Pháp luật về BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG....

Chia sẻ bởi Nguyễn Ngọc Anh Khoa | Ngày 02/05/2019 | 29

Chia sẻ tài liệu: Pháp luật về BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.... thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

Pháp luật
về bảo vệ môi trường
TS.Trần văn Thắng
I - TÌM HIỂU CÁC KHÁI NIỆM

1. Môi trường

Có thể định nghĩa “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật”.
Theo định nghĩa này, môi trường trước tiên được hiểu là các yếu tố tự nhiên đã tồn tại từ lâu đời, từ hàng vạn, hàng triệu năm trước đây, là tài sản sẵn có của thiên nhiên dành cho con người. Môi trường cũng được hiểu là các yếu tố vật chất do con người tạo ra để đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.
2. Tài nguyên thiên nhiên là của cải vật chất của tự nhiên đã có từ lâu mà con người có thể khai thác, chế biến, sử dụng để phục vụ cho cuộc sống của mình. Đó có thể là tài nguyên trong lòng đất như than, quặng, dầu, khí đốt, nguồn nước (bao gồm cả nước khoáng và nước nóng thiên nhiên) hoặc tài nguyên trên mặt đất như rừng cây, động vật quý hiếm trong rừng, núi, hải sản (tôm, cá ở biển, ở sông, hồ tự nhiên)
Sự phân biệt khái niệm môi trường và khái niệm tài nguyên thiên nhiên chỉ mang tính tương đối, bởi vì về mặt pháp lý thì thành phần môi trường đã bao hàm các yếu tố của tài nguyên thiên nhiên như các hệ thực vật, hệ động vật tạo thành hệ sinh thái, khoáng sản, nguồn nước… Vì thế, trong phạm vi chương này, ở nhiều nội dung, khi nói đến môi trường là đã bao hàm nội dung về tài nguyên thiên nhiên.
3. Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.
Thế nào là hành vi bị coi là làm ô nhiễm môi trường?
+ Làm thay đổi tính chất môi trường. Ví dụ : Thay đổi nồng độ ô xy, nồng độ các bon, nồng độ bụi trong không khí làm cho tính chất của môi trường không khí bị thay đổi.

+ Hành vi đã vi phạm tiêu chuẩn môi trường, tức là tiêu chuẩn vượt quá mức độ mà pháp luật cho phép, ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người và hệ sinh thái.
4. Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đối với con người và sinh vật.



Thế nào là một môi trường bị coi là suy thoái?
+ Số lượng và chất lượng của thành phần môi trường thay đổi. Ví dụ : Số lượng các loài thực vật bị giảm do khai thác quá mức đã dẫn tới giảm chất lượng của sự đa dạng sinh học.
+ Gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của con người và thiên nhiên. Ví dụ : Do rừng bị tàn phá nghiêm trọng mà thiếu rừng phòng hộ nên đã gây ra lũ quét và làm mất cân bằng sinh thái.
5. Sự cố môi trường là tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi bất thường của tự nhiên nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.
Sự cố môi trường chính là những tai biến hoặc rủi ro môi trường, diễn ra dưới tác động của các yếu tố tự nhiên hoặc do con người gây ra. Ví dụ : bão, lũ lụt, động đất, hoả hoạn, cháy rừng, sự cố trong thăm dò, khai thác và vận chuyển khoáng sản, dầu khí, tràn dầu, sự cố trong lò phản ứng hạt nhân.
II - PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG




1. Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường
Ở nước ta, pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là hệ thống quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể (cá nhân, cơ quan, tổ chức, Nhà nước) trong quá trình sử dụng, khai thác nhằm bảo vệ có hiệu quả môi trường và tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là hệ thống các quy phạm pháp luật trong các văn bản khác nhau, trong đó có những văn bản trực tiếp quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời có những văn bản trong đó có một số quy định liên quan.




Trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, cần kể đến :
1/ Hiến pháp 1992 ;
2/ Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 ;
3/ Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 ;
4/ Luật Thuỷ sản năm 2003
5/ Luật Khoáng sản năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2005) ;
6/ Luật Dầu khí năm 1993 ;
7/ Luật Đất đai năm 2003 ;
8/ Luật Tài nguyên nước năm 1998.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật này, Luật Bảo vệ môi trường giữ vị trí quan trọng nhất.
Luật gồm 15 chương, với 136 điều, quy định dầy đủ và toàn diện về : Tiêu chuẩn môi trường ; Bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên ; Bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ; Bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư ; Bảo vệ môi trường biển, nước sông và các nguồn nước khác ; Quản lý chất thải ; Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường ; Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường ; Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên về bảo vệ môi trường ; Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và bồi thường thiệt hại về môi trường;…
2. Nội dung cơ bản
của pháp luật
về bảo vệ môi trường

a) Những hành vi được khuyến khích


1/ Tuyên truyền, giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
2/ Bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
3/ Giảm thiểu, thu gom, tái chế và tái sử dụng chất thải.
4/ Phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ; giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phá huỷ tầng ôzôn.
5/ Đăng ký cơ sở đạt tiêu chuẩn môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường.
6/ Nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường.
7/ Đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường ; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường; cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường.
8/ Bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa ; lai tạo, nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế và có lợi cho môi trường.
9/ Xây dựng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với môi trường.
10/ Phát triển các hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ giữ gìn môi trường của cộng đồng dân cư.
11/ Hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, xoá bỏ hủ tục gây hại đến môi trường.
12/ Đóng góp kiến thức, công sức, tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Người nào vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà có thể vị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định từ của Bộ luật Hình sự quy định đối với các tội phạm về môi trường (các điều : 182, 183, 187, 190, 191).
b) Những hành vi bị nghiêm cấm

1/ Phá hoại, khai thác trái phép rừng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.
2/ Khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp huỷ diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.
3/ Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng các loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
4/ Chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng nơi quy định và quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
5/ Thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường ; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước.
6/ Thải khói, bụi, khí có chất độc hoặc mùi độc hại vào không khí ; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hoá vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép.
7/ Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
8/ Nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện không đạt tiêu chuẩn môi trường.
9/ Nhập cảnh, quá cảnh chất thải dưới mọi hình thức.
10/ Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch ; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép.
11/ Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái ; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vạt liệu xây dựng chứa đựng yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
12/ Xâm hại di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên.
13/ Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
14/ Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ nguy hại về môi trường đối với sức khoẻ và tính mạng con người.
15/ Che giấu hành vi huỷ hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường.
16/ Các hành vi bị nghiêm cấm khác về bảo vệ môi trường theo quy dịnh của pháp luật.
c) Pháp luật
về bảo vệ
và phát triển rừng
* Những quy định chung
Trong pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng có tầm quan trong đặc biệt, vì rừng là tài nguyên quý giá, có giá trị to lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, đối với các loại rừng khác nhau thì có các quy chế pháp lý khác nhau trong việc quản lý, sử dụng, khai thác và bảo vệ.
Thứ nhất, Nhà nước thống nhất quản lý và là chủ sở hữu đối với rừng tự nhiên và rừng được phát triển bằng vốn của Nhà nước, rừng do Nhà nước nhận chuyển quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng từ các chủ rừng ; động vật rừng sống tự nhiên, hoang dã ; vi sinh vật rừng; cảnh quan, môi trường rừng.
Rừng thuộc sở hữu nhà nước bao gồm : vườn quốc gia ; khu bảo tồn thiên nhiên, gồm khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh ; khu bảo vệ cảnh quan gồm khu rừng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.
Thứ hai, các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để phát triển rừng ; các đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức nghiên cứu khoa học được Nhà nước giao rừng, giao đất để phát triển rừng thì sản phẩm rừng thuộc sở hữu của tập thể và cá nhân, hộ gia đình. Chủ rừng được khai thác và phát triển nguồn động vật rừng, trừ những loài quý hiếm mà Nhà nước cấm săn bắt theo quy định của pháp luật.
Nội dung bảo vệ rừng bao gồm tổng hợp các quy định của pháp luật về: bảo vệ hệ sinh thái rừng ; bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng ; phòng cháy, chữa cháy rừng ; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng ; kinh doanh, vận chuyển thực vật, động vật rừng.
Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định sau đây:
+ Việc săn, bắt, bẫy, nuôi nhốt động vật rừng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân theo các quy định của pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã.
+ Những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ; nguồn gien thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm phải được quản lý, bảo vệ theo chế độ đặc biệt.
+ Trường hợp được đốt lửa trong rừng, gần rừng để dọn nương rẫy, dọn đồng ruộng, chuẩn bị đất trồng rừng, đốt trước mùa khô hanh hoặc dùng lửa trong sinh hoạt thì người đốt lửa phải thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
+ Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải kịp thời chữa cháy rừng, báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Việc kinh doanh, vận chuyển thực vật rừng, động vật rừng và các sản phẩm của chúng phải tuân theo quy định của pháp luật.
Luật Bảo vệ và phát triển rừng quy định nghiêm cấm những hành vi sau đây :
+ Chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép.
+ Săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép.
+ Huỷ hoại trái phép tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng.
+ Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.
+ Vi phạm quy định về phòng, trừ sinh vật hại rừng.
+ Lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép.
+ Khai thác trái phép cảnh quan, môi trường và các dịch vụ lâm nghiệp.
+ Vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
+ Chăn thả gia súc trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu rừng đặc dụng, trong rừng mới trồng, rừng non.
+ Nuôi, trồng, thả vào rừng đặc dụng các loại động vật, thực vật không có nguồn gốc bản địa khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác; làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, diễn biến tự nhiên của rừng ; làm ảnh hưởng xấu đến đời sống tự nhiên của các loài sinh vật rừng ; mang trái phép hoá chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng.
+ Phá hoại các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát triển rừng.
* Quy định của pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
- Giải thích từ ngữ
Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là loài thực vật, động vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng, thuộc danh mục các loài thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm do Chính phủ quy định.
- Phân nhóm
+ Nhóm 1 : Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm: những loài có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao.
+ Nhóm 2 : Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm : những loài có giá trị về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.
- Quyền nuôi và phát triển động vật nguy cấp, quý, hiếm
Các cá nhân, tổ chức có quyền và được khuyến khích gây nuôi, phát triển các loài động vật hoang dã, bao gồm cả động vật quý hiếm để kinh doanh, xuất khẩu theo đúng quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Luật Bảo vệ và phát triển các nguồn lợi thuỷ sản.
- Khai thác
Thực vật rừng, động vật rừng thuộc nhóm I và II chỉ được khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học và quan hệ hợp tác quốc tế.

+ Nghiêm cấm chế biến, kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm có nguồn gốc từ tự nhiên và sản phẩm của chúng vì mục đích thương mại.
- Chế biến, kinh doanh động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng
+ Được phép chế biến, kinh doanh vì mục đích thương mại (nhưng phải có giấy phép kinh doanh và sản phẩm có nguồn gốc hợp pháp) : động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc nuôi sinh sản ; động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là tang vật xử lý tịch thu không còn khả năng cứu hộ, thả lại môi trường.
- Xử lý các trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe doạ tính mạng, tài sản của nhân dân
+ Nếu động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe doạ xâm hại đến tài sản hoặc tính mạng của nhân dân : Áp dụng các biện pháp xua đuổi, không gây tổn thương đến động vật rừng.
+ Nếu động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trực tiếp tấn công ở ngoài các khu rừng đặc dụng, sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả thì báo cáo UBND cấp huyện xem xét, quyết định cho phép được bẫy, bắn tự vệ để bảo vệ tính mạng nhân dân. Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo bẫy, bắn.
Đối với những động vật đặc biệt quý hiếm (Voi, Tê giác, Báo hoa mai, Báo gấm, Gấu, Bò tót, Bò xám, Bò rừng, Trâu rừng,..) phải báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh để quyết định cho phép bẫy, bắn tự vệ khi chúng trực tiếp tấn công.
+ Xử lý sau khi bẫy, bắn :
• Nếu động vật rừng đã bẫy, bắn bị chết hoặc bị thương nặng không thể cứu chữa được thì lập biên bản bàn giao cho cơ quan nghiên cứu khoa học xử lý.
• Nếu động vật rừng bị thương có thể cứu chữa được thì chuyển cho cơ sở cứu hộ động vật rừng hoặc cơ quan kiểm lâm quản lý địa bàn để nuôi cứu hộ phục hồi, thả lại rừng.
• Nếu động vật còn khoẻ mạnh thì phải thả ngay lại rừng đặc dụng (khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia) phù hợp với môi trường sống của chúng.
* Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng
Để giữ nghiêm kỷ cương trong việc bảo vệ và phát triển rừng vì lợi ích của Nhà nước, xã hội và công dân, pháp luật quy định xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Về vấn đề này, pháp luật quy định cụ thể như sau :
- Người phá rừng, đốt rừng, huỷ hoại tài nguyên rừng ; khai thác tài nguyên rừng ; khai thác rừng trái phép; săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép ; mua bán, kinh doanh, vận chuyển trái phép lâm sản hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật trong việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, cho phép sử dụng rừng, khai thác lâm sản ; thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc thi hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ; bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Bộ luật Hình sự đã dành các điều 187, 189, 190, 191 quy định trừng trị các tội vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng. Người có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng mà gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì ngoài việc bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Chân thành cảm ơn các bạn!
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Nguyễn Ngọc Anh Khoa
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)