Nguyễn công trứ

Chia sẻ bởi Mai Thanh Tùng | Ngày 21/10/2018 | 30

Chia sẻ tài liệu: nguyễn công trứ thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

Nguyễn Công Trứ
“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông. “
(1778-1858)
- Nguyễn Công Trứ tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, là một nhà quân sự, một nhà kinh tế và một nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam cận đại .
- Nguyễn Công Trứ con quan Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Công Trứ là dòng dõi nho gia. Ông lớn lên trong những năm cuối đời Tây Sơn, đầu đời Nguyễn. Ngay từ thuở còn hàn vi ông đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp. Lận đận suốt mấy kỳ thi hương, trong nhà có một bức tranh cổ vẽ một ngư ông ngồi câu bên cầu một mình, trên nền trời hoàng hôn có một đàn chim bay, tức cảnh ông ghi câu thơ nói lên nỗi lòng mình:
Chim bay về núi tối rồi
Sao không lo liệu còn ngồi chi đây?

- Năm 1820 khi đã 42 tuổi, ông mới đỗ Giải nguyên ở trường thi hương trấn Nghệ An, sau nhiều lần lận đận chỉ đậu tú tài (1813). Từ đây bắt đầu thời kỳ làm quan đầy sóng gió của ông. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, kinh tế tới thi ca.
Tiểu sử
- Cuộc đời ông là những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, tới chức thượng thư, tổng đốc; nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, nhiều lần giáng liền ba bốn cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú v.v.
- Năm Tự Đức thứ nhất 1847 ông nghỉ hưu với chức vụ Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên. Ông đúng là một vị quan văn - võ song toàn đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước.
Sự nghiệp

Quân sự

Do chính sách hà khắc của nhà Nguyễn dưới triều đại Gia Long và Minh Mạng nên đã xảy ra liên tiếp nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân. Nguyễn Công Trứ tuy là quan văn nhưng phải cầm quân, làm tướng, đánh đâu thắng đó:
- 1827 dẹp Khỡi nghĩa Phan Bá Vành.
- 1833 dẹp Khởi nghĩa Nùng Văn Vân.
- 1835 dẹp giặc Khách
- Đến đời vua Tự Đức thứ 11 (1858), khi Pháp tấn công Đà Nẵng, thì ông đã 80 tuổi nhưng vẫn xin vua cho đi đánh giặc.
Kinh tế

Ông có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay), Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay) vào những năm cuối thập niên 1820, đề xuất lập nhà học, xã thương ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa. Những hoạt động của ông trong lĩnh vực kinh tế được nhân dân các vùng kể trên ghi nhớ. Hiện nay còn rất nhiều từ đường thờ cúng ông ở hai huyện nói trên và quê hương ông.
Thơ ca

Nguyễn Công Trứ để lại một kho thi văn chữ Nôm phong phú gần đủ loại:
- 1 bài phú (Hàn nho phong vị phú)
- 62 bài thơ luật
- 63 bài hát nói
- 21 đôi câu đối Nôm
- 2 bản tuồng (Tủ hội và Lý Phụng Công)
Nguyễn Công Trứ là người có tài. Là một người của hành động, trải qua nhiều thăng trầm, Nguyễn Công Trứ hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời. Ông khinh bỉ và ngán ngẩm nó.
Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy.
Hay:
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi.
Hoặc:
Ra trường danh lợi vinh liền nhục
Vào cuộc trần ai khóc trước cười.
Trong xử thế ông cười nhạo sự thăng giáng, coi làm quan thì cũng như thằng leo dây và không giấu sự ngạo mạn:
Nào nào! Thằng nào sợ thằng nào
Đã sa xuống thấp lại lên cao.
Chán chường với chốn quan trường nhưng ông không chán đời. Ông vốn yêu đời, là người chịu chơi, với ông cái gì cũng có thể đem chơi kể cả tài kinh bang tế thế.
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.

Nguyễn Công Trứ là người đào hoa, mê hát ả đào, ông viết nhiều bài ca trù đa tình. Ngất ngưởng, ngông nghênh, về hưu đi chơi ông không dùng ngựa mà dùng bò. Bảy mươi ba tuổi ông cưới vợ, trả lời cô dâu khi nàng hỏi tuổi:
Năm mươi năm trước, anh hai ba.

Ngay lúc chua chát nhìn lại đời mình, ông vẫn là người đầy khí phách:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.

Ghi chú: Cây thông trong cách hiểu Nho-Khổng giáo là người quân tử.
MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU:
Chí làm trai

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc.
Nợ tang bồng (1) vay trả, trả vay.
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,
Cho phỉ sức vẩy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. (2)
Đã chắc rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.
Chữ Tình
Chữ tình là chữ chi chi,
Dẩu chi chi cũng chi chi với tình.
Sầu ai lấp cả vòm trời,
Biết chăng chăng biết hỡi người tình chung ?

Nói:

Đa tình là dở,
Đã mắc vào đố gỡ cho ra !

Khéo quấy người một cái tinh ma,
Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy !
Đã gọi người nằm thiên cổ dậy,
Lại đưa hồn lúc ngũ canh đi.

Nực cười thay lúc phân kỳ,
Trông chẳng nói, xiết bao nhiêu biệt lệ.
Tình huống ấy dẩu bút thần khôn vẽ,
Càng tài tình càng ngốc, càng si.

Cái tình là cái chi chi ?
Con Đường Làm Quan

Tuổi tác tuy rằng chửa mấy mươi
Ðổi thay mắt đã thấy ba đời
Ra trường danh lợi, vinh liền nhục
Vào cuộc trần ai, khóc trước cười
Chuyện cũ trải qua đã chán mắt
Việc sau nghĩ lại chẳng thừa hơi
Ðã hay đường cái thời ra thế
Sạch nợ tang bồng mới kể ngươi.
Ba vạn sáu nghìn ngày thấm thoắt,
Tự mọc răng cho tới bạc đầu.
Cõi nhục vinh góp lại có bao lâu ?
Ngồi thử gẫm thợ trời thêm khéo quá!
Núi tự tại, cớ sao sông bất xả,
Chim thì lông, hoa thì cánh, công đâu tạo hoá khéo thừa trừ
Từ nghìn trước đến nghìn sau,
Kết cục lại một người riêng một kiếp.
Nhập thế cục bất khả vô công nghiệp
Xuất mẫu hoài tiện thị hữu quân thân
Mà chữ "danh" liền với chữ "thân"
Thân đã có ắt là danh phải có!
Này phút chốc kim rồi lại cỗ,
Có hẹn gì sau, chẳng bằng nay.
Râu mày kia hỡi râu mày!
Nghĩa người đời
Thị tại môn tiền: náo
Nguyệt lai môn hạ: nhàn.
So lao tâm lao lực cũng một đàn,
Người trần thế muốn nhàn sao được ?

Nên phải giữ lấy nhàn làm trước,
Dẩu trời cho có tiếc cũng xin nài.
Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi
Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể.

Thoát sinh ra thì đà khóc chóe,
Trần có vui sao chẳng cười khì ?
Khi hỷ lạc, khi ái ố, lúc sầu bi,
Chứa chi lắm một bầu nhân dục.


Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc,
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn ?
Cầm kỳ thi tửu với giang sơn,
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế.

Ngã kim nhật tại tọa chi địa,
Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi.
Ngàn muôn năm âu cũng thế ni,
Ai hay hát mà ai hay nghe hát ?

Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất,
Để ông Tô riêng một thú thanh cao
Chữ nhàn là chữ làm sao ?
Chữ nhàn
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây, cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên
Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
Bài ca ngất ngưởng
  Bài ca ngất ngưởng được viết theo thể ca trù,một lối thơ gắn với thơ tự do sau này. Bài thơ tuy có những dòng “tự thuật” của tác giả,nhưng vẫn là một tác phẩm trữ tình, bộc lộ khá rõ tâm hồn, tư tưởng, nhân cách của Nguyễn Công Trứ. Có người xem đây như một “tuyên ngôn” bằng thơ của ông. Bởi vậy, Bài ca ngất ngưởng có giá trị khá tiêu biểu cho sáng tác của Nguyễn Công Trứ.
Nguyễn Công Trứ viết khá nhiều bài ca trù (trên 60 bài ). Trước và sau ông, trong Văn học Việt Nam, cũng có một số người viết nhưng ca trù của Nguyễn Công Trứ ở vào hàng xuất sắc. “ Nếu như ngâm khúc thể hiện một con người cô đơn đau xót đi tìm những giá trị của mình đã bị mất thì thể thơ hát nói, một thể thông dụng trong ca trù lại thể hiện một con người tài tử thoát vòng cương tỏa, thoát sáo, thoát tục luỵ, danh lợi, nắm lấy phút vui hiện tại”

BÀI CA NGẤT NGƯỞNG – Nguyễn Công Trứ
Không chỉ viết ca trù, đương thời nhà thơ Nguyễn Công Trứ còn tham gia sinh hoạt loại hình nghệ thuật này. Giá trị cuả Bài ca ngất ngưởng là ở chỗ, đây là bài thơ duy nhất Nguyễn Công Trứ trực tiếp thể thiện thái độ, phong cách sống của mình. Sự thể hiện đó chỉ có thể có được trên cơ sở một sự tự ý thức sâu sắc về những giá trị của bản thân,về chốn quan trường và rộng hơn là xã hội thời bấy giờ. Điều này,trong Văn học Trung đại Việt Nam khá là hiếm hoi, nhất là với những nhà thơ tham gia vào chốn quan trường.
Nói rộng hơn, những kiểu tự ý thức và khẳng định cái tôi trong văn học, cúng như ngoài đời. Hơn nữa, bài thơ được Nguyễn Công Trứ viết khi đã cáo quan về nghỉ và bước vào tuổi 70. Do đó,nó là sự tổng kết,tự đánh giá một cách nghiêm túc,sâu sắc của một

Bài thơ có tên : Bài ca ngất ngưởng. Điểm đáng chú ý là từ ngất ngưởng,chứ không phải là bài ca (cùng thời với Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát cũng viết nhiều bài ca : Sa hành đoàn ca (bài ca ngắn “đi trên cát”, Đằng tiên ca (bài ca cái roi song)...). Từ ngất ngưởng vốn diễn tả trạng thái không vững, ở  chỗ cheo leo, dễ đổ, dễ rơi. Đấy là lớp nghĩa thông thường,càng không phải ở trong trường hợp của Nguyễn Công Trứ.
Đáng chú ý hơn, trong bài thơ, tác giả sử dụng tất cả năm lần (kể cả tiêu đề). Hai lần đầu trong bài,từ ngất ngưởng xuất hiện ở cuối một khổ thơ,có tác dụng nhấn mạnh.Lần thứ nhất, kể từ khi ông Hy Văn đỗ thủ khoa,rồi làm quan Tham tán và tới chức vụ rất cao (tổng đốc), ông đã ngất ngưởng. Rồi khi bình Tây, lúc về Phủ Doãn Thừa Thiên và tới ngày đô môn giải tổ, ông đều ngất ngưởng. Khi thực sự cáo quan, sống cuộc sống bình thường, ông càng ngất ngưởng. So ra, trong triều, chẳng có ai ngất ngưởng như ông. Như vậy, ngất ngưởng là một thái độ, một phong cách sống của Nguyễn Công Trứ. Nó vượt lên muôn vàn người thường,nó cũng không Phật, không Tiên, không vướng tục. Nó là một cá – nhân – cá - thể, là bản ngã của chính nhà thơ.

NGUYỄN CÔNG TRỨ VÀ PHONG THÁI AN VI
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè...

Hai câu ca dao cho thấy thái độ vui hưởng nhàn lạc rất phổ biến trong dân gian của dân tộc ta. Nhân ngày đầu năm sau khi gặt hái đã xong, thóc lúa đã chứa đầy kho người dân quê không còn phải lo gì nữa nên yên lòng mà hưởng mừng xuân mới những ba tháng. Quan niệm vui chơi trong cuộc sống này đã ăn sâu vào tinh thần của dân tộc từ bao ngàn năm để trở thành một triết lý sống mà triết gia Kim Định gọi là triết lý "sống như chơi".



Sinh ra trên đời con người bắt đầu cuộc sống bằng một quãng thời gian dài chỉ toàn là chơi. Chơi chiếm trọn mấy năm đầu của tuổi thơ, mấy năm hạnh phúc nhất và đầy tăng trưởng nhất của đời người. Về sau khi lớn dần lên con người phải làm lụng càng lúc càng vất vả nên không còn thì giờ để chơi như thuở tuổi còn thơ nữa nên chơi lúc nào cũng được con người trân trọng và mơ tưởng. Cho nên, chơi được coi như cứu cánh của cuộc đời.


Hễ có chút thì giờ dư thừa trong những chuỗi ngày làm việc mệt nhọc là ai ai cũng dùng ngay vào việc chơi. Chơi đây không có nghĩa là chơi bời sa đoạ mà chơi ở đây có nghĩa cao sâu hơn và gồm nhiều nghĩa. Chơi trước hết là không làm gì, chơi cũng có nghĩa là giải trí để làm việc tốt hơn. Chơi cũng còn có nghĩa bao la lớn rộng nói lên một quan niệm sống, sống như chơi mà chết cũng như chơi.

"Hoá nhi đa hí lộng", trẻ tạo hoá chơi rất nhiều. Con người là sản phẩm của tạo hoá tại sao con người không theo gương của tạo hoá mà chơi cho thoả chí. Chơi giúp ta thư giãn tinh thần, chơi giúp ta tìm lại sinh lực đã hao mòn vì công ăn việc làm khổ nhọc. Chơi giúp cho ta thanh thoát tâm hồn mà tìm đường ngay nẻo chánh trong cuộc sinh sinh hoá hoá của vũ trụ càn khôn. Nhưng phải chơi như trẻ thơ, chơi chỉ để mà chơi, chơi không nhằm đạt một mục tiêu nào khác ngoài chơi. Chơi phải là một động tác tự tại, không cần một động cơ vụ lợi nào bên ngoài thúc đẩy. Đó mới thực là chơi trong ý nghĩa tinh tuý của nó.


Vì thấm nhuần phong thái an vi của đạo nho nên Nguyễn Công Trứ lúc nào cũng xem nhẹ công danh trần tục và xem trọng nghĩa khí của người quân tử. Do đó dù làm quan đại thần hay làm lính thú lúc nào ông cũng an nhiên tự tại. Mặt khác, ông có được thái độ như vậy là nhờ tâm ông lúc nào cũng sống trọn vẹn ý nghĩa của câu sách Luận Ngữ: "quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân thường thích thích" (người quân tử thường bình thản thư thái, kẻ tiểu nhân hay luôn buồn bực) và câu: "Quân tử kiến cơ nhi tác" (người quân tử tuỳ thời mà hành động).
Cho nên, dù thế thái nhân tình có `bạc quá vôi mà mỏng quá mây`, dù có là quan đại thần đầy uy quyền hay chỉ là tên lính thú đứng gác cho người từng là thuộc hạ của mình, ông vẫn vững niềm tin vào khả năng của mình và quyết tâm hoàn thành trọng trách của kẻ làm trai vì `trần ai, ai dễ biết ai`. Để vượt qua được những cơn bị đời nhận chìm xuống đáy vực, ngoài niềm tự tin sắt đá ông còn có một phong thái an vi và một tâm hồn nghệ sĩ biết tìm sự giải khuây và tha thứ qua túi thơ, bầu rượu:

Thơ một túi gieo vần Đỗ Lý
Rượu lưng bầu rót chén Lưu Linh
Đàn Bá Nha gẫy khúc tính tinh tình
Cờ Đế Thích đi về xe pháo mã. (Cầm kỳ thi tửu 2)

Nguyễn Công Trứ thật là một người vừa biết làm vừa biết chơi. Theo triết gia Kim Định thì chơi trong ý nghĩa tích cực cũng có nghĩa là làm mà làm là một bản năng của con người nên làm và chơi là nhằm phát triển khả năng vô biên của con người. Nguyễn Công Trứ đã thấu hiểu ý nghĩa của ý niệm này nên ông đã hô hào:

Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy
Nếu chẳng chơi thiệt ấy ai bù. (Chơi Xuân)
Còn hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh rất hào hùng nhưng cũng đầy nghệ sĩ như Nguyễn Công Trứ đã phác hoạ về ông:

Dắt lỏng giang sơn vào nửa túi
Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu.
Và một nhân sinh quan cũng rất ư là an vi:
Được mất dương dương người thái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không Tiên, không vướng tục...(Bài ca ngất ngưởng).
Vì biết chọn cho mình một phong thái an vi như vậy nên khi đã `nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo`, ông đã biết hành tàng đúng lúc, không tham quyền cố vị, không bám vào danh lợi mà biết cùng với `năm ba chú tiểu đồng lếch thếch` đi ngao du sơn thuỷ để tận hưởng nét đẹp của thiên nhiên và niềm vui của cuộc đời nhàn tản:

Của trời trăng gió kho vô tận
Cầm hạc tiêu dao đất nước này...
Để mà mặc tình:
Ngoài vòng cương toả chân cao thấp
Trong thú yên hà mặt tỉnh say. (Thú ẩn dật)
Và vì chủ trương "cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy" nên ông đã bị nhiều người cho là sa đoạ. Thật ra, trong xã hội của thời ông những thú ăn chơi như cầm, kỳ, thi, tửu, hát nói, cô đầu, kể cả nàng hầu cũng chỉ là những thú chơi thường tình và được xã hội chấp thuận. Hơn nữa, ông là người đa tài nên ông cũng rất đa tình vì `càng tài tử càng nhiều tình trái`. Do đó, khi trai anh hùng gặp gái thuyền quyên, làm sao con tim đa tình của ông không rung động cho được:

Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên
Trong nhất kiến tình duyên như đã... (Duyên gặp gỡ)

Tuy vậy, ông là khách tao nhân nên ông đã yêu hoa không phải một cách ‘li phi’ mà rất trân trọng. Ông yêu hoa như yêu một báu vật được trời ban cho vì hoa là nguồn cảm hứng cho đời, cho cầm kỳ thi tửu:

Khách thập thuý say màu hoa diễm
Đối mặt hoa mà cầm, mà kỳ, mà tửu, mà thi
Xin ai đừng dở chuyện li phi
Trân trọng lấy hương trời cho trọn vẹn. (Yêu hoa)
Vì vậy, Nguyễn Công Trứ lúc làm cũng như lúc chơi luôn luôn hơn người vì ông biết phải chơi cho đáng ra chơi, phải chơi cho lệch đất long trời mới đo được sâu độ và cường độ của nghệ sĩ tính:
Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho người biết tay
Tài tình dễ mấy xưa nay...
Hoặc
Rượu Lưu Linh, thơ Lý Bạch, cờ Đế Thích, đàn Bá Nha
Đủ trò thú mới là người tài tử
Chơi thì chơi chẳng chơi thì chớ
Đã chơi cho lệch đất long trời
Tiếng thị phi gác bỏ ngoài tai
Trên cõi thế mấy người tri kỷ.
Qua một vài hình ảnh vừa nêu trên ta thấy cuộc đời của Nguyễn Công Trứ quả thật là một cuộc đời rất sôi động và hào hùng, nhưng cũng không thiếu những phút giây an vi nhàn tản, thật là một cuộc sống đúng theo đạo thái hoà của nho giáo. Ông vừa là văn quan biết cầm chánh đạo để thứ dân, phú dân và giáo dân, vừa là võ tướng đánh đông dẹp tây để đem lại an bình cho nước; ông vừa là một người luôn luôn `vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc‘ để `làm sao cho bách thế lưu phương`, nhưng đồng thời ông cũng là một nghệ sĩ biết thoát vòng danh lợi ô trọc, biết hành tàng đúng lúc để sống hoà mình với thiên nhiên, vui hưởng cuộc đời nhàn tản với túi thơ, bầu rượu. Trong suốt quá trình văn học sử của Việt Nam những người biết sống vừa nhập thế vừa xuất thế vừa biết xử thế như Nguyễn Công Trứ thật không có được bao nhiêu.
Suốt mấy ngàn năm mở mang bờ cõi, bảo vệ và xây dựng đất nước, các triều đại vua chúa Việt nam đã đào tạo rất nhiều thế hệ kẻ sĩ để giúp vua trong việc trị nước an dân. Lịch sử dân tộc đã ghi được nhiều trang sử oai hùng và dân tộc ta còn tồn tại đến ngày nay không ai có thể phủ nhận sự đóng góp lớn lao của giai cấp sĩ phu trải qua tất cả các triều đại. Nền giáo dục Nho học này cùng với giáo lý nhà Phật trải nhiều ngàn năm đã ăn sâu vào tinh thần của dân tộc Việt nam và là nền tảng ý thức hệ cho việc cai trị đất nước.
Trong suốt chiều dài của lịch sử rất nhiều nhà Nho khoa bảng đã ra làm quan để thể hiện lý tưởng của người quân tử là `tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ`. Trong bao nhiêu kẻ sĩ tham chánh giúp vua trị dân có rất nhiều nhà nho đã thành công trong việc đem tài năng thi thố với đời và đạt đượïc những chức tước cao sang trong xã hội. Nguyễn Công Trứ là một trong các nho gia ấy, nhưng Nguyễn Công Trứ hơn hẳn các nho gia khác ở chỗ ông đã biết sống một cách an vi thư thái thể hiện tinh thần của người quân tử Việt nam một cách oai hùng và trọn vẹn xứng đáng là hình ảnh lý tưởng cho người trai thời nay tìm hiểu và suy ngẫm.
Đời ông đầy giai thoại, giai thoại nào cũng cho thấy bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ và mang tính bình dân sâu sắc.
Có thể nói thơ ông sinh động, giàu triết lý nhân văn nhưng hóm hỉnh, đó là chất thơ có được từ đời sống, lấy đời sống làm cốt lõi
Làm thơ chuộc tội

Một hôm trời nắng chang chang, Nguyễn Công Trứ đi học về gặp con gái đốc học tỉnh. Cô ta mặc cái áo lục tầm mới tinh, dáng khoe của. Đang ăn trầu, ông làm như vô ý nhổ nước trầu đầy áo cô gái. Cô ta la lên, gọi lính tới bắt giải ông vào dinh đốc học. Quan lớn hỏi:
- Anh là học trò mà nghịch vậy à? Làm bẩn áo người ta thì phải đền.
Nguyễn Công Trứ chắp tay thưa:
- Tôi là học trò nghèo, con quan Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn. Dạ, vì có việc vội... dạ chỉ vô ý.
Đốc học vốn nghe tiếng hay chữ của cậu ấm con Đức Ngạn hầu rồi, nghĩ buộc tội cũng phải nể mặt cha nên nói:
- Đã là học trò con dòng cháu giống, anh đã tự ra đề thì lấy đề “Trời mưa ướt áo” làm bài thơ ta coi.

Nguyễn Công Trứ liền đọc ngay:

Thoắt chốc tai nghe một tiếng ồ,
Dần dần ngoài cửa mới đưa vô.
Tưởng rằng gió cuốn màn mây lại,
Ai ngỡ trời tuôn lộc nước cho.
Khi nãy nắng nôi ra thế ấy,
Bây giờ mát mẻ biết chừng mô!
Hỡi người ướt áo đừng năn nỉ,
Có rứa rồi ra mới được mùa!

Quan đốc vốn thích thơ, khen hay, chẳng những tha tội cho Nguyễn Công Trứ mà còn thưởng tiền nữa, quên đi cả ý thơ tinh nghịch, nhất là hai câu cuối chọc con gái mình.

Bưng miệng thế gian


Trước khi từ giã kinh thành Huế để về quê nhà tịnh dưỡng, Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng ngồi trên một cỗ xe có con bò cái kéo, cổ đeo lục lạc ngựa long nhong đến từng nhà từ giã bạn bè.
Khi đến nhà Hà Tôn Quyền – vị đại thần trước kia đã từng dèm pha gây cho ông nhiều bước thăng trầm lận đận, Nguyễn Công Trứ lấy một cái mo cau, chép một bài thơ buộc vào phía sau đuôi bò, che... lại. Thiên hạ xúm lại xem, rúc rích cười khiến họ Hà thêm tò mò. Nguyễn Công Trứ gạt mọi người và úp sấp mo cau lại. Hà Tôn Quyền đòi coi cho kỳ được, sấn lại, lật ngửa tấm mo cau lên. Hoá ra trên mo cau có bài thơ:
Xuống ngựa lên xe lọ tưởng nhàn
Lợm mùi giáng chức với thăng quan
Điền viên dạo chiếc xe bò... cái
Sẵn tấm mo bưng miệng thế gian.

Hà Tôn Quyền đỏ ngay mặt, hiểu ra là Nguyễn Công Trứ xỏ mình, “miệng thế gian” hay dèm pha có khác chi miệng họ Hà.
Giai thoại kể rằng: Một hôm trên đường đi học, khi gặp một quan võ kéo quân đi qua nhưng Trứ không chịu tránh nên bị lính hạch tội. Ông quan võ nọ bắt Trứ vịnh một bài thơ, nếu không sẽ bị đòn. Trứ thản nhiên đọc ngay bài thơ "chơi chữ":
Đoán xem văn võ cả hai hàng
Bên văn sang bên võ cũng sang
Dù tía, võng xanh văn đủng đỉnh
Gươm vàng, thẻ bạc võ nghênh ngang
Võ thét oai hùm dẹp bốn phương
Gặp hội thái bình văn trước võ
Võ đâu dám sánh khách văn chương!

Cậu trò nghèo tài "chơi chữ", với hai câu kết đã làm cho ông quan võ thấy mình bị coi khinh là võ biền kém cỏi không bằng "khách" văn chương, liền bảo quân lính phết cho Trứ mấy roi để ra oai, nhưng rồi cũng thưởng cho Trứ mấy nén bạc vì tài đối đáp.

Một bận khác có việc đi đường xa, trời rét, Trứ ghé quán nước bên đường nghỉ lại, lại bất ngờ gặp đại binh của tả quân Lê Văn Duyệt đi qua. Mọi người đều dẹp hết, né xa, riêng Trứ vẫn đắp chiếu nằm ngủ giữa ổ rơm. Tả quân Lê Văn Duyệt thấy lạ, bảo lính đánh thức dậy, thấy đó chỉ là một học trò nho nhã, liền bắt ông vịnh cảnh "nằm ổ rơm đắp chiếu", nếu hay sẽ được tha. Nguyễn Công Trứ liền ứng khẩu rất nhanh:
Ba vạn anh hùng đè xuống chiếu
Chín lần thiên tử đội lên rơm
Cái hay tinh tế của lối chơi chữ đối đáp của Trứ ở chỗ chỉ “rơm” là "anh hùng rơm", còn “chiếu” ứng với "chiếu chỉ" của nhà vua... Tả quân Lê Văn Duyệt vừa khen hay, vừa thưởng tiền cho Trứ...


Năm 1819, Nguyễn Công Trứ đậu giải nguyên, ra làm quan dưới các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới triều đại nhà Nguyễn, là một vị quan hay văn, giỏi cả võ, lập nhiều công lao. Ông là một viên quan thanh liêm, nên vẫn nghèo. Khi Hà Tôn Quyền làm Thượng thư bộ Lại, Nguyễn Công Trứ chỉ là "hạ quan" hầu việc trong dinh, nhưng có tài. Tôn Quyền "hiềm khích", một hôm nói với Nguyễn Công Trứ: "Tôi có ra một câu đối thử bọn trẻ trong nhà mà chúng không đứa nào đối được...". Nguyễn Công Trứ biết Tôn Quyền muốn "chọc" mình, nên "lễ phép" hỏi lại: "Bẩm câu gì ạ?". Tôn Quyền nói, câu này là: "Quân tử ố kỳ văn chi trú"-ngầm ý mỉa mai: người quân tử ghét... ông Trứ hay văn...

Nguyễn Công Trứ hiểu là Tôn Quyền chơi xỏ mình, liền trả lời: "Để tôi đối thử câu này... là "Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền". Nguyễn Công Trứ dùng lối chơi chữ, ý nói bất đắc dĩ lắm nhà vua mới dùng Tôn Quyền làm quan chứ có quý hóa gì. Tôn Quyền ấm ức mãi...


Nguyễn Công Trứ không chỉ là vị quan văn - võ đều giỏi mà còn là vị doanh điền sứ nổi tiếng đã có công lao to lớn tổ chức khai khẩn đất hoang thành lập ra hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn cùng hai tổng Hoành Thư và Đinh Nhất (Nam Định). Nhân dân trong vùng ghi nhớ công ơn to lớn ấy, đã lập đền thờ cụ ngay khi cụ còn sống cũng như sau này.
Đền Nguyễn Công Trứ có những nét độc đáo mà rất ít đền thờ trong cả nước có được như:


- Đây là đền thờ làm từ 1 ngôi nhà do chính Nguyễn Công Trứ xây dựng và đã ở đó một thời gian.
- Đền thờ được xây dựng từ khi Nguyễn Công Trứ còn sống - đền thờ sống - đã tế sống Nguyễn Công Trứ ở đây.
- Một đền thờ rất hiếm có vì những người dân không theo tôn giáo nào, không kể Phật giáo hay Công giáo đều đến tế lễ.

Đền Nguyễn Công Trứ có tên là Truy Tư Từ thờ Nguyễn Công Trứ, ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Kiến trúc đền không có gì đặc biệt nhưng đây là đền thờ Doanh điền Nguyễn Công Trứ, người có công khai sinh lập ra huyện Kim Sơn năm 1829. Đền này được lập ngay từ lúc ông còn sống.

ĐỀN THỜ NGUYỄN CÔNG TRỨ
Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ là lễ hội lớn nhất của cư dân huyện mới ven biển Kim Sơn tỉnh Ninh Bình để ghi nhớ công ơn của Doanh điền Nguyễn Công Trứ - người đã chiêu dân khai hoang lấn biển lập ra huyện Kim Sơn (núi vàng) của Ninh Bình và Tiền Hải (biển bạc) của Thái Bình. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 tháng 11 đến 16 tháng 11 âm lịch hàng năm để tưởng niệm ngày mất của ông.
Đền thờ Nguyễn Công Trứ nằm bên quốc lộ 10, cách thị trấn Phát Diệm 2km, thuộc xã Quang Thiện, Kim Sơn.
Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Ninh Bình, Thái Bình và Hà Tĩnh đều có điểm chung là được nhân dân xây dựng từ khi ông còn sống nhưng mãi tới những năm đầu thế kỷ 21 thì tượng ông mới hoàn thành và rước về 3 đền. Tất cả 3 ngôi đền đều được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Phần lễ: Dâng hương tại đền thờ Nguyễn Công Trứ xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn. Thường có sự tham gia của nhiều làng trong huyện Kim Sơn. Điều độc đáo là lễ hội có sự tham gia của cả người lương và giáo với những nghi thức khác nhau.
Phần hội: Tổ chức trò chơi đua thuyền trên nhánh sông Vạc, một đặc trưng của lễ hội cư dân đồng bằng ven biển. Phần hội còn có phần thi hát ca trù, loại hình dân ca liên quan nhiều đến Nguyễn Công Trứ.


Ông đã để lại nhiều tác phẩm thơ văn, chủ yếu viết bằng chữ Nôm, đặc biệt là 60 bài hát nói, một thể đặc sắc trong ca trù hiện đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thế giới.

Tối 19/9 tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu và truyền bá Minh Triết Việt (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức lễ tưởng niệm 150 năm ngày mất của Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ.


Nguyễn Công Trứ (1778-1858) - nhà trí thức lớn của Việt Nam, quê ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Sinh thời,
ông đậu Giải Nguyên (1819), làm rất nhiều chức vụ trong triều: Tri huyện, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Thượng thư, Tổng đốc, nhiều lần bị giáng chức rồi lại được phục chức…
Tưởng niệm 150 năm ngày mất của Nguyễn Công Trứ
Ông nổi tiếng là người đa tài, là tác giả công trình khai hoang, làm thuỷ lợi tập xóm làng tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình). Nhân dân biết ơn đã lập đền thờ ngay khi ông còn sống. Ông đã để lại nhiều tác phẩm thơ văn, chủ yếu viết bằng chữ Nôm. Đặc biệt, với 60 bài hát nói, ông trở thành người định hình và đưa thể hát nói, một thể đặc sắc trong ca trù - loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam lên đỉnh cao. Hiện ca trù đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và truyền bá Minh Triết Việt nhấn mạnh: “Nhân dân Việt Nam đời đời nhớ công ơn của ông, giới trí thức hôm nay coi ông là tấm gương của một nhân cách cao quý và đẹp đẽ. Giới trẻ cần tìm học ở ông những bài học làm người sáng giá. Qua cuộc đời và thơ văn của ông, hậu thế nhận ra ở ông mẫu hình kẻ sĩ muôn đời. Ông là người luôn khẳng định và đề cao cá nhân và tự do thật trái ngược hẳn trật tự của xã hội Nho giáo đương thời. Ông khẳng định một giá trị lớn của đời người là phải làm đầy đủ trách nhiệm cá nhân trong xã hội”.

Nói về Nguyễn Công Trứ, Giáo sư Nguyễn Đình Chú, khoa ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu rõ: “Nguyễn Công Trứ không phải là một đại anh hùng cứu quốc, một nhà tư tưởng lớn, một học giả lớn… nhưng ở Nguyễn Công Trứ là “sự lên ngôi của cái tôi - cá thể” hiếm và trội mang giá trị nhân bản chân chính. Hát nói là một thể loại đặc biệt ở tính chất tổng hợp, nguyên hợp giữa các yếu tố: văn chương, thanh nhạc, vũ đạo và sắc dục đang ở độ tinh khiết, thanh tao. Thưởng thức hát nói chính là thưởng thức thành quả nghệ thuật nguyên hợp đó”.

Sau lễ tưởng niệm, những người tham dự được thưởng thức ca trù của Nguyễn Công Trứ do phường ca trù Thái Hà biểu diễn. Cuối tháng 11/2008, tại Hà Nội sẽ diễn ra “Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Công Trứ” và lễ kỷ niệm 230 năm ngày sinh, 150 năm ngày mất của Uy viễn Tướng công./.
Cám ơn sự chú ý của tất cả các bạn !!!
Chân thành cảm ơn !!!
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Mai Thanh Tùng
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)