ÔN THI THPT QUỐC GIA - ĐỀ 3

Chia sẻ bởi Van Duong | Ngày 21/10/2018 | 147

Chia sẻ tài liệu: ÔN THI THPT QUỐC GIA - ĐỀ 3 thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

PHỤ ĐẠO NGỮ VĂN 12
ÔN THI-ĐỀ 3
TRƯỜNG PT DTNT VĨNH THẠNH
I.  PHẦN ĐỌC- HIỂU (3,0 điểm)
Đọc các văn bản sau và trả lời câu hỏi:
 Văn bản 1:
“… Với một tốc độ truyền tải như vũ bão, Internet nói chung, Facebook nói riêng hàm chứa nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí độc hại. Vì thế, nó cực kì nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, kinh tế, đạo đức … và nhiều mặt của đời sống, có thể gây nguy hại cho quốc gia, tập thể hay các cá nhân. Do được sáng tạo trong môi trường ảo, thậm chí nặc danh nên nhiều “ngôn ngữ mạng” trở nên vô trách nhiệm, vô văn hóa […]  Không ít kẻ tung lên Facebook những ngôn ngữ tục tĩu, bẩn thỉu nhằm nói xấu, đả kích, thóa mạ người khác. Chưa kể đến những hiện tượng xuyên tạc tiếng Việt, viết tắt, kí hiệu đến kì quặc, tùy tiện đưa vào văn bản những chữ z, f, w vốn không có trong hệ thống chữ cái tiếng Việt, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt…”         
(Trích “Bàn về Facebook với học sinh”, Phạm Thị Loan, Nguồn:Lomonoxop.edu.vn)
1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?(0,25 điểm)
2. Nội dung khái quát của văn bản trên?(0,25 điểm)
3. Trong đoạn văn bản trên, tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật nào chủ yếu? Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó?(0,5 điểm)
4. Anh,chị có suy nghĩ gì về hiện tượng được đề cập trong văn bản trên?(0,5 điểm)
VĂN BẢN 2: Đọc bài ca dao sau và trả lời câu hỏi từ câu 5 đến câu 8
Thương thay thân phận con tằm
Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.
Thương thay con kiến li ti
Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi.
Thương thay hạc lánh đường mây
Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi.
Thương thay con quốc giữa trời
Dầu kêu ra máu có người nào nghe.
5. Bài ca dao có những hình ảnh gì? Có những đặc điểm gì chung.(0,5 điểm)
6.Tác giả dân gian đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu ý tác dụng của việc sử dụng phép tu từ đó.(0,5 điểm)
7. Chủ đề của bài ca dao là gì?(0,25 điểm)
8. Anh, chị hãy đặt nhan đề cho bài ca dao trên.(0,25 điểm)
PHẦN II: Làm văn ( 7 điểm)
Câu 1: ( 3 điểm)
VẾT NỨT VÀ CON KIẾN
Khi ngồi ở bậc thềm trước nhà, tôi nhìn thấy một con kiến đang tha chiếc lá trên lưng. Chiếc lá lớn hơn con kiến gấp nhiều lần.
Bò được một lúc, con kiến chạm phải một vết nứt khá lớn trên nền xi măng. Nó dừng lại giây lát. Tôi nghĩ con kiến hoặc là quay lại, hoặc là nó sẽ một mình bò qua vết nứt đó. Nhưng không. Con kiến đặt chiếc lá qua vết nứt trước, sau đó đến lượt nó vượt qua bằng cách bò lên chiếc lá. Đến bờ bên kia, con kiến lại tha chiếc lá và tiếp tục cuộc hành trình.
Hình ảnh đó bất chợt làm tôi nghĩ rằng tại sao mình không thể học loài kiến bé nhỏ kia, biến những trở ngại, khó khăn của ngày hôm nay thành hành trang quý giá cho ngày mai tươi sáng hơn.
(Theo The Crack and The Aunt – hạt giống tâm hồn 5 – Ý nghĩa cuộc sống)
Anh / chị hãy viết bài văn nghị luận ( khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của văn bản trên và rút ra bài học cho bản thân?
Câu 2. (4 điểm)
Phân tích cuộc đối thoại giữa Chiến và Việt trong đêm trước ngày lên đường nhập ngũ qua đoạn trích “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi. Tâm lí và tính cách của mỗi nhân vật thể hiện như thế nào qua cuộc đối thoại này?
GỢI Ý ĐÁP ÁN
1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận (vì bàn về một vấn đề xã hội) hoặc phong cách ngôn ngữ báo chí ( vì được in trên báo mạng) (0,25đ)
2. Nội dung chính (0,25 đ): Đoạn văn bản đề cập đến những mặt trái của mạng xã hội Facebook. Cụ thể:
Facebook chứa nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật gây nguy hại đến nhiều mặt đời sống của quốc gia, tập thể hoặc cá nhân.
Gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt.
3. Nghệ thuật (0,25đ): liệt kê (các tác hại của mạng xã hội Facebook đến nhiều mặt đời sống của quốc gia, tập thể hoặc cá nhân và ngôn ngữ dân tộc.)
- Tác dụng (0,25đ):
+ Nhấn mạnh đến tác hại khó lường của mạng xã hội Facebook.
+ Mạnh mẽ cảnh tỉnh, nhắc nhở với những người đang tham gia trang mạng này để tránh gây ra tác hại tương tự.
4. HS trình bày những suy nghĩ của mình về hiện tượng trên:
- Facebook chứa nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật gây nguy hại đến nhiều mặt đời sống của quốc gia, tập thể hoặc cá nhân.
- Gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt.
 Mỗi cá nhân phải có nhận thức đúng đắn về hiện tượng.
5.- Bài ca dao có hình ảnh sau: con tằm, con kiến, chim hạc, con quốc. Những hình ảnh này được khắc họa qua hành động hàng ngày của chúng (tằm – nhả tơ; kiến – tha mồi, chim hạc – bay, quốc kêu…). Những hình ảnh con vật này đều có chung những đặc điểm là nhỏ bé, yếu ớt nhưng siêng năng, chăm chỉ và cần mẫn.(0,5 điểm)
6. Tác giả dân gian đã sử dụng thành công phép điệp ngữ và ẩn dụ. Việc lặp đi lặp lại cấu trúc than thân “thương thay” đi liền với những hình ảnh và hoạt động hàng ngày cùa các hình tượng (tằm, kiến, hạc, quốc), và phép tu từ ẩn dụ: dùng hình ảnh những con vật nhỏ bé, yếu ớt nhưng chăm chỉ, siêng năng để nói về những người dân lao động thấp cổ, bé họng, đã giúp nhấn mạnh vào nỗi bất hạnh, phải chịu nhiều áp bức, bất công, bị bóc lột một cách tàn nhẫn của người lao động nghèo trong xã hội cũ. (0.5 điểm)
7. Chủ đề của bài ca dao: Nỗi thống khổ, thân phận của người nông dân trong xã hội cũ.(0,25)
Nhan đề: ca dao than thân, khúc hát than thân.(0,25 điểm)
Phần II: Làm văn ( 7 điểm)
Câu 1 ( 3 điểm)
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận: giới thiệu ngắn gọn về câu chuyện của vết nứt và con kiến bàn về vấn đề:cách ứng xử của con người trước những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
- Giải quyết vấn đề:
+ Giải thích: ý nghĩa câu chuyện: Hình ảnh con kiến bé nhỏ dũng cảm vượt qua thử thách nhắc ta thái độ ứng xử trước những biến cố khó khăn. Con người phải dũng cảm, kiên cường, biến khó khăn thành trải nghiệm vô giá cho bản thân và làm hành trang hướng về tương lai

+ Khẳng định vấn đề: Con người phải dũng cảm, kiên cường, biến khó khăn thành trải nghiệm vô giá cho bản thân và làm hành trang hướng về tương lai vì: Cuộc đời không có con đường nào bằng phẳng, mọi chông gai thử thách sẽ có thể nhấn chìm ta nếu ta không biết nỗ lực đối đầu và vượt qua. Thử thách và thành công luôn có mối quan hệ: vượt qua thử thách sẽ đưa ta tới thành công. Tạo cho con người có niềm tin vào cuộc sống, khẳng định nghị lực mạnh mẽ của con người.
+ Bình luận mở rộng: Phê phán những kẻ đầu hàng số phận, sống buông xuôi trước khó khăn.
+ Bài học nhận thức: Tự rèn cho mình tính bền bỉ, kiên trì, biết đấu tranh với chính mình
- Kết thúc vấn đề: khẳng định ý nghĩa của câu chuyện
* Chú ý: Bài viết phải có dẫn chứng minh họa sinh động
Câu 2 ( 7 điểm)
Bài làm cần có các ý sau:
- Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận
- Trong đêm ấy, Chiến mang trong mình phẩm chất của chị chất Út Tịch: lo lắng, bàn tính đâu ra đấy mọi việc (thằng em, chuyện bàn thờ má, nhà cửa , ruộng vườn…) bằng giọng rành rọt.
Việt lòng vui náo nức và hồi hộp, thả hồn theo đàn đom đóm, lơ mơ trước lời nói của chị Chiến
- Cả hai chị em Việt đều nhập vào dòng hồi ức, đều nhớ đến má: Hình như má cũng về đâu đây. Chị Chiến im lặng, nghĩ ngợi mãi đến lúc cựa mình thì Việt mới không quan tâm đến điều chị nghĩ và “ừ” cho qua chuyện. Việt chìm đắm trong ý nghĩ thắm thiết tình cảm mẹ con, má đang về chia sẻ niềm vui với Việt, dòm ngó chị em Việt tính toán chuyện nhà, thậm chí châm chọc chị "mà hồi đó má dặn chị vậy hả?". Đến lúc, chị thở dài rồi gọi thắng Út đi đái thì mỗi người một suy nghĩ.
- Cách xưng hô và giọng điệu trò chuyện“mày-tao” đổi thành chị em-> thân mật nhẹ nhàng tình cảm đầy nữ tính, thương em
- Khi nghe chị bàn việc gửi bàn thờ má bên nhà chú Măm, Việt “khẽ ngóc đầu lên dòm bàn thờ và tin má đã về ngồi đâu đó thật”-> ý nghĩ và hành động hồn nhiên
- Đánh giá vấn đề cần nghị luận
.
DẶN DÒ
-

 
XIN CHÀO
TẠM BIỆT
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Van Duong
Dung lượng: | Lượt tài: 3
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)