Ke hoch

Chia sẻ bởi Bình Phạm Ngọc Lâm | Ngày 14/10/2018 | 24

Chia sẻ tài liệu: ke hoch thuộc Vật lí 8

Nội dung tài liệu:

CHUYÊN ĐỀ
TIẾN TRÌNH THỰC HIỆN
GIỜ TRẢ BÀI TẬP LÀM VĂN
GV thực hiện: Phan Thị Hoa
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông hiện nay gồm có ba phần: Văn bản, Tiếng Việt và Tập làm văn. Tài liệu tham khảo phục vụ việc dạy học bộ môn khá phong phú như: Sách chuẩn kiến thức kĩ năng, sách giáo viên, sách bài soạn, băng đĩa,….
Phần Văn bản và phần Tiếng Việt được trình bày đa dạng, nội dung bám sát, cụ thể, nhiều văn bản được mở rộng, kể cả các bài kiểm tra 15 phút hay một tiết cũng đều có nhiều dạng đề khác nhau nhưng vẫn có một định hướng chung (Phần văn bản đi từ tìm hiểu chung đến đọc hiểu về nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa văn bản rồi đến luyện tập; phần Tiếng Việt đi tìm hiểu theo các đề mục trong sách giáo khoa).
Phần Tập làm văn, các tiết lí thuyết cũng được hướng dẫn cụ thể. Song đối với những tiết trả bài viết thì hầu như sách nào cũng viết một cách qua loa, mang tính chung chung một phần do đề bài ra cho học sinh làm thường mang tính chủ động của từng giáo viên.
Đề có thể lấy từ sách giáo khoa, có thể lấy từ các tài liệu khác, hoặc giáo viên tự ra theo chương trình học. Vì vậy đến giờ trả bài cũng mang tính chủ quan của từng giáo viên. Nhưng người thầy cũng có thể tìm ra “cái” chung cho những tiết trả bài viết.
Trong quá trình giảng dạy, cụ thể là trong các tiết trả bài viết, bản thân tôi cũng có những cách soạn khác nhau. Trong chuyên đề này, tôi nêu ra các bước thực hiện trong giờ trả bài viết Tập làm văn để các thầy cô tham khảo.
II. NỘI DUNG
Trong giờ trả bài Tập làm văn, người thầy làm công việc đánh giá khả năng vận dụng kiến thức và kĩ năng Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn đã học, đã đọc của học sinh về một kiểu bài cụ thể. Về cơ bản một tiết trả bài viết cần thực hiện được các hoạt động (các bước) sau:
Hoạt động 1: Tìm hiểu đề bài
Đây là một hoạt động cần thiết để học sinh phát hiện ra mình có bị làm lạc đề hay không. Do đó giáo viên cho học sinh nhắc lại đề bài viết, sau đó xác định lại yêu cầu của đề bài: Đề bài thuộc thể loại bài nào? Đề bài nêu vấn đề, đối tượng gì? Cần lấy tư liệu từ đâu?
Hoạt động 2: Nhận xét, đánh giá bài làm của học sinh
Ở hoạt động này, giáo viên có thể tiến hành nhận xét, đánh giá chung và đánh giá cụ thể bài làm của học sinh về các mặt ưu điểm và hạn chế (nên nhận xét ưu điểm trước, hạn chế sau); đồng thời công bố kết quả về mặt điểm số.
Nhận xét, đánh giá chung những ưu điểm và hạn chế về kiến thức và kĩ năng trình bày. Ưu điểm có thể là: bài làm xác định đúng thể loại, yêu cầu của đề, hiểu sâu vấn đề, có tính sáng tạo; bố cục rõ ràng, trình bày sạch sẽ, ít sai chính tả, chữ viết đẹp…
Hạn chế có thể là một số bài lạc đề, xa đề, chưa làm rõ vấn đề; bài không có bố cục rõ ràng, thiếu lô-gíc, chữ viết xấu, viết sai chính tả, mắc nhiều lỗi chính tả ngữ pháp, chép lẫn nhau, chép từ sách tham khảo…
Nhận xét, đánh giá cụ thể, nếu lớp có sĩ số học sinh đông thì giáo viên nên chọn một số bài tiêu biểu hoặc đáng lưu ý để nhận xét. Nếu lớp có sĩ số học sinh ít thì giáo viên có thể nhận xét từng bài để học sinh phát huy hoặc khắc phục.
Đối với những bài được điểm tốt, giáo viên nên tên cụ thể để phát huy tính tích cực và làm gương sáng cho các bạn trong lớp. Nhưng đối với những bài điểm yếu, kém thì cần cân nhắc kĩ để tránh trường hợp các em cảm thấy xấu hổ trước bạn bè.
Sau khi đã nhận xét đánh giá, giáo viên tiến hành công bố điểm số. Điểm bài của học sinh trong lớp được chia làm 5 loại: Giỏi (8 đến 10), Khá (6,5 đến dưới 8), Trung bình (5 đến dưới 6,5), Yếu (2 đến dưới 5), Kém (dưới 2) và được chia tỉ lệ phần trăm để giáo viên có phương pháp điều chỉnh, hướng dẫn trong những bài viết sau, nhất là đối với những học sinh có bài điểm yếu, kém.
Hoạt động 3: Đọc bình và sửa chữa lỗi
Đối với hoạt động này, giáo viên nên chọn 1 đến 2 bài làm tốt và 1 đến 2 bài làm yếu kém, sau đó chỉ định học sinh trong lớp đọc, rồi cho các bạn trong lớp nhận xét, rút kinh nghiệm. Nếu lớp chỉ gồm học sinh có học sinh từ trung bình trở xuống thì giáo viên nên chọn đoạn bài hay để đọc trước lớp.
Phần sửa chữa lỗi trong tiết trả bài chủ yếu chữa lỗi về diễn đạt, lỗi về chính tả. Giáo viên nên trình bày trên bảng, kẻ hai cột, một cột ghi lỗi trong bài làm của học sinh, một cột sửa chữa lỗi. Sau khi ghi một số lỗi tiêu biểu, giáo viên nên cho các em phát hiện câu đó, từ đó tại sao bị lỗi, cách sửa lại cho đúng. Nhưng giáo viên cũng chú ý xem các em vô tình hay cố tình viết sai để có hướng uốn nắn.
Hoạt động 4: Trả bài
Sau khi sửa lỗi xong, lớp trưởng sẽ nhận bài và phát cho các bạn trong lớp để cùng trao đổi bài với người ngồi bên cạnh đọc và rút kinh nghiệm. Giáo viên cũng nên nhắc các em cộng lại điểm số của bài, tranh thủ gọi tên lấy điểm bài làm của học sinh.
Công việc này giáo viên có thể làm từ khi ở nhà, song cũng nên kiểm tra lại để tránh sai sót, thiệt thòi cho các em. Ngoài ra, giáo viên cũng giải đáp những thắc mắc từ các em về bài làm (nếu có).
Hoạt động 5: Nhắc nhở, dặn dò
Đây là hoạt động cuối cùng của tiết trả bài, vì vậy người thầy nên nhắc lại ý nghĩa, tầm quan trọng hay sự cần thiết của bài viết đối với cuộc sống giao tiếp hàng ngày. Đồng thời nhắc các em về nhà viết lại nếu thấy bài làm của nhiều em trong lớp chưa đạt.
III. KẾT LUẬN
Để có được một giờ trả bài đúng nghĩa thì người thầy phải đầu tư khá nhiều thời gian trong khâu chấm bài của học sinh. Phải đọc bài làm không chỉ một lần mà có khi đến vài ba lần để hiểu các em trình bày cái gì? trình bày như thế nào? viết đúng hay sai? viết hay ở chỗ nào? viết chưa đạt ở chỗ nào?
Sau đó phải ghi nhận một cách cụ thể ra sổ tay ghi chép hoặc giấy nháp. Bởi vì có những vấn đề không thể phê trực tiếp vào bài làm của học sinh. Hoặc không còn chỗ để phê!
Người thầy cũng cần chú ý thêm: những bài Tập làm văn là sản phẩm của học sinh mà sản phẩm ấy lại do chính người thầy hướng dẫn và cũng chính thầy là người “thưởng thức” sản phẩm ấy. Sau khi chấm-trả, học sinh được mang bài về nhà (chỉ trừ bài thi học kì).
Vì vậy, khi nhận xét vào bài làm của các em, thầy cần thận trọng, khách quan không thiên vị hay có ý đe dọa dễ dẫn đến hiểu lầm đáng tiếc xảy ra. Ngoài ra, người thầy cần chủ động trong các hoạt động để đảm bảo thời gian của một tiết học.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Bình Phạm Ngọc Lâm
Dung lượng: 10,88KB| Lượt tài: 2
Loại file: rar
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)