Chuyen de day hoc theo dinh huong phat trien nang luc

Chia sẻ bởi Đặng Ngọc Hiếu | Ngày 07/05/2019 | 27

Chia sẻ tài liệu: chuyen de day hoc theo dinh huong phat trien nang luc thuộc Ngữ văn 9

Nội dung tài liệu:



CHUYÊN ĐỀ NGỮ VĂN 


DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG
PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC

I. THẾ NÀO LÀ DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC ?
Năng lực là sự kết hợp một cách linh hoạt và có tổ chức kiến thức , kỹ năng với thái độ tình cảm, giá trị , động cơ cá nhân …nhằm đáp ứng hiệu quả một yêu cầu phức hợp của hoạt động trong bối cảnh nhất định.
Phương pháp dạy học theo quan điểm phát triển năng lực không chỉ chú ý tích cực hóa học sinh về hoạt động trí tuệ mà còn chú ý rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với tình huống của cuộc sống, đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn.
II. CÁC NĂNG LỰC CẦN PHÁT TRIỂN QUA MÔN HỌC NGỮ VĂN.
Năng lực làm chủ và phát triển bản thân bao gồm:
Năng lực tự học
Năng lực giải quyết vấn đề
Năng lực sáng tạo
Năng lực quản lý bản thân
Năng lực xã hội , bao gồm:
Năng lực giao tiếp
Năng lực hợp tác
Năng lực công cụ, bao gồm :
Năng lực tính toán
Năng lực sử dụng ngôn ngữ
Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin
Trong định hướng phát triển chương trình giáo dục phổ thông , môn Ngữ Văn được coi là môn học công cụ, theo đó , năng lực giao tiếp tiếng Việt và năng lực thưởng thức văn học/ cảm thụ thẩm mỹ là các năng lực mang tính đặc thù của môn học. Ngoài ra năng lực tư duy sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tự quản bản thân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nội dung dạy học của môn học.
Năng lực giao tiếp tiếng Việt

Năng lực giao tiếp là khả năng sử dụng các quy tắc của hệ thống ngôn ngữ để chuyển tải, trao đổi thông tin về các phương diện của đời sống xã hội, trong từng bối cảnh / ngữ cảnh cụ thể, nhằm đạt đến một mục đích nhất định trong việc thiết lập mối quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội
Năng lực giao tiếp bao gồm các thành tố : sự hiểu biết và khả năng sử dụng ngôn ngữ , sự hiểu biết về các tri thức của đời sớng xã hội , sự vận dụng phù hợp những hiểu biết trên vào các tình huống phù hợp để đạt được mục đích.
Năng lực giao tiếp được thể hiện ở một số khía cạnh sau:
Xác định được mục đích giao tiếp và hiểu được vai trò quan trọng của việc đặt mục tiêu trước khi giao tiếp
Nhận ra được bối cảnh giao tiếp , đặc điểm , thái độ của đối tượng giao tiếp( người nghe) để có thái độ ứng xử phù hợp
Biết sử dụng hệ thống ngôn ngữ để diễn đạt ý tưởng của cá nhân một cách tự tin trong từng bối cảnh và đối tượng, thể hiện được thái độ biểu cảm phù hợp với đối tượng và bối cảnh giao tiếp
Năng lực giao tiếp được thể hiện ở 4 kĩ năng : nghe , nói , đọc, viết và khả năng ứng dụng các kiến thức và kĩ năng ấy vào các tình huống giao tiếp khác nhau trong cuộc sống
2. Năng lực thưởng thức văn học / cảm thụ thẩm mĩ

Năng lực cảm thụ thẩm mĩ thể hiện khả năng của mỗi cá nhân trong việc nhận ra các giá trị thẩm mĩ của sự vật , hiện tượng, con người và cuộc sống, thông qua những rung động trước cái đẹp và cái thiện, từ đó biết hướng những suy nghĩ, hành vi của mình theo cái đẹp, cái thiện.
Năng lực cảm xúc thẩm mĩ thường được thể hiện ở một số nội dung sau:
Nhận thức được các cảm xúc của bản thân
Làm chủ các cảm xúc của bản thân
Nhận biết các xúc cảm của người khác và những biểu hiện của cuộc sống trên phương diện thẩm mĩ
Làm chủ những liên hệ, những giá trị của con người và cuộc sống.
Năng lực cảm thụ thẩm mĩ là năng lực đặc thù của môn học Ngữ văn , gắn với tư duy hình tượng trong việc tiếp nhận văn bản văn học. Quá trình tiếp xúc với tác phẩm văn chương là quá trình người đọc bước vào thế giới hình tượng của tác phẩm và thế giới tâm hồn của tác giả từ chính cánh cửa tâm hồn của mình
Năng lực cảm xúc được thể hiện ở những phương diện sau:
Cảm nhận vẻ đẹp của ngôn ngữ, biết rung động trước những hình ảnh, hình tượng khơi gợi trong tác phẩm.
Nhận ra được những giá trị thẩm mĩ được thể hiện trong tác phẩm ( cái đẹp , cái xấu,cái hài, cái bi, cái cao cả , cái thấp hèn…)
Cảm ,hiểu được những giá trị của bản thân thông qua việc cảm hiểu tác phẩm văn học
Tóm lại, từ việc tiếp xúc các văn bản văn học, học sinh sẽ biết rung động trước cái đẹp, biết sống và hành động theo cái đẹp, nhận ra cái xấu và phê phán những biểu hiện không đẹp trong cuộc sống, biết đam mê và mơ ước cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

III. PHƯƠNG PHÁP VÀ HÌNH THỨC TỔ CHỨC DẠY HỌC NHẰM HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TRONG MÔN HỌC NGỮ VĂN.
1. Các phương pháp dạy học tích cực
a. Thảo luận nhóm
b. Đóng vai
c. Nghiên cứu tình huống
d. Dạy học theo dự án
2. Các hình thức tổ chức dạy học
a. Hình thức tổ chức dạy học trong lớp
b. Hình thức tổ chức dạy học ngoài lớp ( hoạt động ngoại khóa )
1. Các phương pháp dạy học tích cực
Thảo luận nhóm
Thảo luận nhóm là một trong những phương pháp dạy học tạo được sự tham gia tích cực của học sinh trong học tập. Học sinh tham gia trao đổi , bàn bạc, chia sẻ ý kiến về một vấn đề
Để tổ chức một hoạt động dạy học theo hình thức thảo luận nhóm, GV cần tiến hành các bước như sau:
Bước chuẩn bị( giao nhiệm vụ)
Chuẩn bị đề tài , mục tiêu bài học
Nội dung thảo luận nhóm ( thường là những câu hói / bài tập gắn với tình huống dạy học có vấn đề để HS tìm các giải pháp và phương án giải quyết)
Phương tiện hỗ trợ ( phiếu học tập, bút, màu…)
Thực hiện nhiệm vụ
Chia nhóm theo yêu cầu của nhiệm vụ, các nhóm tự phân công vị trí của các thành viên
Trong quá trình các nhóm thảo luận , GV quan sát, nhắc nhở hay hỗ trợ khi nhóm nào cần
Yêu cầu khi thực hiện
Mỗi thành viên trong nhóm đều được tham gia bàn luận
Những băn khoăn về ý nghĩa, kết quả của bài tập được giải đáp kịp thời
Thời gian làm bài phải phù hợp với thực tế khả năng làm việc của HS
Trình bày kết quả
Đại diện nhóm lên trình bày kết quả thảo luận, các thành viên của nhóm có thể bổ sung thêm
Các nhóm khác nhận xét , bổ sung…
GV đúc kết, bổ sung ý kiến, nhấn mạnh nội dung quan trọng, kết luận…
Ví dụ : Trong bài học Gv đưa ra các câu hỏi có vấn đề để Hs thảo luận
Bài thơ “ Đồng chí” của Chính Hữu, vẻ đẹp của tình đồng chí được thể hiện qua ba câu thơ cuối của bài như thế nào ?
Đoạn trích “ Làng” của nhà văn Kim Lân tình huống nào trong truyện đã bộc lộ tình yêu nước của ông Hai ?
Bài thơ “ Ánh trăng” của Nguyễn Duy, đâu là bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc, thể hiện chủ đề ?
Hoặc cho Hs thảo luận : Khổ thơ nào trong bài thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lí của tác phẩm?
b. Đóng vai
Đóng vai là phương pháp tổ chức cho HS thực hành để trình bày những suy nghĩ , cảm nhận và ứng xử theo một “vai giả định”
Phương pháp đóng vai được thực hiện trong một số nội dung học tập như sau: vào vai một nhân vật kể lại câu chuyện đã học;chuyển thể một văn bản văn học thành kịch bản sân khấu,xử lí một tình huống giao tiếp giả định, trình bày một vấn đề, một ý kiến từ các góc nhìn khác nhau…
Phương pháp này có những ưu điểm như sau:
HS được rèn luyện thực hành những kỹ năng ứng xử
Gây hứng thú và sự chú ý cho HS
Tạo điều kiện phát triển óc sáng tạo của HS
Khích lệ sự thay đổi thái độ, hành vi theo hướng tích cực
GV tiến hành tổ chức cho HS đóng vai theo các bước sau:
GV nêu chủ đề , yêu cầu nhiệm vụ
Các nhóm thảo luận , chuẩn bị đóng vai
Các nhóm lên đóng vai
Thảo luận , nhận xét
GV kết luận, giúp HS rút ra bài học cho bản thân
Một số yêu cầu khi đóng vai:
Tình huống đóng vai phù hợp chủ đề giáo dục
Tình huống nên để mở không cho trước kịch bản, lời thoại
Người đóng vai phải hiểu rõ vai của mình trong tình huống để không lạc đề
Nên khích lệ cả những HS nhút nhát cùng tham gia
Nên có hóa trang và đạo cụ đơn giản để tăng tính hấp dẫn của trò chơi đóng vai.
Ví dụ: Khi dạy bài “ Sơn Tinh , Thủy Tinh”, GV hướng dẫn HS hóa trang đóng vai Sơn Tinh, Thủy Tinh, vua Hùng , Mị Nương để kể lại câu chuyện . Mục đích của việc đóng vai này giúp cho các em khắc sâu , ghi nhớ bài học một cách dễ dàng hơn đồng thời qua bài học nhằm khơi gợi , nhắc nhở chúng ta về nguồn gốc tổ tiên và giải thích hiện tượng thiên nhiên.
Ví dụ : Gv dạy bài “Sông nước Cà Mau”, có thể cho HS hóa trang thành cô gái miền Tây sông nước để hát cho cả lớp nghe một bài hát như “ Nghe nói Cà Mau xa lắm , ở cuối bản đồ Việt Nam…”, mục đích của việc đóng vai một nhân vật miền Tây và hát một bài hát gần gũi với bài học tạo sự hứng thú học tập .
C. Nghiên cứu tình huống
Phương pháp nghiên cứu tình huống là một PPDH, trong đó trọng tâm của quá trình dạy học là việc phân tích và giải quyết các vấn đề của một tình huống được lựa chọn trong thực tiễn
Các tình huống đưa ra là những tình huống xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, những tình huống đó chứa đựng vấn đề cần giải quyết
Nghiên cứu tình huống được thực hiện trong một số nội dung sau:phân tích một tình huống giao tiếp,tìm hiểu một văn bản tiêu biểu cho một kiểu loại , tìm hhiểu một vấn đề thực tiễn cuộc sống để tạo lập một văn bản…
Phương pháp nghiên cứu tình huống được thực hiện theo các bước cơ bản sau:
Nhận biết tình huống
Thu thập các thông tin liên quan đến tình huống
Tìm phương án giải quyết
Phân tích đánh giá
Ví dụ : Trong tác phẩm “ Chiếc lá cuối cùng” ( Ngữ văn 8) nhà văn O Hen-ri đã xây dựng tình huống đảo ngược hai lần tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm . Đó là từ đầu câu chuyện Giôn-xi,cô họa sĩ trẻ,cứ như đang dần dần tiến đến cái chết nhưng cuối cùng cô khỏe lại yêu đời chiến thắng bệnh tật, chiến thắng cái chết. Còn cụ Bơ-men đang khỏe mạnh bình thường,ai ngờ đến cuối truyện cụ lại chết. Hai tình huống đảo ngược trái chiều nhau-một cụ già đi từ sự sống đến cái chết để dẫn dắt một cô gái từ cái chết trở lại với sự sống- đã được nhà văn kể lại thật tự nhiên, logic như sự tuần hoàn tự nhiên, logic của cuộc đời. Cả hai tình huống ấy đều liên quan đến căn bệnh sưng phổi và chiếc lá cuối cùng, đều gắn kết với những vẻ đẹp của các nhân vật trong truyện. Tất cả những điều đó đem lại cảm xúc cho người đọc một dư vị khó quên. Điều tác giả muốn gửi gắm đến người đọc đó là tình yêu thương bao la giữa con người với con người trong cuộc sống.
Ví dụ : Trong tác phẩm “ Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng ( Ngữ Văn 9 ) có tình huống truyện thật bất ngờ trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Đó là ông Sáu xa nhà đi kháng chiến , mãi đến khi con gái lên tám tuổi , ông mới có dịp về thăm nhà , thăm con. Với nỗi nhớ thương con tha thiết, nóng lòng muốn gặp con cho nên “thuyền chưa cập bến ông đã nhún chân nhảy thót lên bờ”. Nhìn thấy con, ông đã bật lên lời gọi tha thiết và chạy đến dang rộng đôi tay đón con. Cứ ngỡ rằng con sẽ chạy xô vào lòng ông,sẽ ôm chặt lấy ông…Nhưng không, bé Thu đã bỏ chạy . Ông Sáu hụt hẫng, đau đớn tột cùng vì sau những năm dài vào sinh ra tử , cái khát khao của ông , của một người lính là được gặp vợ con,
Mong được con gọi một tiếng ba cũng không trọn vẹn. Đến khi bé Thu hiểu ra sự việc và chịu gọi tiếng “ba” thì lại là lúc ông Sáu trở lại chiến khu và có thể nói là lần này ông Sáu ra đi và ra đi mãi mãi không trở về cùng con. Trong một trận càn ông Sáu đã hy sinh để lại một kỷ vật thiêng liêng của tình phụ tử mà bom đạn không bao giờ tàn phá được-chiếc lược ngà.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tạo nên tình huống truyện nhằm thể hiện tình cảm cha con thật sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.
Ví dụ : Tác phẩm “ Bến quê” của Nguyễn Minh Châu ( Ngữ văn 9 ) cũng có một tình huống mang tính nghịch lí để nhân vật chiêm nghiệm một triết lí về đời người. Đó là hình ảnh của Nhĩ “ đã từng đi tới không sót một xó xỉn nào trên trái đất” ấy thế mà cuối đời khi muốn nhích người đến bên cửa sổ thì việc ấy đối với anh khó khăn như phải đi hết cả một vòng trái đất. Một điều nghịch lí nữa là khi anh phát hiện vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông Hồng- tượng trưng cho quê hương-anh khao khát được đặt chân lên mảnh đất ấy thì anh không thể nào thực hiện được.
Việc tạo nên tình huống nghịch lí này , nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn nói đến người đọc một nhận thức vê cuộc đời: cuộc sống và số phận con người chứa đầy những điều bất thường, những nghịch lí ngẫu nhiên vượt ra ngoài những dự định, ước muốn, cả những hiểu biết và toan tính của con người. Qua đó muốn gởi đến người đọc một thông điệp : “ con người ta trên đường đời khó tránh được những cái vòng vèo hoặc chùng chình..”
D. Dạy học theo dự án
Dạy học theo dự án là một phương pháp dạy học trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích , lập kế hoạch đến việc thực hiện dự án, kiểm tra ,điều chỉnh, đánh giá quy trình và kết quả thực hiện
Phương pháp học tập này HS hoàn toàn chủ động tham gia hoạt động dưới sự hướng dẫn của GV. Hoạt động học tập này nhằm tạo cơ hội cho người học tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực học tập và áp dụng một cách sáng tạo vào thực tế cuộc sống
Quá trình thực hiện một dự án học tập diễn ra theo các bước cơ bản sau:
Chọn đề tài và xác định mục đích của dự án:GV và HS cùng nhau xác định đề tài và mục đích của dự án
Xây dựng đề cương, kế hoạch thực hiện : với sự hướng dẫn của GV, Hs xây dựng kế hoạch cho việc thực hiện dự án( cần xác định những công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu , kinh phí, phương pháp tiến hành và phân công công việc trong nhóm )
Thực hiên dự án : các thành viên thực hiện công việc theo kế hoạch đã đề ra
Thu thập kết quả và công bố sản phẩm : kết quả thực hiện dự án có thể được dưới dạng thu hoạch , báo cáo, luận văn…
Đánh giá dự án : GV và HS đánh giá quá trình thực hiện và kết quả cũng như kinh nghiệm đạt được.
VÍ DỤ:
Trong văn học trung đại GV cho học sinh thực hiện đề án: Tìm hiểu nghệ thuật miêu tả trong “Truyện Kiều”
Gv chia nhóm
Hướng dẫn hs tìm hiểu các nghệ thuật miêu tả trong Truyện Kiều qua các đoạn trích:
Miêu tả thiên nhiên trực tiếp qua 4 câu đầu “Cảnh ngày xuân”
Tả cảnh ngụ tình qua 6 câu cuối “Cảnh ngày xuân”và 8 câu cuối “Kiều ở lầu Ngưng Bích”
Miêu tả nhân vật bằng bút pháp ước lệ, tượng trưng qua các nhân vật Thúy Vân , Thúy Kiều
Miêu tả nhân vật bằng bút pháp tả thực qua cử chỉ , hành động của nhân vật Mã Giám Sinh, Thúy Kiều, Hoạn Thư
Miêu tả nội tâm nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại, độc thoại nội tâm qua các đoạn trích đã học
Hs vẽ tranh minh họa từ các đoạn trích đã học
Một số hình ảnh minh họa cho Truyện Kiều
Ví dụ:
Gv dạy Hs thực hiện đề án viết một bài tiểu luận về một chủ đề trong chương trình học như sau:
Chọn đề tài : Hình ảnh người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ qua các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9

Xây dựng đề cương :
Người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp qua các bài : Đồng chí
Người lính trong thời kì kháng chiến chống Mỹ qua các bài : Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Chiếc lược ngà , Những ngôi sao xa xôi
Các thành viên sẽ chia nhiệm vụ để thực hiện:
Sưu tầm hình ảnh người lính trong chiến tranh, hình ảnh về sự tàn khốc của chiến tranh, đặc biệt là những hình ảnh về người lính trong bom đạn vẫn thể hiện được chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn.
Bài viết cảm nhận về hình ảnh người lính trong thời kì chống Pháp được thể hiện qua tác phẩm như thế nào?
Bài viết cảm nhận về hình ảnh người lính trong thời kì chống Mỹ được thể hiện qua tác phẩm ra sao?
Sưu tầm thêm một số bài thơ , bài hát về người lính cụ Hồ.
Phân công người soạn thảo ( đánh vi tính )
Hình thức : viết bài tiểu luận
2. Các hình thức tổ chức dạy học
a . Hình thức tổ chức dạy học trong lớp
Đó là hình thức dạy học trong các giờ học chính khóa , GV tổ chức các hoạt động học tập cho HS theo các nội dung học tập.
Hình thức tổ chức dạy học trong lớp được thực hiện theo các cách sau :
Học theo cá nhân
Học theo nhóm
Học theo góc
Trong đó hoạt động theo góc là hình thức tổ chức hoạt động học tập theo đó người học thực hiện các nhiệm vụ khác nhau tại vị trí cụ thể trong không gian lớp học. học theo góc người học được lựa chọn các hoạt động học tập theo các phong cách học, tạo cơ hội “khám phá”, “thực hành”, cơ hội mở rộng, phát triển , sáng tạo. Do vậy , học theo góc kích thích người học tích cực thông qua hoạt động mở rộng sự tham gia , nâng cao hứng thú và cảm giác thoải mái , đảm bảo học sâu , hiệu quả bền vững
Ví dụ khi học về văn bản nhật dụng “ Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” ở lớp 9 có thể tổ chức các góc : viết bài luận về nguy cơ của chiến tranh hạt nhân, sáng tác thơ nhạc, vẽ tranh để kêu gọi mọi người yêu chuộng hòa bình chống chiến tranh..
Ví dụ khi học các đoạn trích trong tác phẩm
“ Truyện Kiều” của Nguyễn Du , Hs có thể viết bài luận về giá trị của tác phẩm ; vẽ tranh về chân dung của Thúy Kiều, Mã Giám Sinh; hay cảnh thiên nhiên ngày xuân..
b. Hình thức tổ chức dạy học ngoài lớp( hoạt động ngoại khóa )
Việc tổ chức các hoạt động học tập ngoài lớp là một hình thức gắn các nội dung học tâp với việc vận dụng vào thực tiễn. Hình thức tổ chức này góp phần tạo ra một không gian học tập mở, giúp học sinh có thêm các cơ hội để thể hiện năng lực học tập của mình.
Có thể tổ chức hoạt động ngoài lớp học dưới dạng các hoạt động ngoại khóa như : câu lạc bô, hội thi, giao lưu… về những nội dung liên quan đến bài học.
Ví dụ như hội thi thuyết trình về một tác phẩm văn học, mở ra thư viện đọc sách,sáng tác thơ văn… để khuyến khích các tài năng
Một số hình ảnh hoạt động ngoại khóa môn Ngữ văn
Hình ảnh hoạt động ngoại khóa về Truyện Kiều
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Đặng Ngọc Hiếu
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)