Chuyen de chu nhiem lop 5

Chia sẻ bởi Đõ Ngọc Ánh | Ngày 12/10/2018 | 109

Chia sẻ tài liệu: Chuyen de chu nhiem lop 5 thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

CHUYÊN ĐỀ
CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỒNG GHÉP TRONG QUÁ TRÌNH DẠY HỌC TRÊN LỚP VÀ THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ ,VUI CHƠI
A.Mục tiêu :
+Cùng với việc dạy học trên lớp,công tác chủ nhiệm rất quan trọng và vô cùng cần thiết trong toàn bộ quá trình dạy học-giáo dục trong nhà trường tiểu học.Hai bộ phận này gắn bó khăng khít với nhau trong quá trình dạy học trên lớp và hoạt động ngoại khoá, vui chơi.
+Công tác chủ nhiệm được thực hiện trong và ngoài giờ học các môn học.Công tác chủ nhiệm là hoạt động nối tiếp và thống nhất hữu cơ với hoạt động giáo dục trong giờ học trên lớp.Nó là cầu nối giữa công tác giảng dạy học trên lớp với công tác giáo dục học sinh ngoài giờ học ở lớp.
+Công tác chủ nhiệm tác động tích cực trong việc dạy học trên lớp và hoạt động ngoại khoá, vui chơi của học sinh.
-Giúp HS củng cố, bổ sung kiến thức đã được học qua các môn học trên lớp.
-Phát triển sự hiểu biết của HS trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, từ đó làm phong phú thêm vốn tri thức cho học sinh.
+Hình thành phát triển ở học sinh các kĩ năng ban đầu,cơ bản cần thiết với sự phát triển chung của các em (kĩ năng giao tiếp,kĩ năng tham gia các hoạt động tập thể .kĩ năng nhận thức ).
+Giúp học sinh hình thành và phát huy tính chủ thể và tích cực,tự giác trong việc tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội.Trên cơ sở đó, bồi dưỡng cho các em thái độ đúng đắn vơí các hiện tượng tự nhiên và xã hội,có trách nhiệm với công việc chung.
+Điều đó chứng tỏ công tác chủ nhiệm là cầu nối giữa các hoạt động dạy và hoc trên lớp với hoạt động ngoại khoá, vui chơi thông qua các hoạt động lao động,văn nghệ xã hội,thể dục thể thao.Nó có quan hệ hữu cơ với các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường tiểu học.Hay nói cụ thể hơn giữa công tác chủ nhiệm và công tác giảng dạy trên lớp với công tác giáo dục học sinh ngoài giờ học ở lớp
là sự chuyển hoá những yêu cầu nhằm chuẩn mực hành vi, đã được qui định thành hành vi và thói quen tương ứng.Muốn cho sự chuyển hoá này diễn ra thì phải thông qua hoạt động học tập , lao động sinh hoạt tập thể ,xã hội vui chơi giải trí và qua giao lưu bạn bè, với thầy cô giáo,với cha mẹ với mọi nguời xung quanh.
Luật Giáo Dục Năm 2005 Điều 27:
"Giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản nhằm hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Trong đó, mục tiêu giáo dục tiểu học là: "Giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ , thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở" .
Trên cơ sở đó trường đã chọn chuyên đề này
B.Biện pháp thực hiện :
PHẦN I/ CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỒNG GHÉP TRONG QUÁ TRÌNH DẠY HỌC TRÊN LỚP.
Để đạt hiệu quả giáo dục như mong muốn, công tác chủ nhiệm lớp có vai trò rất quan trọng trong quá trình dạy học .
Như chúng ta đã biết : “Nề nếp là mẹ đẻ chất lượng”, muốn có nề nếp GV chúng ta phải thường xuyên làm tốt công tác chủ nhiệm lớp .Công tác chủ nhiệm lớp không chỉ diễn ra ở các tiết hoạt động tập thể, công tác Đội , Sao mà nó được lặp đi lặp lại nhiều lần trong mọi hoạt động ở lớp, giờ học , giờ chơi,….

1/ Tìm hiểu về công tác chủ nhiệm là làm gì ?
-Là góp phần rèn luyện cho HS học tập tốt , có hạnh kiểm tốt .
Cụ thể là :
-Rèn luyện cho HS tác phong Đội viên , nhanh nhẹn, gọn gàng, cẩn thận, sạch sẽ, ngăn nắp trong học tập , trong cuộc sống .
-Rèn luyện cho các em thực hiện tốt nội quy trường học và nơi công cộng.
-Các em biết bảo vệ, giữ gìn tài sản của mình, của lớp, của trường .
-Các em có tính tập thể, kỉ luật , tự giác trong mọi hoạt động .
- Rèn luyện cho HS các nề nếp tự học, tự quản, thể dục, vệ sinh, hát múa tập thể,….để hình thành các em thói quen trong học tập,trong sinh hoạt .
***…………
2/ Công tác chủ nhiệm được lồng ghép trong quá trình dạy học trên lớp như thế nào ?
-Ở mỗi tiết dạy, trong tất cả các môn nội dung bài học đều hướng tới một mục tiêu nhất định về kiến thức, kĩ năng và mỗi bài học thì tiết nào cũng có mục tiêu giáo dục thái độ, hành vi, lối sống cho HS . Đó chính là giáo dục đạo đức cho các em và cũng là nhiệm vụ của công tác chủ nhiệm.
-Chúng ta lồng ghép công tác chủ nhiệm trong quá trình dạy học trên lớp thông qua các bài học có nội dung giáo dục liên quan đến CTCN như :
* Tiết kể chuyện :
Bài : Kể chuyện về một lần em được về thăm cảnh đẹp ở địa phương em hoặc ở nơi khác .
GV có thể nêu thêm câu hỏi : Đến thăm cảnh đẹp chúng ta có cần tuân thủ nội quy nơi đó không ? Vì sao ?
* Tiết : Tập làm văn Bài : Tả ngôi trường em .
-Giáo dục các em giữ gìn cho ngôi trường luôn xanh, sạch, đẹp bằng những việc làm cụ thể như : Không bẻ cành, hái hoa ; không vứt rác bừa bãi, chăm sóc cây trồng,…..
-Đối với những bài không liên quan đến CTCN, GV cần có câu hỏi định hướng để lồng ghép CTCN . Ví dụ như :
* Dạy tiết Luyện từ và câu
Bài : Từ đồng nghĩa
- HS tìm các từ đồng nghĩa: nói chuyện – trò chuyện – trao đổi .
GV cho HS đặt câu với từ : nói chuyện
Có thể GV định hướng để HS đặt câu như :

+ Chúng em không nói chuyện trong giờ học .
+ Vào giờ chào cờ đầu tuần, chúng em ngồi ngay ngắn, trật tự để nghe cô Hiệu trưởng nói chuyện dưới cờ .
* Hoặc bài “Từ trái nghĩa ”
- Đặt câu với cặp từ trái nghĩa sau : trễ / sớm
+ Chúng em thường dậy sớm để đến lớp khỏi trễ giờ .
***……….
-Ngoài ra, trong giờ học GV nhắc nhở HS ngồi ngay ngắn, đúng tư thế; cách cầm sách để đọc; dùng thước gạch cho thẳng ; giờ nào việc nấy ;…..Tất cả những việc đó là GV đã lồng CTCN trong quá trình dạy học trên lớp.
PHẦN II/ CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA, VUI CHƠI….
Hoạt động ngoại khóa là nói đến hoạt động Đội ,Sao ; các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt lớp, vui chơi …. Đó là cơ hội tốt để GV chúng ta làm công tác chủ nhiệm.
Với trẻ em , mọi hoạt động vui chơi cũng như học tập đều phải chứa đựng trong đó yếu tố kích thích của trò chơi .Trẻ nhỏ chỉ học và hứng thú say mê học tập khi mà kiến thức được chuyển tải một cách nhẹ nhàng và sinh động qua các hoạt động vui chơi của trẻ .Vui chơi là một hoạt động tất yếu của mọi đứa trẻ . Hoạt động vui chơi mang đến cho trẻ sự phát triển tư duy “ sơ đẳng ” trong việc tiếp nhận kiến thức. Điều đó sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn khi chúng được cô giáo cùng vui chơi và định hướng một cách khoa học trong việc dạy trẻ bằng phương pháp “học mà chơi – chơi mà học”
Bởi đây là điều kiện cô – trò gần gũi với nhau .

Bên cạnh các hoạt động vui chơi giáo viên có thể giáo dục học sinh một cách nhẹ nhàng và gần gũi , qua đó học sinh sẽ lĩnh hội kiến thức theo yêu cầu mà giáo viên cần cung cấp một cách tự nhiên , sinh động và hiệu quả , như vậy học sinh đến trường không những được học tập mà các em còn được tham gia các hoạt động vui chơi trong một môi trường lành mạnh với đủ các điều kiện để phát triển toàn diện .
Trong cuộc vận động phong trào xây dựng trường học thân thiện , học sinh tích cực của ngành giáo dục thì trường học thân thiện là trường học có chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục không ngừng được nâng cao . Các thầy , cô giáo phải thân thiện trong dạy học , thân thiện trong hoạt động vui chơi với các em , thân thiện trong đánh giá kết quả rèn luyện , học tập của học sinh . Các thầy cô giáo trong quá trình dạy học phải thân thiện với mọi năng lực thực tế của mọi đối tượng học sinh để các em tự tin bước vào đời .
Trong môi trường trường học thân thiện , trẻ em sẽ cảm nhận được sự thoải mái khi việc học của mình vừa gắn với kiến thức trong sách vở , vừa thông qua sự thâm nhập , trải nghiệm của chính bản thân trong các hoạt động ngoại khoá , trong các trò chơi dân gian , các hoạt động vui mà học . Như thế , mỗi ngày trẻ em đến trường sẽ là một ngày vui .
Vì vậy, giáo viên chúng ta cần tạo nên một môi trường giáo dục an toàn , bình đẳng , tạo hứng thú cho học sinh trong học tập thông qua các buổi hoạt động vui chơi của các em như trong các giờ ra chơi , giáo viên có thể cùng tham gia hướng dẫn các trò chơi dân gian như : trò chơi ô quan , nhảy dây , đá cầu ,rồng rắn lên mây .... hoặc có thể hoà mình vào cùng với các em trong những buổi dã ngoại , tham quan di tích lịch sử địa phương ,Đền tưởng niệm ,Nghĩa trang liệt sĩ ,viếng thăm chăm sóc các bà mẹ VNAH vào các ngày lễ, …theo các chủ điểm trong tháng .Có như thế chúng ta giúp các em phát triển toàn diện một cách hoàn thiện hơn . Các em thấy được sự gắn bó của tri thức học trên lớp được gắn liền với thực tiễn xã hội ,đi vào cuộc sống đời thường .
Đó là hành trang trang bị cho các em khi chập chững vào đời một cách đích thực ,không ngỡ ngàng với cuộc sống ngày mai.Để các em đạt được thì cần phải có sự dìu dắt của Thầy,cô chủ nhiệm của mình thông qua :”Dạy học trên lớp và hoạt động ngoại khoá ,vui chơi.”Chính vì vậy mà trong khi hoạt động vui chơi , các em bộc lộ bản tính của mình rõ nét nhất .Có em trong lớp tưởng chừng như rất ngoan ,khi tham gia trò chơi thầy cô mới phát hiện ra em có nhiều cá tính như : không hoà mình với tập thể ,ích kĩ,cộc cằn..... và ngược lại,có em ít nói chậm chạp nhưng khi hoạt động sẵn sàng vui chơi hết mình,thực hiện tốt các qui định của tập thể.Thông qua các hoạt động này,GV nhắc nhở ,GD các em nhẹ nhàng bằng sự thuyết phục của mình.
Tóm lại :Các hoạt động dạy và công tác chủ nhiệm luôn tồn tại song song với nhau ,hổ trợ nhau,chúng luôn đan xen vào nhau để làm nên hiệu quả GD toàn diện cho học sinh tiểu học, nên GV cần chú trọng trong quá trình dạy học trên lớp và các hoạt động ngoại khoá, vui chơi của học sinh.
Trên là phần trình bày của trường chúng tôi với chuyên đề:”Công tác chủ nhiệm lồng ghép trong quá trình dạy học trên lớp và thoong qua hoạt động ngoại khoá, vui chơi “ ,không tránh được những thiếu sót .Qua thực tế ,các đồng chí có nhiều giải pháp thực hiện tốt hơn .Mong các đồng chí chân thành góp ý để chuyên đề được hoàn thiện hơn.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Đõ Ngọc Ánh
Dung lượng: 130,00KB| Lượt tài: 3
Loại file: ppt
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)