Bài 3. Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em

Chia sẻ bởi Hồ Hữu Trạch | Ngày 08/05/2019 | 36

Chia sẻ tài liệu: Bài 3. Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em thuộc Ngữ văn 9

Nội dung tài liệu:

Thứ.... ngày..... tháng..... năm.....
Tiết 11 - 12
Tuyên bố thế giới về sự sống còn,
quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em
A. Mục tiêu cần đạt: Giúp học sinh:
- Thấy được phần nào thực trạng cuộc sống của trẻ em trên thế giới hiện nay, tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
- Hiểu được sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề bảo vệ chăm sóc trẻ em.
B. Tiến trình dạy học
Bài cũ:
? Qua văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình, em hiểu gì về thảm hoạ của chiến tranh hạt nhân? Tính thuyết phục của văn bản là ở chỗ nào?
- Đe doạ sự sống trên trái đất.
- Cực kì tốn kém: cướp đi của thế giới nhiều điều kiện để phát triển, để loại trừ nạn đói, nạn thất học và khắc phục nhiều bệnh tật cho hàng trăm triệu con người.
- Lập luận chặt chẽ, chứng cứ xác %thực, phong phú, cụ thể và còn bởi nhiệt tình của tác giả.
Bài mới: Tiết 1
I, Tìm hiểu chung về văn bản.
1, Xuất xứ và vị trí đoạn trích.
? Nêu xuất xứ và vị trí của đoạn trích?
- Thuộc phần đầu lời tuyên bố của hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em họp tại LHQ ngày 30/ 9/ 1990 trong Việt Nam và các văn kiện quốc tế về quyền trẻ em- NXB Chính trị Quốc gia.
2, Đọc, tìm hiểu chú thích
- GV đọc mẫu - HS đọc.
- Tìm hiểu chú thích theo SGK.
3, Kiểu văn bản

? Bài viết thuộc kiểu văn bản nào? Phương thức biểu đạt?
- Văn bản nhật dụng.
- Phương thức nghị luận.
4, Bố cục:
? Xác định bố cục của văn bản?
- Gồm 4 phần:
a, Từ đầu -> kinh nghiệm mới: Lí do của bản Tuyên bố.
b, Sự thách thức: Thực trạng trẻ em trên thế giới.
c, Cơ hội: Khả năng của cộng đồng quốc tế để thực hiện lời tuyên bố về quyền trẻ em.
d, Nhiệm vụ: nhiệm vụ cụ thể.
? Phân tích tính hợp lí, chặt chẽ của văn bản?
- Bản thân các tiêu đề đã nói lên tính chặt chẽ, hợp lý của bản Tuyên bố. Tiểu mục này là cơ sở để xác định tiểu mục kia: thách thức- cơ hội- nhiệm vụ là những vấn đề chúng ta phải đáp ứng.
II, Tìm hiểu văn bản
1, Lý do của bản Tuyên bố
? Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em họp nhằm mục đích gì?
- Cùng nhau cam kết và ra lời kêu gọi khẩn thiết với toàn thể nhân loại: hãy đảm bảo tất cả cho trẻ
em một tương lai tốt đẹp hơn.
? Từ đó em hiểu gì về thái độ của mọi người đối với trẻ em?
- Quan tâm đặc biệt, ưu ái.
? Vì sao phải có sự quan tâm đặc biệt như vậy?
- Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước. Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai.
? Bản Tuyên bố đã có cái nhìn như thế nào về đặc điểm tâm sinh lí và quyền của trẻ em?
- Tâm sinh lí: trong trắng, ham hoạt động, đầy ước vọng nhưng dễ tổn thương và còn phụ thuộc.
- Quyền sống: phải được sống trong vui tươi, được
chơi, được học, được phát triển.
-Tương lai phải được hình thành trong sự hoà hợp và tương trợ.
? Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Kiểu câu gì?
- Nghệ thuật liệt kê, kiểu câu khẳng định.
? Tác dụng, hiệu quả của biện pháp nghệ thuật và kiểu câu ấy?
- Sự hiểu biết tâm sinh lí trẻ em một cách cụ thể. Thể hiện cái nhìn đầy tin yêu và trách nhiệm đối với trẻ em.
? Em hiểu gì qua lời tuyên bố này?
- Quyền sống của trẻ em là vấn dề quan trọng và cấp thiết trong thế giới hiện tại.
- Mọi người hãy quan tâm tới trẻ em.
- Trẻ em thế giới có quyền kì vọng vào những lời tuyên bố -> Lời kêu gọi khẩn thiết.
-> Lời tuyên bố có ý nghĩa lớn lao, cao cả.
2, Thực trạng trẻ em trên thế giới.
? Em có nhận xét gì về phương pháp lập luận trong câu mở đầu của luận điểm này? Tác dụng?
- Lập luận tương phản -> gây chú ý đối với người đọc, tạo ấn tượng để theo dõi phần sau, tạo nên sự
so sánh đối chiếu giữa quyền và thực tế.
? Hiện nay, trẻ em trên thế giới đang đứng trước những thách thức nào?
- Nạn nhân của chiến tranh và bạo lực.
- Sự phân biệt chủng tộc, sự xâm lược.
- Trở thành người tị nạn, bỏ gia đình, cội rễ.
- Chịu cảnh tàn tật, nạn nhân của lãng quên ruồng bỏ, bị đối xử tàn nhẫn và bóc lột.
- Nạn nhân của đói nghèo và khủng hoảng kinh tế.
- Mỗi ngày có 40.000 trẻ em chết do suy dinh dưỡng và bệnh tật.

? Em có nhận xét gì về nghệ thuật lập luận của tác giả?
- Nghệ thuật liệt kê, dẫn chứng cụ thể, toàn diện.
? Nghệ thuật ấy giúp chúng ta hiểu điều gì?
- Trẻ em bị săn đuổi nhiều phía, bị tước đi quyền sống, quyền vui chơi và quyền được hưởng hạnh phúc, phải chịu nhiều thảm hoạ.
? Em đọc được thái độ gì của tác giả qua đoạn văn trên?
- Căm phẫn đối với tội ác đã gieo rắc đối với trẻ em, xót xa, thông cảm những số phận bất hạnh.
GV: Bức thông điệp được trình bày rõ ràng, khúc chiết, thống thiết. Những điều nói về thực trạng
được mở đầu bằng sự lặp lại cụm từ mang ý nghĩa khẩn cấp: "hàng ngày; mỗi ngày`` và nhiều từ có sức gợi cảm " hiểm hoạ, bất hạnh, thảm hoạ", có tới 40.000 trẻ em chết...
? Nhận thức, tình cảm của em sau khi tìm hiểu phần văn bản này?
-Thấu hiểu nỗi đau mà trẻ em trên thế giới phải chịu đựng. Sẻ chia, cảm thông. Lên án những hành động trái với quyền trẻ em.
(Hết tiết 1)
Tiết 2:
- ổn định tổ chức.
- Bài cũ: Thực trạng của trẻ em trên TG được chỉ ra ntn?
- Bài mới: II, Tìm hiểu văn bản (tiếp)
3, Cơ hội, khả năng thực hiện.
? Thế giới có những cơ hội nào để bảo vệ quyền sống và phát triển của trẻ em?
- Liên kết lại các nước có đủ điều kiện và kiến thức để bảo vệ sinh mệnh của trẻ em.
- Công ước về trẻ em.
- Hợp tác, đoàn kết quốc tế trên nhiều lĩnh vực.
- Giải trừ quân bị.
- Tăng cường phúc lợi trẻ em.
? Nghệ thuật lập luận của đoạn văn có gì đặc sắc?
- Kết hợp giải thích và chứng minh -> Thấy được những thuận lợi cơ bản đối với trẻ em, hi vọng quyền trẻ em sẽ trở thành hiện thực.
? Việt Nam đã tận dụng cơ hội ấy bằng những hành động cụ thể nào?
- Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nhận thức và tham gia tích cực của nhiều tổ chức xã hội và phong trào chăm sóc bảo vệ trẻ em, ý thức cao của toàn dân về vấn đề này.
- Đấu tranh đòi Mỹ phải bồi thường vì đã sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh Việt Nam.
- Xây dựng nhiều cơ sở nuôi dạy trẻ em lang thang, cơ nhỡ, tật nguyền...
4, Nhiệm vụ cụ thể
? Bản Tuyên bố đã nêu những nhiệm vụ gì cần phải thực hiện để bảo vệ và chăm sóc trẻ em?
- Tăng cường sức khoẻ và chế độ dinh dưỡng nhằm hạ thấp tỉ lệ tử vong ở trẻ em.
- Hỗ trợ, quan tâm trẻ em bị tàn tật, trẻ em đặc biệt khó khăn.
- Tăng cường vai trò của phụ nữ, bảo đảm quyền bình đẳng cho các bé gái.
- Tăng cường công tác xoá mù chữ, đảm bảo cho trẻ được học hết bậc giáo dục THCS.
- Củng cố gia đình, xây dựng môi trường xã hội, khuyến khích trẻ em tham gia sinh hoạt văn hoá xã hội.
- Khôi phục sự tăng trưởng và phát triển kinh tế ở các nước.
? Em có nhận xét gì về tính chất của nội dung phần nhiệm vụ này?
-Nhiệm vụ toàn diện, cụ thể và cấp thiết đối với cộng đồng quốc tế và từng quốc gia trên tất cả các mặt của đời sống, hiện tại và tương lai.
? Qua bản tuyên bố, em nhận thức như thế nào về tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ chăm sóc trẻ em?
- Bảo vệ quyền lợi, chăm lo đến sự phát triển của trẻ em là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của từng quốc gia và cả cộng đồng quốc tế. Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến tương lai của một đất nước, của toàn nhân loại.
? Để xứng đáng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, em tự thấy mình cần phải làm gì?
- Ra sức học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức, tư cách...Cùng với Đoàn TN, Đội TN, Hội chữ thập đỏ tuyên truyền vận động giúp đỡ các bạn bị tàn tật, gia đình đặc biệt khó khăn...
? Qua việc tìm hiểu, em cảm nhận được gì về nội dung của bản tuyên bố?
Ghi nhớ
Bảo vệ quyền lợi, chăm lo đến sự phát triển của trẻ em là một trong những vấn đề quan trọng, cấp bách có ý nghĩa toàn cầu. Bản Tuyên bố của Hội nghị cấp cao thế giới về quyền trẻ em ngày 30 -9 - 1990 đã khẳng định điều ấy và cam kết thực hiện những nhiệm vụ có tính toàn diện vì sự sống còn, phát triển của trẻ em, vì tương lai của toàn nhân loại.
III. Luyện tập
- Phát biểu ý kiến về sự quan tâm, chăm sóc của chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội đối với trẻ em nơi em ở.
- Gợi ý: Chính quyền địa phương đã làm được những gì, đã tạo điều kiện như thế nào (vật chất, tinh thần) đối với trẻ em.
D. Hướng dẫn học bài :
- Học bài, nắm vững nội dung bài học.
- Chuẩn bị bài tiếp theo./.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Hồ Hữu Trạch
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)