Tuần 35. Ôn tập Cuối Học kì II

Chia sẻ bởi Lê Thị Tiến | Ngày 08/05/2019 | 60

Chia sẻ tài liệu: Tuần 35. Ôn tập Cuối Học kì II thuộc Tập làm văn 5

Nội dung tài liệu:

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 6
ĐỀ 1
Câu 1. (1 điểm)
Xác định cấu tạo của  câu in đậm dưới đây và cho biết chúng là kiểu câu gì?
a. Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca… (Tố Hữu)
b. Dưới gốc tre, tua tủa những mầm măng. Măng trồi lên nhọn hoắt như một mũi gai khổng lồ xuyên qua đất lũy mà trỗi dậy. (Ngô Văn Phú)
Câu 2. (1 điểm)
Chỉ ra các biện pháp tu từ trong những câu thơ dưới đây:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then đêm sập cửa.
                                                  ( Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá)
Câu 3. (3 điểm) 
Trong bài thơ “Mẹ ốm”, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết:
“Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ bây giờ chưa tan”
a) Em hiểu nghĩa của từ "nắng mưa" trong câu thơ trên như thế nào ?
b) Hãy viết một đoạn văn nêu nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng từ "lặn" trong câu thơ thứ hai .
Câu 4. (10.0 điểm)
        "Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc của đồng quê. Nhớ một buổi trưa nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc của đồng quê..."( Thép Mới, Cây tre Việt Nam)
          Hãy tả lại buổi trưa ấy theo tưởng tượng của em.
Câu 1. (1 điểm)
Xác định cấu tạo của  câu in đậm dưới đây và cho biết chúng là kiểu câu gì?
a. Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca… (Tố Hữu)
b. Dưới gốc tre, tua tủa những mầm măng. Măng trồi lên nhọn hoắt như một mũi gai khổng lồ xuyên qua đất lũy mà trỗi dậy. (Ngô Văn Phú)
* Đáp án:
- Xác định cấu tạo của  câu:
a. Đẹp vô cùng, /Tổ quốc ta ơi!
        VN                      CN
b. Dưới gốc tre, tua tủa/ những mầm măng.
           TN             VN                  CN
Xác định kiểu câu:
=>Cả hai câu đều là câu trần thuật đơn
Câu 2. (1điểm)
Chỉ ra các biện pháp tu từ trong những câu thơ dưới đây:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then đêm sập cửa.
                                                  ( Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá)
* Đáp án:
Các biện pháp tu từ đã được sử dụng trong những câu thơ:
- Biện pháp tu từ so sánh: Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
- Biện pháp tu từ nhân hóa: (Mặt trời) xuống, (Sóng)cài then (đêm) sập cửa.
Câu 3. (3điểm) 
Trong bài thơ “Mẹ ốm”, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết:
“Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ bây giờ chưa tan”
a) Em hiểu nghĩa của từ "nắng mưa" trong câu thơ trên như thế nào ?
b) Hãy viết một đoạn văn nêu nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng từ "lặn" trong câu thơ thứ hai .
* Đáp án:
3a) Giải nghĩa từ "nắng mưa" trong câu thơ: 
- Nghĩa gốc: Chỉ hiện tượng của thời tiết: nắng và mưa.           
- Nghĩa chuyển: Chỉ những gian lao, vất vả, khó nhọc trong cuộc đời của mẹ  
 3b)Nêu nét đặc sắc về nghệ thuật của việc sử dụng từ "lặn" trong câu thơ thứ hai
“ Trần Đăng Khoa là một thần đồng thơ thiếu nhi Việt Nam. Một trong những bài thơ rất hay của ông là bài thơ “Mẹ ốm”. Trong bài thơ đó, em thích nhất là hai câu thơ
“Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ bây giờ chưa tan”
Hai câu thơ đã sử dụng những hình ảnh và từ ngữ đặc sắc. Từ "nắng mưa" chỉ những gian lao vất vả trong cuộc đời của mẹ, nhưng với từ “lặn” mới thể hiện hết ý nghĩa sâu sắc và cảm động của câu thơ. “lặn”  
có nghĩa là sự ẩn sâu, ngấm sâu, không dễ nhìn thấy, không dễ mất, không dễ tan biến. Với việc sử dụng từ “lặn”, câu thơ đã khắc sâu, nhấn mạnh hơn sự gian lao, vất vả của người mẹ trong suốt cả cuộc đời của mẹ. Và mẹ đã âm thầm chịu đựng nỗi gian lao ấy, không than thở, không phiền trách. Đó chính là sự hi sinh thầm lặng của mẹ vì con cái.                  
- Hai câu thơ cho thấy người con đã cảm nhận được nỗi gian truân, cực nhọc của đời mẹ. Sự thấu hiểu đó để người con thêm yêu quý, kính trọng người mẹ hơn        
Câu 4: "Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc của đồng quê. Nhớ một buổi trưa nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc của đồng quê..."( Thép Mới, Cây tre Việt Nam)
          Hãy tả lại buổi trưa ấy theo tưởng tượng của em.
* Đáp án:
Đang giữa mùa hè oi ả của thành phố nhộn nhịp, tôi nhớ da diết buổi trưa ở quê tôi, những buổi trưa không ngủ, lén mẹ ra đầu làng đùa nghịch cùng lũ bạn. Những buổi trưa dưới khóm tre đầu làng ấy ghi sâu trong kí ức tuổi thơ tôi “Nhớ một buổi trưa nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc của đồng quê..”
Làng tôi nằm bên bờ sông Ba, một trong những con sông lớn nhất miền Trung. Có thể nói, quê tôi là một vùng đất trù phú của miền Trung. Quê tôi có những cánh đồng bát ngát, phì nhiêu do sông Ba tắm mát phù sa. Nhưng khí hậu quê tôi cũng khắc nghiệt như bất cứ nơi nào trên dãi đất miền Trung này. Mùa đông thì bão lụt triền miên. Mùa nắng thì thiêu đốt bởi những trận gió Lào nóng bức. Thế nên những lũy tre làng có thể xem là lá phổi xanh của quê tôi. Có ngồi dưới lũy tre đầu làng mới có thể quan sát và chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của quê tôi.
Từ lũy tre đầu làng này, chúng tôi có thể nhìn thấy dòng sông Ba uốn khúc như con rắn khổng lồ trườn xuống uống nước biển Đông. Nằm trên bờ biển Đông là thành phố Tuy hòa, thành phố trẻ của quê tôi đang thay da đổi thịt từng ngày. Nhịp sống sôi động của thành phố thể hiện ở
những ngôi nhà cao tầng, ở những dòng người và xe tấp nập.
Quê tôi nằm ở ngoại vi thành phố. Cách chỉ mấy cây số thôi, mà dường như cái sôi động của thành phố không ảnh hưởng gì đến không khí êm đềm của quê tôi. Gió từ biển Đông thổi về, đồng lúa xao động từng đợt như những con sóng xanh. Lúa đang thì con gái, tươi tốt mỡ màng báo hiệu vụ hè thu của quê tôi sẽ bội thu. Giữa trưa, trời trong xanh, những đám mây trắng, mỏng manh như dãi lụa lửng lơ trôi theo chiều gió. Trên con đường xã lộ, thi thoảng lắm mới có chiếc xe vụt qua. Ai nấy cũng như vội vã tránh khỏi con đường nắng rát ấy để về đến đầu làng, được che mát dưới những khóm tre xanh.
Dưới bóng mát của những khóm tre ấy, bọn trẻ chúng tôi bày ra đủ các trò chơi. Nào là rượt bắt, nào chơi bắn bi… Chơi chán, chúng tôi ngồi trầm ngâm ngắm cảnh như những “ông cụ non”. Bóng tre trùm mát rượi lên chúng tôi, những cành lá xao động rì rào theo gió như hàng ngàn chiếc quạt xinh xinh quạt mát cho bọn trẻ chúng tôi. Những bóng nắng lọt qua khóm tre, vẽ những hình thù kỳ dị trên mặt đất. Từ trong xóm, tiếng gà trưa vang lên như báo thức mọi người chuẩn bị công việc buổi chiều.
Xa quê, theo ba mẹ vào thành phố sinh sống, nhưng hình ảnh quê hương với những khóm tre làng như sống mãi trong lòng tôi. Những buổi trưa bức bối giữa lòng thành phố lớn, tôi lại thèm được ngồi dưới bóng tre, thèm được hưởng làn gió mát quê nhà.
CHÚC CÁC CON LÀM BÀI TỐT
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Lê Thị Tiến
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)