chiến sĩ cách mạng (vừa phân tích, vừa bày tỏ tình cảm, suy nghĩ; đó là tấm lòng yêu mến, trân trọng và cảm phục dành cho Bác):
Ý 1: Vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ của Bác được thể hiện qua bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống:
+ “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”: phép so sánh độc đáo làm nổi bật vẻ đẹp của tiếng hát, giàu giá trị nhân văn.
+ “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”: phép lặp, hình ảnh thiên nhiên hữu tình, sinh động.
+ Trong bài thơ “Rằm tháng giêng” (“Nguyên tiêu”): sức xuân và ánh trăng ngập tràn không gian, thiên nhiên khoáng đạt căng tràn sức sống.
Ý 2: Cốt cách người chiến sĩ Hồ Chí Minh: hình ảnh người chiến sĩ hiện trên nền thiên nhiên tươi đẹp.
+ Luôn lo lắng, hết lòng vì công việc nước nhà: thức khuya “cảnh khuya như vẽ… lo nỗi nước nhà”.
+ Tinh thần lạc quan, phong thái ung dung: “Giữa dòng bàn bạc… trăng ngân đầy thuyền”.
- Một số biện pháp nghệ thuật nổi bật của hai bài thơ.
* Kết bài:
- Con người Bác là sự hòa hợp tuyệt vời giữa con người nghệ sĩ và con người chiến sĩ.
- Một phần thơ văn của Bác là bức tranh chân dung tinh thần tự họa; đó là di sản văn hóa tinh thần quý giá của dân tộc.
- Bác Hồ mãi là niềm yêu mến, biết ơn và cảm phục của những thế hệ con người Việt Nam.

BIỂU CHẤM:
Câu 1: 3 điểm (mỗi ý 1,5 điểm).
Câu 2: Mở bài: 1 điểm.
Thân bài: - ý 1: 2 điểm
- ý 2: 2 điểm
Trình bày, chữ viết, diễn đạt: 1 điểm.
Kết bài: 1 điểm.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Nguyễn Thị Lộc
Dung lượng: 5,52KB| Lượt tài: 0
Loại file: zip
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)