Lối thoát cho giáo viên hợp đồng

Chia sẻ bởi Đồng Cảnh Ngộ | Ngày 02/05/2019 | 47

Chia sẻ tài liệu: Lối thoát cho giáo viên hợp đồng thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:


Bế tắc, mù mịt, vô vọng, nghèo khổ, bức xúc, chán trường, chua xót, tủi cực, đau đớn, bị khinh miệt, chê bai....ngừng ấy từ có lẽ cũng chưa đủ để diễn tả hết những nỗi thống khổ của giáo viên hợp đồng chúng tôi.
Ấy vậy mà tôi còn được cho là may mắn hơn rất nhiều người khác bởi vì còn xin được hợp đồng hay còn chưa bị cắt hợp đồng. Cái từ “hợp đồng” đấy nghe nó chênh vênh và mong manh như chính những đồng lương ít ỏi mà chúng tôi được nhận. Ngay cả giáo viên công chức rồi đồng lương còn chẳng bõ bèn gì, tính ra giáo viên mới công chức thu nhập còn chưa bằng mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước. Thế mà giáo viên hợp đồng chúng tôi cũng phải đứng lớp, chủ nhiệm như bất kì giáo viên nào khác nhưng lương chỉ chưa bằng một nửa so với họ. Chỉ riêng có giáo viên mầm non là được hưởng chế độ lương cao hơn vào khoảng 2,5 đến 4 triệu/tháng mà chỉ cần bằng trung cấp tại chức mầm non là được.
Giáo viên hợp đồng-tương lai đi về đâu
F
Lối thoát cho giáo viên hợp đồng
Trong khi chúng tôi là những người được đào tạo bài bản theo kế hoạch của nhà nước, được khoác lên mình cái từ trí thức vậy mà không được tạo lập cho một tương lai sáng sủa lại còn bị vùi dập trong đêm trường tăm tối của cái thời đại kim tiền gọi là “ Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.Tôi thiết nghĩ công tác khuyến học, khuyến tài hiện nay đang như hoa nở rộ giữa mùa xuân nhưng liệu nó có mang ý nghĩ thiết thực không và có thực sự có tác động tốt tới thế hệ trẻ hay cũng chỉ là một căn bệnh thành tích khi mà những tấm bằng đại học, cao đẳng có được từ biết bao tâm huyết, trí lực của các em và cả những đồng tiền thấm đẫm bao mồ hôi, nước mắt của các đấng sinh thành để rồi nó được xếp xó ở nơi góc tủ nếu không có tiền đủ – cơ mạnh xin việc.Chúng tôi,những con người được nhà nước, nhân dân và xã hội tôn vinh gọi bằng cái từ trìu mếnvà đầy cao quý “Người lái đò”.Vậy mà chính con thuyền chở tương lai của cuộc đời mình tôi lại bơ vơ không biết đánh tay chèo về đâu để neo đậu bến. Ở Hoài Đức ( Hà Nội), là giáo viên thcs – một cái nghề mà ở quê tôi mọi người đều rất quý trọng và tôn sùng( nếu là giáo viên biên chế).Còn tôi ra trường đã mấy năm, lại là môn đang rất thiếu nhưng vì hai chữ “hợp đồng” mà tôi vẫn phải cúi mặt ngậm ngùi mỗi khi có người hỏi han về công việc.
Trong vài năm giảng dạy tôi đã từng được thanh tra cấp trên đánh giá tốt về chuyên môn, vậy mà hai lần đi thi đau đớn thay tôi bị đánh bật bởi một đối thủ vừa mới ra trường. Trước đây, tôi luôn hi vọng là mình sẽ may mắn bởi môn của tôi còn rất thiếu không như môn toán, văn, anh, nhưng qua vài lần thi và tìm hiểu thực trạng hiện nay tôi chợt nhận ra điều đó là không tưởng. Những môn như: Giáo dục công dân, công nghệ, địa, sử, thể dục, hoạ nhạc các trường gần như đều thiếu nhưng có huyện thi cũng chỉ lấy rất ít, còn Hoài Đức tôi thì chưa lần nào tuyển giáo viên thcs có thể là do tổng biên chế đã thừa. Hàng năm môn thiếu không tuyển dụng, môn thừa rồi vẫn cứ chuyển về, thế là một giáo viên có khi phải dạy trái chuyên môn tới hai môn, còn có trường thừa đến 1/3 số giáo viên mà vẫn tiếp tục nhận thêm về nên một giáo viên chỉ phải dạy có 7 đến 8 tiết/tuần. Thử hỏi ở trên không tuyển dụng đến lượt chúng tôi vào công chức vì chuyên môn chúng tôi chưa đủ mạnh thì việc để giáo viên dạy trái môn chẳng nhẽ họ lại có chuyên môn vững hơn chúng tôi chăng hay vẫn để chúng tôi đứng lớp với vị trí là hợp đồng thì sẽ đảm bảo chất lượng hơn chăng. Tất cả chúng tôi ai cũng có thể tự hiểu và thực tế đã có rất nhiều người bảo tôi “ không có tiền nhiều , không có cơ mạnh, đừng hòng mơ đỗ”.
Trước đây dù lương ít nhưng chúng tôi vẫn cố gắng xin được hợp đồng vì lòng yêu nghề,vì muốn nâng cao chuyên môn để thi công chức và vì không muốn học xong phải mang tiếng là ngồi nhà ăn bám.Nhưng nay chúng tôi vẫn bám nghề bởi lòng yêu nghề mà thôi chứ giáo viên hợp đồng đi làm còn ăn bám nhiều hơn là ở nhà làm việc khác. Mà chẳng biết cái lòng yêu nghề giữa bộn bề cuộc sống này sẽ còn là động lực để chúng tôi phấn đấu được đến bao giờ. Các vị ngồi trên-những người đã từng là học trò hãy thử nhìn xuống dưới hoặc sống thử một tháng như thầy giáo hợp đồng chúng tôi đã và đang sống thì có lẽ các vị sẽ thấm thía hơn câu: “ Có ăn nhạt mới thương đến Mèo”.
Trong chương trình học ở nhiều môn tôi thấy có nhắc đến nhiều những điều tốt đẹp trong chính sách quan tâm của đảng và nhà nước đến giáo dục nói riêng và đời sống nhân dân nói chung mà chúng tôi cần truyền đạt cho lớp lớp các thế hệ học sinh. Là một người giáo viên phải chuẩn mực và chân thật với học sinh tôi không biết phải truyền đạt những điều đó như thế nào, phải truyền đạt cái gì cho các em trong khi chính chúng tôi và cả học sinh cũng như gia đình các em đang rất bất bình về thực trạng chế độ của xã hội Việt Nam hiện nay.
Tôi đã biết rất nhiều trường hợp ở xung quanh, người thì buôn bán tích cóp, người thì làm đầy tớ của nhân dân nên có cơ mạnh-xe hơi- nhà lầu-đất đai bát ngát-tiền của trạt chi, người thì bán ruộng đất lo cho con một suất công chức khoảng 8000- 10000 USD hoặc hơn thế nữa tuỳ vào cơ mạnh hay yếu, xa hay gần, nội thành hay ngoại thành, chọi nhiều hay ít hay không phải chọi-tức: Một mình một trường( nếu là toán, văn, anh). Ngay cả môn hoạ - nhạc mà ở ngay chỗ tôi ở đã có người chấp nhận bỏ ra 5000 USD để chạy công chức cho con ở một huyện khác cách nhà khoảng 40 km để nhận mức lương khoảng 1600000 đồng/ tháng rồi lại chấp nhận chạy về gần sau.Có trường hợp bạn tôi cũng đã nhiều lần chạy chọt nhưng đều bị thất bại bởi đối thủ lại nặng kí hơn. Nhiều lúc chúng tôi cười khểnh bảo nhau: Sao họ không bán đấu giá quách đi để ai có khả năng hơn thì đỗ, người còn lại khỏi phải lo lắng được thua. Nhưng dẫu sao những cái giá được đưa ra đều quá đắt đối với những người khốn khổ như chúng tôi và là một cái giá quá rẻ để bán danh dự và nhân phẩm của bất cứ một người có địa vị bình thường nào trong xã hội.
Trong đợt thi tuyển giáo viên thcs năm 2010 của thủ đô Hà Nội vừa rồi tôi thấy rất mập mờ. Thông tin về thời gian cụ thể thi tuyển, chỉ tiêu tuyển dụng chúng tôi biết rất mơ hồ, thậm chí có người qua đợt thi rồi mới biết thông tin, tôi nhận được chỉ tiêu tuyển dụng ba ngày sau thời hạn bắt đầu thu hồ sơ do bạn tôi đưa cho nhưng nguồn gốc từ đâu bạn tôi cũng đi xin nên không biết. Trong tổng chỉ tiêu tuyển dụng công bố và chỉ tiêu thực tế công bố mà tôi cộng lại có sự chênh lệch lớn ( 547 chỉ tiêu nhưng cộng lại chỉ có 360 chỉ tiêu = 187 chỉ tiêu mất tích), cụ thể như sau:
Tổng số quận, huyện tuyển dụng là 15/29 gồm: 1. HAI BÀ TRƯNG, 2. HOÀN KIẾM, 3. GIA LÂM, 4. BA ĐÌNH, 5. THANH TRÌ, 6. ĐỐNG ĐA, 7. PHÚC THỌ, 8. CẦU GIẤY, 9. LONG BIÊN, 10. HOÀNG MAI, 11. PHÚ XUYÊN, 12. TÂY HỒ, 13. THẠCH THẤT, 14. THANH XUÂN, 15. THƯỜNG TÍN.
Ngay ở mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến - trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước mà còn bê bối thế này. Không biết đến mùa nào những trí thức nửa mùa như chúng tôi mới thoát khỏi kiếp nạn này. Không biết đến mùa nào nghành giáo dục nói riêng và còn rất nhiều nghành khác nữa đang nằm trong cơ chế quản lý của nhà nước mới có sự thay đổi tích cực. Không biết bao giờ Việt Nam mới chú trọng thực sự đến chiến lược phát triển con người để đẩy mạnh phát triển kinh tế như Nhật Bản - một quốc gia không có“ rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu” như chúng ta.
Không biết Việt Nam chúng ta có thể bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn hay không hay là ngày càng bước gần tới bên bờ vực thẳm của sự suy tàn và tụt hậu.
Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề con người, luôn kêu gọi nhân dân, các cấp, các ngành làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cách làm đó chẳng khác gì: “Chăm cây trên ngọn lá – Uốn tre lúc đã già”. Vậy tại sao không chú trọng giáo dục nhân cách cho những tờ giấy trắng thơ ngây từ những buổi đầu cắp sách đến trường bằng sự hợp sức của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu muốn giáo viên chúng tôi vẽ những bông hoa xinh lên những tờ giấy trắng đó thì nhà nước và xã hội đừng vẽ trước những vết mực đen bẩn lên tờ giấy trắng đó và cũng đừng đổ màu đen lên niềm tin của những người giáo viên nghèo chúng tôi vào chế độ xã hội này.
Tôi thắc mắc không biết các vị lãnh đạo ngồi ở trên cao không nhìn thấy thực trạng này hay mắt nhắm mắt mở bật đèn xanh cho qua hoặc có thể đã nhìn thấy rõ nhưng do những hạn chế về năng lực quản lý chăng mà để tình trạng này xảy ra ngày càng phổ biến và trầm trọng. Nhà nước càng cải cách hành chính, càng phân quyền về cấp dưới thì cấp trên càng nhẹ gánh nhưng cấp dưới thì càng có cơ hội tự tung tự tác.
Các đợt thi tuyển trước đây công bố chỉ tiêu chung toàn tỉnh rồi chuyển công bố chỉ tiêu theo toàn huyện và mấy năm nay là theo trường, cho nên con vua thì lại làm vua còn muôn kiếp số khó vẫn đến người nghèo.Nếu bây giờ gặp được nhà văn Lỗ Tấn có lẽ rất nhiều người Việt Nam sẽ hỏi ông xem có phương thuốc nào đặc trị bệnh tham ô, tham nhũng và thành tích cho Việt Nam ta.
Tôi mong rằng các cấp, các nghành có thẩm quyền nên quan tâm vào cuộc thực sự để ngăn chặn vấn nạn này để không còn những giáo viên có chung cảnh ngộ như tôi, để chúng tôi yên tâm thực hiện sự nghiệp trồng người. Tôi cũng mong rằng Bộ GDĐT và Sở GDĐT Hà Nội xem xét lại những mập mờ, khuất tất trong đợt thi công chức giáo viên các cấp năm 2010 và chấn chỉnh lại việc thi công chức vào những năm sau. Mong Đảng và nhà nước có sự thay đổi chế độ, chính sách đối với nghành giáo dục hợp lý hơn để mang lại niềm tin và tương lai tươi sáng hơn cho những nông dân trí thức trồng người nhỏ bé như chúng tôi.
Tôi càng mong rằng trước khi có được sự quan tâm và can thiệp của nhà nước, trước khi nhận được sự bảo vệ từ bên ngoài, các giáo viên hãy tự bảo vệ chính mình, hãy đi từ tốn thay vì phải “ chạy” bởi có nhiều người có tiền nhưng chưa đủ nhiều và đủ mạnh nên cứ phải chạy maratong dài dài qua nhiều năm, thậm chí có người chạy mãi không bao giờ đến đích. Nếu chúng ta đều thực hiện việc làm tích cực này thì cơ hội vẫn có thể chia đều cho tất cả mà lại vừa khiến cho một số cá nhân không có cơ hội chụp lợi riêng cho mình. Nếu chúng ta không đoàn kết thành một phong trào thì hôm nay, ngày mai : Tôi và các Bạn - những giáo viên hợp đồng chúng ta - Không biết tương lai đi về đâu.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Đồng Cảnh Ngộ
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)