Chuyên đề GD

Chia sẻ bởi Đặng Thị Liên | Ngày 02/05/2019 | 20

Chia sẻ tài liệu: Chuyên đề GD thuộc Ngữ văn 8

Nội dung tài liệu:

CHUYÊN ĐỀ 1:
XÂY DỰNG ĐỘNG CƠ HỌC TẬP – GIẢI PHÁP KHƠI DẬY NIỀM TIN VÀ HỨNG THÚ HỌC TẬP

TỔ VĂN – GDCD
NĂM HỌC 2014-2015
Lời nói đầu :
Các nhà tâm lí học nghiên cứu và chỉ ra rằng hứng thú có một vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của con người. Nó là động cơ thúc đẩy con người tham gia tích cực vào hoạt động. Khi được làm việc phù hợp với hứng thú dù phải khó khăn con người cũng vẫn cảm thấy thoải mái và đạt được hiệu quả cao. Trong hoạt động học tập, hứng thú có vai trò hết sức quan trọng, thực tế cho thấy hứng thú đối với các bộ môn của học sinh tỉ lệ thuận với kết quả học tập của các em.
Bàn về thực trạng học tập của học sinh hiện nay, bên cạnh những học sinh vui thích, đam mê với việc học tập thì có một bộ phận không nhỏ các em không thích học, chán học, nguyên nhân là do mất hứng thú học tập.
Tình trạng chán học, không thích học do mất hứng thú học đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập của các em nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung. Và đặc biết đối với lứa tuổi THCS–lứa tuổi bước vào bước ngoặt thay đổi từ nhi đồng sang thiếu nhi ( tuổi mới lớn) nên dễ dàng sa đà vui chơi mất đi hứng thú học tập làm cho các em mất động lực học tập, điều này có có ảnh hưởng lớn tới chất lượng học tập của các em.
CHUYÊN ĐỀ 1:
XÂY DỰNG ĐỘNG CƠ HỌC TẬP – GIẢI PHÁP KHƠI DẬY NIỀM TIN VÀ HỨNG THÚ HỌC TẬP
2. Mục đích nghiên cứu:

Nghiên cứu thực trạng hứng thú học tập của học sinh đối với các môn học. Từ đó, tìm ra mối quan hệ giữa hứng thú, động cơ, thái độ học tập và kết quả học tập của học sinh ; góp phần xây dựng những phương pháp gây hứng thú học tập đối với các môn học cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
3. Đối tượng:
Xây dựng động cơ học tập, giải pháp khơi dậy niềm tin và hứng thú học tập cho HS trường THCS
A. THỰC TRẠNG VỀ ĐỘNG CƠ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH NGÀY NAY.

1.Tầm quan trọng của việc học đối với học sinh.

Để điều tra tầm quan trọng của việc học đối với học sinh ,chúng tôi đã đưa ra câu hỏi: “Em có thích học không?”

Thu được kết quả 82 câu trả lời như sau:

Lớp 9/1 Lớp 8/1
Rất thích : 4/40 4/42
Thích : 7/40 8/42
Bình thường : 14/40 12/42
Không thích : 15/40 18/42
Nhận xét:
Nhìn chung, ở cả 2 nhóm tỷ lệ học sinh không thích học còn cao.
2.Qua tìm hiểu mục đích và nguyên nhân thúc đẩy học tập của học sinh dưới dạng câu hỏi: “Mục đích học tập của em là gì?”
Tiếp thu kiến thức: 21%
Làm vui lòng gia đình : 43%
Vì tương lai : 11%
Không biết : 25%
3.Những nguyên nhân khiến học sinh chán, lười học:
- Do ham chơi
- Do kết quả học tập không như mong đợi
- Do cảm thấy các môn học quá khó
- Do hoàn cảnh gia đình tác động
- Do môi trường xã hội tác động
- Do không có khả năng đối với môn học.
- Do gia đình, thầy cô đặt quá nhiều hy vọng tạo áp lực lớn cho học sinh.
- Do không giữ được ý chí quyết tâm học tập.
- Khó tập trung học tập do nhiều yếu tố bên ngoài tác động.
- Do môn học không đủ sức hấp dẫn với học sinh…
4. Thái độ của học sinh đối với việc học:
Qua khảo sát thu được kết quả sau:
Phát biểu nhiều : 5%
Có phát biểu nhưng không nhiều : 50%
Không phát biểu : 45%
* Tình trạng lớp học trầm khá phổ biến hiện nay. Khi khảo sát ngẫu nhiên 2 lớp, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ phát biểu ít chiếm quá 50% tỷ lệ những học sinh chưa bao giờ phát biểu khá cao (xấp xỉ 45%) còn lại lượng học sinh hăng hái phát biểu không đáng kể.
Nguyên nhân gây nên hiện tượng này khá phức tạp, bắt nguồn từ tâm lý chung của học sinh sợ bị chê cười khi phát biểu sai, chưa tự tin vào năng lực của mình, chưa hiểu rõ tác dụng của việc phát biểu xây dựng bài, do chưa chuẩn bị bài kỹ, đến phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa gây hứng thú tới học sinh…
Với câu hỏi “Em có chuẩn bị bài đầy đủ trước khi đến lớp không?”
Có : 25%
Không : 75%
Tình trạng không chuẩn bị bài trước khi đến lớp vẫn tồn tại khá phổ biến (chiếm 75%). Kết quả khảo sát này khá phù hợp với thực tế hiện nay. Ở hầu hết học sinh thường khá bị động trong việc tự chuẩn bị bài ở nhà, kể cả khi giáo viên kiểm tra, các em vẫn có xu hướng làm để đối phó không chất lượng.
Nguyên nhân sâu xa của thực trạng phổ biến này là: học sinh có rất ít thời gian học ở nhà do chạy sô học thêm, trong khi lượng kiến thức học quá lớn, học sinh chưa chú tâm tới môn học.
Theo nghiên cứu các em học sinh khối 6-7 nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả của việc chuẩn bị bài nên việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp tốt hơn ở Khối 8-9.
Tóm lại :
Dựa vào kết quả điều tra những nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng chán, lười học và mức độ ảnh hưởng ít hay nhiều của các nguyên nhân thúc đẩy việc học tập mà chúng ta có thể đề ra được những biện pháp phù hợp hơn nhằm khuyến khích học sinh học tập tốt hơn.
Từ việc nghiên cứu, điều tra về lý luận và thực tiễn trên, để giúp học sinh có hứng thú học tập, tạo tiền đề cho việc đạt kết quả học tập tốt:
1. Muốn nâng cao hứng thú học tập trước hết phải hình thành động cơ học tập, nhu cầu học tập đúng đắn cho học sinh.
Động cơ học tập tốt không tự dưng có mà cần phải được xây dựng, hình thành trong quá trình học sinh đi sâu chiếm lĩnh tri thức với sự hướng dẫn của thầy cô giáo.
Động cơ học tập là muôn hình muôn vẻ, muốn phát động động cơ học tập đúng đắn, chiếm lĩnh tri thức thì trước hết cần phải khơi dậy ở các em nhu cầu nhận thức, nhu cầu chiếm lĩnh đối tượng học tập vì nhu cầu chính là nơi khơi nguồn của tính tự giác, tính tích cực học tập.
Mặt khác, hành vi của con người phụ thuộc vào nhiều khả năng khách quan, nhất là ở những học sinh có nhân cách chưa hình thành ổn định, chưa có mục đích sống, cho nên môi trường khách quan cần có những điều kiện thuận lợi, là mảnh đất màu mỡ để ươm mầm cho hứng thú phát triểnnhư : thư viện phong phú các đầu sách, phòng thí nghiệm, thực hành,những kỳ vọng, sự động viên của thầy cô và gia đình.
B. GIẢI PHÁP KHƠI DẬY NIỀM TIN VÀ HỨNG THÚ HỌC TẬP
2. Hứng thú học tập của học sinh phần lớn chịu sự ảnh hưởng bởi giáo viên:
Do đó, giáo viên không ngừng trau dồi kỹ năng, phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp, cải tiến phương pháp giảng dạy, đảm bảo việc truyền thụ tri thức ngày càng chính xác, hấp dẫn, có chất lượng. Giáo viên giúp cho học sinh thấy được ý nghĩa và vai trò của các kiến thức môn học đối với cuộc sống; giúp học sinh biết cách học thích hợp đối với mỗi bộ môn,tăng cường chất lượng thực hành cho mỗi bộ môn, nắm vững lý thuyết, luôn có sự vận dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống và giải quyết các tình huống trong đời sống theo nhiều khía cạnh khác nhau.
Cần có những bài giảng nêu vấn đề, những giờ thảo luận trên lớp, những trò chơi mang tính chất giáo dục để kích thích hứng thú học tập cho các em. Quá trình kích thích hứng thú không chỉ diễn ra ở bài giảng này hay bài giảng khác mà cần phải diễn ra trong suốt quá trình dạy học . Do đó, trong quá trình giảng dạy, người giáo viên cần tạo ra các hoàn cảnh nhằm kích thích hứng thú học tập của học sinh, tăng tính tích cực của trí tuệ.
Trong giảng dạy, giáo viên cần chỉ ra được cái mới, cái phong phú, tính chất sáng tạo học tập để tạo ra hứng thú vững chắc cho học sinh.
3. Hứng thú học tập của học sinh chịu sự ảnh hưởng của nhà trường:

Thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập, sinh hoạt mang tính tập thể. Điều đó sẽ kích thích sự hăng hái thi đua, cạnh tranh lành mạnh.
Tổ chức các buổi ngoại khóa, trò chuyện, giao lưu giữa thầy cô – học sinh, học sinh – học sinh nhằm khắc phục những khó khăn gặp phải trong quá trình học tập. Từ đó, tìm thấy tiếng nói chung, sự đồng thuận giữa các học sinh để các em cùng giúp nhau học tốt hơn.
Với nội dung này một mặt giúp nắm bắt được mức độ hứng thú đối với các môn học. Đó là cơ sở để đề xuất các biện pháp phù hợp hình thành và nâng cao hứng thú học tập của học sinh.
C. NHÌN NHẬN THỰC TẾ
Nhiều năm qua, chất lượng giáo dục trường ta ngày càng tăng, đặc biệt chất lượng học sinh giỏi tiến bộ vượt bậc, có tính bền vững.
Song bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận học sinh xếp loại học lực yếu, kém. 
Bởi vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục thì một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là khơi dậy niềm tin và hứng thú học tập là cần tìm ra các giải pháp nhằm giảm tỉ lệ học sinh yếu kém.
1 Vậy đâu là nguyên nhân?
1. Một bộ phận phụ huynh học sinh có đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, mãi làm lụng vất vả, kiếm cái ăn đắp đổi qua ngày mà “quên” việc học của con, họ đành phó thác trách nhiệm về phía nhà trường. Cũng có không ít PHHS thiếu đôn đốc, kiểm soát, không tạo điều kiện thuận lợi cho HS học và tự học ở nhà vì nhiều lý do khác
Nguyên nhân chủ yếu học sinh lười học, học yếu kém dẫn đến chán nản. Ngoài ra, một số em còn mê chơi game, thường xuyên trốn học, gia đình không hay biết.
2. Những HS học yếu, mất kiến thức cơ bản thì càng học càng thấy khó, ngày càng chán nản, mỗi giờ lên lớp trong tâm trạng âu lo vì sợ thầy cô gọi kiểm tra bài cũ. Hiện tượng trốn tiết, bỏ học một phần cũng xuất phát từ đây. Lại cũng có không ít HS ham chơi, nhác học. Đáng thương hơn, cũng có cả những trường hợp do phải phụ giúp cha mẹ mưu sinh mà các em sa sút việc học.
3. Công tác tham mưu với chính quyền địa phương đôi khi mang lại hiệu quả chưa cao; việc phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nhà trường chưa đồng bộ.
4.Bệnh thành tích trong GD vẫn còn tồn tại. Do áp lực của việc cam kết thi đua, đặt chỉ tiêu về chất lượng mà một số nhà giáo bằng cách này cách nọ để đạt chỉ tiêu "ảo"... Việc đánh giá, xếp loại, cho điểm ở một vài GV còn quá dễ dãi.

5. Chương trình, SGK vẫn còn quá tải, có quá nhiều kiến thức được tích hợp vào bài dạy.
GV giảng dạy chưa phù hợp kiến thức cho từng đối tượng HS, nhất là khi củng cố, dặn dò cuối 1 tiết dạy (GV chỉ dặn dò chung chung, không thể hiện trọng tâm, không phân hóa đối tượng).  
2. Để giảm tỉ lệ HS yếu kém, chúng tôi đề xuất một số giải pháp :
1.Cần khảo sát, thống kê, phân loại đối tượng HS yếu, cận yếu một cách cụ thể. Nắm vững hoàn cảnh, lý do HS yếu, yếu môn nào?
Từ đó lập kế hoạch, giúp đỡ, động viên, giảng dạy và củng cố kiến thức cơ bản.  
2. BGH cần bồi dưỡng, động viên, khen thưởng người dạy phụ đạo HS yếu. Cùng với việc phân công, giao trách nhiệm cho GV thì Hiệu trưởng cũng cần động viên, biểu dương những GV có công dạy dỗ các em được “lên hạng”.
3. Khách quan trong việc đánh giá, cho điểm đối với HS . Thực hiện và phát huy hiệu quả việc tổ chức coi, chấm thi học kỳ một cách nghiêm túc.
4. Thông tin kịp thời tình hình học tập của HS cho PHHS, đồng  thời phối hợp để giáo dục, nhắc nhở và tạo điều kiện thuận lợi cho HS học tập, thường xuyên liên hệ với phụ huynh để kiểm tra thời gian học tập tại nhà của các em học sinh.
5. Nhà trường nên tham mưu, phối hợp với các ban ngành địa phương (Hội Nông dân, Phụ nữ, Hội Khuyến học, Hội PHHS, …) nâng cao công tác tuyên truyền vận động đổi mới tư duy giáo dục trong người dân, kịp thời hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

6. Chú trọng giờ học ban đêm tối thiểu tại nhà của học sinh. Thành lập các tổ, nhóm tự học “giúp bạn cùng tiến” tại địa phương.  

7. GV dạy học cần phân hóa và dạy sát đối tượng, không nên ép học sinh yếu học quá nhiều, quá sâu trong khi kiến thức cơ bản lại không nắm.



8. “Mỗi nhà giáo, cán bộ giáo dục giúp đỡ 01 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Theo đó, các thầy cô giáo sẽ quan tâm, phối hợp chặt chẽ với gia đình để giúp đỡ kịp thời những khó khăn; giúp các em vạch ra kế hoạch học tập, rèn luyện từng tuần vừa giúp các em theo kịp chương trình, vừa động viên ý thức học tập, tránh tình trạng bất mãn rồi bỏ học…
9. Tổ chức phụ đạo cho các học sinh yếu kém; “Cần chú trọng xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt công tác phụ đạo để giảm dần tỷ lệ học sinh yếu kém”.
10. Phương pháp dạy học của GV:
- Giáo viên cần có phương pháp giảng dạy lôi cuốn như: đưa vào bài giảng những ví dụ thực tế, dễ hiểu; tạo tâm lý học thoải mái, không gây áp lực cho học sinh; kết hợp học + chơi; dạy sát chương trình học, dạy những điều cơ bản, cần thiết…; giáo viên cần quan tâm đến học sinh; định hướng tương lai cho học sinh…
Bài tập, thi học kỳ cần được giảm tải, đưa ra một cách phù hợp…
Thường xuyên kiểm tra miệng trên lớp để thúc đẩy việc học bài của học sinh.
Liên hệ với phụ huynh thường xuyên đối với một số học sinh lười biếng, trốn học …
11. Nhà trường cần tổ chức nhiều hình thức thúc đẩy việc học:
Thông qua các mô hình học tập:
Dò bài tại lớp : tổ chức các nhóm học bài tại trường có sự giám sát và dò bài của GV
Tổ chức hoạt động đố em hàng tuần ở các môn: văn, toán, lí, hóa, AV theo kế hoạch kiểm tra chung.
Phổ biến nội dung ôn tập trước khi tiến hành kiểm tra chung để GV hướng dẫn sát với nội dung.
Đối với học sinh năng lực học tập và đạo đức quá yếu nên mạnh dạn gạn lọc cho ở lại lớp.
12. Gia đình là chỗ dựa vững chắc giúp các em có động cơ học tập đúng đắn :Thực tế nhìn thấy nếu gia đình nào cha mẹ quan tâm đến việc học của con một cách chu đáo và đúng phương pháp thì bản thân học sinh dù có trí kém thì vẫn có khả năng học được.
Đa phần đối với HS cấp THCS phụ huynh thường nghĩ việc dạy là trách nhiệm của nhà trường và giáo viên; nên không còn theo sát việc học của con em mình, điều này dẫn kết kết quả học tập sút kém mà phụ huynh không biết.
13. Đòi hỏi bản thân học sinh phải có động cơ học tập đúng đắn:
Chăm chỉ, tự giác, có lòng quyết tâm cao, có lòng tin vào bản thân.
Phân bố thời gian học tập, vui chơi, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý.
Tham gia tích cực các phong trào ngoại khóa.
Tích cực chuẩn bị bài, phát biểu xây dựng bài.
Lời Kết :
Khơi gợi hứng thú học tập trên cơ sở ý thức tốt về nhu cầu học tập. Học sinh tự xây dựng cho mình động cơ học tập đúng đắn là việc cần làm đầu tiên. Bởi vì thành công không bao giờ là kết quả của một quá trình ngẫu hứng tùy tiện thiếu tính toán.
Có động cơ học tập tốt khiến cho học sinh luôn tự giác say mê, học tập với những mục tiêu cụ thể rõ ràng.
Thông thường các động cơ hứng thú đến được với người học một cách tự nhiên khi bài học có nội dung mới lạ, thú vị, bất ngờ, gợi sự tò mò.
Động cơ này sẽ xuất hiện thường xuyên khi GV biết tăng cường tổ chức các trò chơi, các cuộc thảo luận hay các biện pháp kích thích tính tự giác tích cực từ người học.
Trách nhiệm đối với gia đình, thầy cô, uy tín danh dự trước bạn bè…Từ đó các em mới có ý thức kỉ luật trong học tập, nghiêm túc tự giác thực hiện mọi nhiệm vụ học tập, những yêu cầu từ GV.

Do vậy người GV phải tùy đặc điểm môn học, tùy đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi của đối tượng để tìm ra những biện pháp thích hợp nhằm khơi dậy hứng thú học tập và năng lực tiềm tàng nơi HS,điều quan trọng hơn là tạo mọi điều kiện để các em tự kích thích động cơ học tập của mình.
Nó đòi hỏi sự quyết tâm cao và một ý chí mạnh mẽ cùng nghi lực chiến thắng chính bản thân mình.. Trong đó người thầy đóng vai trò chủ đạo.
Cám ơn quý thầy cô đã lắng nghe!
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Đặng Thị Liên
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)