Đa dạng hóa pp dạy các bài ôn tập Địa lý 4

Chia sẻ bởi Trần Thị Hòa | Ngày 06/05/2019 | 51

Chia sẻ tài liệu: Đa dạng hóa pp dạy các bài ôn tập Địa lý 4 thuộc Địa lí 4

Nội dung tài liệu:

Sáng kiến kinh nghiệm
Đa dạng hoá các phương pháp và
hình thức dạy học các bài
"Ôn tập" chương trình Địa lý lớp 4
Tác giả: Trần Thị Hoà
Phó Hiệu trưởng trường TH Đà Sơn - Đô Lương
I. Đặt vấn đề:
Trong chương trình môn Địa lý lớp 4, sau mỗi phần đều có các bài " Ôn tập" nhằm hệ thống hóa các ND đã học, so sánh đặc điểm giữa các vùng miền, khắc sâu kiến thức cho HS để các em nắm được những nét cơ bản về địa lý các vùng miền chính của đất nước.
Qua việc dạy các bài " Ôn tập" ở Địa lý 4, nhiều GV cho rằng bài "Ôn tập" là loại bài khó với nhiều lý do:
- SGK trình bày đơn giản, thường chỉ là nêu một số yêu cầu hoặc một số câu hỏi gợi ý có tính chất nhắc lại nội dung của các bài đã học.
- SGV cũng viết rất ngắn, đơn giản, tất cả các bài ôn tập chỉ là những phương án mang tính chất gợi ý, khá giống nhau về hình thức dạy học, như: hoạt động cá nhân, thảo luận nhóm hoặc làm việc cả lớp nhằm thực hiện yêu cầu, mục tiêu để hoàn thành nội dung ở SGK.
- STK bài giảng trình bày các phương án lên lớp cụ thể hơn nhưng cũng chủ yếu là một số hình thức DH đơn giản, quen thuộc như: hướng dẫn HĐ theo cặp đôi hoặc theo nhóm.
Nếu GV không có sự tìm tòi, sáng tạo thì tiết học sẽ dễ nhàm chán, khó khắc sâu kiến thức cho HS. Hơn nữa nhận thức, năng lực tiếp thu của HS mỗi lớp, mỗi trường, mỗi địa phương có sự khác nhau, không thể áp dụng máy móc bài thiết kế cho mọi đối tượng. Không những thế HS Tiểu học tư duy khái quát còn hạn chế, nhanh biết nhưng cũng nhanh quên, các em khó nhớ hết nội dung, kiến thức trong mỗi phần đã học, do vậy hầu hết GV đều ngại dạy bài " Ôn tập" vì rất khó thành công.
Để HS tiếp thu bài một cách hào hứng, phấn khởi, đạt được kết quả cao mà giờ học lại diễn ra nhẹ nhàng, tự nhiên là điều không dễ chút nào. Chúng ta biết rằng TNXH là một môn học có tính tích hợp. Muốn đạt được yêu cầu đề ra cần có sự phối hợp linh hoạt nhiều phương pháp và hình thức DH (vì không có phương pháp nào là vạn năng).Trong một bài " Ôn tập" địa lý lại càng cần có sự kết hợp vận dụng sáng tạo, linh hoạt các phương pháp và hình thức DH.
Giải pháp thực hiện:
1. Thực trạng dạy và học hiện nay:

1.1. Về Giáo viên: Trong những năm gần đây, phần lớn GV đều quán triệt được mục tiêu, ND và PP của bậc học, không ngừng ĐMPP để nâng cao chất lượng dạy học, cơ bản đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tuy vậy, một bộ phận không nhỏ GV do nhiều nguyên nhân vẫn chưa thực sự theo kịp nội dung và PPDHM hiện nay làm cho nhiều giờ dạy chưa đạt kết quả như mong muốn.
Thông thường khi dạy bài " Ôn tập" GV thường tổ chức cho HS xem lại các bài đã học, theo lệnh ở SGK, dùng phương pháp vấn đáp: GV nêu câu hỏi, HS trả lời nhắc lại nội dung của từng yêu cầu, lần lượt cho đến hết bài. Một số GV đã cải tiến bằng cách đưa ra bản đồ để HS chỉ vị trí, địa danh của từng vùng miền nhưng phần đông GV ít chú ý đến việc rèn luyện các kỹ năng cho HS như: sử dụng bản đồ, lược đồ, bảng số liệu.
Có những GV đưa ra các tranh ảnh phù hợp với nội dung từng chủ đề, từng phần, yêu cầu HS quan sát trả lời. Có GV chuẩn bị phiếu học tập cho HS làm việc cá nhân hoặc nhóm, nhưng còn đơn điệu, và chủ yếu chỉ có HSKG tham gia. Đó là những cách dạy kết hợp cả phương pháp cũ và phương pháp mới. Nhưng phần lớn GV còn máy móc, rập khuôn theo SGV, STK, chưa thể hiện được sự sáng tạo để phù hợp với đối tượng HS lớp mình, trường mình, điều này thường làm cho HS thiếu hứng thú và bị nhàm chán. Không những thế có lúc GV chưa xử lý hết các tình huống sư phạm có thể xảy ra.
1.2. Đối với học sinh
* Ưu điểm:
+ Đa số HS nắm được nội dung cơ bản của bài "Ôn tập" Địa lý, đạt được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng.
+ Biết trình bày rõ ràng mạch lạc những nét cơ bản về Địa lý của từng vùng miền, đặc biệt có một số em còn biết so sánh rút ra được những đặc điểm giống và khác nhau giữa các vùng miền, biết bộc lộ cảm xúc, thái độ của mình trước những cảnh đẹp thiên nhiên đất nước.
* Nhược điểm:
+ Do đặc điểm lứa tuổi, do sự đa dạng của Địa lý các vùng miền nước ta nên phần đông HS nhanh hiểu nhưng cũng nhanh quên.
+ Nhiều em còn xem nhẹ phân môn Địa lý, chưa có thái độ, phương pháp học tập đúng đắn. Vì thế chưa nắm được đặc điểm tiêu biểu, cơ bản nhất của từng vùng miền.
+ Kỹ năng chỉ và mô tả bản đồ, lược đồ, sử dụng bảng biểu số liệu chưa thành thạo.
+ Một số hiểu bài còn chậm, phát hiện ra mối liên hệ địa lý còn lúng túng.
+ Nhiều em trình bày chưa chặt chẽ, thiếu mạnh dạn, tự tin; kỹ năng giao tiếp còn hạn chế nên khó đạt yêu cầu đề ra nhất là tiết "Ôn tập"
Với thực trạng về GV và HS như trên, qua thực tế giảng dạy, qua công tác KT, thanh tra CM, qua tìm hiểu các đồng nghiệp trong và ngoài trường tôi thấy các giờ dạy "Ôn tập" thường mang lại kết quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu.(không những ở lớp 4 mà ở các lớp khác, môn khác, tiết "Ôn tập" kết quả hầu hết đều chưa cao) .

Từ tình hình thực tế, tôi xác định một trong những yêu cầu quan trọng của bài " Ôn tập" là củng cố hệ thống các kiến thức đơn lẻ đã học ở từng bài (trong một phần) thành một thể thống nhất trong mối quan hệ giữa chúng với nhau. Việc HS nhắc lại được các kiến thức đã học ở từng bài là cần thiết nhưng không phải là tất cả.
Vấn đề cần quan tâm ở đây là phải có cách tổ chức phù hợp sáng tạo, linh hoạt để HS tích cực hoạt động trên cơ sở vốn kiến thức đã có, sắp xếp, hệ thống lại để giúp các em có cách nhìn tổng thể, biết cách so sánh, phân tích, tổng hợp, tự rút ra nhận xét kết luận, nắm được nội dung cơ bản của cả phần đã học. Thực tế cho thấy ở bậc Tiểu học thì hoạt động "Học tập" là chủ đạo, hoạt động " vui chơi" là thứ yếu. Song do đặc điểm lứa tuổi, vui chơi vẫn giữ một vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống của trẻ. Thông qua trò chơi học tập giúp HS tiếp nhận kiến thức hình thành kỹ năng một cách dễ dàng, hiệu quả hơn.
Qua giảng dạy nhiều năm tôi thấy, phương pháp " Học mà chơi, chơi mà học" rất phù hợp với học sinh Tiểu học. (Khi nói đến trò chơi, không khí lớp học thay đổi hẳn; HS rất phấn khởi, hào hứng ). Qua trò chơi, trẻ không những phát triển về mặt trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ mà còn hình thành nhiều phẩm chất, chuẩn mực hành vi đạo đức. Thông qua trò chơi, trẻ được lôi cuốn vào quá trình học tập một cách tự nhiên, hào hứng, giải tỏa được những mệt mỏi, căng thẳng mà hiệu quả lại cao. Không những thế còn tăng cường khả năng giao tiếp giữa HS với HS, giữa HS với GV, nhất là những HS còn hay rụt rè thông qua trò chơi các em sẽ mạnh dạn hơn, tự tin hơn.
Tổ chức trò chơi trong học tập không có gì là mới, nhưng cả tiết học chỉ sử dụng phương pháp trò chơi là điều chưa GV nào làm. Chương trình Địa lý lớp 4 có 3 bài " Ôn tập". Qua quá trình nghiên cứu, tôi đã đưa ra PPDH đối với cả ba bài đó với hình thức "trò chơi học tập". Vì thời gian không cho phép, tôi chỉ xin trình bày cụ thể 1 trong 3 bản "thiết kế" ôn tập đã " thi công" ở trường tôi và một số trường TH trong huyện Đô Lương hơn 3 năm qua, có thể nói cho đến nay vẫn khẳng định được tính khoa học và hiệu quả của nó.

Cụ thể:
1.Bài 10: " Ôn tập" ( ôn 9 bài đã học: Nói về thiên nhiên và hoạt động sản xuất của con người ở miền núi và trung du nước ta - dạy giữa học kỳ 1).
2. Bài 23: Ôn tập" (Đây là bài ôn tập có nhiều nội dung kiến thức trong 12 bài: nói về thiên nhiên và hoạt động sản xuất của con người ở miền đồng bằng nước ta, dạy vào giữa học kỳ 2).
3. Bài 31:" Ôn tập"
Đây là bài ôn tập cuối năm, lượng kiến thức rất lớn( gồm nội dung của cả 3 phần mà các em đã học từ đầu năm đến nay, kiến thức của cả chương trình địa lý lớp 4: Thiên nhiên và hoạt động sản xuất của con người ở miền núi và trung du; thiên nhiên và hoạt động sản xuất của con người ở miền đồng bằng và vùng biển Việt Nam. Vậy ta phải làm gì, làm như thế nào, để tiết dạy đạt được mục tiêu đề ra mà giờ học vẫn thoải mái, nhẹ nhàng ?
+ Bài 31 này SGK đưa ra 3 nội dung cần nắm.
+ Tài liệu SGV đưa ra 2 hoạt động chính:

- HĐ1: Chỉ hoặc điền trên bản đồ các địa danh theo yêu cầu 1 của SGK.
- HĐ 2: Làm việc theo nhóm( HS thảo luận, làm bài tập vào phiếu, báo cáo kết quả trước lớp).
+ Còn sách thiết kế đưa ra PPDH: Hình thức hái hoa dân chủ trong cả tiết học theo 4 vòng thi:
- Ai chỉ đúng. - Ai kể đúng.
- Ai nói đúng. - Ai đoán đúng.
Các phương án lên lớp, STK đưa ra cụ thể hơn nhưng nếu GV rập khuôn, máy móc thì giờ học mang lại hiệu quả không cao.Vì hình thức dạy học "Hái hoa dân chủ" được lặp đi lặp lại 4 lượt. Đội nào bốc thăm được ND gì sẽ lo chuẩn bị ND đó, mà không tập trung vào các ND khác nên HS hiểu bài không toàn diện. Vì vậy tôi đã nghiên cứu và đưa ra phương án lên lớp của bài ôn tập này như sau:
Mục tiêu:
+ Kiến thức:
- So sánh hệ thống hóa ở mức đơn giản các kiến thức đã học về thiên nhiên, con ngưười, hoạt động sản xuất của người dân ở Hoàng Liên Sơn, Trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam Bộ và dải đồng bằng Duyên hải miền Trung.
- Trình bày được một số đặc điểm tiêu biểu của các thành phố đã học.
+ Kỹ năng: Biết chỉ và gắn lên bản đồ vị trí dãy núi Hoàng Liên Sơn, đỉnh núi Phan-xi -păng, đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ, các đồng bằng duyên hải miền Trung, các cao nguyên ở Tây Nguyên và các thành phố đã học trong chương trình.
+ Giáo dục HS lòng yêu quê hương, đất nước, tôn trọng các nét đặc trưng văn hóa của người dân ở các vùng miền.
B.Chuẩn bị ĐDDH:
*GV:- 3 bản đồ trống Việt Nam ( có trong bộ ĐDDH).
- Bảng phụ ; các thẻ từ viết sẵn địa danh (đã có ở hai tiết trước)
- Phiếu bốc thăm ( cắt thành các bông hoa), lục lạc (có trong bộ đồ dùng DH)
* HS: Sưu tầm tranh ảnh: Lễ hội, trang phục các dân tộc
của 3 vùng miền trên đất nước.
Hoạt động dạy học trên lớp:

1. Kiểm tra bài cũ: ( kết hợp trong quá trình ôn tập ).

2. Tiến hành ôn tập:
Hoạt động 1: Trò chơi " Du lịch vòng quanh đất nước" (8- 9 phút)
Mục tiêu: HS tìm, gắn đúng vị trí địa danh: dãy núi Hoàng Liên Sơn, đỉnh Phan - xi- păng, các đồng bằng lớn, cao nguyên Tây Nguyên và các thành phố lớn đã học trong chương trình (Giải quyết nội dung câu hỏi 1 ở SGK).
Cách chơi: - GV dùng 3 bản đồ trống đính ở bảng .
- Lớp học được chia làm 3 đội (theo 3 dãy bàn, mỗi đội cử 3 bạn tham gia) Ba đội thi đua gắn đúng, gắn nhanh các địa danh lên bản đồ (theo kiểu tiếp sức).
* Đội 1: Gắn các địa danh thuộc vùng miền núi, trung du:
+ Hoàng Liên Sơn Đỉnh núi Phan - xi- păng
+ Kon Tum, Đăc Lăk,
+ Lâm Viên, Di Linh,
+ PLây Cu Thành phố Đà Lạt.
* Đội 2: Gắn các địa danh thuộc miền đồng bằng:
+ Thành phố Hà Nội Thành phố Huế.
+ Thành phố Đà Nẵng Thành phố Cần Thơ.
+ Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Đà Lạt

* Đội 3: Gắn đúng vị trí các quần đảo, đảo lớn thuộc vùng biển nước ta:
+ Quần đảo Trường Sa Quần đảo Hoàng Sa
+ Côn Đảo Đảo Phú Quốc
+ Đảo Cát Bà
- HS tham gia trò chơi; Các bạn dưới lớp là những thành viên BGK đánh giá ba đội chơi, tìm ra đội thắng cuộc.

+ Cách cho điểm: Mỗi đội gắn đúng, đủ, đẹp vị trí các địa danh cho 10 điểm, gắn sai một địa danh trừ 1 điểm.
Hoạt động 2: Trò chơi: Hướng dẫn viên du lịch�. (9-10 phút)
Mục tiêu: HS trình bày , giới thiệu đặc điểm tiêu biểu về các thành phố mà các em đã học (Giải quyết nội dung câu hỏi 2 ở SGK).
Cách chơi: - GV chuẩn bị 6 thăm ghi tên các thành phố: Hà Nội , Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
- GV chia lớp thành 6 nhóm lớn. Các nhóm lên bắt thăm (mỗi nhóm 1 thăm). Nếu bắt trúng thăm thành phố nào thì các nhóm thảo luận, chuẩn bị nội dung giới thiệu: Nét nổi bật, đặc điểm tiêu biểu về tự nhiên, con người của thành phố đó.
- Đại diện nhóm lên tham gia trò chơi làm " Hướng dẫn viên du lịch", kết hợp chỉ bản đồ thành phố đó (Ưu tiên HSKG, giao tiếp tốt - chưa tham gia hoạt động 1).
- Cả lớp tham gia nhận xét, bình chọn " Hướng dẫn viên du lịch" tiêu biểu nhất.
Hình ảnh tiêu biểu về Hà Nội
Hình ảnh tiêu biểu về Huế
Hình ảnh tiêu biểu về Đà Nẵng
Hình ảnh tiêu biểu về Đà Lạt
Hình ảnh tiêu biểu vềTP. HCM
Hình ảnh tiêu biểu về Cần Thơ
Hoạt động 3: Giới thiệu bộ sưu tập ảnh. (7-8 phút)

Mục tiêu: HS sưu tầm, giới thiệu tranh ảnh các dân tộc, trang phục, lễ hội ở 3 vùng miền của đất nước (Giải quyết nội dung câu hỏi 3 ở SGK).
Cách giới thiệu: HS 3 nhóm đã chuẩn bị sẵn bộ sưu tập tranh, ảnh ở nhà (GV dặn chuẩn bị từ tiết học trước) dán lên tờ bìa, sau đó các nhóm gắn kết quả lên bảng.
- Lần lượt các nhóm lên giới thiệu, trình bày bộ sưu tập của mình.
- HS nhận xét, đánh giá bộ sưu tập của các nhóm
Lễ hội Đền Hùng
Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên
Trang phục tà áo dài Việt Nam
Trang phục dân tộc Thái
Trang phục dân tộc Ê Đê
Trang phục dân tộc Gia Rai
Trang phục dân tộc Mường
Trang phục dân tộc H`Mông
Hoạt động 4: Trò chơi: "Ô chữ kỳ diệu" (9 - 10phút)
Mục tiêu: Giúp HS nhớ được tên 3 vùng miền, 3 thành phố tiêu biểu cho 3 vùng miền của đất nước ta.( Thuộc chương trình địa lí lớp 4)
Cách chơi: - GV treo bảng phụ lên bảng, gồm 7 ô chữ.
- Chia lớp thành 3 nhóm ( theo 3 dãy bàn). HS các nhóm chọn ô.
- GV nêu gợi ý, HS trả lời đúng ô nào thì GV gỡ băng giấy ra để lộ từ đó.
- HS đoán đúng một ô hàng ngang được 5 điểm, từ các ô chữ hàng ngang HS suy luận, liên kết các chuỗi kiến thức để đoán ô chữ hàng dọc (Đoán đúng ô chữ hàng dọc được 20 điểm). Nếu đoán sai ô nào thì không được tính điểm ô đó, đội khác có quyền báo hiệu trả lời.

*Lưu ý:
- Không để cho một em trả lời từ đầu đến cuối.
- Câu hỏi dễ ưu tiên HS yếu, HS khuyết tật và những HS rụt rè, nhút nhát.
Ví dụ: Bảng ô chữ:
Nhóm 1 chọn: "Ô số 3". GV: Gồm 3 chữ cái: tên một thành phố nổi tiếng với các công trình kiến trúc cung đình, lăng tẩm. của các vua chúa triều Nguyễn?
(Huế)
Nhóm 2 chọn: "Ô số 6". GV: Gồm 5 chữ cái: Thủ đô của đất nước Việt Nam?
(Hà Nội)
Nhóm 3 chọn: "Ô số 4". GV: Gồm 7 chữ cái, từ chỉ vùng đất nằm giữa miền núi và đồng bằng?
(Trung du)
Nhóm1 chọn: " Ô số 7". GV: Gồm 9 chữ cái, tên thành phố lớn nhất của nước ta được mang tên Bác?
(TP Hồ Chí Minh)
Nhóm 2 chọn: " Ô số 5". GV: Gồm 8 chữ cái, từ chỉ vùng đất rộng lớn, bằng phẳng?
(Đồng bằng)
3. Tổng kết - dặn dò: (3- 5 phút)
- GV nhận xét giờ học: Biểu dương tinh thần và không khí học tập sôi nổi của cả lớp. Khen ngợi những cá nhân, nhóm đạt điểm cao trong giờ học.
- Dặn HS chuẩn bị, giờ sau làm bài kiểm tra cuối năm học.

III. Kết quả thực hiện:
Sau khi " Thiết kế " tôi đã cho " Thi công" tại lớp 4 trường tôi, kết quả thật đáng mừng. Qua cách "Học mà chơi chơi mà học" vui vẻ, nhẹ nhàng, tự nhiên, HS hào hứng phấn khởi, tích cực tự giác, tiết học thật sự sôi nổi, đạt hiệu quả cao. Các em được củng cố, nắm vững và nắm một cách có hệ thống vị trí địa lý, các địa danh chính, các đặc điểm về tự nhiên, xã hội, con người, các phong cảnh, đời sống sản xuất của đồng bào miền núi và trung du, đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ và đồng bằng duyên hải miền Trung, vùng biển mà không bị áp đặt nặng nề, máy móc.
Các tiết dạy được tổ chuyên môn, BGH nhà trường đánh giá cao và lấy làm các tiết dạy mẫu trong đợt chuyên đề ĐMPPDH. Sau đó, được đúc rút coi là một kinh nghiệm tốt và được phổ biến trong sinh hoạt chuyên môn của trường. Từ đó không chỉ riêng các bài "Ôn tập" Địa lý lớp 4 mà hầu như tất cả các giờ dạy, kể cả giờ dạy " Ôn tập" của những môn học khác, tùy nội dung từng bài GV trong trường đều áp dụng linh hoạt hình thức " Tổ chức trò chơi học tập" và đều đạt kết quả rất cao. Không những thế tôi còn vận dụng phương pháp " Học mà chơi, chơi mà học" vào các HĐNGLL như "Tìm hiểu thế giới xung quanh em", thi "Tìm hiểu ATGT", HS rất thích thú, say sưa với cách học này nên kết quả rất tốt: Các em tiếp thu và nhớ kiến thức rất nhanh lại còn nhớ lâu. Vì thế trong đợt thi "Tìm hiểu thế giới xung quanh em" dưới hình thức "Rung chuông vàng" và kỳ thi "Tìm hiểu kiến thức ATGT" trong năm học 2007- 2008 trường chúng tôi đều được xếp tốp đầu của cụm, huyện; được tuyển chọn 2/10 em dự thi cấp Tỉnh cả 2 em đều đạt giải nhì Tỉnh.

Trên đây là kinh nghiệm của tôi khi dạy các bài "Ôn tập" môn Địa lý lớp 4. Kinh nghiệm chủ yếu tập trung vào việc hướng dẫn HS tham gia vào hoạt động học dưới hình thức "Học mà chơi, chơi mà học". Theo tôi đây là phương pháp dạy học đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện, có sức thu hút sự chú ý của HS và có thể áp dụng rộng rãi trong các trường Tiểu học; phù hợp với PPDHM hiện nay: "Lấy HS làm trung tâm". GV thực sự là người tổ chức, hướng dẫn mọi hoạt động của HS; GV nói ít, HS hoạt đông nhiều, chủ động chiếm lĩnh kiến thức.
Kết quả đạt được ở trên là rất đáng mừng, tuy nhiên cũng mới chỉ ở phạm vi một số trường trong Huyện. Với thời gian, khả năng có hạn, có thể SKKN sẽ còn những khiếm khuyết. Rất mong sự góp ý, trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp để bản SKKN hoàn thiện hơn và nếu được sẽ áp dụng ra nhiều lớp, nhiều trường để góp phần vào việc ĐMPPDH, nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.
Tôi xin chân thành cảm ơn
xin chân thành cảm ơn quý vị đại biểu và
các thầy cô giáo
Chúc một năm mới an khang thịnh vượng
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Trần Thị Hòa
Dung lượng: | Lượt tài: 3
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)