Day học theo Chuẩn KTKN và Giảm tải môn toán (Tháng 12/2011)

Chia sẻ bởi Tăng Xuân Sơn | Ngày 03/05/2019 | 27

Chia sẻ tài liệu: Day học theo Chuẩn KTKN và Giảm tải môn toán (Tháng 12/2011) thuộc Toán học 5

Nội dung tài liệu:

TẬP HUẤN DẠY HỌC
VÀ ĐÁNH GIÁ CHUẨN KIẾN THỨC,
KĨ NĂNG MÔN TOÁN




Diễn Châu, ngày 16, 17/12/2011

NỘI DUNG
I. KHÁI QUÁT VỀ ĐẶC ĐIỂM CHƯƠNG TRÌNH MÔN TOÁN CẤP TIỂU HỌC
II. ĐẶC ĐIỂM CỦA SÁCH GIÁO KHOA MÔN TOÁN CẤP TIỂU HỌC
III. ĐỊNH HƯỚNG RA ĐỀ KIỂM TRA
I. KHÁI QUÁT VỀ ĐẶC ĐIỂM CHƯƠNG TRÌNH MÔN TOÁN CẤP TIỂU HỌC
Chương trình môn Toán cấp Tiểu học gồm 4 thành tố là : Mục tiêu giáo dục; nội dung giáo dục (bao gồm phạm vi, cấu trúc, mức độ nội dung); phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục; cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với môn Toán ở mỗi lớp và ở toàn cấp học. Một chương trình giáo dục có đủ 4 thành tố như trên gọi là một chương trình đầy đủ và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục năm 2005.
Để tìm hiểu đặc điểm của chương trình môn Toán cấp Tiểu học cần phải tìm hiểu về đặc điểm của từng thành tố của chương trình.
I.KHÁI QUÁT VỀ ĐẶC ĐIỂM CHƯƠNG TRÌNH MÔN TOÁN CẤP TIỂU HỌC

1. Đặc điểm mục tiêu môn Toán cấp Tiểu học
2. Đặc điểm nội dung môn Toán cấp Tiểu học
3. Đặc điểm của phương pháp và hình thức tổ chức
dạy học môn Toán cấp Tiểu học
4. Đặc điểm về cách đánh giá kết quả học tập môn
Toán của HS tiểu học
1. Đặc điểm mục tiêu môn Toán cấp Tiểu học

Mục tiêu môn Toán cấp Tiểu học có 3 phần:
1.1. Mục tiêu về kiến thức: Học sinh (HS) cần "có những kiến thức cơ bản ban đầu về số học các số tự nhiên, phân số, số thập phân; các đại lượng thông dụng; một số yếu tố hình học và thống kê đơn giản".
Mục tiêu này trả lời cho câu hỏi: HS cấp Tiểu học cần có những kiến thức toán học nào và mức độ của các kiến thức đó như thế nào ?
1.2. Mục tiêu về kĩ năng: HS cần được “hình thành các kĩ năng thực hành tính, đo lường, giải bài toán có nhiều ứng dụng thiết thực trong đời sống”.
Mục tiêu này trả lời cho câu hỏi: Cần hình thành, rèn luyện cho HS cấp Tiểu học những kĩ năng chủ chốt, đặc trưng nào của môn Toán và tính chất chung nhất của các kĩ năng đó là gì?
1.3. Mục tiêu về thái độ: Giúp HS: “Bước đầu phát triển năng lực tư duy, khả năng suy luận hợp lí và diễn đạt đúng (nói và viết) cách phát hiện và cách giải quyết các vấn đề đơn giản, gần gũi trong cuộc sống; kích thích trí tưởng tượng; chăm học và hứng thú học tập Toán; hình thành bước đầu phương pháp tự học và làm việc có kế hoạch khoa học, chủ động, linh hoạt, sáng tạo”.
Mục tiêu này trả lời cho câu hỏi: Môn Toán cấp Tiểu học góp phần hình thành và phát triển cho HS những phẩm chất và năng lực gì?
2. Đặc điểm nội dung môn Toán cấp Tiểu học
Nội dung môn Toán cấp Tiểu học là sự kế thừa, bổ sung, cấu trúc lại, chuẩn hóa nội dung môn Toán cấp I của chương trình Cải cách giáo dục (CCGD) (1981) để phù hợp với sự phát triển về trình độ nhận thức của HS độ tuổi tiểu học và tiếp cận với xu thế phát triển nội dung dạy học Toán cấp Tiểu học của các quốc gia phát triển trên thế giới đầu thế kỉ 21.
Nội dung môn Toán gồm: Phạm vi nội dung, cấu trúc nội dung, mức độ nội dung của môn học.
2.1. Phạm vi nội dung môn Toán cấp Tiểu học
 Môn Toán cấp Tiểu học có 4 mạch nội dung là: Số học (các số tự nhiên, phân số đơn giản, số thập phân); đại lượng và đo đại lượng; một số yếu tố hình học; giải bài toán có lời văn.
Mạch nội dung “một số yếu tố đại số” (của chương trình CCGD-1981) và “một số yếu tố thống kê” được “tích hợp” trong mạch số học.
 Các mạch nội dung của môn Toán cấp Tiểu học không phải là những “phân môn” , chúng gắn bó với nhau tạo thành môn Toán thống nhất với hạt nhân là mạch số học.

 Phạm vi nội dung môn Toán ở từng lớp được xác định trên cơ sở mục tiêu môn Toán, đặc điểm học tập toán của HS ở từng giai đoạn học tập, thời lượng dạy học quy định trong “Kế hoạch giáo dục”. Nội dung môn Toán ở từng lớp được giới thiệu trong “Chương trình GDPT - Cấp Tiểu học - Môn Toán”. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Hà Nội. 2009, các trang 44, 45, 46, 47, 48, 49.
2.2. Cấu trúc nội dung môn Toán cấp Tiểu học
Nội dung môn Toán cấp Tiểu học được sắp xếp theo kiểu hình xoắn ốc (hoặc còn gọi là : sắp xếp theo kiểu đồng tâm hợp lí); lấy số học làm “hạt nhân”; tức là:
 Mạch số học sắp xếp thành các vòng số nối tiếp nhau; xen kẽ và kết hợp trong mỗi vòng số là nội dung các đại lượng và đo đại lượng, các yếu tố hình học, giải bài toán có lời văn; tạo thành môn Toán thống nhất đến từng đơn vị nội dung.

Ví dụ: Trong chương trình môn Toán cấp Tiểu học hiện nay có các vòng số: Các số đến 10; các số đến 100; các số đến 1000; các số đến
10 000; các số đến 100 000; các số có nhiều chữ số (hoặc các số đến lớp triệu, hoặc số tự nhiên nói chung) ; phân số; số thập phân. So với chương trình CCGD (1981) số vòng số đã giảm đi, cách sắp xếp trong từng vòng số cũng gọn hơn và có chủ định rõ ràng hơn; góp phần rút ngắn thời gian học số tự nhiên nhưng ôn luyện được nhiều hơn, kĩ hơn trước.
 Kiến thức học trước chuẩn bị cho kiến thức học sau; kiến thức học sau mở rộng hoặc (và) sâu hơn , củng cố kiến thức học trước. Các kiến thức sắp xếp từ đơn giản, cụ thể, đến phức tạp, trừu tượng, khái quát hơn. Tránh những trùng lặp không cần thiết.
- Đảm bảo tính hệ thống trong từng mạch nội dung, trong sắp xếp nội dung của từng lớp.
2.3. Mức độ nội dung của môn Toán cấp Tiểu học
 Mức độ nội dung môn học cho biết “chiều sâu” của kiến thức đã xác định (trong phạm vi nội dung môn học). Nói chung, khi nêu về mức độ nội dung của môn Toán cấp Tiểu học thường dùng các từ như “bước đầu”, “ban đầu”, “đơn giản”,…, tức là “chưa sâu”, “chưa phức tạp” so với trình độ nhận thức của HS ở từng giai đoạn học tập. Tuy nhiên, các từ nêu trên cũng chỉ cho biết mức độ nội dung ở mức chung nhất.
Chương trình môn Toán cấp Tiểu học đã xác định mức độ nội dung bằng Chuẩn kiến thức, kĩ năng (KT, KN) và yêu cầu cần đạt về thái độ trong từng chủ đề của từng mạch nội dung ở từng lớp. (Xem Chương trình GDPT-Cấp Tiểu học - Môn Toán. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Hà Nội. 2009, từ trang 50 đến trang 113). Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có hướng dẫn thực hiện chuẩn KT, KN môn Toán đến từng tiết học ở từng lớp. GV cần lưu ý rằng, đây là “chuẩn tối thiểu” nên khi dạy học phải hỗ trợ các đối tượng HS, đặc biệt là những HS có hoàn cảnh khó khăn, đạt được Chuẩn KT, KN một cách vững chắc, trên cơ sở đó đáp ứng nhu cầu học tập của các đối tượng HS có nguyện vọng học tập sâu hơn về môn Toán.

 Để phù hợp với trình độ nhận thức của HS trong từng giai đoạn học tập, nội dung môn Toán cấp Tiểu học được sắp xếp theo hai giai đoạn:
+ Giai đoạn các lớp 1, 2, 3: Nói chung, nội dung dạy học Toán thường có tính “tổng thể”, cụ thể, gắn bó trực tiếp với kinh nghiệm đời sống của trẻ em ở từng vùng

Ví dụ: Hầu hết các yếu tố hình học được giới thiệu ở các lớp 1,2,3, đặc biệt ở các lớp1 và 2, chỉ giới thiệu để HS nhận dạng ở mức “tổng thể”; chưa phân tích đặc điểm, mối liên hệ giữa các hình có liên quan .Vì vậy, chẳng hạn, khi chỉ vào hình vuông, hình chữ nhật, hình tứ giác, HS nêu đúng tên của mỗi hình là đạt yêu cầu. GV chưa nên đòi hỏi HS trả lời các câu hỏi như: “Hình vuông có đặc điểm gì?”,
“Hình vuông có phải là hình chữ nhật không?”, “Hình chữ nhật có phải là hình tứ giác không?”,…

+ Giai đoạn các lớp 4,5: Nội dung dạy học Toán đã khái quát hơn, sâu hơn, có cơ sở lí luận hơn so với giai đoạn trước.
Ví dụ: Trong giai đoạn này HS từng bước phát hiện được, chẳng hạn, hình vuông có 4 cạnh có độ dài bằng nhau, có 4 góc vuông; hình vuông và hình chữ nhật có một số đặc điểm giống nhau,…; hoặc phép cộng, phép nhân các số tự nhiên có tính chất giao hoán, kết hợp,…; và có thể vận dụng một số đặc điểm, tính chất này trong học tập và đời sống.
3. Đặc điểm của phương pháp và hình thức tổ chức dạy học môn Toán cấp Tiểu học
3.1. Sử dụng hợp lí các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để quá trình dạy học Toán trở thành các hoạt động tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo của HS, trong đó:
 GV là người lập kế hoạch, tổ chức, hướng dẫn và hợp tác với HS.
 HS hứng thú tham gia các hoạt động và có tinh thần trách nhiệm trong học tập.
 Môi trường học tập thân thiện, khuyến khích HS phát triển năng lực cá nhân.

3.2. Quy trình vận dụng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học từng đơn vị nội dung của môn Toán cấp Tiểu học gồm 3 bước :
 Bước 1: Từ một tình huống có thực trong học tập hoặc trong đời sống, GV tổ chức, hướng dẫn HS phát hiện vấn đề cần giải quyết của bài học
 Bước 2: GV tổ chức, hướng dẫn HS (hoặc từng nhóm HS) huy động kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề của bài học. Kết quả của bước 2 thường được khái quát thành kiến thức mới có thể được vận dụng để giải quyết hàng loạt tình huống tương tự như tình huống nêu trong bước 1.
 Bước 3: Vận dụng kiến thức mới để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong đời sống. Đây là bước hình thành kĩ năng mới và cao hơn là hình thành năng lực giải quyết vấn đề nảy sinh trong học tập và trong đời sống.
3.3. Căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lí và trình độ nhận thức của HS tiểu học, việc vận dụng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học môn Toán cấp Tiểu học chia thành hai giai đoạn:
 Giai đoạn các lớp 1, 2, 3: Việc dạy học toán ở giai đoạn này, đặc biệt ở lớp 1, chủ yếu phải dựa vào các phương tiện trực quan; các hình thức tổ chức hoạt động học tập sinh động, hấp dẫn, tạo niềm vui và sự tự tin trong học tập cho HS.

 Giai đoạn các lớp 4, 5: Việc dạy học toán ở giai đoạn này vừa dựa vào kinh nghiệm đời sống của trẻ em, vừa dựa vào những KT, KN đã hình thành ở các lớp 1, 2, 3 (trong môn Toán và các môn học khác) ; sử dụng đúng mức các phương tiện trực quan và các hình thức tổ chức hoạt động học tập đòi hỏi HS chủ động, sáng tạo hơn giai đoạn trước.
4. Đặc điểm về cách đánh giá kết quả học tập môn Toán của HS tiểu học
4.1. Mục tiêu đánh giá: Khuyến khích HS:
 Học tập toán để đạt chuẩn KT, KN một cách vững chắc và phát triển được năng lực cá nhân.
 Biết cách tự học, tự đánh giá, tự rút kinh nghiệm, tự sửa chữa sai sót (nếu có) trong học tập và trong kiểm tra môn Toán.
 Chăm học, trung thực, có trách nhiệm và tự tin trong học tập; biết cách chia sẻ kinh nghiệm và tự hoàn thiện bản thân.

4.2. Hình thức tổ chức đánh giá
+ Việc đánh giá và xếp loại môn Toán của HS tiểu học được thực hiện theo Thông tư số 32/2009/TT- BGDĐT, ban hành Qui định đánh giá và xếp loại HS tiểu học ngày 27 tháng 10 năm 2009 của Bộ GD&ĐT cụ thể là: Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS về môn Toán cần đảm bảo mục đích yêu cầu sau:
+ Đánh giá kiến thức về môn Toán thông qua kết quả thực hiện các bài tập theo chương trình qui định.
+ Đánh giá tương đối đầy đủ và toàn diện những kĩ năng cơ bản, cần thiết.
+ Đánh giá kết quả học tập môn Toán của HS là một trong những giải pháp quan trọng để động viên, khuyến khích, hướng dẫn HS chăm học, biết cách tự học có hiệu quả, tin tưởng vào sự thành công trong học tập; góp phần rèn luyện các đức tính trung thực, dũng cảm, khiêm tốn,...

+ Đánh giá kết quả học tập môn Toán phải căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng của môn học trong từng giai đoạn học tập; phối hợp giữa đánh giá thường xuyên và kiểm tra định kì, giữa đánh giá bằng điểm và đánh giá bằng nhận xét, giữa đánh giá của GV và tự đánh giá của HS.
- Bộ công cụ và các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Toán của HS phải:
+ Đảm bảo đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng, phân loại tích cực cho mọi đối tượng HS.
+ Phối hợp giữa trắc nghiệm khách quan và tự luận, giữa kiểm tra viết và kiểm tra bằng các hình thức vấn đáp, thực hành ở trong và ngoài lớp học,...
+ Góp phần phát hiện để kịp thời bồi dưỡng những HS có năng lực đặc biệt trong học tập Toán, đáp ứng sự phát triển ở các trình độ khác nhau ở các cá nhân.
- Phối hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì, giữa đánh giá bằng điểm và bằng nhận xét, giữa đánh giá của GV và tự đánh giá của HS.
- Phối hợp giữa kiểm tra miệng (vấn đáp), kiểm tra viết, kiểm tra trong khoảng thời gian ngắn và kiểm tra trong một tiết học.
4.3. Công cụ đánh giá
 Phối hợp giữa tự luận và trắc nghiệm: Sử dụng các dạng bài tự luận và trắc nghiệm có trong sách giáo khoa Toán.
 Đề kiểm tra cần chuẩn mực và phù hợp với chuẩn KT,KN; có tính phân loại tích cực.
II. ĐẶC ĐIỂM CỦA SÁCH GIÁO KHOA MÔN TOÁN CẤP TIỂU HỌC
Sách giáo khoa (SGK) môn Toán cấp Tiểu học cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kĩ năng quy định trong Chương trình môn Toán ở từng lớp, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục ở cấp Tiểu học (Điều 29 Luật Giáo dục - 2005). SGK môn Toán cấp Tiểu học có nhiều đổi mới so với SGK môn Toán trước năm 2002, cụ thể là:
1. SGK Toán là tài liệu hỗ trợ các hoạt động tự học của HS, với sự tổ chức, hướng dẫn của GV, sao cho:
+ HS đạt được chuẩn KT, KN một cách vững chắc và phát triển được năng lực học tập theo nguyện vọng và sở trường của từng đối tượng HS.
+ HS được hình thành phương pháp học toán; phát triển năng lực tư duy; biết phát hiện và giải quyết vấn đề của bài học để tự chiếm lĩnh kiến thức mới rồi vận dụng trong học tập và đời sống.
+ HS được tiếp cận với công cụ đánh giá kết quả học tập, thể hiện ở các dạng bài và mức độ của từng dạng bài tự luận và trắc nghiệm ở từng lớp.
2. Tạo điều kiện cho GV căn cứ vào mục tiêu và kế hoạch dạy học môn Toán để tự lựa chọn, sắp xếp, cập nhật hóa nội dung SGK và tự phân chia thời lượng dạy học theo điều kiện cụ thể của từng đối tượng HS ở địa phương.
3. Kích thước và hình thức trình bày nội dung của SGK có nhiều đổi mới
+ Kích thước của SGK trước năm 2002 là 14,5  20,5 cm; sau năm 2002 là 17  24cm. Kích thước mới góp phần tạo điều kiện để trình bày nội dung từng tiết gọn trong 1 hoặc 2 trang,có phần bài mới (có nền xanh), phần các bài luyện tập, thực hành (có nền trắng).
+ SGK đã được tăng số lượng, kích thước các hình minh họa ở những chỗ cần thiết trong nội dung mỗi tiết, đặc biệt ở các lớp 1, 2, 3.

+ Các bài tập trong SGK đa dạng hơn trước. Ngoài các dạng bài tự luận, ở mỗi lớp có thêm một số dạng bài trắc nghiệm.
+ SGK đã lựa chọn được một hệ thống các thuật ngữ, các “lệnh” ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu, sử dụng thống nhất từ lớp 1 đến lớp 5.
+ Nội dung bài học, bài tập trong SGK là nội dung “phổ cập” (cơ bản, phù hợp với chuẩn KT,KN), không có các bài ở mức “nâng cao”.
III. ĐỊNH HƯỚNG RA ĐỀ KIỂM TRA
1 . Mục đích, yêu cầu.
- Đánh giá phải đảm bảo thể hiện đầy đủ các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kĩ năng cơ bản của môn học trong từng giai đoạn học tập theo chuẩn kiến thức, kĩ năng.
- Không kiểm tra, đánh giá vào các nội dung, các yêu cầu đã được giảm bớt, các bài không dạy trong Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 1/9/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học, cấp tiểu học

- Đánh giá trung thực kết quả học tập của học sinh, khuyến khích học sinh học tập chủ động, tích cực, sáng tạo theo năng lực cá nhân, tránh gây căng thẳng, làm mất tính tự tin của học sinh.
- Nội dung đánh giá bao gồm chuẩn kiến thức của từng khối lớp về kiến thức kĩ năng cơ bản của Số học (Số, phép tính, yếu tố đại số, yếu tố thống kê), Đại lượng, Hình học, Giải toán.
- Nội dung đánh giá về các mức độ: nhận biết – hiểu – thực hiện được – vận dụng về kiến thức kĩ năng của từng khối lớp.
- Số lượng các câu hỏi, bài tập của từng mức độ nội dung thời lượng được cân nhắc, lựa chọn cho phù hợp với trình độ chuẩn, trình độ chung của từng trường, từng địa phương, tuyệt đối không được vượt quá chuẩn cho tất cả các đối tượng học sinh.
- Các câu hỏi, bài tập được sắp xếp từ dễ đến khó, đủ loại bài đại diện cho các kiến thức kĩ năng cơ bản nhất.
- Trong nội dung kiểm tra ở học kì II cần có 25% kiến thức của học kì I.
2. Hình thức và cấu trúc nội dung đề kiểm tra
a) Hình thức đề kiểm tra
Đề kiểm tra kết hợp hình thức kiểm tra tự luận và trắc nghiệm khách quan (điền khuyết, đối chiếu cặp đôi, đúng - sai, nhiều lựa chọn).
b) Nội dung, cấu trúc đề kiểm tra
b.1. Nội dung đề kiểm tra
- Nội dung đề kiểm tra bao quát toàn bộ kiến thức, kĩ năng cơ bản của chương trình. Yêu cầu kiểm tra bao gồm các mức độ: nhớ, hiểu biết, vận dụng, sáng tạo và phát triển (không vượt ra ngoài chương trình tiểu học ban hành kèm theo Quyết định số 16/BGDĐT-GDTH ngày 5/5/2006, tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học ở tiểu học,
Công văn số 5842/ BGDĐT-GDTH ngày 1/9/2011 về Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học GDPT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Công văn số 1768/SGD&ĐT-GDTH ngày 21/9/2011 về HD dạy học theo định hướng giảm tải của Giám đốc Sở GD&ĐT)
- Đề kiểm tra học kì bao gồm các mạch kiến thức:
+ Số và các phép tính : Khoảng 60% (học kì I lớp 1 có thể là 70% vì chưa học về đại lượng)
+ Đại lượng và đo đại lượng : Khoảng 10%.
+ Yếu tố hình học : Khoảng 10%.
+ Giải toán có lời văn : Khoảng 20%.
- Đề kiểm tra học kì cần gắn với nội dung kiến thức đã học theo từng giai đoạn cụ thể.
b.2. Cấu trúc đề kiểm tra
Tỉ lệ phần trắc nghiệm và tự luận :
+ Phần tự luận (kĩ năng tính toán và giải toán) : Khoảng 70- 80% ( tuỳ theo điều kiện của từng vùng, miền, từng địa phương)
+ Phần trắc nghiệm khách quan : Khoảng 30 -20%.
3. Mức độ đề kiểm tra
Căn cứ vào mục tiêu, nội dung, đề kiểm tra cần đảm bảo nội dung cơ bản theo Chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình và mức độ cần đạt tối thiểu, trong đó phần nhận biết và thông hiểu chiếm khoảng 70 - 80%, phần vận dụng chiếm khoảng 30-20% (tùy theo điều kiện cụ thể của từng vùng miền).
Trong mỗi đề kiểm tra có phần kiểm tra kiến thức cơ bản để HS trung bình đạt khoảng 6 -7 điểm và câu hỏi vận dụng sâu để phân loại HS khá, giỏi. Cụ thể là :
* Lớp 1, lớp 2
* Lớp 3, lớp 4
* Lớp 5
4. Hướng dẫn yêu cầu nội dung ra đề kiểm tra định kì cần chú trọng vào các phần cơ bản sau:
Lớp 1.
* Học kỳ I:
- So sánh, sắp xếp các số từ 0 đến 10.
- Thực hiện các phép tính cộng, trừ các số trong phạm vi 10, biểu thức có đến 2 phép tính cộng hoặc 2 phép trừ trong phạm vi 10.
- Nhận dạng, đếm số lượng các hình vuông, hình tròn hoặc hình tam giác.
- Dựa vào hình vẽ hoặc tóm tắt bài toán để viết phép tính thích hợp trong phạm vi 10.

* Học kì II: Học hết lớp 1, HS cần đạt những kiến thức trọng tâm:
Biết đếm, đọc, viết, so sánh, cộng, trừ (không nhớ) các số trong phạm vi 100. Làm quen với các đơn vị đo: xăng-ti-mét, ngày, tuần lễ, giờ và nhận biết một số hình đơn giản (điểm, đoạn thẳng, hình vuông, hình tam giác, hình tròn). Biết giải các bài toán có một phép tính cộng hoặc trừ.
Hướng dẫn chung : 1.Viết các số có 2 chữ số trong phạm vi 100 (2 điểm)
a) Điền 20 số b) Viết 10 số c) So sánh các số : Viết các số theo thứ tự từ bé đến lớn, từ lớn đến bé (hoặc khoanh vào số lớn nhất, bé nhất)
2. Tính : Thực hiện 6 phép tính (3 phép tính cộng, 3 phép tính trừ) (2 điếm)
3. Điền ngày, giờ thích hợp vào chỗ chấm. (1 điểm)
4. Nhận biết các hình (1 điểm)
5. Giải bài toán có lời văn (1 bài toán về thêm, 1 bài toán về bớt) (2 điểm)
6. Vẽ đoạn thẳng có độ dài bé hơn 10 cm, đếm hình (1 điểm)
7. Điền số và dấu để có phép tính, ra đề toán phù hợp với phép tính (1 điểm)
Lưu ý: Học hết lớp 1, học sinh lên lớp phải đạt được yêu cầu về kiến thức và kĩ năng tối thiểu sau:
+ Số học: Đếm, đọc, viết, so sánh các số đến 100. đơn vị, chục. Bảng cộng, trừ trong phạm vi 10. Phép cộng, trừ không nhớ trong phạm vi 100. Tính giá trị của biểu thức có đến 2 dấu phép tính cộng, trừ.
+ Đại lượng và đo đại lượng: Đơn vị độ dài: cm, đơn vị đo thời gian: tuần lễ, ngày trong tuần, đọc giờ đúng trên đồng hồ, đọc lịch (loại lịch hàng ngày)
+ Hình học: Nhận dạng hình vuông, hình tam giác, hình tròn, điểm, đoạn thẳng, điểm ở trong, điểm ở ngoài của một hình, vẽ đoạn thẳng, cắt ghép hình.
+ Giải toán có lời văn: Bài toán có liên quan tới phép cộng hoặc phép trừ.
Lớp 2.
* Học kì I : + Đọc, đếm, so sánh, cộng, trừ có nhớ trong phạm vi 100- đây là phần cơ bản của đề kiểm tra (6 điểm)
+ Giải toán có lời văn: Loại toán “nhiều hơn” hoặc “ít hơn” có gắn với đại lượng (1điểm)
+ Xem lịch để xác định ngày trong tuần và ngày trong tháng (1 điểm)
+ Nhận biết một số hình đơn giản đã học (1 điểm)
+ Bài toán mở, nâng cao (cho đối tượng khá, giỏi) (1 điểm)

* Học kì II: + Đọc, đếm, so sánh, cộng, trừ các số trong phạm vi 1000 (4 điểm)
+ Thực hiện phép nhân, chia đơn giản (2 điểm)
+ Đo lường (dm, m, km, kg, lít, tiền Việt Nam) (1 điểm)
+ Nhận biết hình đơn giản, đường thẳng gấp khúc, … (1 điểm)
+ Bài toán giải có một phép tính (1 điểm)
+ Bài toán mở, nâng cao (cho đối tượng khá, giỏi) (1 điểm)
Lớp 3.
* Học kì I: + Nhân, chia trong phạm vi các bảng tính đã học. Thực hiện phép nhân số có 2 hoặc 3 chữ số với số có 1 chữ số (có nhớ 1 lần), thực hiện phép chia số có 2 hoặc 3 chữ số cho số có 1 chữ số (chia hết và chia có dư). Tính giá trị của biểu thức số có đến 2 dấu phép tính (6 điểm)
+ Nhận biết góc vuông, góc không vuông. Tính chu vi hình chữ nhật, hình vuông. Xem đồng hồ (chính xác đến 5 phút), đổi các đơn vị đo thông thường (chủ yếu đơn vị đo độ dài thông dụng) (2 điểm)

+ Giải toán có lời văn: Loại toán “gấp một số lên nhiều lần” hoặc “tìm một trong các phần bằng nhau của một số” hoặc “giảm đi một số lần” hoặc “so sánh số lớn gấp mấy lần số bé” hoặc “số bé bằng một phần mấy số lớn” và giải bài toán có đến hai phép tính (1 điểm)
+ Bài toán góp phần mở rộng kiến thức cho học sinh trên cơ sở nội dung đã học (cho đối tượng khá, giỏi) (1 điểm).
* Học kì II : + Đọc, viết, tìm số liền sau- liền trước, so sánh các số có 4 hoặc 5 chữ số. Thực hiện phép cộng, phép trừ các số có 4 hoặc 5 chữ số (có nhớ không liên tiếp và không quá 2 lần), nhân số có 4 chữ số với số có 1 chữ số (có nhớ không liên tiếp và không quá 2 lần), chia số có 4 hoặc 5 chữ số cho số có 1 chữ số (chia hết và chia có dư). Tính giá trị biểu thức có đến 3 dấu phép tính (6 điểm).

+ Nhận biết: điểm ở giữa, trung điểm của đoạn thẳng; tâm, đường kính, bán kính hình tròn. Tính chu vi, diện tích hình chữ nhật, hình vuông. Xem đồng hồ (chính xác đến 1 phút), mối quan hệ giữa một số đơn vị đo độ dài thông dụng (2 điểm).
+ Giải toán có lời văn: loại toán liên quan đến rút về đơn vị, loại toán có nội dung hình học (1 điểm)
+ Bài toán góp phần mở rộng kiến thức cho học sinh trên cơ sở nội dung đã học (cho đối tượng khá, giỏi) (1 điểm)
Lớp 4.
* Học kì I: + Đọc, viết, so sánh các số đến lớp triệu. Cộng trừ các số có 5, 6 chữ số không nhớ, có nhớ không quá 3 lần. Nhân số có nhiều chữ số với số không quá 3 chữ số, tích không quá 6 chữ số. Chia số có nhiều chữ số cho số không quá 2 chữ số. Dấu hiệu chia hết cho 2, 5. Tính giá trị biểu thức số có đến 4 dấu phép tính (Có ngoặc hoặc không có ngoặc). Biểu thức có chứa 1, 2, 3 chữ (6 điểm)

+ Giải toán tìm số trung bình cộng hoặc tìm hai số khi biết tổng và hiệu của hai số đó (1 điểm)
+ Nhận biết góc nhọn, góc tù, góc bẹt, hai đường thẳng vuông góc, hai đường thẳng song song, diện tích hình chữ nhật, diện tích hình vuông (1 điểm)
+ Bài toán trắc nghiệm (có nội dung đại lượng và đo đại lượng)
+ Bài toán mở, nâng cao (cho đối tượng khá, giỏi) (1 điểm)
* Học kì II. + Đọc, viết, so sánh phân số. Phân số bằng nhau, rút gọn và qui đồng mẫu các phân số. Cộng, trừ phân số có cùng mẫu số hoặc khác mẫu số (mức đơn giản, mẫu số của tổng hoặc hiệu không quá 100). Nhân phân số với phân số, nhân phân số với số tự nhiên (trường hợp đơn giản, mẫu số của tích có không quá 2 chữ số). Chia phân số cho phân số, chia phân số cho số tự nhiên khác không. Tính giá trị của biểu thức có đến 3 dấu phép tính với các phân số đơn giản (6 điểm).

+ Giải toán có đến 2 hoặc 3 bước tính, có sử dụng phân số. Tìm hai số biết tổng hoặc hiệu và tỉ số của chúng. Giải toán có nội dung hình học (1 điểm)
+ Nhận biết hình bình hành, hình thoi, tính diện tích hình bình hành, diện tích hình thoi (1 điểm)
+ Bài toán trắc nghiệm (có nội dung đại lượng và đo đại lượng)
+ Bài toán mở, nâng cao (cho đối tượng khá, giỏi) (1 điểm)
Lớp 5.
* Học kì I: + Đọc, viết phân số thập phân, hỗn số. Đọc, viết, so sánh các số thập phân. Giá trị theo vị trí của các chữ trong số thập phân. Cộng, trừ các số thập phân có đến 3 chữ số ở phần thập phân (cộng, trừ không nhớ và có nhớ đến 3 lần). Nhân số thập phân có tới 3 tích riêng và phần thập phân của tích có không quá 3 chữ số. Chia các số thập phân với số chia có không quá 3 chữ số (cả phần nguyên và phần thập phân) và thương có không quá 4 chữ số, với phần thập phân có không quá 3 chữ số. Viết số đo đại lượng đưới dạng số thập phân (6 điểm).

+ Giải toán: loại toán về “quan hệ tỉ lệ” hoặc “tỉ số phần trăm” (1 điểm)
+ Nhận biết các yếu tố của hình tam giác, diện tích hình tam giác (1 điểm)
+ Bài toán trắc nghiệm (có nội dung đại lượng và đo đại lượng) (1 điểm)
+ Bài toán mở, nâng cao (cho đối tượng khá, giỏi) (1 điểm)
* Học kì II. + Số tự nhiên, phân số, số thập phân (5 điểm)
+ Giải toán về chuyển động đều. Loại toán có nội dung hình học (1 điểm)
+ Nhận biết về các yếu tố của hình thang, hình tròn, đường tròn, hình hộp chữ nhật, hình lập phương, tính diện tích, thể tích (2 điểm)
+ Bài toán trắc nghiệm (có nội dung đại lượng và đo đại lượng) (1 điểm)
+ Bài toán mở, nâng cao (cho đối tượng khá, giỏi) (1 điểm).
Lưu ý: Học sinh học xong lớp 5 cần đạt KT, KN tối thiểu những nội dung sau:
+ Số học về số tự nhiên, phân số, số thập phân
- Đọc, viết, so sánh số, hệ thập phân.
- Kĩ thuật thực hiện phép cộng, trừ, nhân, chia.
- Thành phần và kết quả của phép tính, tính chất của phép tính
- Biểu thức số, biểu thức có chứa chữ, dấu hiệu chia hết
- Số trung bình cộng, nhận xét một số đặc điểm đơn giản trên biểu đồ, bảng số liệu thống kê.
+ Các yếu tố đại lượng: độ dài, khối lượng, dung tích, thời gian, diện tích, thể tích.
- Các đơn vị, quan hệ giữa các đơn vị đo đã học
- Kĩ thuật thực hiện phép tính với các số đo đã học
- Thực hành đo đại lượng
+ Các yếu tố hình học
- Điểm, đoạn thẳng, đường thẳng, đường gấp khúc, góc
- Các hình: tam giác, tứ giác, hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, hình bình hành, hình thoi, hình hộp chữ nhật, hình lập phương
- Các yếu tố của một hình (góc, cạnh, đỉnh,…)
- Chu vi, diện tích, thể tích của hình đã học
+ Giải toán có lời văn
- Các bài toán liên quan đến phép tính cộng, trừ, nhân, chia với các số tự nhiên, phân số, số thập phân, bài toán nhiều hơn, ít hơn.
- Bài toán qui về đơn vị, bài toán có nội dung hình học.
- Bài toán tìm hai số: biết tổng hoặc hiệu và tỉ số của chúng, biết tổng và hiệu.
- Bài toán về tỉ số phần trăm, chuyển động đều
5. Hướng dẫn thực hiện
- Căn cứ vào phần hướng dẫn cách ra đề kiểm tra và đối tượng HS cụ thể theo từng vùng, miền để ra đề kiểm tra cho phù hợp đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng chương trình.
- Các đề kiểm tra minh hoạ trong bộ Đề kiểm tra học kì cấp Tiểu học môn Toán (NXBGD, 2008) là các ví dụ bám sát Chuẩn kiến thức, kĩ năng trong từng giai đoạn học tập ở từng lớp. Khi ra đề kiểm tra, có thể thay đổi các số ở các phép tính, nội dung của bài toán có lời văn, ... (mỗi lần ra đề), hoặc sử dụng một số bài tập của mỗi đề rồi bổ sung các bài tập tương tự cho các bài còn lại, hoặc chỉ tham khảo các dạng bài tập, mức độ của từng bài tập trong mỗi đề kiểm tra để thiết kế một đề cụ thể cho phù hợp với HS và điều kiện thực tế của địa phương.

- Thời lượng làm bài kiểm tra là 40 phút. Tuỳ theo đối tượng HS vùng miền khó khăn, có thể kéo dài thời gian làm bài kiểm tra đến 60 phút và không giảm mức độ, yêu cầu nội dung của đề kiểm tra theo Chuẩn kiến thức, kĩ năng.
6. Tổ chức thực hiện
- Đối với lớp 1, 5: Kiểm tra định kì lần 1, 2, 3: Hiệu trưởng các trường tiểu học chỉ đạo GV kiểm tra. Kiểm tra, đánh giá cuối học kì II: phòng GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo, thanh tra chặt chẽ việc ra đề và việc tổ chức kiểm tra của các trường tiểu học trong địa bàn một cách nghiêm túc, khách quan, đúng thực chất.
- Đối với các lớp 2, 3, 4: Hiệu trưởng các trường tiểu học chịu trách nhiệm tổ chức ra đề, kiểm tra giám sát, đánh giá trung thực kết quả.
TRÂN TRỌNG CẢM ƠN!
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Tăng Xuân Sơn
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)