Những vấn đề chung về giáo dục bảo vệ môi trường

Chia sẻ bởi Lê Thanh Long | Ngày 26/04/2019 | 101

Chia sẻ tài liệu: Những vấn đề chung về giáo dục bảo vệ môi trường thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

PHẦN I
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
TS. PHẠM VĂN SƠN
GĐ. Trung tâm HTĐT và CƯNL,
Bộ Giáo dục và Đào tạo
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
VỀ MÔI TRƯỜNG
1. Môi trường và một số thuật ngữ, khái niệm liên quan
Môi trường
- Định nghĩa về môi trường (theo nghĩa rộng): Môi trường là tổng hợp các điều kiện bên ngoài có ảnh hưởng đến một vật thể hoặc một sự kiện.
- Định nghĩa môi trường (theo nghĩa hẹp): Môi trường sống là tổng hợp những điều kiện bên ngoài có ảnh hưởng đến đời sống và sự phát triển của cơ thể (Lê Văn Khoa, 1995).
Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật.
Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.
Sự cố môi trường là tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi thất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.
Chất gây ô nhiễm là chất hoặc yếu tố vật lí khi xuất hiện trong môi trường thì làm cho môi trường bị ô nhiễm.
Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.
Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phỏng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác.
Khí thải gây hiệu ứng nhà kính là các loại khí tác động đến sự trao đổi nhiệt giữa Trái đất và không gian xung quanh làm nhiệt độ của không khí bao quanh bề mặt trái đất nóng lên.
Hoạt động BVMT là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lí và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học.
Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và BVMT.
Tiêu chuẩn môi trường là giới hạn cho phép của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, về hàm lượng của chất gây ô nhiễm trong chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định làm căn cứ để quản lí và BVMT.
Quản lí chất thải là hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lí, tiêu huỷ, thải loại chất thải.
Hệ sinh thái là hệ quần thể sinh vật trong một khu vực địa lí tự nhiên nhất định cùng tồn tại và phát triển, có tác động qua lại với nhau.
Đa dạng sinh học là sự phong phú về nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái.
2. Phân loại môi trường
Môi trường tự nhiên bao gồm các nhân tố thiên nhiên như: vật lý, hóa học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn chủ quan của con người nhưng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng Mặt trời, núi, sông, biển, không khí, động vật, thực vật, đất và nước,…
Môi trường xã hội là tổng thể các mối quan hệ giữa con người với con người. Đó là luật lệ, thể chế, cam kết ở các cấp khác nhau (thể hiện ở pháp luật, bản sắc văn hóa, tôn giáo, thẩm mỹ học, dân số học, kinh tế học,…).
3. Các chức năng chủ yếu của môi trường
Môi trường là không gian sống của con người và thế giới sinh vật
Môi trường là nơi chứa đựng các nguồn tài nguyên cần thiết cho đời sống và sản xuất của con người (tài nguyên khoáng sản, năng lượng đất, nước, khí hậu, rừng, sinh vật,…)
Môi trường là nơi chứa đựng các phế thải của đời sống và sản xuất.
Môi trường là nơi lưu trữ và cung cấp các nguồn thông tin cho con người
4. Các thành phần cơ bản của môi trường
Thạch quyển (Lithosphere)
Thuỷ quyển (Hydrophere)
Khí quyển (Atmosphere)
Sinh quyển (Biophere)
5. Tình hình môi trường ở Việt Nam hiện nay
Theo báo cáo về hiện trạng môi trường quốc gia năm 2005, 2006, 2007, 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sức ép chủ yếu của phát triển kinh tế - xã hội lên môi trường là:
Quy mô dân số lớn và ngày càng lớn hơn tạo ra sức ép rất lớn đối với đất đai, nguồn cung cấp năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.
Sự phát triển của các ngành công nghiệp, xây dựng, năng lượng, khai thác và giao thông vận tải đã tiêu thụ nhiều nguyên liệu, năng lượng và quá trình sản xuất thường gây ô nhiễm môi trường ở mức độ cao.
Sản xuất nông nghiệp với việc sử dụng ngày càng nhiều các loại thuốc hoá học bảo vệ thực vật, các loại phân bón hoá học và việc không xử lí các chất thải của vật nuôi trước khi thải ra môi trường đã làm cho môi trường đất, nước ngày càng bị ô nhiễm.
Đô thị hoá không cân đối làm cho tài nguyên đất đô thị bị khai thác triệt để, diện tích cây xanh, ao hồ bị thu hẹp, gây ra ngập úng, tài nguyên nước bị suy giảm và ô nhiễm nặng nề.

Việc khai thác thuỷ sản quá mức và việc nuôi trồng thuỷ sản phát triển một cách ồ ạt, thiếu qui hoạch đã tác động mạnh theo chiều hướng xấu tới hệ sinh thái và nơi cư trú của các loài thuỷ sản. Việc chế biến thuỷ sản cũng tạo ra một lượng lớn các chất thải rắn, nước thải, khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường đất và nước.
Phát triển du lịch “nóng” ven biển đã làm thay đổi cảnh quan ven biển và cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm vùng ven biển. Tính đa dạng sinh học của các khu du lịch cũng bị ảnh hưởng.
Mặt trái của hội nhập kinh tế quốc tế:
+ Làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bên ngoài do không kiểm tra, giám sát chặt chẽ được việc nhập khẩu hàng hoá vật tư. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam trở thành bãi thải thiết bị, công nghệ lạc hậu và là nơi tiêu thụ những hàng hoá kém chất lượng, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường.
+ Làm tăng suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên do các hàng hoá xuất khẩu của nước ta chủ yếu dựa vào khai thác các loại tài nguyên, đặc biệt là các tài nguyên không tái tạo.
+ Tự do hoá thương mại thúc đẩy sự phát triển nhiều loại hình dịch vụ, trong đó có những loại hình có thể gây ra ô nhiễm và sự cố môi trường như hệ thống chợ, hệ thống dịch vụ ăn uống, các cơ sở sản xuất và chế biến ...
+ Những sức ép của phát triển kinh tế-xã hội lên môi trường đã làm cho môi trường Việt Nam bị xuống cấp, nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, có lúc, có nơi đến mức báo động.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
VỀ BVMT VÀ GIÁO DỤC BVMT
1. Cơ sở pháp lí của Hoạt động BVMT
1.1. Chủ trương của Đảng
- Nghị quyết 41/NQ/TƯ ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về việc BVMT trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
- Chỉ thị 29-CT/TƯ của Ban Bí thư ngày 21/01/2009 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa IX).
1.2. Văn bản pháp quy của nhà nước
Luật BVMT được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI thông qua ngày 29/11/2005
Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 17/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đưa các nội dung BVMT vào hệ thống giáo dục quốc dân”
Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 2/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược BVMT Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
Chỉ thị số 02/2005/CT-BGD&ĐT ngày 31/1/2005, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác giáo dục BVMT.
2. Một số biện pháp giữ gìn, BVMT bền vững ở Việt Nam
Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục mọi người nâng cao nhận thức và trách nhiệm BVMT
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, tạo cơ chế pháp lý và chính sách trong BVMT
Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong BVMT
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đào tạo nhân lực về môi trường, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BVMT
Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ GV giảng dạy giáo dục BVMT trong các loại hình giáo dục
Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động BVMT.
3. Giáo dục BVMT
3.1. Khái niệm
BVMT là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lí và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học (Điều 3-Luật Môi trường 2005).
Giáo dục BVMT là một quá trình thông qua các hoạt động giáo dục chính quy và không chính quy nhằm giúp cho con người có được hiểu biết, kỹ năng và giá trị, tạo điều kiện cho họ tham gia phát triển một xã hội bền vững về sinh thái (Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Có 3 cách tiếp cận trong giáo dục môi trường:
- Giáo dục về môi trường: Giáo dục môi trường cần cung cấp cho người học những hiểu biết cơ bản về môi trường, các thành phần môi trường và mối quan hệ giữa chúng; những hiểu biết về hệ thống tự nhiên và hoạt động của nó, về mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và môi trường.
- Giáo dục trong môi trường: Giáo dục trong môi trường cần được tiến hành trong môi trường, xem môi trường như là cơ sở, phương tiện để giảng dạy, học tập, nghiên cứu.
- Giáo dục vì môi trường: Giáo dục môi trường phải hướng tới việc hình thành thái độ thân thiện, ứng xử tích cực với môi trường, ý thức BVMT, trách nhiệm cải thiện môi trường, phong cách sống thích hợp, hài hoà với môi trường và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các tài nguyên thiên nhiên.
3.2. Mục đích, mục tiêu chung của GD BVMT
Mục đích của GD BVMT là giúp cho người học vận dụng những kiến thức và kỹ năng về BVMT để giữ gìn, bảo tồn, sử dụng môi trường, phát triển môi trường bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Mục tiêu chung của GD BVMT là đem lại cho người học những hiểu biết, thái độ và kĩ năng sau:
- Những hiểu biết cơ bản, cần thiết về bản chất các vấn đề môi trường
- Ý nghĩa, tầm quan trọng của các vấn đề môi trường
- Kĩ năng nhận biết các vấn đề môi trường; thu thập, xử lí, phân tích các thông tin về môi trường; xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch hành động BVMT; năng lực sử dụng hợp lí, khôn khéo các tài nguyên thiên nhiên và tham gia các vấn đề môi trường cụ thể.
GIÁO DỤC BVMT THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG GDNPT
Ở TRUNG TÂM KTTH- HN
1. Sự cần thiết phải GD BVMT thông qua hoạt động GDNPT ở Trung tâm KTTH – HN
1.1.Hoạt động GDNPT là gì? vì sao phải tổ chức hoạt động Giáo dục nghề cho HS phổ thông?
Khái niệm nghề phổ thông theo quy ước mới bao gồm các dấu hiệu sau:
- Những nghề rất phổ biến ở địa phương hoặc trong xã hội đang được tổ chức dạy ở các cơ sở GD phổ thông.
- Những nghề có kĩ thuật tương đối đơn giản, quá trình dạy nghề không đòi hỏi phải có trang thiết bị phức tạp.
- Nguyên vật liệu dùng cho việc dạy nghề dễ kiếm, phù hợp với điều kiện kinh tế, khả năng đầu tư của địa phương.
- Thời gian học nghề không quá dài
Mục tiêu của hoạt động GDNPT
Mục tiêu chung của Hoạt động GDNPT là nhằm trang bị cho HS những kiến thức, kỹ năng, thái độ lao động cần thiết và làm quen với hoạt động nghề nghiệp. Qua đó, chuẩn bị tích cực cho HS bước vào cuộc sống sau khi tốt nghiệp THCS và THPT.
- Mục tiêu cụ thể của Hoạt động GDNPT:
+ Về Kiến thức: Giáo dục cho HS hiểu được một số kiến thức cơ bản về công cụ, kỹ thuật, quy trình công nghệ và về an toàn lao động, vệ sinh môi trường đối với một nghề phổ thông đã học, biết đặc điểm và yêu cầu của nghề đó.
+ Về kỹ năng: Hình thành cho HS một số kỹ năng sử dụng công cụ, kỹ năng thực hành kỹ thuật theo quy trình công nghệ để làm ra sản phẩm theo yêu cầu của GDNPT và phát triển nhu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
+ Về thái độ: Phát triển hứng thú kỹ thuật và nhu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng vào lao động, thói quen làm việc có kế hoạch, tuân thủ quy trình kỹ thuật và bảo đảm an toàn lao động, bước đầu có tác phong công nghiệp, giữ gìn vệ sinh môi trường, có ý thức tìm hiểu và lựa chọn nghề nghiệp.
1.2.Vì sao phải giáo dục BVMT qua Hoạt động GDNPT cho HS tại các TT.KTTH-HN?
Giáo dục phổ thông là nền tảng của nền giáo dục quốc dân, với gần 19 triệu HS phổ thông chiếm hơn 20% dân số, và gần 80% tổng số HS, sinh viên toàn quốc, giáo dục phổ thông giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách người lao động mới.
Theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGD-ĐT ngày 05/6/2006, Hoạt động GDNPT được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông với thời lượng là 105 tiết/nghề ở lớp 11 và là môn học tự chọn bắt buộc
Hoạt động GDNPT có những điều kiện rất thuận lợi cho việc lồng ghép, tích hợp giáo dục BVMT qua môn học.
Nội dung dạy học của mỗi nghề có nhiều chủ đề, nội dung liên quan đến môi trường như ảnh hưởng của hoạt động sản xuất đối với môi trường không khí, nước; sự tác động qua lại giữa môi trường với cơ thể sinh vật và con người; vấn đề an toàn thực phẩm, sự đa dạng sinh học...
Hoạt động GDNPT có tính thực tiễn, tính ứng dụng cao, HS có thể áp dụng ngay những kiến thức, kĩ năng có liên quan đến môi trường vào thực hành và đời sống thực tiễn.
Hoạt động GDNPT được tiến hành ở các trường THPT hoặc ở các trung tâm KTTH-HN, trong đó trung tâm KTTH-HN giữ vai trò chủ đạo vì đây là cơ sở giáo dục phổ thông có đủ các điều kiện về GV, CSVC, thiết bị kĩ thuật cho Hoạt động GDNPT.
Vì vậy, việc tiến hành giáo dục BVMT thông qua Hoạt động GDNPT tại các trung tâm KTTH-HN là con đường rất thuận lợi để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưỏng và hành động BVMT cho lớp trẻ.
2. Các nguyên tắc, phương thức, phương pháp, đánh giá kết quả GDBVMT thông qua Hoạt động GDNPT.
2.1. Các nguyên tắc giáo dục BVMT thông qua hoạt động giáo dục nghề phổ thông
Mục tiêu giáo dục BVMT qua hoạt động giáo dục nghề phổ thông phải phù hợp với mục tiêu đào tạo của cấp học, của nghề phổ thông đó.
Nội dung giáo dục BVMT qua hoạt động giáo dục nghề phổ thông phải chú ý khai thác tình hình thực tế môi trường, ngành nghề của từng địa phương.
Phương pháp giáo dục BVMT qua hoạt động GDNPT phải chú trọng thực hành, hình thành các kĩ năng, phương pháp hành động cụ thể để HS có thể tham gia có hiệu quả các hoạt động BVMT của địa phương, của đất nước phù hợp với độ tuổi, đặc điểm của từng nghề.
Phương pháp giáo dục BVMT qua hoạt động GDNPT nhằm tạo cho người học chủ động tham gia vào quá trình học nghề, tạo cơ hội cho HS phát hiện các vấn đề môi trường và tìm hướng giải quyết vấn đề dưới sự tổ chức và hướng dẫn của GV.
Giáo dục BVMT qua hoạt động giáo dục nghề phổ thông phải trang bị cho HS một hệ thống kiến thức tương đối đầy đủ về môi trường và kĩ năng BVMT, phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Tận dụng các cơ hội giáo dục BVMT nhưng phải đảm bảo kiến thức cơ bản của nghề, tính logic của nội dung, không làm quá tải lượng kiến thức và tăng thời gian của bài học.
2.2. Phương thức giáo dục BVMT thông qua hoạt động GDNPT
Giáo dục BVMT là một lĩnh vực giáo dục liên ngành, vì vậy, sự lựa chọn hình thức khai thác kiến thức giáo dục BVMT trong hoạt động GDNPT được triển khai theo phương thức tích hợp thông qua các bài học. Bằng hình thức này GV giúp HS hiểu sâu sắc hơn về các kiến thức môi trường, mặt khác làm phong phú, mở rộng kiến thức nghề nhằm tăng thêm tính thực tiễn và tính hiệu quả của giáo dục.
Tích hợp nội dung giáo dục BVMT qua hoạt động GDNPT thể hiện ở 3 mức độ:
Mức độ toàn phần: mục tiêu, nội dung của chương, bài trong Hoạt động giáo dục từng nghề phù hợp hoàn toàn với mục tiêu, nội dung của giáo dục BVMT.
Mức độ bộ phận: Những bài học chỉ có một phần mục tiêu và nội dung giáo dục BVMT.
Mức độ liên hệ: ở những bài học khác khi có điều kiện thì liên hệ một cách logic.
2.3. Các phương pháp giáo dục BVMT thông qua hoạt động GDNPT
Phương pháp giáo dục BVMT nhằm tạo điều kiện cho người học chủ động tham gia vào quá trình học tập, tạo cơ hội cho HS phát hiện các vấn đề môi trường và tìm hướng giải quyết vấn đề dưới sự tổ chức và hướng dẫn của GV.
Giáo dục BVMT qua hoạt động giáo dục nghề phổ thông cần sử dụng nhiều phương pháp dạy học, chịu sự chi phối của các phương pháp đặc trưng bộ môn, nhưng nó cũng có những phương pháp có tính đặc thù.
Ngoài các phương pháp chung, GD BVMT qua hoạt động GDNPT có thể vận dụng nhiều phương pháp khác như:
Phương pháp tham quan, điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực địa.
Phương pháp khai thác kinh nghiệm thực tế để giáo dục
Phương pháp hoạt động thực tiễn
Phương pháp học tập theo dự án
Phương pháp nêu gương
Phương pháp tiếp cận kỹ năng sống BVMT
Một số kỹ năng quan trọng cần phát triển là:
Kỹ năng nhận biết và phát hiện các vấn đề môi trường
Kỹ năng xây dựng kế hoạch hành động vì môi trường;
Kỹ năng ra quyết định về môi trường;
Kỹ năng kiên định thực hiện kế hoạch hành động vì môi trường.
Trong quá trình giáo dục, cần chú ý rèn luyện kỹ
năng sống BVMT thông qua việc luyện tập, xử lý
các tình huống môi trường cụ thể.
2.4. Kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục BVMT qua hoạt động giáo dục nghề phổ thông
Nội dung kiểm tra, đánh giá
Về kiến thức: Kết quả học tập nội dung giáo dục BVMT của HS cần được đánh giá theo 3 mức độ nhận thức:
- Nhận biết: HS nhớ được và trình bày lại được các khái niệm, kiến thức cơ bản.
- Thông hiểu: HS hiểu khái niệm, kiến thức cơ bản, có thể giải thích bản chất của chúng và có thể vận dụng chúng trong điều kiện tương tự như đã học.
- Vận dụng, riêng mức độ này lại được chia thành 2 cấp độ cao và thấp
+ Vận dụng ở mức độ thấp: HS hiểu được khái niệm, kiến thức ở mức độ cao hơn mức độ thông hiểu, xác lập được mối liên kết logic giữa các khái niệm, kiến thức cơ bản và có thể vận dụng chúng để tổ chức lại các thông tin theo cấu trúc đã được làm quen trong quá trình học tập.
+ Vận dụng ở mức độ cao: HS có thể sử dụng các kiến thức để giải quyết các vấn đề mới, không giống như những điều đã được học hoặc trình bày trong sách giáo khoa nhưng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Đây là những vấn đề tương tự với các tình huống mà các em gặp phải trong cuộc sống.
Về kỹ năng: Việc kiểm tra, đánh giá kỹ năng giáo dục BVMT của HS nên tập trung vào hai hướng:
- Kiểm tra, đánh giá kỹ năng học tập kiến thức về môi trường, BVMT.
- Kiểm tra, đánh giá kỹ năng vận dụng hiểu biết của HS về môi trường, BVMT để giải quyết một số tình huống của thực tiễn cuộc sống.
Về thái độ, hành vi: Chú trọng việc kiểm tra, đánh giá sự thể hiện thái độ, hành vi của HS trước các vấn đề môi trường ngay trong lớp học, trung tâm, tại gia đình, nhà máy, địa phương HS đang sinh sống.
b) Hình thức kiểm tra, đánh giá: Vận dụng những hình thức kiểm tra, đánh giá như đối với việc kiểm tra, đánh giá môn học theo yêu cầu đổi mới giáo dục.
Trân trọng cảm ơn!
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Lê Thanh Long
Dung lượng: | Lượt tài: 3
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)