Chim én bay

Chia sẻ bởi Phạm Thị Thuý Vân | Ngày 12/10/2018 | 40

Chia sẻ tài liệu: chim én bay thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:


Chuyên đề
Giới thiệu sách
TRƯỜNG TIỂU HỌC BỒNG SƠN
Thực hiện: Phạm Thị Thúy Vân
Đã có rất nhiều luận đề được trải ra trong các tác phẩm văn học với những kí ức chiến tranh, những sự mất mát, sự phản bội như: Hòn đất (Anh Đức); Sống như anh (Trần Đình Vân); Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu),…
NGUYỄN TRÍ HUÂN
Chim én bay: Tiểu thuyết: Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1985 – 1989: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1988 – 1989 / Nguyễn Trí Huân.- H.: Văn học, 2008 .- 166tr.; 19cm
Cùng với trào lưu đó, nhà văn Nguyễn Trí Huân đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh như: Mặt Cát (tập truyện); Họ đã sống như thế (tiểu thuyết); Cao nguyên không xa xôi (tập truyện), Chim én bay (tiểu thuyết)…Các sáng tác của ông góp phần làm phong phú thêm diện mạo tiểu thuyết viết về chiến tranh, sau chiến tranh nói riêng và văn học sau năm 1975 nói chung.
Chân dung nhà văn Nguyễn Trí Huân

Tác phẩm được dạo đầu bằng một đoạn bài ca:
“Em mong sao trên trái đất hoa thơm nở bốn mùa
Em mong sao trên trái đất không còn sự chia lìa
Em mong sao trên trái đất mọi con người
Như em đây là chim trắng bay giữa trời
Sống để yêu thương”…
Và hành trình 166 trang tiểu thuyết là hành trình đi tìm câu trả lời…nó trải dài trong khoảng thời gian hơn 10 năm và cô đặc trong vùng không gian xã Hoài Thanh, Hoài Hương, Hoài Ân, suối Đá Tượng… đã đặc tả được khuôn mặt dị dạng và gớm ghiếc của chiến tranh. Những vết thương… muôn đời chẳng thể nào lành lặn!
Đọc tác phẩm ta cảm nhận được cái cảm giác trống vắng, cô đơn đến ghê người của chiến tranh. Cái cảm giác bám riết lấy chị Quy từ một ngày mùa đông năm 1969: cái ngày anh Dương của chị hi sinh một cách đau đớn trước mặt cha và hai chị em chị, bởi chính tên giám Tuân – người đồng đội đã phản bội của anh. Nó như một vết thương và sự ám ảnh ghê người lên tuổi thơ của chị. Nó đã theo chị mãi đến khi qua đời trong lúc tuổi đời còn rất trẻ bởi căn bệnh ung thư quái ác do di chứng của chiến tranh.
Chiến tranh cuốn vào guồng quay của nó tất cả những sự tồn tại, những sự hiện diện dù là bé nhỏ nhất của mọi kiếp sinh linh.
Tác phẩm là một luận đề về sự đối lập nghiệt ngã giữa số phận trẻ em và chiến tranh.
Có những điều mà tuổi thơ của chị và tất cả đội viên Chim én sẽ chẳng thể nào lý giải nổi.
Vì họ còn quá bé để biết thế nào là quy luật của chiến tranh.
Chị cũng bị cuốn vào cuộc chiến khốc liệt ấy, như mọi thành viên khác của Đội Chim én. Chính cái guồng quay đó đã bắt buộc chị phải trải nghiệm những cảm giác mà đáng lẽ ra không được dành cho tuổi thơ của chị.
Cả một tuổi thơ đã bị chiến tranh đánh cướp. Chưa tròn 15 tuổi, chiến tranh đã biến chị thành một người đàn bà. Chị mất cả cuộc đời con gái khi chưa kịp trở thành thiếu nữ! Cách gọi tên nhân vật của Nguyễn Trí Huân thật sự độc đáo và mang giá trị tố cáo ghê gớm. Tác giả gọi Quy là chị. Bởi vì ngoài tấm lòng trân trọng vốn dành cho những người nữ anh hùng như cách chúng ta vẫn gọi chị Sáu, chị Út Tịch, chị Võ Thị Thắng… cách gọi chị của Nguyễn Trí Huân còn gợi nhắc một vết thương quá lớn mà thời gian chẳng thể nào xoá nhoà giúp chị.
Chị Quy đã mãi mãi chẳng còn khả năng làm mẹ chỉ vì đã không giết chết tên giám Tuân khi hắn đang bế đứa con nhỏ trên tay. Chị đã không thể nào còn được làm mẹ vì đã dành lòng yêu thương đứa con nhỏ vô tội của kẻ thù! Để rồi chính hắn kẻ phản bội trơ tráo đến đáng ghê sợ là ngọn nguồn của tất cả nỗi đau mà chị phải gánh chịu trong chiến tranh và ngay cả khi cuộc chiến đã lùi xa rất xa.
Chị hy sinh những khát khao hạnh phúc riêng tư của mình để Cường – người yêu – người đồng chí của chị được hưởng hạnh phúc một cách trọn vẹn. Bằng sự mẫn cảm của người phụ nữ, chị hiểu rằng việc chị không thể làm mẹ sẽ khiến anh không đủ can đảm đến với chị.
Một đoạn rất ngắn, chỉ mươi dòng, thậm chí chỉ cần một dòng: …chị cảm thấy có một cái gì đấy đang đứt rời ra trong cơ thể mình… Anh cần những đứa con mà em thì không thể cũng đủ để hình ảnh chị trong lòng người đọc sáng bừng
lên, đẹp một cách rực rỡ.
Lòng dũng cảm, sự can trường được tôi luyện và được trả giá bằng quá nhiều mất mát trong chiến tranh đã tạo cho chị sức mạnh để nói những lời ấy, để nghe sự gãy vỡ từ bên trong cơ thể mình một cách đằm thắm và đầy thiết tha đến như thế. Có lẽ chẳng còn nỗi đau nào trên đời này xa lạ với chị!
Cuộc sống hiện tại của chị bị dày vò một cách khủng khiếp bởi những kí ức vẫn còn rõ mồn một như chỉ mới vừa xảy ra hôm qua. Chính những kí ức ấy đã khiến chị cứ mãi lang thang trên con đường dẫn đến nhà giám Tuân.
Chiến tranh đã cướp đi tất cả những gì cần thiết nhất cho một đời sống bình thường của chị. Và mãi đến khi cuộc chiến đã lùi xa thì những vết thương mà nó để lại vẫn chẳng thể nào mất đi trong chị.
Chị đã đối xử với vợ con của giám Tuân bằng một sự bình đẳng đến lạ thường. Chẳng ai có thể làm được như chị. Cũng chẳng biết chị đã trở thành một vị thánh sống giữa cuộc đời này từ lúc nào… chỉ biết rằng, đến khi chị qua đời, khi vẫn còn rất trẻ, toàn bộ số tiền để dành của chị đã được trao lại cho anh Cường để lo cho con trai giám Tuân được tiếp tục đến lớp học hành. Đến cuối cuộc đời mình, chị vẫn còn kịp làm thêm một việc kì diệu nữa là: hàn gắn nỗi đau chiến tranh cho con trai của kẻ thù bằng chính nỗi đau của mình.
Nguyễn Trí Huân đã thật sự thành công với Chim én bay. Cứ ngỡ tác giả sẽ gặp nhiều khó khăn khi chọn lựa một đề tài không mới. Nhưng thật bất ngờ khi từ một đề tài đã ngủ yên với sự lùi xa của chiến tranh, Nguyễn Trí Huân đã tìm được một góc độ khai thác khác mang sức mạnh tố cáo sâu sắc và thể hiện cảm hứng ngợi ca ý nhị và tinh tế hơn.
Tất cả những nội dung đầy tính chất luận đề của tác phẩm được trình bày trong một sáng tạo nghệ thuật mới: sự đan xen quá khứ – hiện tại và sự đứt nối của những dòng cảm xúc tạo một hiệu ứng đặc biệt đối với người đọc.
Cách khám phá tâm lý nhân vật trẻ em trước những tình huống chiến tranh hết sức bất thường của Nguyễn Trí Huân thể hiện một sự từng trải và một tấm lòng, một ý thức trách nhiệm cao của tác giả đối với tác phẩm và với hình tượng nhân vật chính của mình. Ý thức đó của nhà văn thật sự đáng được trân trọng.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Phạm Thị Thuý Vân
Dung lượng: 23,54MB| Lượt tài: 1
Loại file: rar
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)