Tự xóa

Chia sẻ bởi Nguyễn Hải Hà | Ngày 10/05/2019 | 64

Chia sẻ tài liệu: tự xóa thuộc Ngữ văn 11

Nội dung tài liệu:

Bình giảng bài thơ:
tự xóa - nguyễn ngọc hưng.
Văn bản.
Lời bình
Tự xóa.
Nguyễn ngọc hưng.
Là nước một dòng sông lớn
Em cần chi giọt sương anh
Là cỏ mùa thu xanh rợn
Cần chi lá úa xa cành?
Vẫn biết em về trước hẹn
Lòng anh chưa kịp mùa xuân
Hạnh phúc nào như cánh én
Qua chiều gọi chút buâng khuâng

Thôi em, vầng trăng một nửa
Người yêu người cũng lưng chừng
Một vết thương lòng gió cứa
Bốn mùa mưa nắng rưng rưng
Thôi em buồn vui tự xóa
Người yêu thấp thoáng bên đời
Như có mà không gì cả
Tháng ngày sấp ngửa cuộc chơi
Nếu biết em là ngọn cỏ
Tiếc gì anh chẳng là sương
Chỉ sợ mùa thu qua ngõ
Heo may xô dạt lá vườn.
Lời bình.
Nguyễn Ngọc Hưng là nhà thơ có hoàn cảnh riêng không may mắn. Vượt lên sự thiệt thòi lớn của mình, anh đã cho ra đời những vần thơ thật đằm thắm - những vần thơ tuy man mác buồn nhưng thật trong trẻo, sâu lắng.
"Là nước một dòng sông lớn
Em cần chi giọt sương anh
là cỏ mùa thu xanh rợn
Cần chi lá úa xa cành"
Một lời hờn dỗi, trách ngầm chăng? không phải. đây là sự tự nhận thức về thân phận của mình và so sánh với người yêu - đúng hơn là người được nhà thơ yêu. Có thể hình dung: cô gái thuộc về một thế giới thật rộng lớn, thật sôi động, với tính hồn nhiên, trong trẻo. Còn "anh"- cuộc đời và thế giới riêng thật lắm nỗi niềm: anh không thể tự do bay nhảy như "em". Nỗi buồn riêng của số phận khiến anh phần nào mặc cảm, thấy mình thật nhỏ bé so với thế giới của em. Nên anh tự ví mình chỉ là "giọt sương", thậm chí - bi quan hơn, là "lá úa xa cành".
Khổ sau vui hơn - nhưng đó là niềm vui rụt rè, kín đáo.
"Vẫn biết em về trước hẹn
Lòng anh chưa kịp mùa xuân
Hạnh phúc nào như cánh én
Qua chiều gọi chút bâng khuâng"
Em về - mà hơn thế - lại còn về "trước hẹn" cùng anh! Điều đó chẳng nói lên rằng em rất có tình cảm với anh đó sao! Vậy mà niềm vui của anh không bùng cháy, sôi nổi như thường thấy.Anh vẫn dè dặt kìm giữ:
"Lòng anh chưa kịp mùa xuân"
Nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết:
"Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đến tự lâu rồi
Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi".

Phải chăng "anh" trong "Tự xóa" không yêu "em"? Không phải vậy. Đây là một hạnh phúc mong manh:
" Hạnh phúc nào như cánh én
Qua chiều gọi chút bâng khuâng"
Em về, anh vui lắm, nhưng lại buồn ngay đấy vì lình cảm hạnh phúc chỉ chợt đến chợt đi. Lòng anh chưa kịp mùa xuân vì anh đã gặp quá nhiều nỗi buồn, đến mức để vui trước việc "về trước hẹn" của "em" cũng phải có thời gian. Đây là một quy luật tâm lý.

Và đúng như linh cảm của "anh". Tình yêu đã phải "tự xóa": "Thôi em, vầng trăng một nửa
Người yêu người cũng lưng chừng
Một vết thương lòng gió cứa
Bốn mùa mưa nắng rưng rưng Thôi em, buồn vui tự xóa
Người yêu thấp thoáng bên đời
Như có mà không gì cả
Tháng ngày sấp ngửa cuộc chơi"
Có cái gì đó vừa bình thản, vừa nén chịu, vừa xót xa, rưng rưng trong mỗi câu thơ. "Thôi em" - cụm từ được lặp lại 2 lần, như khuyên nhủ người chấp nhận dang dở một mối tình, mà cũng là tự khuyên mình.
Biết làm thế nào khi "Người yêu người cũng lưng chừng"? Vì lý do gì đó mà cả hai người đã không thể đến một kết cục trọn vẹn của tình yêu, để chỉ còn: " Một vết thương lòng gió cứa
Bốn mùa mưa nắng rưng rưng"
Nỗi đau không mãnh liệt, không gào thét nhưng da diết buồn, kéo dài suốt cả " bốn mùa mưa nắng" . Vết thương lòng từ tình yêu không trọn vẹn cứ âm ỉ xói buốt. Và ngậm ngùi chịu đựng:
" Người yêu thấp thớng bên đời
Như có mà không gì cả
Tháng ngày sấp ngửa cuộc chơi"

Hóa ra tình yêu mà nhà thơ và cô gái tưởng có được chỉ là hư ảo:
"Như có mà không gì cả".
Những nỗi buồn niềm vui trong nhau cũng đành tự xóa.
Giá bài thơ kết thúc ở đây thì sẽ là một sự phủ nhận: phủ nhận tình yêu, phủ nhận người yêu. Nhưng như vậy không đúng với hồn thơ Ngọc Hưng: bao giờ khổ thơ kết của anh cũng đem lại một cái gì đó hy vọng, ấm áp tình người - dù trong niềm hy vọng ấy vẫn có chút phấp phỏng, lo âu:
" Nếu biết em là ngọn cỏ
Tiếc gì anh chẳng là sương
Chỉ sợ mùa thu qua ngõ
Heo may xô dạt lá vườn".
Lặp lại ý khổ thơ đầu" Anh là "giọt sương", em là "cỏ mùa thu" theo một sự phối hợp khác (ở khổ đầu, em là "nước một dòng sông lớn" - anh là "giọt sương", em là "cỏ" - anh là " lá úa") - sự kết hợp mới này đã đem lại ý nghĩa mới cho mối quan hệ giữa anh và em. Thật là đẹp khi giọt sương long lanh bên cỏ - như anh và em. Có mong manh ấy, nhưng lại hàm chứa vẻ đẹp điển hình của thiên nhiên mùa thu. Thật trong sáng, dịu dàng biết bao! Và anh yêu em bằng một mối tình vị tha, trong sáng như thế.
" Nếu biết em là ngọn cỏ
Tiếc gì anh chẳng là sương".



* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Nguyễn Hải Hà
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)