VAN MINH AN DO

Chia sẻ bởi Nguyễn Đăng Trình | Ngày 27/04/2019 | 72

Chia sẻ tài liệu: VAN MINH AN DO thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

Chương II. Văn minh Ấn Độ
I. Tổng quan về Ấn Độ cổ trung đại.
1. Địa lí và cư dân.
2. Sơ lược lịch sử cổ trung đại Ấn Độ.
a) Thời kì văn minh lưu vực sông Ấn (từ đầu thiên kỉ III đến giữa thiên kỉ II TCN ).
b) Thời kì Vêđa (giữa thiên kỉ II đến giữa thiên kỉ I TCN).
c) Ấn Độ từ thế kỉ VI TCN đến thế kỉ XII.
d) Ấn Độ từ thế kỉ XIII đến thế kỉ XIX.
II. Những thành tựu chính của văn minh Ấn Độ.
1. Chữ viết.
2. Văn học.
3. Nghệ thuật.
4. Khoa học tự nhiên: Thiên văn, Toán học, Vật lí học và Y dược học.
5. Tôn giáo: Đạo Bàlamôn – Đạo Hinđu, Đạo Phật, Đạo Jain và Đạo Xích.
1. Địa lí và cư dân.
Ấn Độ là một bán đảo ở Nam Á, từ Đông Bắc đến Tây Bắc có núi chắn ngang, trong đó có dãy Himalaya. Ấn Độ chia làm hai miền Nam – Bắc lấy dãy núi Vindya làm ranh giới. Miền Bắc Ấn Độ có 2 con sông lớn là sông Ấn và sông Hằng. Sông Ấn chia làm 5 nhánh nên đồng bằng sông Ấn được gọi là vùng Pungiáp (vùng 5 sông).
Sông Hằng ở phía Đông cũng là một dòng sông thiêng. Khúc sông ở thành phố Varanađi thường được người Ấn dùng trong các lễ tắm tôn giáo. Cả hai dòng sông này đã bồi đắp thành 2 đồng bằng màu mỡ ở miền bắc Ấn Độ. Nơi đây đã trở thành cái nôi của nền văn minh Ấn Độ.
Cư dân Ấn Độ, về thành phần chủng tộc gồm 2 loại chính: người Đraviđa cư trú chủ yếu ở miền Nam và người Aryan ở miền Bắc. Ngoài ra còn có nhiều tộc người khác như người Hy Lạp, người Hung Nô, người Arập…Họ dần dần đồng hóa với các thành phần cư dân khác, do đó vấn đề bộ tộc ở Ấn Độ là một vấn đề phức tạp.
Thời cổ trung đại, phạm vi địa lí của nước Ấn Độ bao gồm cả nước Pakixtan, Bănglađét và Nêpan ngày nay.
2. Sơ lược lịch sử Ấn Độ cổ trung đại.
Từ khi bước vào xã hội có giai cấp và nhà nước cho đến khi bị thực dân Anh chinh phục, lịch sử Ấn Độ có thể chia thành 4 thời kì lớn.
Từ khoảng đầu thiên kỉ III TCN, nhà nước Ấn Độ đã ra đời nhưng cả giai đoạn từ đó đến giữa thiên kỉ II TCN, trước đây chưa ai biết đến. Mãi đến năm 1920 -1921, nhờ việc phát hiện hai thành phố Harappa và Môhenjô Đarô, người ta mới biết đến thời kì lịch sử này.
Những hiện vật khảo cổ chỉ giúp người ta biết được tình hình kinh tế và văn hóa, qua đó có thể suy ra đây là thời kì đã có nhà nước chứ chưa biết được lịch sử cụ thể. Người ta gọi thời kì này là thời kì văn hóa Harappa hoặc thời kì văn minh lưu vực sông Ấn.
Thời kì này, lịch sử Ấn Độ được phản ánh trong các tập Vêđa nên gọi là thời Vêđa. Vêđa vốn là những tác phẩm văn học gồm 4 tập: Rich Vêđa, Xama Vêđa, Atácva Vêđa và Yagiva Vêđa, trong đó Rich Vêđa được sáng tác vào khoảng giữa thiên kỉ II đến cuối thiên kỉ II TCN, còn 3 tập Vêđa khác được sáng tác vào khoảng đầu thiên kỉ I TCN.
Chủ nhân của thời kì Vêđa là người Arya (người cao quý) mới di cư từ Trung Á vào Ấn Độ. Địa bàn sinh sống chủ yếu là lưu vực sông Hằng. Đầu thời Vêđa, họ đang sống ở giai đoạn tan rã của công xã thị tộc. Đến cuối thiên kỉ II TCN, họ mới bước vào xã hội có nhà nước. Trong thời kì Vêđa, ở Ấn Độ đã xuất hiện hai vấn đề có ảnh hưởng quan trọng và lâu dài trong xã hội nước này là chế độ đẳng cấp (varna) và đạo Bàlamôn.
- Các quốc gia miền Bắc Ấn Độ và sự xâm lược của Alếchxanđrơ Makêđônia
Từ thế kỉ VI TCN, Ấn Độ mới có sử sách ghi chép về tình hình chính trị của đất nước mình. Lúc bấy giờ, miền Bắc Ấn có 16 nước, trong đó mạnh nhất là Magađa ở hạ lưu sông Hằng. Năm 327 TCn, sau khi tiêu diệt Ba Tư, quân đội Makêđônia do Alếchxanđrơ chỉ huy đã tấn công Ấn Độ. Quân đội nước Po – 1 quốc gia tương đối lớn ở Tây Bắc Ấn chiến đấu rất anh dũng nhưng cuối cùng vẫn bị thất bại. Alếchxanđrơ còn định tiến sang phía Đông chinh phục Magađa nhưng quân sĩ đã quá mệt mỏi vì những năm tháng chinh chiến triền miên nên đã phải rút lui chỉ để lại một lực lượng để chiếm đóng hai cứ điểm đã chiếm được.
- Vương triều Môrya.
Ngay sau khi Alếchxanđrơ rút lui, ở Ấn Độ đã dấy lên phong trào đấu tranh giải phóng chống lại sự chiếm đóng của quân Makêđônia. Thủ lĩnh của phong trào này là Sanđragupta, biệt hiệu là Môrya (chim công). Quân Makêđônia bị đuổi khỏi Ấn Độ, Sanđragupta làm chủ được cả vùng Pungiap. Tiếp đó, ông tiến về phía Đông giành được ngôi vua ở Magađa, lập nên vương triều Môrya huy hoàng nhất trong lịch sử Ấn Độ cổ đại.
Đến thời Axôca (273 – 236 TCN), vương triều Môrya đại đến cực thịnh. Đạo Phật ra đời từ thế kỉ V TCN, đến đây phát triển nhanh chóng và trở thành quốc giáo. Sau khi Axôca chết, vương triều Môrya suy sụp nhanh chóng, Magađa dần tan rã, đến năm 28 TCN thì diệt vong.
- Nước Cusan
Trước khi tình hình chia cắt ở Ấn Độ diễn ra trầm trọng thì vào thế kỉ I, tộc Cusan ở Trung Á tràn vào chiếm được miền Tây Bắc Ấn và lập ra một nước tương đối lớn. Vua Cusan là Canixa (78 - 123) cũng là một người rất sùng đạo Phật. Sau khi Canixa chết, nước Cusan ngày càng suy yếu, lãnh thổ chỉ còn lại vùng Pungiáp và tồn tại đến thế kỉ V thì diệt vong.
- Vương triều Gupta
Trong thế kỉ III, Ấn Độ lại bị chia cắt trầm trọng. Năm 320, vương triều Gupta được thành lập, miền Bắc và Trung Ấn được tạm thời thống nhất. Từ năm 500 – 528, phần lớn miền Bắc Ấn bị người Eptalil xâm chiếm và thống trị, đến năm 535, triều Gupta bị diệt vong.
-Vương triều
Hácsa.
Năm 606, vua Hácsa lại dựng lên một vương triều tương đối hùng mạnh ở miền Bắc Ấn. Năm 649,Hác sa chết, quốc gia hùng mạnh do ông dựng nên cũng tan rã.
Từ đó cho đến thế kỉ XII, Ấn Độ bị chia cắt càng trầm trọng và nhiều lần bị ngoại tộc xâm nhập. Đặc biệt từ đầu thế kỉ XI, Ấn Độ thường xuyên bị các vương triều Hồi giáo ở Ápganixtan tấn công và đến năm 1200, toàn bộ miền Bắc Ấn bị nhập vào Ápganixtan.
Thời kì Xuntan Đêli
(1206 - 1526).
Năm 1206, viên tổng đốc của Ápganixtan ở miền Bắc Ấn đã tách miền Bắc Ấn thành một nước riêng, tự mình làm Xuntan (vua), đóng đô ở Đêli. Từ đó đến 1526, ở miền Bắc đã thay đổi 5 vương triều nhưng đều do người ngoại tộc theo Hồi giáo thành lập và đều đóng đô ở Đêli
- Thời kì Môgôn (1526 - 1857)
Nước Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn thành lập năm 1206. Sau khi ông chết (1227), đế quốc Mông Cổ chia thành nhiều nước. Dõng dõi Mông Cổ ở Trung Á đều bị Tuốc hóa và đều theo Hồi giáo. Từ thế kỉ XIII, người Mông Cổ ở Trung Á nhiều lần tấn công Ấn Độ. Năm 1526, họ chiếm được Đêli và thành lập vương triều Môgôn (Mông Cổ). Từ giữa thế kỉ XVIII, thực dân Anh bắt đầu chinh phục Ấn Độ, đến năm 1849, Ấn Độ hoàn toàn biến thành thuộc địa của Anh, vương triều Môgôn đến năm 1857 bị diệt vong.
Văn hóa Ấn Độ là một nền văn hóa lâu đời, vô cùng phong phú và đầy tính chất sáng tạo. Đối với sự phát triển của nhiều dân tộc phương Đông, văn hóa Ấn Độ có nhiều ảnh hưởng lớn, đặc biệt là với các nước Đông Nam Á. Những thành tựu văn minh của Ấn Độ là những đóng góp vô giá cho kho tàng văn hóa nhân loại.
1. Chữ viết.
Chữ viết đầu tiên ở Ấn Độ được sáng tạo từ thời văn hóa Harappa. Tại các di chỉ thuộc nền văn minh sông Ấn, năm 1921 người ta đã phát hiện hơn 3000 con dấu khắc chữ đồ họa. Suốt nửa thế kỉ từ khi được phát hiện, nhiều học giả đã nghiên cứu cách đọc loại chữ này nhưng chưa thành công. Mãi tới cách đây vài chục năm, nhà khảo cổ học Ấn Độ là S.R.Rao đã khám phá được sự bí ẩn của loại chữ này. Theo ông, đây là loại chữ dùng hình vẽ để ghi âm và ghi vần. Trong số 3000 con dấu ấy, có 22 dấu cơ bản. Loại chữ này chủ yếu viết từ phải sang trái. Những con dấu được phát hiện là những con dấu dùng để đóng trên các kiện hàng để xác nhận hàng hóa và chỉ rõ xuất xứ của những hàng hóa đó.
Đến khoảng thế kỉ V TCN, ở Ấn Độ xuất hiện loại chữ khác là chữ Kharosthi. Đây là loại chữ phỏng theo chữ viết của vùng Lưỡng Hà. Sau đó, lại xuất hiện chữ Brami được sử dụng rộng rãi. Các văn bia của Axôca đều viết bằng loại chữ này. Trên cơ sở chữ Brami, người Ấn Độ lại đặt ra chữ Đêvanagari có cách viết đơn giản thuận tiện hơn. Đó là thứ chữ mới để viết tiếng Xanxcrít. Đến nay, ở Ấn Độ và Nêpan vẫn dùng loại chữ này.
2. Văn học.
Ấn Độ là một nước có nền văn học rất phát triển. Thời cổ đại, văn học Ấn Độ gồm hai bộ phận quan trọng là Vêđa và sử thi.
Vêđa.
Sử thi.
Những tác phẩm của Caliđaxa.
Các tác phẩm văn học viết bằng các phương ngữ.
a) Vêđa.
Vêđa vốn nghĩa là hiểu biết. Vêđa gồm 4 tập là Rích Vêđa, Xama Vêđa, Yagiua Vêđa và Atácva Vêđa.
Ba tập Vêđa đầu gồm những bài ca và những bài cầu nguyện phản ánh tình hình người Arya tràn vào Ấn Độ, tình hình tan rã của chế độ thị tộc, tình hình cư dân đấu tranh với thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt, trong đó Rích Vêđa với 1028 bài thơ là tập quan trọng nhất.
Còn Atácva Vêđa chủ yếu bao gồm các bài chú nhưng nó còn đề cập đến chế độ đẳng cấp, việc hành quân, chữa bệnh, đánh bạc và cả tình yêu nữa.
Kế tiếp theo 4 tập Vêđa và có liên quan với Vêđa có các tác phẩm Bramana (Phạn thư), Araniaca (sách rừng rậm), Upanisát (sách nghĩa sâu)… Những sách này đều viết bằng văn xuôi, nội dung bao gồm những bài cầu nguyện, thần chú, nghi thức cúng bái, những bài thuyết pháp, những lời giải thích triết lí trong kinh Vêđa. Còn về tính văn học thì không có giá trị đáng kể.
b) Sử thi
Ấn Độ có hai bộ sử thi rất đồ sộ là Mahabharata và Ramayana. Hai bộ sử thi này được truyền miệng từ nửa đầu thiên kỉ I TCN rồi được chép lại bằng khẩu ngữ, đến các thế kỉ đầu công nguyên thì được dịch ra tiếng Xanxcrit.
Mahabharata (cuộc chiến tranh giữa con cháu Bharata) gồm 18 chương và 1 chương bổ sung tài liệu gồm 220.000 câu. Đây là bộ sử thi dài nhất thế giới, so với 2 bộ Iliat và Ôđixê của Hy Lạp cổ đại gộp lại thì nó còn dài hơn 8 lần. Tương truyền, người soạn là Viasa. Chủ đề của tác phẩm là cuộc đấu tranh trong nội bộ một dòng họ đế vương ở miền Bắc Ấn Độ.
Xoáy vào cốt truyện cuộc chiến tranh giữa con cháu dòng họ Curu, bộ sử thi đã miêu tả rất nhiều cảnh khác nhau với những chi tiết li kì như cảnh ăn chơi xa hoa ở chốn cung đình, những cuộc tình duyên éo le nhưng chung thủy, những cảnh sinh hoạt trong xã hội thời bấy giờ và đậm nét nhất là cảnh chiến đấu anh dũng nhưng vô cùng thảm khốc. Hơn nữa, cùng với thời gian, những câu chuyện như vậy được bổ sung vào làm cho tác phẩm càng thêm phong phú.
Ramayana có 7 chương, trong đó chương I và chương VII về sau mới thêm vào, gồm 48.000 câu. Tương truyền rằng tác giả là Vanmiki. Chủ đề của tác phẩm là câu chuyện tình duyên giữa hoàng tử Rama và người vợ chung thủy Sita.
Hai bộ sử thi Mahabharata và Ramayana là những công trình sáng tác tập thể của nhân dân Ấn Độ trong nhiều thế kỉ và là niềm tự hào của Ấn Độ suốt hơn 2000 năm qua. Cho đến nay, các văn nghệ sĩ Ấn Độ vẫn tìm thấy trong hai tác phẩm trên nhiều đề tài và cảm hứng sáng tác.
Ngoài văn học tiếng Xanxcrit, còn có các tác phẩm viết bằng các thứ ngôn ngữ khác, trong đó đáng kể nhất là những tác phẩm viết bằng tiếng Pali về chủ đề Phật giáo.
c) Những tác phẩm của Caliđaxa.
Caliđaxa là nhà thơ và nhà soạn kịch lớn nhất thời Gupta (thế kỉ V). Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là vở kịch Sơcuntơla. Đây là vở kịch phỏng theo một câu chuyên dân gian được chép trong sử thi Mahabharata, được tác giả cải biên và thêm vào nhiều tình tiết. Nội dung của vở kịch là câu chuyện tình duyên giữa nàng Sơcuntơla và vua Đusơnta.
Tuy là nhà soạn kịch cung đình, lại chịu ảnh hưởng của đạo Bàlamôn nhưng Caliđaxa đã thể hiện tư tưởng tự do, chống lại lễ giáo khắt khe, lên án bản chất giả dối, lừa gạt, không chung thủy của giai cấp thống trị và trên chừng mực nhất định đã chống lại chế độ đẳng cấp.
Sơcuntơla và Caliđaxa là niềm tự hào của nhân dân Ấn Độ. Suốt 15 thế kỉ nay, Sơcuntơla đã trở thành nguồn cảm hứng, đề tài cho nhiều tác phẩm nghệ thuật thuộc các lĩnh vực khác nhau. Không chỉ ở Ấn Độ mà đối với thế giới, tác phẩm Sơcuntơla cũng có một tiếng vang rất lớn.
Ngày nay, Caliđaxa được xếp vào loại các nhà văn lớn của thế giới và năm 1957, ông được Hội đồng hòa bình thế giới tổ chức kỉ niệm.
d) Các tác phẩm viết bằng phương ngữ.
Từ cuối thế kỉ X về sau, ngoài văn học tiếng Xanxcrit đã xuất hiện nhiều tác phẩm văn học viết bằng các loại văn học phương ngữ khác nhau.
Đặc trưng chung của các tác phẩm văn học viết bằng các phương ngữ là dùng ngôn ngữ dân gian chứ không dùng ngôn ngữ cung đình, đồng thời sử dụng nhiều chất liệu trong văn học dân gian, phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng nên được nhân dân rất thích thú.
Atácva Vêđa
Rích Vêđa
3. Nghệ thuật.
Thời cổ trung đại, Ấn Độ có một nền nghệ thuật phong phú, đặc sắc gồm nhiều mặt, trong đó nổi bật là các ngành kiến trúc, điêu khắc.
Thời Harappa, nhà cửa chỉ mới xây bằng gạch, đến thời vương triều Môrya, nghệ thuật kiến trúc đá mới bắt đầu phát triển mà các công trình tiêu biểu là cung điện, chùa, tháp, trụ đá…
Axôca đã xây dựng cho mình một tòa hoàng cung rất lộng lẫy. Cung điện chính là một tòa nhà ba tầng và được trang sức bằng những tác phẩm điêu khắc rất đẹp.
Tháp là công trình kiến trúc dùng để bảo tồn các di vật của Phật. Trong số các tháp còn giữ đến ngày nay, điển hình nhất là tháp Sanchi ở Trung Ấn, xây từ thế kỉ III TCN.
Trụ đá cũng là một loại công trình kiến trúc dùng để thờ Phật. Những trụ đá này trung bình cao 15 m, nặng 50 tấn, trên đó chạm một hay nhiều con sư tử và các hình trang trí khác. Trong các trụ đá còn lại, nổi tiếng là trụ đá Xácna.
Chùa là một loại công trình nghệ thuật kết hợp kiến trúc với điêu khắc và hội họa. Tiêu biểu là dãy chùa hang ở Ajanta được kiến tạo từ thế kỉ II TCN đến thế kỉ VIII sau CN. Ngoài chùa Ajanta, dãy chùa Enlôra ở Trung Ấn cũng được kiến tạo vào thế kỉ VIII cũng là một công trình tuyệt mĩ về kiến trúc.
Đến thời Xuntan Đêli và thời Môgôn, cùng với việc đạo Hồi trở thành quốc giáo, ở Ấn Độ đã xuất hiện những công trình kiến trúc mới xây dựng theo kiểu Trung Á và Tây Á. Đó là những nhà thờ Hồi giáo, cung điện, lăng mộ mà đặc điểm chung của lối kiến trúc này là mái tròn, cửa vòm, có tháp nhọn. Có khi các công trình kiến trúc này còn kết hợp với phong cách truyền thống của Ấn Độ như xây có bao lơn lộ thiên, có cột chống thanh thoát. Công trình kiến trúc tiêu biểu nhất của thời Môgôn là lăng Taj Mahan được xây dựng vào thế kỉ XVII.
Về nghệ thuật tạo hình, vì đạo Phật thời kì đầu phản đối việc thờ thần và hình ảnh nên nghệ thuật tạc tượng bị hạn chế trong một thời gian dài. Mãi đến khi phái Phật giáo Đại thừa ra đời, chủ trương đó mới thay đổi và từ TK I về sau, tượng Phật được tạo nên ngày một nhiều, trong đó tiêu biểu là pho tượng bằng đá ở Ganđara.
Ngoài tượng Phật, còn có các tượng thần đạo Hinđu như tượng thần Visnu, thần Siva… Các tượng thần đạo Hinđu thường được thể hiện dưới hình tượng nhiều đầu nhiều mặt nhiều tay và nhiều khi có hình tượng rất đáng sợ.
Nói chung, nghệ thuật tạo hình Ấn Độ phần lớn nhằm vào chủ đề tôn giáo, nhưng vì bắt nguồn cuộc sống thực tế nên tính hiện thực được thể hiện rất rõ rệt.
4. Khoa học tự nhiên.
Mặc dầu áp lực của tôn giáo rất mạnh nhưng do nhu cầu của cuộc sống hàng ngày, nhân dân Ấn Độ đã có nhiều phát minh quan trọng về một số môn khoa học tự nhiên như thiên văn, toán học, vật lí, y dược học..
a) Về thiên văn học.
Từ rất sớm, người Ấn Độ đã có lịch pháp. Họ chia một năm làm 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày, mỗi ngày 30 giờ, cứ 5 năm thì thêm 1 tháng nhuận. Các nhà thiên văn học Ấn Độ cổ đại đã biết được trái đất và mặt trăng đều hình cầu, biết được quỹ đạo của mặt trăng và tính được các kì trăng tròn, trăng khuyết. Họ còn phân biệt được 5 hành tinh Hỏa, Thủy, Mộc, Kim, Thổ; biết được một số chòm sao và sự vận hành của các ngôi sao chính.
Tác phẩm thiên văn học cổ nhất của Ấn Độ là quyển Xítđanta ra đời vào thế kỉ V TCN.
b) Về toán học.
Người Ấn Độ đã có một phát minh quan trọng là sáng tạo ra 10 chữ số mà ngày nay được dùng rộng rãi trên thế giới. Vào thế kỉ VIII, người Arập nhờ dịch tác phẩm Xítđanta mà học tập được chữ số Ấn Độ. Từ Arập, hệ thống chữ số này được truyền sang châu Âu. Tư liệu sớm nhất về những chữ số này là các văn bia của Axôca khắc từ thế kỉ III TCN. Tuy nhiên, con số 0 được thấy sớm nhất trong một tài liệu Arập năm 873, sau đó 3 năm người ta mới thấy trong tài liệu Ấn Độ. Dù vậy, người ta vẫn cho rằng, chữ số 0 là do người Ấn Độ sáng tạo ra.
Đến thế kỉ VI, người Ấn Độ đã tính được chính xác số ¶ là 3,1416; đồng thời còn phát minh ra đại số học và về sau cũng truyền sang Arập.
Về hình học, người Ấn Độ cổ đại đã biết tính diện tích hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác và hình đa giác. Người Ấn Độ cũng đã biết đến quan hệ giữa các cạnh của tam giác vuông.
c) Về vật lí học.
Các nhà khoa học kiêm triết học Ấn Độ đã nêu lên thuyết nguyên tử. Người sáng lập trường phái triết học Vaisêsica là Canađa cho rằng vạn vật do các nguyên tử tạo thành, nhưng vật chất sở dĩ khác nhau là do mỗi loại có một thứ nguyên tử khác với các loại khác. Còn các nhà triết học đạo Giainơ thì cho rằng nguyên tử nào cũng như nhau, chỉ có cách tổ hợp khác nhau mà thôi.
Người Ấn Độ cổ đại cũng biết được sức hút của trái đất. Sách Xítđanta viết vào thế kỉ thế kỉ V TCN đã ghi rằng: “trái đất, do trọng lực của nó, hút tất cả mọi vật về nó”.
d) Về y dược học.
Ấn Độ cổ đại cũng có những thành tựu y học rất lớn và sớm hơn nhiều so với các nước khác. Trong các tập Vêđa đã kể ra nhiều loại bệnh và ngay từ bấy giờ, các thầy thuốc Ấn Độ đã biết dùng phẫu thuật để chữa bệnh. Từ thế kỉ Vi, V TCN, người Ấn Độ đã biết cách chắp xương sọ, cắt màng mắt, mổ bụng lấy thai, lấy sỏi thận…
Những thầy thuốc nổi tiếng trong thời cổ đại là Xusruta, Saraca
Xusruta sống vào thế kỉ V TCN. Ông vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo dạy ở trường Y khoa Bênarét. Ông viết một một quyển sách bằng tiếng Xanxcrit về phương pháp khám bệnh và chữa bệnh, trong đó mô tả kĩ về các môn giải phẫu, sản khoa, cách nuôi trẻ…Mặc dầu bị các tu sĩ Bàlamôn phản đối, ông chủ trương phải mổ tử thi để nghiên cứu và thực tập.
Saraca sống vào thế kỉ II, là ngự y của vua Canisca thuộc vương triều Cusan. Tác phẩm của ông là cuốn Xamhita, được dịch ra tiếng Arập và nhiều thứ tiếng trên thế giới và đến nay vẫn còn giá trị tham khảo. Trong tác phẩm đó, ông xác định bổn phận của người thầy thuốc là trị bệnh chứ đừng nghĩ về mình, đừng vì lợi mà nên nghĩ đến nhiệm vụ cứu nhân độ thế.
Các tập Vêđa cũng là những tác phẩm dược học cổ nhất, trong đó nêu ra hàng trăm loại thảo dược. Song song với sự phát triển sớm của giải phẫu, người Ấn Độ đã biết chế thuốc tê cho bệnh nhân uống để giảm đau khi mổ.
5. Tôn giáo.
a) Đạo Bàlamôn – đạo Hinđu.
b) Đạo Phật.
c) Đạo Jain.
d) Đạo Xích.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Nguyễn Đăng Trình
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)