Tích hợp nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong dạy-học lịch sử lớp 9

Chia sẻ bởi Huỳnh Ngọc Quang | Ngày 09/05/2019 | 102

Chia sẻ tài liệu: Tích hợp nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong dạy-học lịch sử lớp 9 thuộc Lịch sử 9

Nội dung tài liệu:

TRƯỜNG THCS TÂN HỘI ĐÔNG
TỔ SỬ - ĐỊA - TD
Giáo viên thực hiện: Huỳnh Ngọc Quang
PHÒNG GD & ĐT CHÂU THÀNH

Người ngồi đó với cây chì đỏ
Vạch đường đi từng bước từng giờ
TÍCH HỢP NỘI DUNG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ LỚP 9
CHUYÊN ĐỀ
I. LÝ DO CHỌN CHUYÊN ĐỀ:
Chủ tịch Hồ Chí Minh: vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức sáng ngời của Người sống mãi trong lòng kính yêu vô hạn của nhân dân Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Người mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ chúng ta học tập và noi theo.

Trong thời gian qua, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,các cuộc thi viết về Bác, hát về Bác, kể chuyện về Bác được sự hưởng ứng đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Nhưng nay, Đảng xác định cần đưa tư tưởng đó vào thực tế trong cuộc sống để giáo dục thế hệ trẻ. Vì vậy, nhiệm vụ này được đặt lên vai ngành giáo dục, đặc biệt là một số môn: Ngữ Văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật.
Bộ môn Lịch sử có nhiều ưu thế trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, vì môn Lịch sử ở nhà trường chúng ta dạy học theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đảm bảo cung cấp những kiến thức thực sự khách quan và khoa học để tiến hành giáo dục tốt tư tưởng, đạo đức cách mạng.

Từ năm học 2010 – 2011 trở đi, tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh ở nhà trường phổ thông trở thành nội dung bắt buộc trong chương trình học của một số môn trong đó có môn lịch sử.

Hơn nữa, Mục đích tích hợp giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là:
+Trang bị cho học sinh những hiểu biết cần thiết, cơ bản về đạo đức Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó các em có được nhận thức, thái độ và hành vi tích cực theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
+Giáo dục ý thức quan tâm tới việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ; làm cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành thói quen và nề nếp sống của học sinh.
+Phát triển kỹ năng thực hành và ứng xử tích cực trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
+Góp phần giáo dục cho học sinh trở thành người công dân tốt, biết sống và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và có trách nhiệm đối với đất nước.
Với những lý do trên, tôi mạnh dạn thực hiện chuyên đề “Tích hợp nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo dức Hồ Chí Minh” trong dạy học lịch sử lớp 9, với hy vọng làm cho các em học sinh thay đổi cách nhìn, cách học đối với bộ môn và thấy rõ vai trò quan trong của Bác đối với Cách mạng Việt Nam không chỉ trong hai cuộc kháng chiến mà trong cả thời kì xây dựng và đổi mới của đất nước, từ đó học sinh có ý thức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Vì đề tài khá mới mẻ, chắc chắn sẽ có nhiều hạn chế, mong sự hỗ trợ và đóng góp ý kiến của đồng nghiệp để chuyên đề có tính khả thi và đạt hiệu quả cao.
II. GIỚI HẠN CHUYÊN ĐỀ:
Chuyên đề chỉ tập trung vào các bài sau đây của lịch sử lớp 9:
-Bài 16: Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài (1919-1925)
-Bài 22: Cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945
-Bài 23: Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
-Bài 24: Cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân
(1945-1946)
-Bài 25: Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp
(1946-1950)
III. CÁC DẠNG KIỂU VÀ PHƯƠNG TIỆN TÍCH HỢP:

1. Trong từng đơn vị kiến thức của bài học
2. Dùng tư liệu chữ viết
3. Tư liệu hình ảnh (kênh hình)
4. Tư liệu âm thanh, video clip
5. Thơ văn
IV.I/ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1. Sơ nét về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một nội dung quan trọng được đặc biệt quan tâm là tư tưởng về đạo đức; bởi vì, đạo đức là nền tảng của cách mạng: “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, song có tiếp nhận truyền thống dân tộc và tinh hoa đạo đức nhân loại, được hình thành và phát triển trong những điều kiện lịch sử nhất định, có tác dụng và ý nghĩa trong ngày mai và mãi mãi sau này. Đảng ta xác định: “Tư tưởng của Người đã và đang soi sáng cho nhân dân ta giành thắng lợi, trở thành những giá trị bền vững của dân tộc Việt Nam và lan toả ra thế giới”.
IV. NỘI DUNG
2. Sự cần thiết tích hợp tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử
a. Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, trước những âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù trong việc thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ”, những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của kẻ thù về Bác Hồ, Đảng Cộng sản Việt Nam; phá hoại chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, cần chú trọng việc bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng, đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ.
b. Xây dựng lòng tin của thế hệ trẻ đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa trước những biến động của tình hình thế giới và những mặt trái của cơ chế thị trường tác động vào đời sống kinh tế nước ta.
c. Trong thời gian qua, khi giảng dạy bộ môn Lịch sử ở nhà trường phổ thông, các thầy cô giáo đã có sự liên hệ từng sự kiện, hiện tượng, biến cố lịch sử gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp học sinh hiểu rõ hơn, thì bây giờ trên cơ sở sự liên hệ đó chúng ta khắc sâu cho học sinh đi từ chỗ liên hệ đi đến khắc sâu – “Bình mới rượu cũ”.
3. Những nguyên tắc và yêu cầu của việc tích hợp tư tưởng Hồ Chí Minh trong học tập lịch sử để giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh
Thứ nhất, cần xác định rõ, đây là dạy học bộ môn Lịch sử chứ không phải dạy về tiểu sử Hồ Chí Minh cũng như không dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ hai, việc giáo dục tư tưởng nói chung, giáo dục tư tưởng về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng phải dựa trên cơ sở sự kiện lịch sử cơ bản, chính xác, điển hình. Phải dựa theo “chuẩn kiến thức, kĩ năng” mà bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành.
Thứ ba, phải biết trình bày, khai thác nội dung sự kiện; nêu kết luận khái quát sự kiện; vận dụng sự kiện đó để tiếp nhận kiến thức mới.
Thứ tư, bồi dưỡng kĩ năng và phát huy tính tích cực của học sinh khi học tập tìm hiểu về Người.
Thứ năm, đảm bảo nguyên tắc “Học đi đôi với hành”, ‘nói và làm”, “nêu gương” phải cụ thể.
Thứ sáu, chuẩn bị đầy đủ về thiết bị, đổi mới phương pháp giảng dạy…để nâng cao hiệu quả giáo dục.
Chú ý:
Khi tích hợp, tùy theo nội dung, đặc điểm của môn học, bài học giáo viên cần lựa chọn mức độ tích hợp thích hợp (từ liên hệ, từng bộ phận đến tích hợp toàn phần). Giáo viên có thể lựa chọn thêm những tư liệu có liên quan, chuyện kể, hình ảnh, phim (ngoài sách giáo khoa)…để đưa vào lồng ghép trong quá trình dạy học và có thể lựa chọn những nội dung, tư liệu khác nếu thấy phù hợp. Cần chú ý, khi tích hợp không làm thay đổi mục tiêu bài học, phải tự nhiên, nhẹ nhàng, tránh áp đặt nặng nề. Cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy.
IV.2/ TIẾN TRÌNH THỰC HIỆN:
1.Chuẩn bị:
Giáo viên nghiên cứu kĩ địa chỉ và nội dung tích hợp ở các bài đã chọn, sau đó sưu tầm, chọn lọc tư liệu, hình ảnh, đoạn thơ, đoạn văn hoặc đoạn phim tích hợp thích hợp.
2. Thực hiện:
Ở bài 16: Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài (1919-1925)
Trong từng mục, giáo viên có thể dẫn chứng thơ.
Ví dụ như ở mục I: Nguyễn Ái Quốc ở Pháp (1917-1923) khi đến đoạn: tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin, từ đó Người hoàn toàn tin theo Lê-nin và đứng về Quốc tế thứ ba, giáo viên có thể dẫn chứng đoạn thơ trích trong bài “Người đi tìm hình của nước” tác giả Chế Lan Viên, đọan từ:
“…Luận cương đến Bác Hồ và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
Độc lập là đây, hạnh phúc đây rồi
Hình của Đảng lồng trong hình của nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”
Để làm sinh động thêm bài học và tầm quan trọng của luận cương đối với Người trong hành trình gian khổ đi tìm đường cứu nước.
Sau khi khai thác và tìm hiểu hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, ở Liên Xô và ở Trung Quốc kết hợp với 1 số hình ảnh
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua
(12-1920)
Nguyễn Ái Quốc và một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V
(7-1924)
Những người trong lớp huấn luyện
Giáo viên tích hợp ở mức độ liên hệ như sau: Những hoạt động ở nước ngoài đã giúp Người tìm thấy con đường cứu nước giải phóng dân tộc.( Bắt gặp đúng chân lí cứu nước,kiên quyết tin theo)
Qua đó, học sinh thấy được ở Bác tính kiên trì, nhẫn nại, tìm tòi học hỏi, tinh thần vượt mọi khó khăn gian khổ quyết tâm tìm đường cứu nước .
Sau khi giáo dục xong, giáo viên gợi ý cho học sinh liên hệ thực tế bản thân là làm theo như thế nào. (qua tổng hợp ý kiến, tôi xin tóm tắt ý kiến trả lời của học sinh như sau: Học tập tấm gương yêu nước và vượt khó của Bác, chúng em nguyện sẽ siêng năng, kiên trì, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn trong học tập, trong lao động để sau này trở thành một công dân có đầy đủ tri thức, năng lực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc).
Ở bài 22: Cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
-Khi dạy đề mục I. MẶT TRẬN VIỆT MINH RA ĐỜI (19-5-1941), giáo viên tích hợp ở mức độ liên hệ như sau:
+ Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941.
Để tăng thêm tính hấp dẫn và trực quan, giáo viên cho học sinh xem ảnh hang Pác Bó (Cao Bằng) và đoạn phim nói về chủ trương mới của Hội nghị.
HANG PẮC BÓ
Qua sự liên hệ trên, nhằm cho HS thấy được sự sáng suốt, tài tình cuả Chủ tịch Hồ Chí Minh là nắm được thời cơ chủ trì Hội nghị, gởi thư kêu gọi đồng bào cả nước nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau đó tiếp tục tích hợp và phân tích các nội dung sau:
+Chủ trương mới của Đảng: Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu ; tạm gác khẩu hiệu “Đánh đổ địa chủ chia ruộng đất cho dân cày”; Thành lập Mặt trận Việt Minh.
+Sự phát triển các lực lượng: lực lượng chính trị: Mặt trận Việt Minh được thành lập 19/5/1941, bao gồm các đoàn thể cứu quốc ở khắp cả nước
+ Vai trò của Hồ Chí Minh đối với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh.
Qua đó giáo dục học sinh ý thức trách nhiệm đối với đất nước cùng những chủ trương đúng đắn, kịp thời, để lãnh đạo cách mạng của Bác.
Sau khi giáo dục xong, giáo viên gợi ý cho học sinh liên hệ thực tế bản thân là làm theo như thế nào. (qua tổng hợp ý kiến, tôi xin tóm tắt ý kiến trả lời của học sinh như sau: Sau khi học tập tấm gương ý thức trách nhiệm của Bác, chúng em nhận thấy bản thân mình trong thời gian qua chưa đóng góp được gì cho trường, lớp. Từ nay, chúng em phải có trách nhiệm đối với trường, với lớp hơn đó là luôn luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà thầy cô, nhà trường đã phân công để bản thân mình ngày càng tiến bộ đồng thời góp phần xây dựng tập thể lớp vững mạnh và trường học thân thiện).
Ở bài 23: Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
*Khi dạy mục I. LỆNH TỔNG KHỞI NGHĨA ĐƯỢC BAN BỐ, giáo viên tích hợp ở mức độ liên hệ như sau:
Trước thời cơ cách mang đã chín muồi, Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng (14-15/8/1945) thông qua kế hoạch lãnh đạo Tổng khởi nghĩa trong cả nước.
-Đại hội quốc dân Tân Trào họp (16-17/8) tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, nhất trí tán thành quyết định khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quyết định quốc kì, quốc ca.
Hoặc cho học sinh xem một số ảnh ở Tân Trào và đoạn phim về nội dung Đại hội quốc dân Tân Trào (16-17/8)
CÂY ĐA TÂN TRÀO
Đình Hồng Thái – nơi dừng chân đầu
tiên của Bác Hồ khi đến Tân Trào
*Khi dạy mục III. GIÀNH CHÍNH QUYỀN TRONG CẢ NƯỚC, giáo viên tích hợp ở mức độ liên hệ như sau:
*Khi cách mạng thắng lợi, Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình (2/9/1945)
Học sinh xem một số ảnh và đoạn phim Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945
Nếu không có đoạn phim, giáo viên có thể đọc cho học sinh nghe đoạn trích bản Tuyên ngôn độc lập trong quyển Văn Hồ Chủ Tịch.
Qua đó, học sinh nhận biết được công lao to lớn của Hồ Chí Minh đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 đồng thời học tập được đức tính giản dị và gắn bó của Người đối với dân tộc Việt Nam trong ngày lịch sử trọng đại này.
Ở bài 24: Cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân (1945-1946).
Khi dạy mục III. DIỆT GIẶC ĐÓI, GIẶC DỐT VÀ GIẢI QUYẾT KHÓ KHĂN VỀ TÀI CHÍNH, giáo viên tích hợp ở mức độ liên hệ như sau:
Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt, khó khăn về tài chính. Sau đó cho học sinh xem 1 số hình ảnh và đoạn phim về chủ trương chống giặc đói, giặc dốt, giải quyết khó khăn về tài chính của Chủ tịch Hồ chí Minh.
Nhân dân góp gạo chống "giặc đói"
Nhân dân Hà Nội mít tinh hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất của Đảng và Chính phủ, ngày 9 -12-1945
Lớp bình dân học vụ
Qua đó, giáo dục học sinh tinh thần yêu nước, thương dân, quan tâm đến sự phát triển của đất nước và tinh thần lao động của Bác.
Sau khi giáo dục xong, giáo viên yêu cầu học sinh tự liên hệ bản thân là làm theo như thế nào. Phần lớn học sinh đều trả lời như sau: học tập tấm gương trên của Bác chúng em nguyện sẽ tự giác học tập và giúp đỡ gia đình, tích cực tham gia các buổi lao động do nhà trường, địa phương tổ chức nhằm rèn luyện ý thức và kĩ năng lao động , đồng thời có tinh thần tương ái bằng những việc làm cụ thể như giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống,, biết giúp đỡ những người tàn tật, neo đơn, ủng hộ đồng bào những vùng bị thiên tai, lũ lụt…
Tiếp theo là mục VI. HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ (6-3-1946) VÀ TẠM ƯỚC VIỆT - PHÁP (14-9-1946), giáo viên tích hợp như sau:
Bên cạnh chủ trương chống giặc đói, giặc dốt, giải quyết khó khăn về tài chính, Chủ tịch Hồ chí Minh còn có đối sách rất độc đáo để từng bước loại bỏ kẻ thù xâm lược là quân Tưởng Giới Thạch đồng thời kéo dài thời gian hòa hoãn để xây dựng và củng cố lực lượng, chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp nhất định sẽ bùng nổ qua việc kí Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946), Tạm ước (14/9/1946)

Qua đó, giúp học sinh thấy được những sách lược khôn khéo mềm dẻo của Hồ Chí Minh trong việc đối phó với thù trong giặc ngoài, kí Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946), Tạm ước (14/9/1946) hòa hoãn với Pháp nhưng vẫn giữ vững được độc lập - “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Ở bài 25: Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950)
Khi dạy mục I. CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC BÙNG NỔ (12-9-1946), giáo viên tích hợp ở mức độ liên hệ như sau:
Khi Pháp quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa, Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thể hiện quyết tâm và đường lối kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.
Sau đó cho học sinh đọc đoạn trích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm (1946) và xem nơi Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”


“Hỡi đồng bào cả nước! Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước…”
hoặc cho học xem đoạn phim lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nơi Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”
Cuối năm 1946, trong những ngày khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc ở Vạn Phúc, tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương từ ngày 3 - 9.12.1946.
Qua lời kêu gọi, HS nhận thức rõ lời kêu gọi đó thật thiết tha, cụ thể, chứa đựng lòng yêu nước quyết tâm chống giặc của Người.
Sau khi giáo dục xong, giáo viên yêu cầu học sinh tự liên hệ bản thân là làm theo như thế nào. Một số học sinh trả lời như sau: học tập tấm gương trên của Bác, chúng em luôn luôn đề cao cảnh giác, tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong nhà trường và nơi cư trú, tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi, nhằm góp phần bảo vệ Tổ quốc…
V. KẾT QUẢ:
Từ sau khi dự tập huấn tích hợp nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi đã nghiên cứu cách tích hợp sao cho có hiệu quả trong quá trình giảng dạy bộ môn lịch sử lớp 9. Với cách làm trên, tôi nhận thấy học sinh rất chú tâm theo dõi và có nhận thức khá sâu sắc về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Từ đó các em có biểu hiện học tập và làm theo tấm gương đức của Người bằng những việc làm cụ thể như khiêm tốn, giản dị, có ý thức tổ chức kỉ luật, có tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong học tập, trong lao động, trong sinh hoạt tập thể. Các em còn có tinh thần đoàn kết trong việc xây dựng tập thể lớp vững mạnh, sẵn sàng tham gia các phong trào hoạt động do nhà trường, liên đội phát động. Các hiện tượng như gây gỗ, đánh nhau, quậy phá… trong và ngoài nhà trường cũng giảm đi rất nhiều.
VI. KẾT LUẬN:
Với những bài tiếp theo, tôi cũng sẽ tiến hành tích hợp nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo hình thức trên để giáo dục học sinh một cách có hiệu quả nhất.
Tôi hy vọng rằng, từ năm học này, với việc tích hợp đồng bộ trong cả nước nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong môn lịch sử sẽ đem lại nhận thức tốt về hành vi, lối sống không chỉ cho học sinh mà bản thân của mỗi giáo viên cũng sẽ nâng cao được ý thức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở mỗi nơi, mỗi lúc, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phát động từ năm 2006.

* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Huỳnh Ngọc Quang
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)