Tieu su Thu Khoa Huan

Chia sẻ bởi Triệu Văn Hoàng | Ngày 27/04/2019 | 46

Chia sẻ tài liệu: Tieu su Thu Khoa Huan thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

Tiểu sử và cuộc đời hoạt động của Cụ Nguyễn Hữu Huân (1830 – 1875)
I/ TIỂU SỬ:
1. Vào năm Minh Mạng thứ 11(Canh Dần 1830) tại Làng Tịnh Hà, tổng Thạnh Quan, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là ấp An Thị, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) có gia đình ông Hương cả Nguyễn Hữu Cẩm sinh được một con trai đặt tên là Nguyễn Hữu Huân. Lúc còn nhỏ Nguyễn Hữu Huân có tính hào hiệp, khẳng khái và thông minh xuất chúng.
Ảnh Nguyễn Hữu Huân
Đình thờ Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân
Năm Tự Đức thứ 5(Nhâm Tý 1852) Nguyễn Hữu Huân thi đỗ Thủ khoa (đứng đầu bảng danh sách Cử nhân) kỳ thi Hương tại trường thi Gia Định. Tên gọi Thủ Khoa Huân bắt đầu từ đó.
Từ 1855- 1859, Thủ Khoa Huân được bổ nhiệm giữ chức Giáo thụ ở phủ Kiến An (Tân Hiệp, Châu Thành hiện nay).
2/Về gia đình:
Vợ: Bà Lê Thị Lộc
Con: - Nguyễn Thị Vạn
- Nguyễn Thị Tính.
II/CUỘC ĐỜI HOẠT ĐỘNG:
Căn cứ vào bài thơ Vịnh Thủ Khoa Huân:
. . . “ Ba phen chống chọi mười năm trọn,
Trăm trận gian nan một phút cùng”.
( Kỷ yếu KHXH số 4 trang 85 và Văn chương yêu nước Nam bộ trang 306)
Cuộc đời hoạt động của cụ Thủ Khoa Huân gồm 10 năm kháng chiến chống Pháp chia làm 3 giai đoạn, 5 năm bị đi đày biệt xứ và 3 năm bị quản thúc tại Chợ Lớn.
1/ Kháng chiến chống Pháp lần thứ 1 (1859- 1861):
Ngày 01/9/1858 ( Mậu Ngọ, năm Tự Đức thứ 11), hải quân Pháp nổ súng tiến chiếm bán đảo Sơn Trà ( Đà Nẵng).
Sau đó, quân Pháp kéo quân từ Đà Nẵng theo đường sông tiến đánh chiếm được thành Gia Định (Sài Gòn) ngày 17/2/1859. Tháng 5/1859, Nguyễn Hữu Huân bỏ chức giáo thụ chiêu mộ nghĩa binh cùng với các sĩ phu yêu nước khác như Trương Định, Trần Thiện Chánh, Lê Huy chống Pháp, được triều đình phong chức Phó Quản đạo. Ông cùng nghĩa binh chặn đánh Pháp tiến chiếm Định Tường qua kênh Bảo Định từ 1/4 đến 11/4/1861.
Tháng 5/1861 khi triều đình cử Biện lý Bộ binh Đỗ Thúc Tịnh làm Khâm phái quân vụ vào mộ nghĩa dũng các tỉnh Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên để chống Pháp. Thủ Khoa Huân đã đem lực lượng gia nhập vào và cùng với lực lượng này chống Pháp tại căn cứ Mỹ Quý. Sau 57 ngày đêm cầm cự, căn cứ Mỹ Quý thất thủ. Đến năm 1861, lực lượng này bị quân Pháp đánh tan rã, chấm dứt giai đoạn kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất ( 1859- 1861) của Cụ Nguyễn Hữu Huân.
2/ Kháng chiến chống Pháp lần thứ 2 (1862- 1864):
Ngày 05/6/1862 triều đình cắt giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp và lấy lại Vĩnh Long. Nhân dân 3 tỉnh miền Đông đứng lên chống Pháp và tôn Trương Định làm Bình Tây đại nguyên soái. Thủ Khoa Huân đem toàn bộ lực lượng gia nhập nghĩa quân Trương Định và xây dựng căn cứ địa Tân Hoà tại Gò Công và được phong chức Phó Đề đốc. Ngày 17 và 18/2/1862 nghĩa quân Trương Định và các lực lượng nghĩa quân 3 tỉnh miền Đông đồng loạt tấn công quân Pháp ở Thuộc Nhiêu, Gò Cây Mai, Phước Tuy, Long Thành . . . thu được nhiều thắng lợi.
Ngày 25/2/1863 bọn Pháp tấn công vào căn cứ Tân Hoà. Căn cứ này thất thủ. Trương Định kéo quân về vùng Lý Nhơn (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh hiện nay). Còn Thủ Khoa Huân kéo quân về Bình Cách và trực tiếp lãnh đạo nghĩa quân Định Tường chống Pháp.
Cuối năm 1863 quân Pháp tấn công vào Bình Cách, Thủ Khoa Huân rút quân về Thuộc Nhiêu rồi qua An Giang hợp cùng nghĩa binh của Võ Duy Dương cố thủ An Giang. Tháng 1 năm 1864 Nguyễn Hữu Huân và Thiên Hộ Dương được sự hưởng ứng của nhân dân 3 tỉnh Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên đã chiêu mộ được nhiều nghĩa binh dũng cảm, dựng cờ khởi nghĩa, mưu đồ khởi sự.
Tháng 5 năm 1864 quân Pháp gởi thơ đến quan chủ tỉnh An Giang làm áp lực buộc chính quyền An Giang phải bắt Nguyễn Hữu Huân và Thiên Hộ Dương nộp cho bọn Pháp. Thiên Hộ Dương hay tin đã kéo quân trở về Định Tường đào hào đắp đồn ở Đồng Tháp Mười. Còn lại một mình Nguyễn Hữu Huân chỉ huy nghĩa binh chống Pháp. Tháng 7 năm 1864, quan chủ tỉnh An Giang bắt Nguyễn Hữu Huân nộp cho Pháp.
Bọn Pháp chuyển Ông về giam trong ngục Sài Gòn. Ngày 22/8/1864 Ông bị chính quyền xâm lược Pháp kết án tù khổ sai chung thân 10 năm và đày đi đảo Cayenne (một đảo ở vùng biển bắc Nam Mỹ thuộc xứ Guyane thuộc địa của Pháp), chấm dứt giai đoạn kháng chiến chống Pháp lần thứ hai (1862- 1864) của Cụ Nguyễn Hữu Huân.
3/ Năm năm đi đày biệt xứ (1864- 1869):
Trong thời gian bị giam cầm trên đảo, Cụ Thủ Khoa Huân đã nuôi dưỡng trong lòng chí căm thù quân xâm lược, mài sắc ý chí chiến đấu và bản lĩnh đấu tranh. Nhờ đó Ông vượt qua tất cả những tình cảm yếu đuối tầm thường. Cuộc chiến đấu bằng gươm giáo của Cụ được chuyển sang cuộc chiến đấu với vũ khí mới là bút mực, thơ văn thể hiện ý chí căm thù giặc, chống giặc khi có điều kiện:
Các bài văn, bài thơ do Thủ Khoa Huân sáng tác trong Định Tường- Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, có: * Thương vợ; * An ủi vợ; * Câu cá thi; * Tư viên hương cố quốc; * Hồ khoan ca; * Nợ chúa ơn dân; * Kém danh; * Kẻ bạn thi; Gửi Đỗ Hữu Phương . . .
4/ Ba năm bị quản thúc tại ChợLớn (1869- 1872):
Sau khi bọn Pháp dẹp tan các cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu và nông dân yêu nước, chúng sử dụng các tay sai có học thức để dựng nên chính quyền bù nhìn tại các địa phương đã chiếm đóng.
Bọn giặc Pháp nghĩ tới việc dụ hàng để sử dụng Cụ Nguyễn Hữu Huân. Việc làm này chúng nhắm vào 2 mục đích: một là sử dụng tài năng của Cụ trong bộ máy chính quyền tay sai, hai là qua dụ hàng được Thủ Khoa Huân sẽ răn đe các sĩ phu yêu nước còn lại đang bất hợp tác với chính quyền tay sai.
Với suy nghĩ ấy, ngày 04/2/1869 bọn Pháp đã ân xá cho Cụ Nguyễn Hữu Huân. Sau khi về Sài Gòn, bọn Pháp sai tên Việt gian Tổng đốc Đỗ Hữu Phương đóng vai bạn thời thơ ấu bảo lãnh Cụ. Tổng đốc Phương đã đưa Cụ về sống chung tại nhà riêng ở Chợ Lớn để dễ bề giám sát và chiêu dụ. Bọn thực dân làm ra vẽ tin tưởng vào sự thay đổi lập trường của Cụ và cử Cụ làm Giáo thụ tại Chợ Lớn được 3 năm (1869- 1872).
Tương kế, tựu kế Cụ cũng lợi dụng điều đó để thực hiện ý chí của mình. Bề ngoài làm ra vẽ khuất phục nhưng bên trong thì Cụ bí mật tìm cách liên lạc với những người yêu nước ở Chợ Lớn.
5/ Kháng chiến chống Pháp lần thứ ba (1872- 1875):
Trong thời gian bị giam lỏng, Cụ Thủ Khoa biết rằng chức vụ Giáo thụ Chợ Lớn mà Tổng đốc Phương vận động cho Cụ chỉ là miếng mồi nhữ để dụ hàng.
Bọn chúng bị vỡ mộng khi hay tin năm 1872 Nguyễn Hữu Huân đã trốn khỏi nhà Đỗ Hữu Phương trở về vùng Mỹ Tho, Tân An và cùng một số nhân sĩ yêu nước chờ thời cơ khởi quân kháng chiến chống Pháp lần thứ ba.
Năm 1873, phong trào kháng chiến chống Pháp của Cụ Nguyễn Hữu Huân lan ra khắp các tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn, được sự hưởng ứng của các thủ lĩnh nghĩa quân ở các địa phương. Lần này, Thủ Khoa Huân học tập và đúc rút kinh nghiệm của Trương Định tiến hành xây dựng hệ thống chính quyền kháng chiến cấp thôn xã ở các địa bàn Mỹ Tho, Tân An.
Ngày 15/3/1874 triều đình Tự Đức đã ký hoà ước Giáp Tuất công nhận toàn bộ Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Với tình hình này, Cụ Nguyễn Hữu Huân thấy không còn con đường nào khác là phải có vũ khí, súng đạn, lương thực mới có thể đánh đuổi bọn xâm lược ra khỏi các tỉnh Nam Kỳ.
Cụ về quê, bán hết ruộng đất mà Ông, Cha để lại đồng thời vận động quyên góp trong nhân dân yêu nước và được nhân dân hưởng ứng rất đông. Số tiền vận động được, Cụ giao cho nhóm Trường Phát (Hoa Kiều) đi Trung Quốc mua vũ khí, đạn dược.
Ở nhà, Cụ vạch kế hoạch nổi dậy đánh Pháp khắp nơi từ Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên. Nhóm Trường Phát đã nhẫn tâm lường gạt Cụ, ôm số tiền trốn mất. Cuộc tổng khởi nghĩa không thành, Cụ trở về Gia Định xây dựng kế hoạch khác.
Ngày 15/11/1874, Cụ về chiếm giữ Bình Cách cùng Âu Dương Lân huy động lực lượng. Bọn Pháp đem quân đánh, Cụ chống cự không lại, rút chạy về Chợ Gạo. Tại đây, Cụ đã bị tên đốc binh Hương điềm chỉ cho quân của Tổng đốc Trần Bá Lộc đến bắt vào ngày 15/5/1875 và giam Cụ trong ngục tại Mỹ Tho. Bọn chúng ra sức chiêu dụ đầu hàng, hứa hẹn ban bổng lộc, chức tước, Cụ một mực không cộng tác với giặc ngoại xâm.
Đến ngày 19/5/1875 (14/4 năm Ất Hợi) chúng đem Cụ về xử chém tại làng Tịnh Hà, bên đầu cầu Cai Lộc (bây giờ là Cầu Hoà Tịnh, giáp ranh giữa xã Mỹ Tịnh An và xã Hoà Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), chấm dứt giai đoạn kháng chiến chống Pháp lần thức ba (1872- 1875 ) của Cụ Nguyễn Hữu Huân.
Sau 3 lần khởi nghĩa không thành công, ngày 19 tháng 5 năm 1875, Cụ bị xử chém tại quê nhà. Nghĩa nước, tình dân, Thủ Khoa Huân đã trả xong khi ông vừa tròn 45 tuổi. Quê hương Tiền Giang là vùng đất mới, những vị anh hùng khoa bản như Thủ Khoa Huân rất ít, nhưng việc tìm hiểu về Cụ còn rất nhiều hạn chế, mong thay có những công trình khoa học soi sáng thêm để lớp hậu sinh có thể hiểu rõ thêm, chính xác hơn về vị anh hùng, nhà khoa bảng, nhà giáo, nhà thơ Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Triệu Văn Hoàng
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)