Chuyên đề toán 4+5

Chia sẻ bởi Nguyễn Hoàng Tuấn Kiệt | Ngày 03/05/2019 | 23

Chia sẻ tài liệu: Chuyên đề toán 4+5 thuộc Toán học 5

Nội dung tài liệu:

CHUYÊN ĐỀ:
PHƯƠNG PHÁP DẠY- HỌC MÔN TOÁN LỚP 4-5
THEO CHUẨN KIẾN THỨC, KĨ NĂNG
CHUYÊN ĐỀ:
PHƯƠNG PHÁP DẠY- HỌC MÔN TOÁN LỚP 4-5
THEO CHUẨN KIẾN THỨC, KĨ NĂNG
A. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Năm học 2013-2014 là năm tiếp tục học thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng trong giáo dục phổ thông, đây là nội dung đổi mới trong dạy học để đáp ứng với nhu cầu học tập hiện tại của học sinh. Nhằm góp phần vào việc dạy học và soạn bài cũng như đánh giá học sinh được chính xác hơn, đồng thời để có sự thống nhất về phương pháp dạy học môn Toán Lớp 4-5 nên Trường tiểu học An Phước A chọn chuyên đề này để cùng nhau trao đổi.
B. NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ:
I/ Mục tiêu môn toán lớp 4-5:
Môn Toán ở lớp 4-5 nhằm giúp học sinh:
- Có những kiến thức cơ bản ban đầu về số học, các số tự nhiên, phân số, số thập phân, các đại lượng thông dụng, một số yếu tố hình học và thống kê đơn giản.
- Hình thành các kĩ năng thực hành tính, đo lường, giải bài toán có nhiều ứng dụng thiết thực trong đời sống.
- Bước đầu phát triển năng lực tư duy, khả năng suy luận hợp lí và diễn đạt đúng (nói và viết) cách phát hiện và cách giải quyết các vấn đề đơn giản, gần gũi trong cuộc sống, kích thích trí tưởng tượng, chăm học và hứng thú học tập toán, hình thành bước đầu phương pháp tự học và làm việc có kế hoạch, khoa học, chủ động, linh hoạt, sáng tạo.
II/ Nội dung dạy học môn Toán:
Nội dung dạy học môn Toán được nêu trong chương trình Giáo dục phổ thông- cấp Tiểu học theo từng lớp, trong đó có mức độ cần đạt về kiến thức, kĩ năng (Chuẩn kiến thức, kĩ năng) của từng chủ đề, theo các mạch kiến thức của từng lớp.
Đối với từng bài học trong SGK môn Toán, cần quan tâm đến yêu cầu cơ bản, tối thiểu mà tất cả học sinh phải đạt được sau khi học xong bài học đó. Quá trình tích lũy được qua yêu cầu đạt ở mỗi bài học đối với học sinh cũng chính là quá trình bảo đảm cho học sinh đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng cơ bản của môn toán theo từng chủ đề, từng lớp.
Để đảm bảo thực hiện được yêu cầu cần đạt của mỗi bài học, phải thực hiện các bài tập cần làm trong số các bài tập thực hành, luyện tập của bài học trong SGK.
Đây là các bài tập cơ bản, thiết yếu phải hoàn thành đối với mỗi học sinh trong mỗi giờ học. Các bài tập này đã được lựa chọn theo những tiêu chí (Đảm bảo tính sư phạm, tính khả thi, tính đặc thù của môn học, ...) nhằm đáp ứng các yêu cầu sau:
- Là các dạng bài tập cơ bản, cần thiết, tối thiểu giúp học sinh thực hành để từng bước nắm được kiến thức, rèn kĩ năng và yêu cầu về thái độ nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt của mỗi bài học.
- Góp phần thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng của mỗi chủ đề nội dung trong môn Toán lớp 4-5.
- Góp phần thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu về thái độ mà học sinh cần đạt được sau khi học hết mỗi lớp; thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu về thái độ của chương trình.
Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng qua một số bài cụ thể đối với môn Toán ở lớp 4-5 được trình bày như sau:
Ví dụ:
@ Bài: Ôn tập các số đến 100000 (Toán 4 trang 3)
* Yêu cầu cần đạt:
- Đọc, viết được các số đến 100000.
- Biết phân tích cấu tạo số.
* Bài tập cần làm:
- Bài 1,2,3 (Câu a viết được 2 số; Câu b dòng 1)
@ Bài: Hỗn số (Toán 5 trang 12)
* Yêu cầu cần đạt:
- Biết đọc, viết hỗn số.
- Biết hỗn số có phần nguyên và phần phân số.
* Bài tập cần làm:
- Bài 1, Bài 2 (Câu a)
III/ Đánh giá kết quả học tập môn Toán của học sinh Tiểu học:
- Động viên, khuyến khích HS; hướng dẫn HS tự học, chăm học, tự tin; rèn phẩm chất
- Căn cứ vào chuẩn KTKN, phối hợp kiểm tra thường xuyên và định kì, đánh giá bằng điểm số và nhận xét, đánh giá của GV và tự đánh giá của HS
- Tiêu chí của kiểm tra, đánh giá:
- Toàn diện, khách quan, công bằng, phân loại đối tượng HS.
- Phối hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận; viết và vấn đáp, thực hành.
- Phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu.
IV/ Hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Toán:
- Môn Toán được đánh giá bằng điểm số
- Kiểm tra thường xuyên tối thiểu 2 lần/tháng
- Kiểm tra định kì: giữa và cuối 2 HK
V/ Xây dựng đề kiểm tra định kì môn Toán:
1/ Mục tiêu:
- Đánh giá trình độ KT-KN
- Điều chỉnh kế hoạch dạy học, PPDH - nâng cao chất lượng.
- Đạt chuẩn KT-KN (nhận biết, thông hiểu, vận dụng)
2/ Hình thức:
Phối hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận
3/ Cấu trúc nội dung:
- Cân đối và gắn với nội dung kiến thức theo giai đoạn:Số học (60%), đại lượng và đo đại lượng (10%), yếu tố hình học (10%), giải toán (20%)
- Khoảng 20 – 25 câu
- Tự luận (20-40%)
- Trắc nghiệm khách quan(60-80%)
- Nhận biết, thông hiểu: 80%, vận dụng: 20%
4/ Mức độ nội dung:
-Thiết lập bảng 2 chiều (các mạch kiến thức, mức độ)
-Thiết kế câu hỏi cho đề kiểm tra
-Xây dựng đáp án và hướng dẫn chấm
5/ Hướng dẫn thực hiện:
- Theo chuẩn KTKN trong đó 10-20% vận dụng Chuẩn để phát triển,
- Phù hợp đối tượng HS, vùng miền
- Thời lượng: 40 – 60 phút
VI/ Lập kế hoạch bài học:
I/ Tham khảo , nghiên cứu tài liệu về môn Toán:
1/ Chuẩn kiến thức, kĩ năng liên quan trực tiếp đến bài học:
- Đây là tài liệu mới nhất và mang tính chỉ đạo của Bộ về mức độ chuẩn kiến thức kỹ năng tối thiểu cho đại bộ phận học sinh trên lớp cần đạt tới, cũng như một số yêu cầu mở đối với đối tượng học sinh khá giỏi vươn tới nhằm thoả mãn yêu cầu khám phá thêm của đối tượng học sinh có năng khiếu Toán học.
Ngoài ra cần nghiên cứu thêm Công văn 896 của Bộ về giao quyền tự chủ cho từng giáo viên, từng lớp trong lập kế hoạch bài học phù hợp thực tế lớp.
2/ Bài học trong SGK:
- Đây là phương tiện giúp giáo viên tổ chức các hoạt động dạy - học nhằm giải quyết mục tiêu chuẩn kiến thức kỹ năng bài học. Không nhất thiết phải dạy hết nội dung có trong SGK.
3/ Bài hướng dẫn dạy học trong sách GV , các sách bài soạn khác:
- Giúp giáo viên tham khảo, vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế của lớp. Không quá lệ thuộc vào bài hướng dẫn mà xa thực tế làm cho bài dạy thiếu tính khả thi.
4/ Vở bài tập:
- Là tài liệu học tập của học sinh, đây là cầu nối giúp giáo viên có thể kiểm chứng thực tế tiếp thu bài học của học sinh và cũng là phương tiện giúp học sinh khá giỏi thể hiện kiến thức, kỹ năng nâng cao và tính sáng tạo trong thực hiện các dạng bài tập của mình.
5/ Các thiết bị dạy học:
- Nhất thiết phải có đối với các bài học mới. Muốn tổ chức các hoạt động tư duy của học sinh trong việc phân tích, tổng hợp rút kiến thức mới cần phải có thiết bị trợ giúp vì học sinh tiểu học lĩnh hội kiến thức theo con đường đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng.
Việc dùng thiết bị trong dạy học Toán cần khoa học, khéo léo để không phân tán tư duy của học sinh.
II/ Thực hiện lập kế hoach bài học:
* Khi soạn một bài dạy cần đảm bảo 3 phần sau:
Phần 1 : Nêu mục đích, yêu cầu của bài học ( gắn với yêu cầu cần đạt ghi trong tài liệu hướng dẫn). Chú ý đọc kĩ hướng dấn ở tuần 1 để ghi đầy đủ yêu cầu cần đạt ở các tuần sau, đối với một số loại bài học có yêu cầu giống nhau.
Phần 2: Nêu những yêu cầu cần chuẩn bị về thiết bị, đồ dùng dạy học của giáo viên và học sinh; dự kiến hình thức tổ chức hoạt động học tập đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng. Ví dụ: Bảng phụ ( ghi gợi ý kể chuyện), cách tổ chức học sinh kể chuyện theo cặp, kể trước lớp ....
Phần 3: Xác định nội dung, phương pháp giảng dạy đối với giáo viên, yêu cầu cần học đối với từng đối tượng học sinh, kể cả học sinh cá biệt, học sinh khuyết tật ( nếu có)
* Khi thực hiện lập kế hoạch dạy học cần chú ý:
- Theo chuẩn Kiến thức, kĩ năng các yêu cầu qui định theo chuẩn (Bài tập cần làm) luôn có những bài tập dành cho HS khá, giỏi đó là những bài tập không yêu cầu HS trung bình thực hiện (BT được giảm theo số lượng hoặc giảm theo mức độ phát triển) ở chuẩn KT-KN.
Ngoài ra còn có một số bài học theo chuẩn KT-KN hoàn toàn thoát ly cả SGK trong các trường hợp này đòi hỏi GV phải tự nghiên cứu bổ sung và thay vào đó những bài tập phù hợp để giải quyết được mục tiêu của tiết học (Bài:LUYỆN TẬP Trang 89-90Toán 4).
VII/ KẾT LUẬN:
Môn Toán ở tiểu học đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nếu học sinh học tốt môn Toán thì sẽ có kinh nghiệm , kiến thức, kỹ năng để học vững vàng môn Toán ở các lớp trên. Muốn vậy mỗi giáo viên cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:
- Phải nắm chắc chuẩn kiến thức – kĩ năng cần đạt của từng bài dạy.
- Xác định yêu cầu cơ bản, tối thiểu tất cả HS đạt được sau khi học xong bài học.
- Xác định yêu cầu cần đạt ,bài tập cần làm trong số bài tập thực hành, luyện tập của mỗi bài học trong SGK.
- Phải nắm chắc trình độ và năng lực hoạt động của từng em trong lớp.
- Thường xuyên động viên , quan tâm đến những học sinh ít hoạt động, tạo nhiều cơ hội để các em được tham gia hoạt động.
- Xây dựng các nhóm hoạt động học tập cần chú ý phân đều ở các đối tượng HS
- Giáo viên phải thường xuyên suy nghĩ tìm ra nhiều hình thức tổ chức hoạt động (có sự hỗ trợ của đồ dùng trực quan), làm sao cho học sinh bao giờ cũng thấy mới mẻ trong việc tổ chức các hoạt động, tránh sự nhàm chán, đơn điệu
- Nghiên cứu để biến một số hoạt động học tập đựơc thể hiện dưới dạng trò chơi trí tuệ, vui nhộn tạo sự hứng thú cho học sinh.
Trên đây là một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy học môn Toán lớp 4-5 nhằm góp một phần nhỏ vào việc thực hiện mục tiêu chuẩn kiến thức kỹ năng của một bài học. Nay trao đổi cùng đồng nghiệp để tìm ra những phương pháp dạy học phù hợp đạt hiệu quả hơn. Chắc không tránh những thiếu sót trong cách trình bày, rất mong các đồng nghiệp góp ý bổ sung để cùng nhau rút kinh nghiệm.
Thực hiện:
Nguyễn Hoàng Tuấn Kiệt
HIỆU TRƯỞNG
Chúc sức khỏe quý Thầy, Cô
Chúc Thầy Tô Công Hòa
dạy Minh Họa Thành Công
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Nguyễn Hoàng Tuấn Kiệt
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)