Địa lý Lạng sơn

Chia sẻ bởi Trịnh Thị Trâm | Ngày 06/05/2019 | 44

Chia sẻ tài liệu: Địa lý Lạng sơn thuộc Địa lí 4

Nội dung tài liệu:

Bài giảng điện tử
Người thực hiện : Trịnh Thị Trâm
Phòng Giáo dục – Đào tạo Cao Lộc
Trường tiểu học Yên Trạch
Phần
Địa lý Lạng Sơn
Đặc điểm tự nhiên và dân cư
Bài 1
Bản đồ hành chính Việt Nam
Em hãy chỉ vị trí của tỉnh lạng sơn trên bản đồ hành chính Việt Nam
1. Vị trí và giới hạn
Dựa vào bản đồ hành chính tỉnh Lạng Sơn , em hãy cho biết tỉnh Lạng Sơn tiếp giáp với các tỉnh nào của nước ta? Kể tên các huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn.
Hình 1. Bản đồ hành chính tỉnh Lạng Sơn
- Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới, thuộc khu vực Đông Bắc Tổ Quốc với diện tích lãnh thổ của tỉnh Lạng Sơn là 8 323,78 km2, có đường biên giới với Trung Quốc dài 223 km và tiếp giáp với 5 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Với vị trí địa lí quan trọng, nhiều cửa khẩu thông thương với Trung Quốc, hệ thống đường giao thông phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho Lạng Sơn trong việc giao lưu buôn bán và phát triển kinh tế.
2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
Địa hình phổ biến của Lạng Sơn là núi thấp và đồi, ít núi trung bình và không có núi cao. Nơi cao nhất là đỉnh Phia Mè (thuộc khối núi Mẫu Sơn) có độ cao 1541 m so với mặt nước biển.
Vùng núi đá vôi Bắc Sơn nằm ở phía tây nam với nhiều dãy núi hình cánh cung mở rộng về phía đông. Nằm xen giữa vùng núi đá vôi là những cánh đồng rộng, đất đai màu mỡ thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Vùng máng trũng Thất Khê - Lộc Bình và đồi núi dọc biên giới Việt -Trung, nằm ở phía đông bắc của tỉnh. Nơi đây có nhiều cánh đồng rộng và là vựa lúa của Lạng Sơn.
Vùng núi Mẫu Sơn với khí hậu mát mẻ, nhiều cảnh đẹp, khu vực Thành phố Lạng Sơn có các hang động đẹp như Tam Thanh, Nhị Thanh... đã trở thành những địa danh có sức hấp dẫn đối với khách du lịch.

Hình 2. Núi Mẫu Sơn
Động Tam Thanh
Động Nhị Thanh
Tượng nàng Tô Thị
Lạng Sơn có khí hậu nhiệt đới gió mùa với một mùa đông lạnh kéo dài. Mùa hè khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều, hướng gió chủ yếu là gió đông nam. Mùa đông lạnh và ít mưa, hướng gió chính là gió đông bắc.
Mưa nhiều vào mùa hạ có thể gây lũ quét, sạt lở đường. Mùa khô kéo dài thường gây hạn hán. Những tác động của các hiện tượng thời tiết như: rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối... ảnh hưởng xấu đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Mạng lưới sông ngòi ở Lạng Sơn khá phong phú. Trên địa bàn của tỉnh có các sông chính: sông Kỳ Cùng, sông Thương và sông Lục Nam. Mùa hè nước sông dâng cao có thể gây ngập lụt. Mùa đông, nước sông cạn.
Lạng Sơn không có nhiều hồ lớn, chủ yếu là hồ nhân tạo. Các hồ đang được khai thác để cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và phục vụ cho du lịch.
Kể tên những con sông, suối và hồ nơi em sinh sống.

Đất trồng chủ yếu là đất phe-ra-lit của vùng đồi núi thuận lợi cho trồng các cây công nghiệp, cây ăn quả và trồng rừng. Đất phù sa do sông suối bồi tụ thuận lợi cho trồng lúa gạo, khoai, lạc, mía, đậu tương, thuốc lá.
Lạng Sơn là tỉnh có nhiều rừng, chiếm gần 1/2 diện tích cả tỉnh. Rừng có nhiều loại gỗ, dược liệu quý. Trong rừng còn có nhiều loài động vật quý hiếm như khỉ, vượn, sóc, gà lôi trắng, trĩ...
Rừng có vai trò thế nào đối với sản xuất và đời sống?
Lạng Sơn có nhiều mỏ khoáng sản, song hầu hết đều thuộc loại nhỏ và trung bình, lại nằm phân tán. Các khoáng sản chính là than nâu, than bùn, đá vôi, sét, bô xít, phốtphorit.
Hãy kể tên các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mà em biết

3. Dân cư
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Hoa...
Theo số liệu thống kê, dân số Lạng Sơn là 733.131 người, mật độ dân số 88 người/km2 (năm 2009).
Dân cư phân bố không đồng đều, tập trung ở thành phố Lạng Sơn, các thị trấn và vùng ven đường quốc lộ. Vùng đồi núi cao, xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn mật độ dân số thấp.
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở miền Đông Bắc của Tổ Quốc. Địa hình chủ yếu là đồi núi thấp. Khí hậu nhiệt đới gió mùa với một mùa đông lạnh đã đem lại cho Lạng Sơn nhiều cây trồng vật nuôi có nguồn gốc xứ lạnh. Nguồn khoáng sản có giá trị đối với ngành công nghiệp năng lượng và sản xuất vật liệu xây dựng. Sông ngòi có tiềm năng về thuỷ điện. Nhà nước đã có nhiều chính sách để bảo vệ nguồn tài nguyên rừng và các loại động vật hoang dã. Lạng Sơn có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống đoàn kết. Dân cư tập trung ở thành phố, các thị trấn và ven đường quốc lộ.
CÂU HỎI
1. Nêu các đặc điểm về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Lạng Sơn.
2. Xác định trên bản đồ tự nhiên các sông chính của Lạng Sơn. Hướng chảy của sông Kì Cùng có gì đặc biệt?
3. Dân cư tập trung chủ yếu ở những khu vực nào? Vì sao lại có sự phân bố như vậy?
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Trịnh Thị Trâm
Dung lượng: | Lượt tài: 4
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)