TLV: BÀI CAU VAN TRONG BAI VAN LOP 4

Chia sẻ bởi Nguyễn Thị Trang | Ngày 27/04/2019 | 24

Chia sẻ tài liệu: TLV: BÀI CAU VAN TRONG BAI VAN LOP 4 thuộc Vật lí 9

Nội dung tài liệu:

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN BÌNH CHÁNH
TRƯỜNG TIỂU HỌC AN PHÚ TÂY
ĐỀ TÀI

RÈN HỌC SINH VIẾT CÂU VĂN TRONG BÀI VĂN LỚP 4

GV : NGUYỄN THỊ TRANG
I/ Đặt vấn đề:
Với nhiệm vụ “ trồng người ”của một giáo viên, nhất là giáo viên huyện Bình Chánh – một huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng giáo dục tập hợp nhiều thành phần, nhiều hoàn cảnh khó khăn. Do vậy mỗi giáo viên cần sự kiên trì, bền chí, thân ái trao đổi những kinh nghiệm, những sáng tạo trong giảng dạy để cùng hoàn thành nhiệm vụ giáo dục con người có tri thức, có năng lực, có kỹ năng sống trong mọi hoàn cảnh, có tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Giáo dục tiểu học là một bậc giáo dục khó nhất . Nó là nền móng đầu tiên để giúp con người tồn tại và phát triển . Đặc biệt là môn Tiếng Việt có vị trí quan trọng trong tất cả các môn ở trường , nó hình thành khả năng giao tiếp, là cơ sở cho trẻ tiếp thu các môn học khác .
Ở lớp 4 học sinh cần nắm cấu tạo bài văn, vừa rèn luyện viết đoạn văn qua vận dụng quan sát, vừa thể hiện được tình cảm ,nhận xét, đánh giá, tư duy cảm nhận độc lập của học sinh.
Học sinh làm được điều này là các em sẽ tự tin, đủ năng lực học tập một cách nhẹ nhàng và dần phát huy được năng lực sáng tạo của từng cá nhân học sinh .Theo thời gian học tập học sinh đủ năng lực học tập, yêu thích học “văn” sẽ là cơ sở hình thành đạo đức của các em một cách tự nhiên, biết xúc cảm trước thiên nhiên , trong tính đồng loại, tính nhân hậu, trung thực…Đây cũng làm nền tảng giúp học sinh học tốt môn văn ở các lớp trên.
II/Thực trạng:
Qua thực tế giảng dạy lớp 4, điều tôi trăn trở nhất là cách viết câu văn của học sinh còn nhiều hạn chế.Giờ tập làm văn đa số học sinh chưa mạnh dạn, thiếu tự tin diễn đạt suy nghĩ của mình trước lớp.Đây là một khó khăn rất lớn để giáo viên nắm bắt tư duy của học sinh nên khó giúp các em phát huy năng lực sẵn có.Lời nói chưa thể hiện tốt thì lời văn trong bài văn còn nhiều tồn tại: câu văn mang tính liệt kê, thiếu hình ảnh, thiếu nét sinh động vốn có ở văn chương Việt Nam, có câu lại rườm rà, lan man, không rõ ý cụ thể…
Là người Việt Nam mà diễn đạt lời văn với nhiều tồn tại trên là điều đau lòng.Tôi buộc phải suy nghĩ, phải kiên trì tìm hiểu qua năng lực từng em, qua học hỏi ở đồng nghiệp ,qua tài liệu tham khảo…Ngày qua ngày, tôi thật vui khi chọn vài hoạt động học tập giúp học sinh ở lớp khắc phục dần tồn tại, tuy chưa hiệu quả cao nhưng có tiến bộ từng bước.Tôi mong muốn có 70% học sinh lớp diễn đạt câu văn giàu hình ảnh, gợi tả sinh động, sử dụng từ chính xác; 30% học sinh lớp diễn đạt câu văn trọn ý.
III/ Giải quyết vấn đề :
1/ Bước khởi đầu:Chọn lựa phương pháp thực hiện
- Tôi dùng thời gian ôn luyện buổi chiều để thực hiện .
- Tôi chỉ chọn vài yêu cầu rèn luyện cho học sinh ( Từ 1,2…yêu cầu và số lượng này sẽ tăng lên tùy khả năng học sinh lớp) .
- Phương pháp rèn luyện bằng văn nói (làm miệng trước, sau đó học sinh tự viết sau….).
- Sắp xếp học sinh theo nhóm đối tượng: yếu, trung bình, khá, giỏi.
- Cần sinh hoạt tư tưởng, giải thích giúp các em không mặc cảm nhau.
- Soạn sẵn yêu cầu và nội dung phù hợp theo đối tượng.
- Mỗi học sinh cần có sổ tay riêng, tập ghi nhận cái hay của bạn mà em thích chứ không bắt buộc phải ghi hết các ý hay của tất cả các bạn.
- Giáo viên theo dõi động viên kiểm tra kết quả học từng tiết qua nhiều cách :
VD: +Cho học sinh nêu miệng điều mình vừa ghi nhận và giải thích vì sao em chọn ý hay đó .
+Kiểm tra sổ tay các em-dựa vào đó giáo viên có thể đóng góp thêm một số ý hay cho từng nhóm đối tượng.
- Lời khen tặng dù là ít hay nhiều của giáo viên cũng là động lực có giá trị giúp học sinh có ý chí rèn luyện .
- Cho các em trao đổi sổ tay ghi nhận hay bài văn, đoạn văn để tham khảo thêm cái hay cần học ở bạn .
- Động viên các em có điều kiện nên ghi nhận thêm một số câu văn hay đã đọc được trên sách báo…và có thể phổ biến cho một số bạn không có điều kiện đọc để nhiều bạn cùng ghi nhận .
2/ Quá trình thực hiện:
- Trong những tiết đầu rèn luyện tôi thực hiện hướng dẫn học sinh làm miệng .
2.1 Hướng dẫn cách diễn đạt :
VD: Học sinh quan sát và thấy búp bê đẹp.
- Tôi giúp học sinh diễn đạt bằng cách gợi ý khác nhau:
+ Búp bê này đẹp như thế nào? Em có thể so sánh cái đẹp của búp bê này với búp bê khác? Búp bê này đẹp làm em cảm thấy thế nào?
- Cho học sinh tự nêu - có thể chọn hoc sinh trung bình - yếu nói trước hoặc học sinh khá giỏi nói trước tùy trường hợp để thay đổi phương pháp.
- Dựa vào câu nói của học sinh giúp các em thêm từ ngữ hay chuyển đổi các dạng câu khác nhau.
Búp bê của em đẹp nhất.
+ Búp bê của em sao mà đẹp thế !
+ Các bạn điều khen búp bê của em đẹp hơn búp bê của bạn.
+ Búp bê đẹp như cô tiên trong truyện cổ tích.
+ Ôi,sao mà búp bê xinh xắn đáng yêu quá !
+ Bạn có thấy búp bê mình đẹp không?
+ Em thật vui,hạnh phúc khi thấy búp bê mình đẹp đáng yêu.
2.2 Hướng dẫn học sinh chuyển ý sang tả bộ phận khác.

- Giáo viên có thể viết một bài văn mẫu - hướng dẫn học sinh cách thực hiện dùng từ chuyển ý - học sinh cùng thực hiện, trao đổi nhận xét: Bổ sung từ, ghi nhận ý hay kèm theo đánh giá kịp lúc của giáo viên với những tiến bộ sáng tạo của học sinh .
VD: Cái đầu chú mèo tròn như quả bóng nhỏ. Bộ lông của nó dày, êm như nhung.
- Giáo viên có thể góp ý giúp học sinh hiểu cách dùng một hành động để mở đầu chuyển ý tả sang một bộ phận khác. Sau đó học sinh thực hiện…
+ Cái đầu chú mèo tròn tròn như quả bóng nhỏ. Em đến gần chú hơn và đưa bàn tay vuốt nhẹ vào bộ lông màu đen mun. Ôi, sao mà bộ lông nó dày và êm mượt như nhung .
+ Cái đầu chú mèo tròn tròn như quả bóng nhỏ. Em khẽ chạm vào bộ lông. Ôi, bộ lông chú dày và êm như nhung .
+ Cái đầu chú mèo tròn tròn như quả bóng nhỏ. Hình như chú mèo này có bộ lông quá dày và êm như nhung.
2.3 Hướng dẫn học sinh cách dùng nhiều kiểu câu để diễn đạt.
- Có thể từ một câu kể - giáo viên động viên các em thay bằng câu cảm ,câu khiến hay câu hỏi để giúp bài văn hay hơn .
VD: Em có chú gấu bông rất đáng yêu.
+ Chú gấu bông của em sao mà đáng yêu thế !
+ Bạn có thấy chú gấu bông của mình đáng yêu không ?
2.4 Hướng dẫn cách gợi tả thực tế quan sát .
- Giáo viên giáo dục các em biết nhìn thực tế vào đời sống , giúp các em có thể diễn đạt khéo léo hơn.
VD: Cái cặp của em đã sờn cũ.
+ Cái cặp tuy đã cũ không đẹp bằng cặp của bạn nhưng đối với em nó vẫn đẹp vì nó đã giúp em đựng sách vở trong nhiều năm học .
+ Cái cặp tuy cũ nhưng em vẫn yêu nó vì đây là chiếc cặp kỉ niệm bà em đã mua cho em.
IV/ Rút kinh nghiệm:
- Bản thân tôi vận dụng kinh nghiệm này và tôi đã trao đổi với một số đồng nghiệp cùng khối lớp.Các bạn cũng thực hiện và cũng cảm nhận đạt hiệu quả.
- Tôi rút kinh nghiệm khi sử dụng sáng kiến kinh nghiệm này cần có cái “tâm” của giáo viên; cái “bền” của ý chí; cái “nhạy bén” dựa vào ý riêng của học sinh để hướng các em làm hay hơn cái riêng đó.
- Thật sự vui vì học sinh đạt yêu cầu và tùy năng lực học sinh phát huy thêm cái hay riêng của từng em.Giúp các em nhất là học sinh yếu viết được bài văn với mức độ vừa tầm các em là tốt. Các kết quả học tập các em phải vừa với năng lực các em. Quan trọng là sự tiến bộ của bài làm sau phải khá hơn bài làm trước về số lượng cũng như chất lượng câu.
- Quan trọng hơn là theo sát và quan tâm đối tượng trung bình-yếu. Đây là điều tất cả giáo viên đều làm, chỉ cần bền chí theo các em.Với thời gian tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt kết quả tốt.
III/ Kết quả:
- Trong giai đoạn đầu sẽ mất nhiều thời gian - học sinh hay bắt chước theo ý bạn hay ý giáo viên để diễn đạt…vì vậy giáo viên cần nhạy bén gợi ý cho các em cách diễn đạt khác để các em ham thích hơn.
- Nhưng sau một thời gian rèn luyện học sinh sẽ quen và nhanh hơn,các em tự tin diễn đạt hơn.
- Các em có thể hỗ trợ bạn, góp ý thêm, bổ sung từ để giúp bạn diễn đạt, đặt câu .
- Sau thời gian rèn luyện, học sinh ít nhiều có tiến bộ rõ về câu văn.Các em luôn biết vận dụng so sánh , nhân hóa, thay đổi kiểu câu, biết chọn lựa nhiều từ,biết lặp lại ý nhằm nhấn mạnh nét đặc sắc.
- Bài văn các em viết điều không rơi vào lỗi: viết liệt kê,viết quá ngắn.
Trong năm học 2007-2008 lớp 4 do tôi chủ nhiệm đã đạt:
+ 55 % số học sinh đạt yêu cầu môn Tiếng Việt.
+ 45 % số học sinh đạt yêu cầu nâng cao chất lượng viết văn.
Trong năm học 2008-2009 lớp 4 do tôi chủ nhiệm đã đạt:
+ 35 % số học sinh đạt yêu cầu môn Tiếng Việt.
+ 65 % số học sinh đạt yêu cầu nâng cao chất lượng viết văn.


KÍNH CHÚC QUÍ THẦY CÔ NHIỀU SỨC KHỎE

TRÂN TRỌNG KÍNH CHÀO
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Nguyễn Thị Trang
Dung lượng: | Lượt tài: 2
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)