THAM LUAN DẠY VAT LÍ (HAY)

Chia sẻ bởi Vũ Quang Giáp | Ngày 09/05/2019 | 40

Chia sẻ tài liệu: THAM LUAN DẠY VAT LÍ (HAY) thuộc Vật lý 10

Nội dung tài liệu:


Chuyên đề
PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC NÊU VẤN ĐỀ TRONG GIỜ DẠY VẬT LÍ


Người báo cáo: Trần Văn Cần
Tổ: Lí – Tin – CN - TD

I. LÝ DO CHỌN CHUYÊN ĐỀ:
Nhằm đảm bảo tốt việc thực hiện đổi mới phương pháp bộ môn Vật lí ở trường trung học phổ thông, nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức phổ thông cơ bản, có hệ thống và tương đối toàn diện. Rèn luyện cho học sinh những kỹ năng cơ bản như: kỹ năng vận dụng các kiến thức Vật lí để giải thích những hiện tượng Vật lí đơn giản, những ứng dụng trong đời sống, kỹ năng quan sát…. Tạo điều kiện cho học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức, tự làm quen với cách giải quyết một số vấn đề Vật lí trong thực tế. Vì vậy mỗi giáo viên của trường không ngừng nghiên cứu để tìm ra cho mình những phương pháp dạy học tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở trường THPT Thái Thanh Hoà.
Trong những năm qua các Thầy, Cô dạy bộ môn Vật lí của trường THPT Thái Thanh Hoà rất cố gắng nổ lực giảng dạy để đạt được kết quả cao. Thế nhưng kết quả cuối năm và tỉ lệ tốt nghiệp của bộ môn còn thấp. Qua quá trình giảng dạy và dự giờ rút kinh nghiệm của đồng nghiệp Tôi nhận thấy rằng nguyên nhân dẫn đến tồn tại này là do nhiều yếu tố sau:
+ Kiến thức của bộ môn nhiều so với khả năng nhận thức của học sinh ( Mỗi khối lớp học từ 7 đến 8 chương, kiến thức mỗi chương thường riêng lẻ)
+ Đề thi tốt nghiệp đòi hỏi học sinh phải tư duy.
+ Ý thức học yếu ( không học bài cũ, không đọc trước bài mới)
+ Kiến thức cơ bản ở các lớp dưới bị hỏng.
+ Ở xa gia đình ít được sự đôn đốc nhắc nhỡ của cha mẹ.
+ Nhiều giáo viên còn dạy theo cách truyền thụ một chiều, đọc chép.




Từ những thực trạng trên Giáo viên trong tổ cần phải nghiên cứu tìm ra một phương pháp hữu hiệu trong quá trình giảng dạy, và bản thân Tôi đã vận dụng “ phương pháp dạy học nêu vần đề ” trong giờ dạy vật lí và đạt nhiều kết quả khả quan.
II. NỘI DUNG CHYÊN ĐỀ:
1. Phương pháp dạy học nêu vấn đề là gì ?
Dạy học nêu vấn đề là phương pháp dạy học tìm tòi, phát hiện, khám phá. Nó đặc trưng ở sự hiện diện của hai yếu tố thành phần: tình huống có vấn đề và giả thuyết để giải quyết vấn đề.
+ Tình huống có vấn đề là tình huống hay hoàn cảnh mà khi đó một vấn đề đã trở thành vấn đề của chính chủ thể nhận thức. Nói chung việc xây dựng tình huống có vấn đề là sự dụng ý của giáo viên, đưa ra tình huống nào có kịch tính nhằm kích thích sự chú ý của học sinh tới vấn đề được đặt ra cho mình tìm hiểu trong quá trình học tập. Trong môn Vật lí có nhiều bài học có thể dùng những tình huống có thực trong lịch sử phát triển của chính khoa học vật lí để xây dựng thành các tình huống có vấn đề trong dạy học, như định luật vạn vật hấp dẫn của Niu tơn, định luật Cu lông, hiện tượng cảm ứng điện từ, chỉnh lưu dòng điện…
+ Giả thiết để giải quyết vấn đề là yếu tố lôi cuốn học sinh vào việc tìm tòi khám phá. Các giả thiết mà giáo viên lôi cuốn học sinh vào để đề xuất ra trong quá trình dạy học có thể do chính học sinh nêu lên dưới sự gợi ý của giáo viên hoặc có thể do giáo viên tự đề ra và yêu cầu học sinh bác bỏ hoặc bổ sung, hoặc chứng minh là đúng đắn. Tuỳ theo cách thức chứng minh, bổ sung hoặc bác bỏ giả thuyết trong dạy học mà ta có thể phân biệt dạy học nêu vấn đề hoàn toàn hoặc một phần. Vấn đề vai trò của học sinh tham gia đến đâu tuỳ thuộc vào tầm quan trọng của khám phá và mức độ phức tạp của vấn đề mà tìm tòi để giải quyết.
2. Kế hoạch tổ chức thực hiện.
Vận dụng phương pháp này vào những bài giảng của tôi trong chương trình vật lí phổ thông. Sau đây là những ví dụ áp dụng.
Ví dụ 1: Khi dạy bài “ Sự rơi tự do” Vật lí 10 cơ bản.
- Giáo viên nêu ra tình huống có vấn đề thứ nhất: Trong không khí các vật rơi như thế nào?
Yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình rơi của các vật trong không khí ?
+ Để giải quyết vấn đề này, GV yêu cầu lớp phân ra thành các nhóm và làm 4 thí nghiệm như trong SGK rồi trình bày kết quả mà các nhóm tìm được.
+ GV nhận xét kết quả của các nhóm rồi cho điểm.
KL: Quá trình rơi phụ thuộc vào sức cản của không
- Giáo viên nêu ra tình huống có vấn đề thứ 2: Nếu không có không khí thì các vật rơi như thế nào? Nêu những đặc điểm của sự rơi đó ?
+ Để giải quyết vấn đề này, GV yêu cầu các nhóm học sinh quan sát thí nghiệm Niu tơn và dựa vào mục II trong SGK rồi trình bày kết quả mà các nhóm tìm được.
* TN: Thả viên bi chì và lông chim cùng rơi trong ống hút hết không khí ( chân không)
+ GV nhận xét kết quả của các nhóm rồi cho điểm
KL: Sự rơi tự do và đặc điểm của sự rơi tự do.
+ GV củng cố , dặn dò.
Ví dụ 2: Khi dạy bài “Truyền tải điện năng. Máy biến áp” Vật lí 12 cơ bản.
- Giáo viên nêu ra tình huống có vấn đề thứ nhất: Muốn giảm công suất hao phí do toả nhiệt trên đường dây truyền tải ta phải làm bằng cách nào ? Phương án nào là tối ưu nhất?
+ Để giải quyết vấn đề này, GV yêu cầu lớp phân ra thành các nhóm và dựa vào mục I trong SGK để tìm hiểu rồi trình bày kết quả mà các nhóm tìm được.
+ GV nhận xét kết quả của các nhóm rồi cho điểm.
KL: Dùng máy tăng điện áp
- Giáo viên nêu ra tình huống có vấn đề thứ hai: Để có được điện áp xoay chiều lớn hoặc nhỏ ta dùng thiết bị nào? Thiết bị đó có cấu tạo như thế nào?
+ Để giải quyết vấn đề này, GV yêu cầu các nhóm dựa vào mục II trong SGK để tìm hiểu rồi trình bày kết quả mà các nhóm tìm được.
+ GV nhận xét kết quả của các nhóm rồi cho điểm.
KL: Công dụng, cấu tạo máy biến áp và mối quan hệ giữa điện áp, cường độ dòng điện và số vòng dây của hai cuộn.
- Giáo viên nêu ra tình huống có vấn đề thứ ba: Máy biến áp được ứng dụng trong những trường hợp nào? Cho biết loại máy biến áp được ứng dụng ?

+ Để giải quyết vấn đề này, GV yêu cầu các nhóm dựa vào mục III trong SGK để tìm hiểu rồi trình bày kết quả mà các nhóm tìm được.
+ GV nhận xét kết quả của các nhóm rồi cho điểm.
KL: Ứng dụng máy biến áp.
+ GV củng cố, dặn dò.
3. Kết quả đạt được.
* Ưu điểm
Qua việc giảng dạy những tiết Vật lí sử dụng phương pháp nêu vấn đề thì tôi nhận thấy có những ưu điểm sau:
+ Không khí lớp học rất sôi nổi, tích cực.
+ Học sinh tiếp thu bài tốt, khắc sâu kiến thức.
+ Làm rõ được trọng tâm của bài thông qua giải quyết các tình huống hoặc trả lời các câu hỏi mà GV nêu ra.
+ Học sinh có thể tự ghi nội dung bài học thông qua giải quyết các tình huống có vấn đề.
* Khuyết điểm:
Ngoài những ưu điểm trên còn có những khuyết điểm sau:
+ Học sinh giải quyết các vấn đề còn tốn nhiều thời gian do đa số học sinh không đọc trước bài ở nhà.
+ Khi giải quyết các vấn đề mà có liên quan đến kiến thức các lớp dưới thì đa số học sinh không giải quyết được.
+ Nhiều học sinh còn lợi dụng thời gian thảo luận để nô đùa không tập trung nghiên cứu.
III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM.
Để nâng cao chất lượng của việc dạy và học môn vật lí ở trường THPT, thì việc sử dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề rất cần thiết và cũng có vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng dạy và học của môn vật lí. Đối với phương pháp này giúp học sinh nắm vững, đào sâu, mở rộng kiến thức, từ đó nâng cao chất lượng học tập môn vật lí của học sinh. Muốn vận dụng được tốt phương pháp này thì về phía giáo viên phải nghiên cứu kĩ nội dung bài dạy, đưa ra tình huống hấp dẫn, kịch tính, kích thích sự chú ý của học sinh. Đối với học sinh phải đọc kĩ nội dung bài học trước ở nhà, ôn lại kiến thức cũ có liên quan và phải tích cực tham gia thảo luận để giải quyết vấn đề.
Phương pháp này có thể vận dụng cho các môn học khác. Thế nhưng không phải bài dạy nào cũng vận dụng được phương này, tuỳ theo nội dung bài dạy mà giáo viên vận dụng phương pháp cho phù hợp. Vì vậy mỗi giáo viên phải không ngừng học hỏi, nghiên cứu để tìm ra những phương pháp dạy học tốt hơn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của mình.
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ.
Trong năm học, mỗi giáo viên phải nghiên cứu và báo cáo một đổi mới về phương pháp dạy học ở tổ chuyên môn của mình.
Đối với nhà trường cần tổ chức thường xuyên “ Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá”, để giáo viên học hỏi phương pháp và kinh nghiệm của đồng nghiệp.
Trên đây là kinh nghiệm nhỏ được đúc kết trong quá trình giảng dạy của bản thân. Rất mong được sự tham gia đóng góp của quí đồng nghiệp.


Cuối cùng tôi xin chúc sức khỏe quí Thầy - Cô, chúc hội thảo thành công tốt đẹp.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Vũ Quang Giáp
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)