TỔ CHỨC CHO HỌC SINH THỰC HÀNH THEO CẶP / NHÓM - PHẦN 2

Chia sẻ bởi Trần Văn Cơ | Ngày 02/05/2019 | 76

Chia sẻ tài liệu: TỔ CHỨC CHO HỌC SINH THỰC HÀNH THEO CẶP / NHÓM - PHẦN 2 thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

Tổ chức cho học sinh thực hành theo Cặp / Nhóm
(Phần 2)


Trong ý kiến trước đây (ở phần 1) tôi có đề cập đến các hình thức đa dạng trong việc bố trí học sinh thực hành theo cặp/nhóm. Chúng ta thừa nhận rằng nếu bố trí học sinh thực hành theo cặp/nhóm đa dạng như trên thì sẽ tốn nhiều thời gian vì học sinh phải di chuyển nhiều, đặc biệt càng khó khăn hơn trong các lớp học bình thường (bàn ghế đóng chặt vào nhau, gây khó khăn cho việc ghép cặp/nhóm).
Để khắc phục tình trạng trên, chúng ta có thể tiến hành như sau:
1. Nắm vững các thông tin cần thiết của từng học sinh (ngày tháng năm sinh, địa bàn cư trú, … như theo các thông tin mà GV muốn bố trí cho học sinh thực hành).
2. Làm các tấm Card ghi tên từng học sinh.
3. Trên một tờ giấy Ruki hay một tấm ván ép nhỏ làm một mô hình chỗ ngồi trong lớp học (thực hiện làm sao để có thể gắn tên từng học sinh vào và lấy ra được thuận tiện, có thể dùng băng keo hai mặt).
4. Bố trí chỗ ngồi học sinh theo từng buổi học bằng cách gắn các tấm Card có tên học sinh lên sơ đồ chỗ ngồi (GV có thể đưa sơ đồ bố trí chỗ ngồi cho lớp trưởng thực hiện). 5. Trong giờ giải lao treo bảng sơ đồ lên, học sinh nhìn sơ đồ và tự đến chỗ ngồi đã được bố trí.

Đối với các lớp học có đông học sinh, giáo viên có thể mời một giáo viên khác dự giờ và giúp quản lý học sinh thực hành theo cặp/nhóm. Việc này khó thực hiện, nhưng bạn hãy thử đề xuất với Hiệu trưởng trường mình, và kêu gọi sự cộng tác của các giáo viên khác. Chúng ta có thể “trả công” cho nhau. Hãy mời một giáo viên đến dự giờ dạy của bạn và bạn hãy đến với giờ dạy của anh/chị ta vào lần sau. Xem như chúng ta dự giờ và giúp đỡ nhau.

Sử dụng học sinh trong lớp để phát hiện những học sinh không thực hành theo cặp/nhóm: Giáo viên có thể yêu cầu 01 hoặc 02 học sinh giúp mình theo dõi việc thực hành của học sinh trong lớp. Cách tiến hành như sau:
1. Một học sinh theo dõi hoạt động của cả lớp. Học sinh này được gọi là Trật tự viên (hoặc một tên gọi nào đó có chức năng tương tự do GV hoặc tập thể lớp đặt ra). Trật tự viên sẽ đội một cái mũ giống như mũ của các nhân viên bảo vệ và cầm một bảng hiệu, trên đó có ghi từ “STOP”.
(Nếu sử dụng 02 học sinh, thì phân công cho mỗi em phụ trách theo dõi một dãy bàn). 2. Khi phát hiện có một học sinh khác nói chuyện riêng hoặc không thực hành, thì học sinh là Trật tự viên đến chỗ học sinh đang ồn đó, đưa bảng STOP lên. Sau đó đưa mũ và bảng hiệu cho học sinh này. Em trật tự viên cũ quay về nhóm của mình để em mới thay làm nhiệm vụ (Trật tự viên mới).
Giáo viên cần chú ý giải thích rõ cho học sinh biết mục đích của cách tiến hành này và phải lưu ý xem Trật tự viên có làm đúng nhiệm vụ hay không. Đừng để các em lợi dụng mình là Trật tự viên để đùa giỡn.
Học sinh là Trật tự viên cuối cùng trong tiết học này sẽ là Trật tự viên đầu tiên trong giờ học tiếp theo khi GV có tổ chức cho học sinh thực hành theo cặp/nhóm.

Trần Văn Cơ
Chuyên viên Sở GD-ĐT Bình Định

Ý kiến này có đăng trên Diễn đàn của Dự án SREM: http://www.srem.com.vn
Diễn đàn: Đổi mới phương pháp dạy học
Luồng: Tổ chức cho học sinh thực hành theo Cặp / Nhóm
User name: nhatanh

* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Trần Văn Cơ
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)