Tuần 16. Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận

Chia sẻ bởi Võ Đức Hồng Nghiệp | Ngày 09/05/2019 | 31

Chia sẻ tài liệu: Tuần 16. Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận thuộc Ngữ văn 12

Nội dung tài liệu:

CHỮA LỖI LẬP LUẬN
TRONG VĂN NGHỊ LUẬN
MỤC TIÊU BÀI HỌC
- Hệ thống hoá những lỗi thường gặp khi lập luận.
- Tự phát hiện, phân tích và sửa những lỗi về lập luận trong bài nghị luận của chính mình.
- Có ý thức thận trọng để tránh những lỗi về lập luận trong các bài viết.
I/ LỖI LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC NÊU LUẬN ĐIỂM:
1/ Củng cố kiến thức:
* Câu 1: Luận điểm là gì?
A. Là vấn đề trọng tâm cần giải quyết của bài văn nghị luận.
B. Là những dẫn chứng được đưa ra trong bài văn nghị luận.
C. Là những ý kiến quan điểm đưa ra để triển khai vấn đề nghị luận.
D. Là các ý chính được nêu ra trong bài văn nghị luận.
* Câu 2: Dòng nào sau đây nêu không đúng về yêu cầu của luận điểm trong bài văn nghị luận?
A. Phải sát hợp với đề bài, mang tính khái quát.
B. Phải có lí lẽ và dẫn chứng.
C. Phải mới mẻ, sâu sắc.
D. Phải rõ ràng, đúng đắn.
2/ Phát hiện lỗi nêu luận điểm:
a/ Đoạn văn a:
* Lỗi sai: Luận điểm nêu chưa rõ: Không biết nghiêng về ý nào? Là "cảnh vật" hay là "nét bút" của Nguyễn Khuyến?
* Cách sửa: Nêu luận điểm và triển khai luận điểm rõ hơn. Ví dụ:
Trong bài thơ "Thu điếu", Nguyễn Khuyến miêu tả một bức tranh thu vắng vẻ. Chiếc thuyền bé tẻo teo, sóng nước gợn tí, lá vàng khẽ đưa vèo, ngõ trúc quanh co, không một bóng người. Cảnh vật dường như ngưng đọng. Cuộc sống qua một vài nét phác họa, hiện ra im lìm, trống vắng.
b/ Đoạn b:
* Lỗi sai: Không nêu được luận điểm khái quát nên không trình bày được đúng bản chất của vấn đề : Quan niệm riêng về công danh của Phạm Ngũ Lão là gì?
* Cách sửa: Phải xác định luận điểm trong đoạn văn bằng một câu khái quát và dùng luận cứ triển khai luận điểm đó. Ví dụ:
"Phạm Ngũ Lão đã có một quan niệm mới mẻ về công danh sự nghiệp của đấng nam nhi. Nhiều người cho rằng làm trai phải có "chức cao vọng trọng" để làm rạng danh tổ tiên, để mở mày mở mặt với thiên hạ. Nhưng đối với Phạm Ngũ Lão, người trai phải trả món nợ công danh để không hổ thẹn với những người đi trước mình, những người xung quanh mình và quan trọng hơn là không hổ thẹn với chính bản thân mình. Hoài bão của ông cao hơn, xa hơn những kẻ tầm thường."
3/ Những lỗi nêu luận điểm thường gặp: Nêu luận điểm trùng lặp hoặc không rõ ràng, không phù hợp với bản chất của vấn đề cần giải quyết.
II/ LỖI LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC NÊU LUẬN CỨ:
1/ Củng cố kiến thức:
* Câu 1: Luận cứ là gì?
A. Các ý kiến, quan điểm được đưa ra trong bài nghị luận.
B. Các dẫn chứng đưa ra để triển khai luận điểm
C. Bao gồm lí lẽ và dẫn chứng để triển khai luận điểm.
D. Vấn đề bao trùm trong bài văn nghị luận.
* Câu 2: Luận cứ phải đảm bảo những yêu cầu nào sau đây?
A. Xác thực B. Tiêu biểu
C. Đầy đủ D. Cả A, B, C đều đúng.
2/ Phát hiện lỗi nêu luận cứ:
a/ Đoạn văn a:
* Lỗi sai: Dẫn chứng không chính xác, lí lẽ phân tích không đầy đủ, thiếu thuyết phục.
* Sửa lại: Bổ sung lí lẽ phân tích. Ví dụ:
Điểm nhìn của nhà thơ không dừng lại ở cồn nhỏ, làng xa mà mở rộng hơn với trời rộng, sông dài:
"Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu."
Hình ảnh "nắng xuống trời lên" cho biết thời gian tiến triển, khoảng cách giữa bầu trời và mặt đất càng mở ra. Sự đối lập giữa hai chiều được nhấn mạnh. Với cách dùng từ "sâu chót vót", nhà thơ không chỉ nhìn bầu trời mà thấy bầu trời in xuống dòng sông, không chỉ thấy bầu trời trước mắt mà nhìn thấy bầu trời vô cùng của không gian ba chiều. Cảnh tuy đẹp nhưng buồn, càng làm tăng thêm nỗi trống trải cô đơn trong lòng người.
b/ Đoạn b:
* Lỗi sai: Luận cứ thiếu chính xác: "Đất nước sau hơn hai thế kỉ. thắng lợi hoàn toàn". Luận cứ chưa đầy đủ vì chỉ nêu dẫn chứng về Hai Bà Trưng.
* Cách sửa: Cần bổ sung các luận cứ phù hợp với luận điểm: "Dân tộc ta anh hùng hào kiệt thời nào cũng có".
"Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, anh hùng hào kiệt đời nào cũng có. Hai bà Trưng phất ngọn cờ hồng khởi nghĩa đánh tan thái thú Tô Định. Ngô Quyền phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Lí Thường Kiệt dẹp tan quân Tống trên sông Như Nguyệt. Trần Quốc Tuấn đại thắng giặc Nguyên Mông. Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Đất nước sau nhiều thế kỉ bị phong kiến phương Bắc đô hộ đã giành thắng lợi hoàn toàn.
3/ Những lỗi nêu luận cứ thường gặp: nêu luận cứ thiếu chính xác, chân thực, không đầy đủ, không liên quan mật thiết đến luận điểm cần trình bày, trùng lặp hoặc quá rườm rà.
III/ LỖI VỀ CÁCH THỨC LẬP LUẬN:
1/ Củng cố kiến thức:
* Câu 1: Lập luận trong bài văn nghị luận là gì?
A.Vấn đề bao trùm cần được làm sáng tỏ trong bài văn nghị luận.
B. Những ý kiến, quan điểm chính được đưa ra trong bài văn nghị luận.
C. Các lí lẽ và dẫn chứng được đưa ra trong bài văn nghị luận.
D. Sự tổ chức các lí lẽ và dẫn chứng nhằm làm sáng tỏ vấn đe.�
* Câu 2: Dòng nào nêu không đúng phương pháp lập luận?
A. Phương pháp quy nạp
B. Phương thức thuyết minh
C. Phương pháp diễn dịch
D. Phương pháp nêu phản đề
2/ Phát hiện lỗi về cách thức lập luận:
a/ Đoạn văn a:
* Lỗi sai: Trình bày luận cứ thiếu lôgíc, lộn xộn. Hệ thống luận cứ không đủ làm sáng tỏ cho luận điểm chính.
* Sửa lại:
"Từ xưa đến nay, vẻ đẹp và số phận người phụ nữ luôn là một trong những đề tài chủ đạo của thơ văn. Ca dao xưa có có những câu hát than thân mở đầu bằng hai tiếng `Thân em". Qua "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ, số phận bi thảm của Thiếu phụ Nam Xương gây xúc động lòng người. Nhưng đặt biệt nhất vẫn là Thúy Kiều với cuộc đời lênh đênh trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.
3/ Những lỗi về cách thức lập luận: lập luận mâu thuẫn, luận cứ không phù hợp với luận điểm.
CỦNG CỐ BÀI
Trong bài làm văn số 3, có một đoạn văn được học sinh lập luận như sau:
"Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời"
Đây là lời người con trai nói với người con gái. Đất Nước là máu xương của chúng ta. Cho nên chúng ta phải biết gắn bó và san sẻ với mọi người. Ngoài ra, chúng ta còn phải biết góp công sức làm nên đất nước muôn đời.
Anh/chị hãy có nhận xét gì về cách lập luận như thế? Hãy viết một đoạn văn trình bày cách lập luận của mình?
DẶN DÒ
- Bài học: thuộc phần ghi nhớ, biết cách tránh các lỗi về lập luận.
- Bài soạn: AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG ? (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
+ Đọc tiểu dẫn, tìm hiểu về tác giả, tác phẩm.
+ Đọc văn bản, tìm hiểu thể loại và bố cục của văn bản.
+ Phân nhóm, lần lượt trả lời các câu hỏi phần hướng dẫn học bài.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Võ Đức Hồng Nghiệp
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)