Hoa hoc lop 9

Chia sẻ bởi Luân Hiên | Ngày 30/04/2019 | 25

Chia sẻ tài liệu: Hoa hoc lop 9 thuộc Hóa học 9

Nội dung tài liệu:

B. Một số thao tác thực hành cơ bản: Hòa tan, lọc, kết tinh lại.
B1. Hòa tan:
Khi hòa tan hai chất lỏng vào nhau cần luôn luôn lắc bình đựng để dung dịch được đồng nhất.
Khi hòa tan chất rắn vào chất lỏng, nếu chất rắn có tinh thể to ta phải nghiền nhỏ thành bột trước khi hòa tan. Dùng nước cất để hòa tan các chất.
Hòa tan các chất trong cốc thủy tinh ta dùng đũa thủy tinh để khuấy. Đầu đũa thủy tinh phải bọc cao su vừa khít và kín. Hòa tan một lượng lớn chất tan trong bình cầu hoặc bình hình nón ta phải lắc theo vòng tròn. Hòa tan trong ống nghiệm thì lắc theo chiều ngang như đã giới thiệu ở các phần trên.
Đa số chất rắn khi đun nóng sẽ tan nhanh hơn, vì vậy khi hòa tan có thể đun nóng hoặc pha bằng nước nóng.
B2. Lọc:
Lọc là phương pháp tách những chất rắn không hòa tan ra khỏi chất lỏng. Trong hòng thí nghiệm thường dùng giấy lọc để lọc. Cũng có thể dùng giấy bản loại tốt hoặc bông thủy tinh để lọc.
a. Cách gập giấy lọc:
Có thể gập tờ giấy lọc theo cách đơn giản như sau để khi cần lấy kết tủa ra và giữ kết tủa lâu. Dùng tờ giấy lọc hình vuông có cạnh bằng hai lần đường kính phễu lọc. Gập đôi rồi gập tư tờ giấy. Dùng kéo cắt tờ giấy theo đường hình vòng cung thành một hình quạt. Tách ba lớp giấy lọc hình quạt thành hình nón.
b. Cách lọc:
Trước hết đặt tờ giấy lọc khô đã gấp thành hình nón vào phễu và điều chỉnh cách đặt sao cho thành tờ giấy lọc hình nón sát với thành phễu. Cần cắt giấy lọc sao cho mép giấy lọc cách miệng phễu khoảng 5-10mm. Đổ một ít nước cất vào để tẩm ướt giấy lọc rồi dùng ngón tay cái (đã rửa sạch) ép giấy sát vào phễu để đẩy hết bong bóng khí ở cuống phễu và giấy ra ngoài. Đặt phễu lọc trên vòng đỡ của giá thí nghiệm.
Dùng cốc sạch hứng dưới phễu sao cho cuống phễu chạm vào thành trong của cốc. Khi rót chất lỏng vào phễu lọc nên rót theo một đũa thủy tinh, không đổ đầy chất lỏng đến tận mép giấy lọc.
Muốn lọc được nhanh, trước khi lọc nên để lắng, không làm vẩn kết tủa lên và lọc phần nước trong trước.
Cách lọc
B3. Kết tinh lại.
Kết tinh lại là quá trình một chất rắn kết tinh được chuyển vào dung dịch bằng cách đun nóng với một dung môi nào đó và sau khi làm lạnh dung dịch, nó lại xuất hiện ở trạng thái tinh thể nhưng tinh khiết hơn.
Trong thí nghiệm hóa học người ta thường lợi dụng quá trình kết tinh lại để tinh chế các chất, để phân chia hỗn hợp các chất kết tinh v.v.. Quá trình kết tinh lại dựa vào tính chất vật lý của chất kết tinh là thay đổi độ tan trong dung môi theo nhiệt độ.
Cách tiến hành: cho chất kết tinh lại vào bình hình nón, cho dần nước hoặc dung môi hữu cơ để được dung dịch bão hòa. Đun nóng dung dịch nhưng chỉ đun đến nhiệt độ sôi của dung môi để được dung dịch bão hòa nóng. Lọc nhanh dung dịch bão hòa nóng. Phải dùng phễu lọc nóng để lọc. Ở dưới phễu, để chậu kết tinh. Các tinh thể được dần dần tạo thành. Muốn có tinh thể nhỏ, ta làm lạnh nhanh bằng cách đặt chậu kết tinh vào nước lạnh hoặc nước đá, đồng thời lắc mạnh. Muốn có tinh thể lớn thì để bình nguội từ từ và không chạm mạnh vào bình.
IV. TỔ CHỨC QUẢN LÍ VÀ SỬ DỤNG TBDH
Sắp xếp TBDH hoá học trong phòng thí nghiệm và trong kho chứa:
Có hệ thống sổ sách bảo quản và theo dõi việc sử dụng TBDH:
Thực hiện nghiêm túc nội quy phòng thí nghiệm với những nội dung:
1. Sắp xếp TBDH hoá học trong phòng thí nghiệm và trong kho chứa:
TBDH phải được sắp xếp một cách khoa học theo các loại hình trong các tủ, giá để thuận tiện quản lí, bảo quản, sử dụng.
Cụ thể:
- Các dụng cụ bằng kim loại phải để ở ngăn khô ráo, không để chung với các hoá chấ để tránh chóng han gỉ.
- Các dụng cụ thuỷ tinh phải được rửa sạch sau khi làm thí nghiệm, được sấy khô hoặc và úp ngược trong các giá thích hợp rồi đặt trong ngăn của tủ , giá thí nghiệm.
- Các hoá chất phải được sắp xếp, quản lí để đảm bảo độ tinh khiết, an toàn, dễ thấy, dễ lấy, tiện sử dụng.
Chẳng hạn:
Phân loại muối theo anion (muối clorua, muối sunfat, muối nitrat…)
Phân loại theo axit, bazơ
Phân loại theo đơn chất (phi kim, kim loại)
Phân loại theo oxit
Phân loại theo tính chất nguy hiểm:
+ Các hoá chất dễ cháy phải để riêng một ngăn tránh gần nguồn phát cháy như ổ điện, bếp hoặc gần đèn khí...
+ Các hoá chất độc cũng phải có ngăn tủ riêng có khoá...
- Tranh ảnh phải có nẹp treo và được treo trên giá treo tranh theo lớp, chương hoặc theo các chủ đề phù hợp với chương trình và sách giáo khoa để tiện sử dụng.
- Các băng, đĩa hình, bản trong có hình vẽ dùng cho máy chiếu qua đầu phải để ở ngăn riêng, không ẩm ướt, không bị hơi hoá chất huỷ hoại.
2. Có hệ thống sổ sách bảo quản và theo dõi việc sử dụng TBDH:
Hệ thống sổ sách gồm:
- Sổ nhập TBDH.
- Sổ xuất TBDH.
- Sổ theo dõi việc sử dụng TBDH của giáo viên.
3. Thực hiện nghiêm túc nội quy phòng thí nghiệm với những nội dung:
Điều 1. Dụng cụ, máy móc, mô hình, tranh ảnh, hoá chất, phải sắp xếp theo từng môn, từng loại, theo nguyên tắc khoa học, dễ thấy dễ lấy.
Điều 2. Các hoá chất phải để trong phòng riêng hoặc tủ riêng tuyệt đối không xếp chung với các dụng cụ máy móc khác, chai lọ đựng hoá chất nhất thiết phải có nhãn. Những hoá chất độc hại, dễ nổ, dễ cháy, đắt tiền phải có tủ khoá riêng, máy móc, dụng cụ kỹ thuật cần có lý lịch hoặc thuyết minh kèm theo.
Điều 3. Phòng thí nghiệm và kho chứa phải có đủ phương tiện phòng và chữa cháy, các phương tiện chống ẩm, bụi chuột, dán, mối phải thường xuyên lau chùi, phơi hoặc sấy, bôi dầu mỡ hoặc cho vận hành theo đúng tính năng đặc điểm của mỗi loại thiết bị dụng cụ.
Điều 4. Phòng thí nghiệm và kho chứa phải có các sổ sách, hồ sơ như sau: sổ tài sản thiết bị dạy học, sổ danh mục đồ dùng dạy học tự làm, sổ theo dõi việc sử dụng thiết bị dạy học, sổ nhật ký của phòng, tập lưu trữ hoá đơn, biên bản các đợt kiểm kê và các loại giấy tờ khác.
Điều 5. Khi mang dụng cụ máy móc ra khỏi phòng thí nghiệm hoặc kho chứa (trong phạm vi nhà trường) phải được phép của người phụ trách phòng hoặc kho. Nếu đưa ra ngoài trường nhất thiết phải được sự đồng ý của hiệu trưởng. Không dùng phòng thí nghiệm và kho chứa làm nơi hội họp hoặc tiến hành các sinh hoạt khác ngoài chức năng, nhiệm vụ của phòng cho. Không hút thuốc, ăn uống trong phòng, kho.
Điều 6. Dụng cụ máy móc, dùng xong phải lau rửa sạch sẽ, trả lại đầy đủ và sắp xếp theo đúng trật tự ban đầu.
Điều 7. Học sinh làm việc trong phòng thí nghiệm phải có chỗ ngồi quy định không được tuỳ tiện di chuyển, đồ đạc , dụng cụ, máy móc trong phòng. Trước khi làm thí nghiệm phải nắm vững mục đích yêu cầu, nguyên tắc, cấu tạo và cách sử dụng từng dụng cụ máy móc. Thực hiện nguyên tắc: chưa nắm vững lý thuết chưa thực hành. Cần bám sát yêu cầu thí nghiệm, thực hành nghiêm túc ghi chép số liệu, cân đo…và hoàn thành bản tường trình hoặc báo cáo kết quả ngay trong buổi thực hành ấy. Các bản báo cáo này cần được đánh giá và ghi vào kết quả học tập của học sinh. Triệt để tiết kiệm vật tư, hoá chất.
Điều 8. Học sinh chỉ được làm những bài thực hành do giáo viên quy định. Những thí nghiệm gây độc hại, nguy hiểm phải có giáo viên hoặc cán bộ thí nghiệm trực tiếp hướng dẫn. Cần có các phương tiện bảo hộ lao động như: áo choàng, găng tay, kính che mắt, tủ hốt…
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Luân Hiên
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)