Nấm rơm

Chia sẻ bởi Lê Hằng | Ngày 27/04/2019 | 63

Chia sẻ tài liệu: nấm rơm thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

NẤM RƠM
Sinh viên: Lê Thị Hằng
Lớp: K42- CNSH
MSV: DTN1053150012
I. ĐẶT VẤN ĐỀ.
Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu có bước phát triển nhảy vọt ở nhiều nước nhất là Trung Quốc – một nước có hoàn cảnh kinh tế - xã hội không sai khác nhiều so với nước ta. Nước ta là một nước nông nghiệp với nguồn phế phụ phẩm giàu chất xơ, tỉ lệ nông dân chiếm phần lớn dân số, lại có nhiều thời gian nhàn dỗi. Nước ta có nhiều vùng khí hậu khác nhau vì vậy có thể trồng nấm quanh năm với hàng chục loại nấm ăn và nấm dược liệu khác nhau. Trong đó, nấm rơm là một loại nấm đang được nuôi trồng rất phổ biến và đem lại giá trị kinh tế cao ở nước ta. Nấm rơm không chỉ là loại thực phẩm thơm ngon mà con mang lại giá trị dinh dưỡng rất cao.
1. Giới thiệu về nấm rơm.
Nấm rơm có tên khoa học là Volvariella volvaceae, là loại nấm khá quen thuộc của nhân dân các nước Châu Á, nhất là Đông Nam Á, chủ yếu là vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trong thực phẩm hằng ngày của người Việt Nam, nấm rơm chiếm một vị trí quan trọng vì tính chất phổ biến, lại dễ chế biến với nhiều loại thức ăn khác để thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng .
Nấm rơm thuộc :
Họ: Pluteaceae.
Bộ: Agaricales.
Lớp: Hymenomycetes.
Ngành: Nấm thật – Eumycota
Giơi: Nấm - Mycota
II. NỘI DUNG
2. Vai trò của nấm rơm.
Nấm rơm là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng đạm chỉ sau thịt, cá. Nấm rất giàu chất khoáng, vitamim (nấm rơm tươi có 200mg vitamin C, cao hơn nhiều so với hàm lượng trong rau) và các axit amin (chiếm 38.2%, cao hơn thịt bò 8,47 lần), hàm lượng tinh bột thấp, rất tốt cho người bị tiểu đường.
- Trong đời sống, nấm có công dụng như: chế biến lương thực thực phẩm phục vụ cho nhu cầu đời sống hằng ngày, là nguồn thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng.
Một số món ăn dùng làm thuốc từ nấm:
+ Nấm rơm xào tôm và rau dền chữa bệnh yếu sinh lý.
+ Nấm rơm nấu với đại táo bồi bổ và tăng cường sức khoẻ.
+ Nấm rơm hầm đậu phụ bồi bổ dạ dày,tì vị suy yếu, chống ung thư.
- Trong sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất.
3. Đặc tính sinh học:
Nấm rơm có nhiều loại khác nhau, có loại màu xám trắng hoặc xám đen. Kích thước của nấm tùy thuộc từng loại.
        Ở các quốc gia vùng nhiệt đới có nhiệt độ rất thích hợp để nấm rơm sinh trưởng và phát triển. Nấm rơm thích nghi phát triển từ 30-350C, độ ẩm nguyên liệu 65-70% (vắt chặt rơm có nước ướt vân tay), độ ẩm không khí 80%, nấm rơm ưa thoáng khí, pH = 7, sử dụng trực tiếp nguồn dinh dưỡng từ cellulose.
4. Hình thái.
4.1.Bao gốc :
Bao nấm là hệ sợi tơ, chứa sắc tố melanin tạo ra màu đen ở bao gốc. Độ đậm nhạt phụ thuộc vào ánh sáng. Ánh sáng càng nhiều bao gốc càng đen.
Lúc nhỏ bao gốc dài và cao, bao lấy tai nấm. Khi tai nấm trưởng thành, nó chỉ còn lại phần trùm lấy gốc chân cuống nấm.
Chức năng:
+ Chống tia tử ngoại của ánh sáng mặt trời.
+ Ngăn chặn sự phá hoại của các loại côn trùng.
+ Giữ nước và ngăn sự thoát hơi nước của các cơ quan bên trong.

4.2.Cuống nấm:

Là bó hệ sợi xốp dài xếp theo kiểu vòng tròn đồng tâm . Khi còn non thì mềm và giòn, nhưng khi già thì xơ cứng lại và khó bẻ gãy.
Vai trò của cuống nấm là:
+ Đưa mũ nấm lên cao.
+ Vận chuyển chất dinh dưỡng để cung cấp cho mũ nấm.



4.3. Mũ nấm:
Mũ nấm hình tròn, có chứa melanin, nhưng nhạt dần từ trung tâm ra dìa mép. Phía dưới mũ nấm có rất nhiều phiến, xếp theo vòng tròn đồng tâm.
Mũ nấm rất giàu dinh dưỡng, giữ vai trò sinh sản.
Phiến nấm lúc non thì có màu trắng, khi tai nấm trưởng thành thì phiến chuyển sang màu hồng, đó là màu của đảm bào tử.
5. Đặc điểm.

Quả thể: mềm, hình tán, có bao gốc, mọc trên rơm rạ hoặc đất nhiều mùn.
Không có khả năng quang hợp.
Sống hoại sinh, dự trữ đường dưới dạng glycogen.
Sinh sản bằng bào tử, lấy chất dinh dưỡng thông qua màng tế bào sợi nấm.
Màng tế bào chủ yếu là kitin, ngoài ra còn có pectin nhưng không có cellulose.
Số lượng NST trong tế bào ít, thường là 2-4-6.
Phiến nấm lúc non thì có màu trắng, khi tai nấm trưởng thành thì phiến chuyển sang màu hồng thịt, đó là màu của đảm bào tử.

Phía đầu của bào tử đảm có một lỗ nhỏ, là nơi để ống mầm chui ra. Bên trong chứa nguyên sinh chât, nhân, và một số giọt dầu.
6. Phân loại :
Nấm rơm có nhiều loại nhưng phổ biến là :Volvariella esculenta, Volvariella volvacea. Ngoài ra còn có : Volvariella bombycina, Volvariella speciosa.
6.1.Volvariella volvacea :
Mũ nấm màu nâu sẫm có hình elip. Cuống nấm màu trắng. Vỏ bọc rộng và có nhiều thịt, màu nâu hoặc xám, nhỏ gọn, cò mùi của của củ cải. Thường sống hoại sinh trên chất thải nhà máy. Trồng nhiều ở các nước Châu Á.
6.2. Volvariella esculenta :
Được trồng nhiều ở Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam…
Hình dạng tương tự Volvariella volvacea nhưng mũ có màu trắng hơi vàng.
Có chất lượng tốt.
7. Điều kiện sống.
Nấm rơm rất nhạy cảm với yếu tố môi trường, bao gồm nhiệt độ, ánh sáng, nước, không khí. .
7.1. Nhiệt độ:
Nhiệt độ thích hợp nhất là 30-350C và tối thích là 320C.
Ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng (ra tơ) và phát triển (ra quả thể) của tai nấm rơm. Trong lúc nấm kết nụ hoặc quả thể đang hình thành, nhiệt độ thay đổi đột ngột (lên hoặc xuống), nấm sẽ chết hàng loạt.
Ảnh hưởng của nhiệt độ lên nấm rơm
7.2. Ánh sáng:
Đối với nấm rơm, ánh sáng rất cần ở giai đoạn hình cầu sang hình trứng. Ở giai đoạn này nếu thiếu ánh sáng quả thể sẽ có màu trắng hay màu xám. Vitamin E sẽ giảm hoàn toàn, vitamin D không có, sắc tố melanin không hình thành. Tuy nhiên, cường độ ánh sáng giữ liên tục từ 2.500 lux trở lên trong 4h, nấm chết 100%.
7.3. Nước:
- Chi phối toàn bộ hoạt động sống của nấm, ngoài vấn đề dư nước hoặc thiếu nước, thì tính chất của từng loại nước rất quan trọng (nước phèn, nước mặn, nước nhiễm bẩn vi sinh hoặc hóa học,...).
 
- Tơ nấm bị nước phèn thì mọc chậm, thưa, đầu sợi tơ sẽ cong lại, tai nấm sẽ dị hình tạo dạng bông cải hoặc chết non.
 
- Nước nhiễm mặn: làm cho sự tăng trưởng và phát triển của nấm khó khăn hơn, tơ nấm đổi màu, rối bông, không hình thành quả thể.
Nấm màu xám
Nấm màu trắng
III. PHƯƠNG PHÁP TRỒNG NẤM RƠM :
1. Thời Vụ Trồng Nấm Rơm :
Miền bắc: từ 15/4 – 15/9
  Khí hậu nước ta, nhất là các tỉnh phía Nam, không có mùa đông kéo dài, mà chỉ có hai mùa mưa, nắng rõ rệt, rất thích hợp cho trồng nấm rơm quanh năm. Tuy nhiên, do đặc điểm về qui trình, nguồn nguyên liệu và nhu cầu thị trường, mà việc trồng nấm rơm vẫn còn mang tính thời vụ.
         Qui trình trồng nấm rơm hiện nay chủ yếu ngoài trời, nên vào những mùa mưa hoặc những tháng cuối năm gió lạnh, thì việc chăm sóc nấm khó hơn. Vì vậy, thời điểm này số người trồng giảm xuống, ảnh hưởng nhiều đến sản lượng nấm cho chế biến.
2. Địa điểm để trồng nấm rơm :
      Với phương pháp trồng ngoài trời có thể tận dụng mọi diện tích, mô nấm có thể chất dọc lối đi, trong vườn, mặt ruộng…
Việc lựa chọn địa điểm trồng nấm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, khí hậu, hướng gió hướng nắng, mùa và thời tiết mà chọn mặt bằng tương ứng cho việc xếp mô
3. Nguyên liệu và xử lí nguyên liệu:
3.1. Nguyên liệu:
Do nấm thường tìm thấy mọc trên rơm hoặc rạ, nên quen gọi là nấm rơm. Tuy nhiên, nấm rơm cũng có thể trồng trên nhiều loại nguyên liệu khác có thành phần chất xơ (cellulose) như: bã mía, bẹ chuối khô, một số loại cỏ khô.... Trong trường hợp, mạt cưa đã hoai (mục) cũng có thể làm nguyên liệu cho trồng nấm rơm. 


3.2. Xử lí nguyên liệu:
Chọn rơm rạ đã phơi khô, sach, không bị mốc, bị nhũn nát.
Tạo bể ngâm rơm rạ và cho 3,5-4 kg vôi tôi với 1000 lít nước rồi cho rơm rạ vào ngâm, dẫm cho rơm rạ chim trong nước vôi khoảng 3-5 phút, nguyên liệu chuyển sang màu vàng nhạt, ngậm đủ nước và sạch vớt lên giá gỗ để ráo nước trong khoảng 3-5 phút. Trong quá trình làm nhiều lần có thể bổ sung vôi theo tỷ lệ trên.








Sau khi rơm rạ ráo nước thì xếp lên kệ có kích thước chiều rộng 1,5m; chiều cao 1,5m; chiều dài tuỳ theo khối lượng nguyên liệu. Mục đích của kệ là để rơm rạ được thoát nước ra ngoài, tạo độ thông thoáng cho đống ủ. Giữa đống ủ có một cột để thông khí, thoát khí độc trong quá trình ủ nguyên liệu. Đống ủ được nén chặt, quây nilon xung quanh buộc chặt và che mưa trên đỉnh đống ủ (Thời gian ủ từ 3 - 4 ngày).
Sau 3-4 ngày di chuyển toàn bộ đống ủ ra cho hả hết hơi nóng, chia đống ủ ra 2 phần:
+ Phần 1: Toàn bộ phía ngoài, nóc của đống ủ ra một bên.
+ Phần 2: Toàn bộ giữa đống .
Kiểm tra độ ẩm: lấy 1 ít rơm dùng 2 tay vắt mạnh ngược chiều nhau nếu thấy nước chảy từng giọt đứt quãng là được.
Xếp nguyên liệu vào kệ đống ủ: Phần 2 cho ra phía ngoài. Phần 1 cho vào giữa đống ủ. Dùng tay ấn thật chặt. Sau đó quây nilon buộc chặt. Ủ 2-3 ngày nữa là được.

Mục đích đảo nguyên liệu: Tạo độ đồng đều giữa các lớp nguyên liệu và điều chỉnh độ ẩm.
Trong quá trình ủ cần kiểm tra độ ẩm của rơm độ ẩm đạt 65%. Khi thấy phần nguyên liệu độ ẩm quá cao (khi dùng tay vắt nước thấy nước chảy thành dòng) ta tiến hành rũ tơi đống ủ sao cho lượng nước trong đống ủ giảm đi, hong tới đâu ta đóng mô tới đó, thời gian hong nguyên liệu từ 5-10 phút. Nếu thấy nguyên liệu quá khô, thì cần bổ sung thêm nước.
- Rơm rạ có mùi thơm dễ chịu, màu vàng sáng, mềm là đạt yêu cầu.

Một số công thức phối trộn nguyên liệu trồng nấm rơm [1]:
1. Rơm rạ: 90%, cám gạo: 7%, vôi: 3%.

2. Lõi ngô nghiền: 98%, urê: 1%, supe lân: 1%.

3. Bông phế liệu: 250kg, rơm rạ : 250kg, vôi: 7,5kg.

4. Bã mía: 450kg, cám gạo: 35kg, supe lân: 5kg, vôi: 2,5kg, thạch cao: 5kg.
4. Đóng mô cấy giống
Có hai kiểu xếp mô: mô luống và mô khối.
4.1. Mô luống :
          Rơm sau xử lý được xếp thành từng lớp, thường cấy ba hoặc bốn lớp giống. Mỗi lớp vừa tưới nước, vừa nén nhẹ, sau đó cấy giống. Giống cấy thành từng điểm, riêng lớp trên cùng trải rộng đều khắp trên bề mặt, cách bìa mô từ 4-5cm và mỗi lớp cách nhau khoảng 10 cm. Sau đó phủ một lớp rơm rạ lên để che lớp giống mới rắc.
Chiều cao luống khoảng 0,4m, bề ngang luống trung bình khoảng 0,4m.
mô nấm và cấy giống nấm rơm
4.2. Mô khối :

       Khuôn trồng nấm rơm được làm bằng gỗ hoặc tôn có cấu tạo khối hình thang cụt, mặt trong phẳng có kích thước như sau:
+ Chiều rộng đáy dưới: 0,4m. + Chiều rộng dáy trên 0,3m.
+ Chiều dài đáy dưới: 1,2m. + Chiều dài đáy trên: 1,1m.
+ Chiều cao khuôn: 0,4m.
Có thể điều chỉnh chiều dài của khuôn nhưng không điều chỉnh chiều cao và chiều rộng của khuôn.
4.3. Cấy giống:
Yêu cầu về giống nấm:
Giống không non quá, già quá ( giống già quá là xung quanh túi giống xuất hiện một lớp màng rất dày,giống non quá là lớp màng chua bao phủ hết túi giống).
Giống không bị nhiễm bệnh ( giống bị nhiễm thì xuất hiện màu đen, xanh, vàng hoặc nhiễm khuẩn).
Giống đúng độ tuổi ( là khi lớp màng bao phủ khắp túi giống 2 ngày thi ta tiến hành cấy là tốt nhất).
Khi cấy giống cần trải một lớp rơm rạ dày khoảng 10-12cm, lấy giống nấm đã bẻ tơi hoặc giống trên rơm cấy một đường giống xung quanh cách mép khuôn 3-5cm, cho lớp rơm thứ hai vào khuôn và cấy giống tiếp đến khi cấy đủ 3 lớp giống, lớp thứ 4 rắc giống đều khắp bề mặt mô, dùng một lớp rơm dày 3-4cm đậy lên trên cùng, ép nhẹ cho phẳng, nhấc khuôn ra.
Lượng giống cấy cho một mô rơm khoảng 200-250gram.
Trung bình một tấn rơm trồng được 70 mô nấm là vừa.
Chiều cao mô tùy theo mùa: mùa lạnh thì chất mô cao (nhiều lớp hơn) để giữ nhiệt, ngược lại mùa nóng chất mô thấp (ít lớp hơn). 
       



5. Đối với trồng nấm ngoài trời cần đốt mô và làm áo.
Sau khi chất xong, thường phải phơi mô một đến hai nắng để tránh bề mặt mô bị quá ướt, tránh dễ phát sinh mốc hoặc nấm dại. Sau đó phủ lên lớp rơm vụn, khô và đốt. Khi mô đốt cần phải chuẩn bị nước để tránh cháy lan ảnh hưởng tới giống. Tro than được quét tấp vào 2 bên thành mô. Đốt mô có tác dụng vệ sinh mặt ngoài của mô nấm giúp giữ ấm và ẩm, cung cấp khoáng cần thiết cho tơ
       
6. Chăm sóc và thu hái :
Tùy thuộc địa điểm trồng trong nhà hay ngoài trời (sân bãi, dưới tán cây, đồng ruộng,…) mà cách thức chăm sóc sẽ khác nhau.
 6.1. Trồng trong nhà:
Sau 3-5 ngày đầu không cần tưới nước, những ngày tiếp theo quan sát bề mặt mô nấm thấy rơm rạ khô cần phun nhẹ nước trực tiếp xung quanh. Chú ý phải tưới nước khéo, nếu tưới mạnh (hạt nước lớn) dễ làm sợi nấm tổn thương, ảnh hưởng tới năng suất vì lúc này sợi nấm đã phát triển ra tận phía ngoài thành mô. Đến ngày thứ 7-8 bắt đầu xuất hiện nấm con (giai đoạn ra quả), 3-4 ngày sau nấm lớn nhanh to bằng quả táo, quả trứng, vài giờ sau nấm có thể sẽ nở ô dù.
 Nấm ra mật độ dày, kích thước lớn cần tưới 2-3 lượt nước cho một ngày. Lượng nước tưới một lần rất ít (0,1 lít cho 1,2 mét mô/ngày). Nếu tưới quá nhiều nấm dễ bị thối chân và chết ngay từ lúc còn nhỏ.


6.2. Trồng ngoài trời:
Đóng mô nấm ngoài trời thường bị các đợt mưa lớn, nắng nóng làm hư hỏng, vì thế cần che phủ thêm một lớp rơm rạ khô trên bề mặt mô nấm. Lớp rơm rạ này còn tốt, xếp theo một chiều, phủ theo kiểu lợp mái nhà. Chiều dày 4-5 cm. Tất cả các bề mặt của những mô ở mép ngoài khu vực trồng cũng cần che phủ bằng lớp rơm phủ áo, kiểm tra nếu thấy mô nấm bị khô có thể tưới trực tiếp lên lớp áo phủ nhiều lần trong ngày, sao cho lớp rơm phía ngoài của mô nấm không bị mất nước.
 Để tránh mưa và tiện cho việc chăm sóc mô nấm, có thể cắm các cọc tre, cách mặt mô nấm 10-15cm, phía ngoài bọc một lớp nylon, phía trên cùng phủ rơm rạ khô càng tốt.
Nhiệt độ mô nấm trong những ngày đầu khoảng 38-40oC là tốt nhất. Việc tưới nước tương tự như với nấm trồng trong nhà.
 6.3. Thu hái
Nấm rơm phát triển rất nhanh, khi phát triển ta theo dõi nấm hình quả trứng phát triển trong ngày, ra tới đâu thu hái ngay tới đó. Gặp thời tiết thuận lợi ta nên thu hái từ 2 đến 3 lần trong ngày.
Khi phát hiện nấm mọc thành cụm, ta chú ý những quả nào to thì hái trước. Dùng tay giữ mô nấm không ảnh hưởng tổn thương cho những quả nấm còn nhỏ bên cạnh. Một tay nắm vào quả nấm và xoáy sao cho phần chân nấm được nhổ lên cùng với quả nấm, nếu còn sót phần chân nấm phải dùng tay lấy hết phần chân nấm còn dính lại trong mô nấm. Khi thu hái ta phải nhẹ tay, không được để nấm rơi xuống đất. Thu hái đến đâu ta phải dùng dao sắc cắt ngay toàn bộ phần chân nấm còn dính tạp chất.
Khi thu hái hết nấm đợt 1 cần nhặt sạch tất cả các “gốc nấm” và “cây nấm nhỏ” còn sót lại, dùng nilon phủ lại cho đến khi nấm ra thì gỡ bỏ. Ngừng 3-4 ngày sau đó tưới trở lại như ban đầu, để tiếp thu đợt 2. Sản lượng nấm thu hái tập trung đến 70-80% trong đợt đầu, đợt 2 còn lại 15-25%.

7. Bảo quản:
Sấy nấm:
Rửa sạch nấm, để róc nước, dùng dao cắt từng lát tùy theo quả thể to hay nhỏ nhưng độ dàyphải đạt từ 0,5cm trở lên. Nếu trời nắng nóng ta mang chúng ra phơi từ 3-4 nắng là được. Nếu thời tiết ẩm ướt mưa nhiều thì cho vào sấy. Sấy ở nhiệt độ từ từ sao cho nhiệt độ ổn định đạt từ 40-450C đến khi nấm khô ròn, độ ẩm chỉ còn lại từ 12-13% là được. Cứ 10kg nấm tươi khi sấy khô ta thu lại được 1 đến 1,2kg nấm khô.
Muối nấm:
Nấm rửa sạch, để ráo nước, đun nước sôi thả nấm vào chần từ 5-7 phút, vớt ra ngâm nước lạnh, sau đó đổ nấm ra rổ và để ráo nước. Dùng chum vại, can nhựa... cứ một lớp nấm ta cho một lớp muối (tỷ lệ 1kg nấm ta cho 0,3kg muối khô hạt nhỏ + 0,2 lít nước muối bão hòa). Khi hết số nấm ta dùng một lớp muối khô rắc phủ kín trên mặt, để nấm được chìm trong muối.


  So sánh giữa 2 phương pháp trồng nấm trong nhà và ngoài trời:
Trồng nấm trong nhà:
Ưu điểm: Năng suất cao gấp đôi so với trồng ngoài trời, nấm sạch có chất lượng cao. Không phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết.
Nhược điểm:
Với rơm rạ, người trồng khó trồng nấm rơm lâu dài trong cùng nhà trồng, thì dễ bị tạp nhiễm.
Đòi hỏi phải có đầu tư về kĩ thuật, trang thiết bị và nhà trồng.
Giá thành cao .
Trồng nấm ngoài trời:
Ưu diểm: Trồng phổ biến, đơn giản, kĩ thật dễ thực hiên, vốn đầu tư thấp.
Nhược điểm: năng suất và chất lượng không cao.
Chịu ảnh hưởng và phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết.
IV. LỢI ÍCH CỦA VIỆC TRỒNG NẤM RƠM ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG :

Giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường do đốt, ủ rơm rạ sinh ra khí CO2 , CH4…
Trồng nấm rơm lãi khá cao, theo tính toán, sử dụng 1 tấn rơm rạ (tương đương với 1/2 ha làm lúa thải ra) cho sản phẩm từ 80-100 kg nấm thương phẩm.
Trồng nấm rơm xong ta có thể tận dụng phụ phẩm của nó để làm phân hữu cơ
Phân hữu cơ từ phế thải trồng nấm được sử dụng để trồng hoa màu và cây ăn trái .

Tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm nấm rơm :
V. KẾT LUẬN :

Hiện nay, trước những thách thức và cơ hội mới đối với việc trồng nấm nói riêng, phát triển nông nghiệp và nông thôn nói chung, việc trồng nấm theo hướng sản xuất hàng hóa đã và đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm và chú trọng đẩy mạnh phát triển. Trong đó, nấm rơm đang được phát triển rất mạnh ở nước ta vì nấm sinh trưởng nhanh, nguyên liệu để sản xuất rẻ tiền, dễ kiếm, dễ sử dụng, kĩ thuật sản xuất và chế biến không phức tạp, không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư. Nấm rơm có những lợi ích rất lớn trong đời sống của chúng ta.có thể sử dụng nấm rơm thay cho thịt cá trong mỗi bữa ăn hay cũng có thể kết hợp nó với thịt cá để chế biến thức ăn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Lân Dũng(2009), Công nghệ nuôi trồng nấm, NXB Nông nghiệp Hà Nội.
2. Nguyễn Hữu Đống(2005), Nấm ăn - cơ sở khoa học và công nghệ nuôi trồng, NXB Nông nghiệp Hà Nội.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Lê Hằng
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)