Bai giang cho lop boi duong ly luan chinh tri cho dangvien moi 2012 Bai 8
Chia sẻ bởi Lê Thanh Hiền |
Ngày 12/10/2018 |
36
Chia sẻ tài liệu: Bai giang cho lop boi duong ly luan chinh tri cho dangvien moi 2012 Bai 8 thuộc Bài giảng khác
Nội dung tài liệu:
Bài 8
TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG VÀ CÔNG TÁC
XÂY DỰNG ĐẢNG Ở CƠ SỞ
I. TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG
Tổ chức cơ sở Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam bao gồm các chi bộ, đảng bộ cơ sở. Đảng xác định đó là nền tảng của Đảng và là hạt nhân chính trị ở cơ sở.
1. Quy định của Điều lệ Đảng về thành lập các tổ chức cơ sở Đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Để thực hiện mục đích đó, Đảng ta phải được tổ chức theo một hệ thống chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Tổ chức cơ sở Đảng bao gồm chi bộ cơ sở và đảng bộ cơ sở là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở.
Đảng phải gắn bó, liên hệ chặt chẽ với quần chúng; ở đâu có quần chúng, ở đó cần có sự lãnh đạo của Đảng. Mọi tầng lớp nhân dân, ai cũng đều sinh sống, lao động sản xuất, công tác, học tập ở một đơn vị cơ sở nhất định trong hệ thống tổ chức xã hội. Theo tinh thần đó, tổ chức cơ sở Đảng được thành lập tương ứng với cấp hành chính nhà nước ở cơ sở (xã, phường, thị trấn); cơ quan, đơn vị sự nghiệp hoặc đơn vị cơ sở trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, tổ chức kinh tế (các loại hình hợp tác xã, các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Ở các cơ sở trên, nếu có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở Đảng, nếu chưa đủ ba đảng viên chính thức thì cấp ủy cấp trên trực tiếp giới thiệu đảng viên sinh hoạt ở tổ chức cơ sở đảng thích hợp.
Điều 21, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua Đại hội XI của Đảng quy định:
- Tổ chức cơ sở đảng dưới ba mươi đảng viên, lập chi bộ cơ sở, có các tổ đảng trực thuộc.
- Tổ chức cơ sở đảng có từ ba mươi đảng viên trở lên, lập đảng bộ cơ sở, có các chi bộ trực thuộc đảng uỷ.
Như vậy, tổ chức cơ sở đảng gồm chi bộ cơ sở hoặc đảng bộ cơ sở. Việc lựa chọn mô hình tổ chức nào (chi bộ cơ sở hoặc đảng bộ cơ sở) phụ thuộc vào số lượng đảng viên chính thức và phải được cấp ủy cấp trên (quận, huyện ủy hoặc tương đương) trực tiếp quyết định.
- Về tổ chức cơ sở đảng, Điều lệ quy định những trường hợp sau đây, cấp ủy cấp dưới phải báo cáo và được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý mới được thực hiện:
+ Lập đảng bộ cơ sở trong đơn vị cơ sở chưa đủ ba mươi đảng viên.
+ Lập chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở có hơn ba mươi đảng viên.
+ Lập đảng bộ bộ phận trực thuộc đảng ủy cơ sở.
Những năm gần đây, thực hiện đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, ở nước ta có nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Do vậy, ngoài các loại hình tổ chức cơ sở đảng được tổ chức tại đơn vị cơ sở hành chính (xã, phường, thi trấn), các đơn vị sự nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị cơ sở trong công an, quân đội...còn xuất hiện tổ chức cơ sở đảng trong các đơn vị doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
2. Vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở.
a) Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng:
Xét trong hệ thống tổ chức của Đảng, thì tổ chức cơ sở đảng là tổ chức đảng nhỏ nhất, số lượng nhiều nhất và gắn liền với các tổ chức hành chính, kinh tế ở cơ sở. Vì vậy, tổ chức cơ sở đảng là “nền tảng”, là “gốc rễ” của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng” và “...chi bộ là nền tảng của Đảng, của cách mạng ở xã... Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh” và “Các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh”.
- Trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với mọi mặt của đời sống xã hội, tổ chức cơ sở đảng vừa là nơi trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời cũng là nơi góp phần phát triền và hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó, liên hệ mật thiết với nhân dân. Trong mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, vai trò của tổ chức cơ sở đảng là những “sợi dây chuyền” trực tiếp nối liền Đảng với dân. Nói về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”.
b) Tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân chính trị ở cơ sở:
- Đảng là một thành viên của hệ thống chính trị, nhưng là thành viên giữ vị trí, vai trò lãnh đạo hệ thống đó, bảo đảm cho mọi hoạt động ở cơ sở theo đúng định hướng chính trị của Đảng.
- Tổ chức cơ sở đảng còn là nơi giáo dục, tổ chức, động viên nhân dân thực hiện có hiệu quả Cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở là trung tâm đoàn kết quy tụ, tập hợp được mọi lực lượng ở cơ sở thành một khối thống nhất ý chí và hành động, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ sở.
3. Chức năng và nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng
- Tổ chức cơ sở đảng có hai chức năng quan trọng:
Một là, lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước ở cơ sở.
Hai là, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác của cơ sở; chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; động viên quần chúng hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của cơ sở, đơn vị đối với Nhà nước.
- Từ chức năng nói trên, Điều 23 Điều lệ Đảng đã quy định năm nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng như sau:
Một là, chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đề ra chủ trương, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, chi bộ và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả.
Hai là, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; thường xuyên giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, trình độ kiến thức, năng lực công tác; làm công tác phát triển đảng viên.
Ba là, lãnh đạo xây dựng chính quyền, các tổ chức kinh tế, hành chính, sự nghiệp, quốc phòng, an ninh và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh; chấp hành đúng pháp luật và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Bốn là, liên hệ mật thiết với nhân dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; lãnh đạo nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Năm là, kiểm tra việc thực hiện, bảo đảm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh; kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng.
Đảng ủy cơ sở, nếu được cấp ủy cấp trên trực tiếp uỷ quyền thì được quyết định kết nạp đảng và khai trừ đảng viên.
Năm nhiệm vụ trên đây là năm nội dung cơ bản, chung nhất để thực hiện chức năng lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng. Mỗi nhiệm vụ có vị trí và yêu cầu riêng, không thể coi nhẹ nhiệm vụ nào.
4. Chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở
Chi bộ là tổ chức nhỏ nhất của Đảng. Mọi đảng viên thực hiện các nhiệm vụ của mình cũng chủ yếu thể hiện ở chi bộ và được đánh giá từ chi bộ. Do vậy, chất lượng, hiệu quả hoạt động của chi bộ quyết định vai trò và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
Theo Điều 24 Điều lệ Đảng, tổ chức và hoạt động của chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở được quy định như sau:
+ Chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở được tổ chức theo nơi làm việc hoặc nơi ở của đảng viên; mỗi chi bộ ít nhất có ba đảng viên chính thức. Chi bộ đông đảng viên có thể chia thành nhiều tổ đảng; tổ đảng bầu tổ trưởng, nếu cần thì bầu tổ phó; tổ đảng hoạt động dưới sự chỉ đạo của chi uỷ.
+ Chi bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên; làm công tác vận động quần chúng và công tác phát triển đảng viên; kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng viên; thu, nộp đảng phí. Chi bộ, chi uỷ họp thường lệ mỗi tháng một lần.
+ Đại hội chi bộ do chi uỷ triệu tập năm năm hai lần; nơi chưa có chi uỷ thì do Bí thư chi bộ triệu tập. Khi được đảng uỷ cơ sở đồng ý có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá sáu tháng.
+ Chi bộ có dưới chín đảng viên chính thức, bầu bí thư chi bộ; nếu cần, bầu phó bí thư. Chi bộ có chín đảng viên chính thức trở lên, bầu chi uỷ, bầu bí thư và phó bí thư chi bộ trong số chi uỷ viên.
Việc đánh giá một chi bộ có hoàn thành các nhiệm vụ, có đạt chất lượng trong sạch, vững mạnh hay không căn cứ vào kết quả toàn diện trong thực tiễn lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, không chỉ căn cứ vào một mặt riêng biệt nào.
II. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG Ở CƠ SỞ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA ĐẢNG VIÊN
1. Nội dung công tác xây dựng Đảng ở cơ sở
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X trình Đại hội XI của Đảng đã xác định tám nhiệm vụ chủ yếu của công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn mới đó là:
- Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tư tưởng, lý luận.
- Rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.
- Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị.
- Kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên.
- Đổi mới công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.
- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Vận dụng vào công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, nhiệm vụ xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên có những nội dung chính sau:
a) Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng:
Từ chỗ khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức cơ sở đảng, cần phải thường xuyên chăm lo củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Những năm qua toàn Đảng đã tập trung chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đản, chú ý hơn tới việc xây dựng, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng ở vùng sâu, vùng xa, bước đầu đã quan tâm xây dựng tổ chức đảng ở các công ty tư nhân và danh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đã có những bước tiến quan trọng trong việc xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng ngày càng phù hợp hơn trong điều kiện mới.
Hệ thống tổ chức cơ sở đảng không ngừng được củng cố, phát triển, phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị tại cơ sở, trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng.
- Tuy nhiện, việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh còn những hạn chế, yếu kém, không ít cơ sở đảng ở nhiều nơi quá yếu kém, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thấp. Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: "Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của khong ít tổ chức đảng còn thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt Đảng chưa nền nếp, nội dung sinh hoạt ngheưo nàn, tự phê bình và phê bình yếu. Việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn chậm, vai trò của tổ chức đảng ở đây mờ nhạt. Động cơ phấn đấu vào Đảng của một số người có biểu hiện lệch lạc, cơ hội".
- Trong những năm tới việc xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở đảng cần thực hiện các yêu cầu sau đây:
+ Phải dồn sức xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, làm cho tổ chức này thực sự trong sạch, vững mạnh; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý, giám sát đảng viên về năng lực hoàn thành nhiệm vụ và phẩm chất đạo đức, lối sống; đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực trong Đảng.
+ Tất cả các đảng bộ, chi bộ cơ sở đều phải nâng cao nhận thức và thực hiện đúng chức năng là hạt nhân lãnh đạo và thực hiện đúng chức năng là hạt nhân lãnh đạo chính trị đối với các tổ chức, các mặt công tác và các tầng lớp nhân dân ở cơ sở.
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp để đánh giá đúng chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
+ Thực hiện tốt nguyên tắc dựa vào dân để xây dựng Đảng từ cơ sở. Có cơ chế để nhân dân tham gia ý kiến vào việc xây dựng các nghị quyết, quyết định của tổ chức đảng, chính quyền cơ sở trực tiếp liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân; bố trí cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị cơ sở, để nhân dân tham gia giám sát tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên.
+ Đổi mới phương thức lãnh đạo, từ việc ra nghị quyết, xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, xây dựng đội ngũ cán bộ... đến việc lãnh đạo các cuộc bầu cử, đảm bảo phát huy dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn.
+ Nâng cao tính chiến đấu, khắc phục tình trạng thụ động, ỷ lại, buông lỏng vai trò lãnh đạo. Thực hiện đồng bộ các biện pháp củng cố tổ chức cơ sở đảng, chú trọng địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, các đảng bộ, chi bộ yếu kém.
- Để xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở đảng cần thực hiện tốt các chủ trương và biện pháp sau:
+ Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ.
+ Phân công, hướng dẫn, kiểm tra đảng viên chấp hành nhiệm vụ, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu; giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng nơi công tác, với chi bộ và nhân dân nơi cư trú.
+ Chú trọng và tăng cường công tác phát triển Đảng, sớm khắc phục tình trạng một số cơ sở, địa bàn chưa có đảng viên, tổ chức đảng. Việc kết nạp đảng viên phải coi trọng chất lượng, tiêu chuẩn.
b) Nâng cao chất lượng đảng viên:
- Về tư tưởng chính trị: tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, tích cực thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những khó khăn, thách thức. Có ý thức giữ vững và nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng.
- Về trình độ năng lực: có hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa Mác-LêNin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có năng lực vận động và lãnh đạo quần chúng tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
+ Đổi mới việc phân tích, đánh giá chất lượng các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Có những tiêu chí cụ thể để đánh giá đúng thực chất, khắc phục tình trạng nể nang, dễ dãi, chạy theo thành tích. Thường xuyên sàng lọc đảng viên, kiên quyết đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi Đảng bằng các hình thức thích hợp.
- Về phẩm chất, đạo đức, lối sống: có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, đi đầu trong công tác, xử lý hài hóa các lợi ích, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết. Liên hệ mật thiết với nhân dân. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật. Không quan liêu, tham những, lãng phí và các tiêu cực.
2. Trách nhiệm của đảng viên đối với tổ chức cơ sở đảng và chi bộ
a) Đảng viên phải đóng góp tích cực với đảng bộ, chi bộ trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ sở, đơn vị:
Để thực hiện yêu cầu này, đảng viên cần:
- Thường xuyên học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao trình độ lý luận chính trị, phương pháp công tác khoa học. Thường xuyên học tập những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những tinh hoa văn hóa của nhân loại, những kiến thức mới của thời đại.
- Nắm vững và thực hiện nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những chủ trương, nhiệm vụ của cấp ủy và chính quyền địa phương.
- Hiểu rõ tình hình thực tế ở cơ sở, đơn vị, những vấn đề đang đặt ra cần giải quyết.
- Thường xuyên suy nghĩ, góp phần đề ra chủ trương và các giải pháp đúng đắn, sát hợp, có tính khả thi của đảng bộ, chi bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
- Gương mẫu thực hiện nghị quyết và chấp hành sự phân công của đảng bộ, chi bộ; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và gia định thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ do đảng bộ, chi bộ đề ra.
b) Đảng viên phải góp phần tích cực vào việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng có sự thống nhất cao về chính trị và tư tưởng, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống:
Để thực hiện yêu cầu trên, đảng viên cần:
- Thực hiện chế dộ học tập bắt buộc theo quy định của Đảng. Trên cơ sở nâng cao nhận thức, kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng.
- Gương mẫu, tự giác rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị; phẩm chất, đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, chống chủ nghĩa cá nhân. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực trong Đảng và trong nhân dân.
- Kiên quyết đấu tranh với những nhận thức lệch lạc, mơ hồ, những biểu hiện thiếu kiên định về tư tưởng chính trị.
- Phát huy tự do tư tưởng, được bảo lưu ý kiến và chấp hành nghị quyết của Đảng. Không được truyền bá những quan điểm trái với quan điểm, đường lối của Đảng.
c) Đảng viên phải đóng góp tích cực xây dựng đảng bộ, chi bộ vững mạnh về tổ chức, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ:
Để thực hiện yêu cầu này, đảng viên cần:
- Phát huy dân chủ, tích cực thảo luận và tham gia quyết định các chủ trương, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ, đồng thời thực hiện đúng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng quyết định của tập thể.
- Thường xuyên rèn luyện, tự giác đặt mình trong sự quản lý của chi bộ, đảng bộ; tham gia đầy đủ các kỳ sinh hoạt chi bộ, tuân thủ kỷ luật của Đảng.
- Thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình. Khắc phục tình trạng tự phê bình một cách hình thức, chiếu lệ, không dũng cảm nêu ra và sửa chữa khuyết điểm. Không nể nang, xuê xoa trong phê bình, nhưng cũng không được lợi dụng phê bình để vu cáo, đả kích cá nhân, gây rối nội bộ.
- Ra sức chăm lo, giữ gìn đoàn kết nội bộ trên cơ sở đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng và các quy định của Điều lệ Đảng; kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện chia rẽ, bè cánh, cục bộ do kèn cựa, tranh giành chức quyền, lợi lộc.
- Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng; kiên quyết chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, làm suy yếu, hạ thấp đi đến xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Tham gia đấu tranh với những phần tử bất mãn, cơ hội chống đảng và những biểu hiện lệch lạc, trái quan điểm, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Phân tích vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng?
2. Nêu những nội dung công tác xây dựng đảng ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay?
3. Phân tích nhiệm vụ của đảng viên trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở?
–––––––––––––––––––––––––––
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...
Người chia sẻ: Lê Thanh Hiền
Dung lượng: 1,88MB|
Lượt tài: 1
Loại file: ppt
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)