Lời tri ân đến nhân vật Vũ Nương

Chia sẻ bởi Ông Thị An Trinh | Ngày 12/10/2018 | 32

Chia sẻ tài liệu: Lời tri ân đến nhân vật Vũ Nương thuộc Ngữ văn 9

Nội dung tài liệu:

Đề bài: Hãy gửi lời tri ân của em đến với nhân vật mà em trân trọng, yêu quý trong tác phẩm truyện lớp 9.
Bài làm:
Trong tất cả các văn bản mà tôi đã học qua thì “Chuyện người con gái Nam Xương” đã để lại trong tôi những dư âm và xúc cảm rất đặc biệt. Và chính nhân vật Vũ Nương-nhân vật mà tôi trân trọng, yêu quý nhất đã khơi mào trong tôi những cảm xúc rất thật: thán phục, đồng cảm, thương xót, yêu mến và hơn hết là sự biết ơn.
Thật sự mà nói thì khi đọc những dòng đầu tiên của tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” thì cảm xúc đầu tiên trong tôi rất mâu thuẫn: có một chút gì đó hơi ghen tị nhưng xen lẫn một chút xem thường. Ghen tị vì vẻ đẹp của Vũ Nương “tính đã thùy mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” thế nhưng lại xem thường vì vẻ đẹp đó không quá nổi trội, không lung linh, rực rỡ như vẻ đẹp của Kiều, của Tây Thi hay vẻ đẹp của những nàng công chúa trong truyện cổ tích. Thế nhưng khi đọc hết tác phẩm thì suy nghĩ trong tôi đã thay đổi. Dường như cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa đang diễn ra trước mắt tôi. Hình ảnh một người phụ nữ thuần khiết, nết na, hình ảnh một người con dâu hiếu thảo một mình chăm sóc mẹ già bên giường bệnh, hình ảnh một người mẹ ngồi ôm con trỏ bóng mình trên bức vách, hình ảnh một người vợ suốt ngày chăm lo, vun vén cho gia đình bên một người chồng vô cảm, hình ảnh một người vợ khóc lóc đáng thương qùy mọp dưới chân một kẻ vũ phu và hình ảnh một người phụ nữ đau khổ gieo mình xuống sông tự vẫn… luôn hiển hiện trong tâm trí tôi. Tôi vừa ngưỡng mộ, cảm phục, vừa thương xót, đau lòng lại vừa giận. Và tôi tự hỏi: Tại sao lại có những người phụ nữ phi thường đến vậy? Tại sao xã hội lại bất công như vậy? Tại sao con người lại tự làm khổ con người? Tại sao con người lại tạo ra chiến tranh khi mà chiến tranh khiến cho nhiều gia đình bị chia rẽ, khiến cho niềm hạnh phúc và ước mơ nhỏ nhoi trở nên xa vời đối với người phụ nữ? … và tôi ước ao được gặp Vũ Nương một lần để được giải đáp rằng: VÌ sao nàng có thể cam chịu, nhẫn nhịn đến như vậy? Vì sao nàng có thể bao dung, vị tha đến thế? Vì sao nàng không hề than vãn dù chỉ một lời? … Phải nói rằng tôi vô cùng ngưỡng mộ, kính trọng vẻ đẹp của Vũ Nương. Nếu đặt tôi vào vị trí của nàng chắc chăn tôi sẽ không thể là được như vậy. Thế nhưng có một điều khiến tôi thấy giận Vũ Nương rằng: Tại sao nàng lại phải tự vẫn khi mà nỗi oan còn chưa được giải? Tại sao nàng lại phải đầu hàng số phận như vậy? Giá như nàng không chết thì có phải nỗi oan được giải rồi không? Thế nhưng rồi tôi lại tự hỏi nếu Vũ Nương không tự vẫn và được giải oan thì liệu hạnh phúc thực sự có đến được với nàng hay không? Hay là nàng vẫn phải chịu cảnh sống chung bên một người chồng có trái tim sắt đá và gia trưởng? …
Nhưng dù sao đi nữa thì tôi vẫn rất biết ơn nhân vật Vũ Nương. Chính nhờ người phụ nữ đức hạnh ấy mà tôi biết được những vẻ đẹp, những phẩm hạnh đáng quý của người phụ nữ Việt Nam xưa. Đồng thời qua nhân vật Vũ Nương tôi cũng phần nào cảm nhận được nỗi thống khổ, cuộc sống bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Qua đó giúp tôi thấy được sự bất công đầy rẫy trong xã hội xưa, một xã hội trọng nam khinh nữ, chà đạp lên thân phận của người phụ nữ. Từ đó khiến tôi thêm yêu xã hội tiến bộ hôm nay, thêm quý trọng cuộc sống tươi đẹp này.
Một lần nữa, tôi xin gửi lời tri ân đến nhân vật Vũ Nương-nhân vật mà tôi yêu quý nhất. Hi vọng rằng nàng sẽ sống mãi với thời gian, tồn tại mãi trong lòng độc giả để cho nhiều thế hệ mai sau biết được số phận bất hạnh và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa.
*Tái bút: Bài viết này còn rất nhiều thiếu sót nhưng do đề “độc” nên tôi đăng lên để mọi người cùng góp ý. Nếu ai có ý kiến bổ sung, chỉnh sửa gì cho bài viết thì hãy nhắn tin về tài khoản của tôi. Xin chân thành cảm ơn!

Tác giả
Ông Thị An Trinh

* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Ông Thị An Trinh
Dung lượng: 19,26KB| Lượt tài: 0
Loại file: docx
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)