LỊCH SỬ TIỀN TỆ VIỆT NAM

Chia sẻ bởi Lê Trần Thùy Linh | Ngày 18/03/2024 | 16

Chia sẻ tài liệu: LỊCH SỬ TIỀN TỆ VIỆT NAM thuộc Lịch sử

Nội dung tài liệu:

Năm 221 trước CN, Tần Thủy Hoàng xâm chiếm các liệt quốc của Ðông Chu, nhất thống đất Trung Quốc thành một quốc gia rộng lớn. Lên ngôi hoàng đế, vua Tần đặt ra phép đo lường và thống nhất tiền tệ, đã cho đúc một loại tiền mới hình tròn lỗ vuông ở giữa, có hai chữ bán lạng để xác định giá trị: bán lạng tức nửa lạng, nặng 12 thù. Sau khi dứt Tần diệt Sở, triều Hán vẫn cho đúc thêm tiền bán lạng. Nhưng từ đây, Bán Lạng không còn mang giá trị trọng lượng nữa mà chỉ mang ý nghĩa của tên một loại tiền: bát thù bán lạng, lục thù bán lạng, tứ thù bán lạng...  
Do đó, năm 118 trước TL, Hán Vũ Ðế cho chuẩn đúc loại tiền ngũ thù (nặng 5 thù); theo Hán thư, Vũ Ðế ký có ghi ... năm thứ 5 niên hiệu Nguyên Thú thì bãi bỏ tiền Bán Lạng để cho lưu hành loại tiền Ngũ Thù.
Việt Nam chúng ta, từ thời Văn Lang đến Âu Lạc, cuộc sống an cư bình dị, ít có cải biến quan trọng. Khi Triệu Ðà được cử làm Thái thú phương Nam, thấy cơ nghiệp nhà Tần suy yếu, khắp nơi loạn lạc... bèn đem quân đánh chiếm Âu Lạc; năm 207 trước CN, lập nên nước Nam Việt. Mặc dù có tinh thần cát cứ tự chủ, muốn tách rời khỏi Trung Quốc, nhưng vốn là người Hán, họ Triệu đã lấy nền văn hóa, chính trị bổn quốc đặt lên đất Việt, do đó tiền Bán Lạng cũng được tải xuống nước ta để lưu hành mà ngày nay khảo cổ học thỉnh thoảng còn tìm thấy.
Những thế kỷ tiếp theo, nước ta bị nội thuộc Trung Quốc nên hoàn toàn sử dụng các loại tiền của Trung Quốc.
Năm 865, khi Cao Biền đem binh xuống Giao Châu ắt đã đem theo nhiều tiền Khai Nguyên thông bảo để sử dụng. Ðây là một loại tiền hoàn chỉnh vừa về ý nghĩa vừa về thể lượng, do Ðường Cao Tổ đúc năm Vũ Ðức thứ 4 (621), một mẫu tiền mới làm chuẩn cho các thế hệ tiền sau này, mà chính Sử gia Phan Huy Chú đã nói : xét các chế độ tiền hồi xưa, chỉ có tiền Khai Nguyên thông bảo triều Ðường là rất vừa phải : cứ 10 đồng tiền nặng một lạng, mỗi đồng nặng 2,5 thù, khuôn vành to nhỏ cũng vừa phải, thật đáng bắt chước. Mặc dù Ðại Ðường cai trị gần 300 năm, thỉnh thoảng các vị vua có đúc một vài hiệu tiền khác như Càn Nguyên trọng bảo, nhưng tiền Khai Nguyên thông bảo vẫn là loại tiền mẫu mực nên được đúc lại rất nhiều lần.
Trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc, nước ta đã chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa. Những đồng tiền từ thời Hán - Ðường đã khai thông ý niệm tiền tệ của dân tộc. Do đó, sau khi dẹp Loạn 12 Sứ quân, Ðinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, năm 970 lấy niên hiệu Thái Bình và cho đúc tiền Thái Bình hưng bảo, mở đầu kỷ nguyên tiền tệ Ðại Việt sau này...  Thái Bình hưng bảo, đồng tiền đầu tiên của dân tộc Việt Nam độc lập đang được trưng bày tại Huế mà các bảo tàng khác chưa thấy trưng bày, mặt lưng đồng tiền thường có chữ Ðinh là họ của vua, tức quốc tính. Hai chữ hưng bảo trên đồng tiền là một sáng tạo của người Việt mà các loại tiền của Trung Quốc chưa thề có, hàm ý sự thái bình độc lập của dân tộc đã trung hưng trở lại! Ðồng tiền có quốc tính trên lưng, cũng là một sáng tạo, để phân biệt với tiền Thái Bình thông bảo của Ðại Tống - Thái Tông (976-984) lưu hành gần đồng thời.  
THÁI BÌNH HƯNG BẢO
Ðến đồng tiền thứ hai của dân tộc Việt Nam là Thiên Phúc trấn bảo cũng có mặt tại đây, lưng đồng tiền lại có chữ Lê quốc tính của Lê Ðại Hành niên hiệu Thiên Phúc (980-988), để phân biệt với tiền Thiên Phúc của Trung Quốc. Chữ trấn trong tiền này như ngụ ý thái bình đã hưng bảo thì ta được Thiên Phúc (phúc của trời ban) phải ra sức mà trấn (giữ) bảo vậy! Bởi quả thật, Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn đã từng giữ nước rất xuất sắc!  
THIÊN PHÚC HƯNG BẢO
Việc ghi quốc tính trên đồng tiền của nước ta để phân biệt với tiền Trung Quốc, há không phải :
Như nước Ðại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục bắc nam cũng khác.
Từ Triệu, Ðinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập.
Cùng Hán, Ðường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có !
Ðến thời Lý - Trần, tiền trong bảo tàng có được Minh Ðạo nguyên bảo của Lý Thái Tông (1042-1043) và Ðại Trị thông bảo của Trần Dụ Tông (1358-1369), là hai hiệu tiền đã được thư tịch cổ chép lại. Các loại tiền Lý Trần thật sự khá hiếm có bởi vì đã bị Hồ Quý Ly thu đổi tiền giấy, sao đó lại bị quân Minh thu vét đem về Trung Quốc.
Mùa xuân năm Canh Thìn (2 - 1400) Lê Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần, tự lập làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu, đổi thành họ Hồ.
Tuy nhiên, trước đó nhiều năm (1394), khi thượng hoàng Trần Nghệ Tông mất, Quý Ly buộc vua Thuận Tông phải rời ngai vàng và đưa người con mới 3 tuổi của vua lên ngôi để dễ dàng lật đổ sau này. Ngay từ thời điểm đó, với quyền lực rộng lớn trong triều, Quý Ly đã tổ chức một loạt các cuộc cải cách táo bạo: ra sách Minh Đạo để phê phán hệ tư tưởng Tống Nho, cải cách hạn điền, hạn nô, đo đạc ruộng đất, điều tra dân số, cải cách hành chính.
Điều đáng chú ý là trong quá trình cải cách kinh tế năm Bính Tý (1396), Hồ Quý Ly đã tổ chức phát hành tiền Thông Bảo Hội Sao - đồng tiền giấy đầu tiên trong lịch sử tiền tệ Việt Nam.
Nước mất, nhà tan... quân Minh tàn phá... Hội thề Lũng Nhai năm 1416, lấy niên hiệu Thiên Khánh làm năm thứ nhất của khởi nghĩa Lam Sơn. Mười năm chống Minh khi Linh sơn lương cạn mấy tuần, khi Khôi huyện quân không một đội..., khó khăn đến thế, nhưng Ðại Việt chúng ta vẫn đúc ra tiền Thiên Khánh thông bảo mà ngày nay thấy nhiều loại khác nhau, chứng tỏ đã đúc xuyên suốt 10 năm kháng chiến; và sau khi Bình Ngô đại cáo, vẫn tiếp tục được đúc để ban thưởng cho các công thần.
Ðất nước thái bình, năm 1429 vua Lê Thái Tổ ban Chiếu tiền tệ nói rõ: Nước ta vốn là nơi sản nhiều đồng, nhưng tiền đồng cũ đã bị họ Hồ tiêu hủy, trăm phần chỉ còn một phần... Sau cuộc chiếm cứ của người Minh, sản vật trong nước trống rỗng, tiêu dùng của dân thiếu thốn..., và vua đã đúc tiền Thuận Thiên nguyên bảo cho nhân dân dùng. Các đời vua Lê tiếp theo đều tiếp tục đúc tiền, cho đến năm 1527, Mạc Ðăng Dung soán ngôi tự làm vua với niên hiệu Minh Ðức, đến năm 1529 thì nhường ngôi cho con là Mạc Ðăng Doanh, niên hiệu Ðại Chính (1530-1540); và đời vua tiếp nữa là Mạc Phúc Hải, niên hiệu Quảng Hoà (1541-1546)... Mặc dù các loại tiền nhà Mạc ngày nay khá hiếm vì đến thời Minh Mạng (1820-1840) cho là của ngụy nên chọn hủy, nhưng 3 đồng tiền Minh Ðức thông bảo - Ðại Chính thông bảo - Quảng Hoà thông bảo của 3 thế hệ nhà Mạc vẫn còn được biết đến.
Năm 1533, các trung thần triều Lê lưu vong sang Lào lập hạt giống cũ là Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hoà (1533-1548). Ðồng tiền Nguyên Hoà thông bảo đã khởi dầu cho tiền của nhà Lê trung hưng như Vĩnh Thọ thông bảo (1658-1661), Vĩnh Thịnh thông bảo (1705-1719), Cảnh Hưng thông bảo (1740-1786) và Chiêu Thống thông bảo (1787-1788). Ðặc biệt, tiền Cảnh Hưng rất nhiều chủng loại như cự bảo, đại bảo,vĩnh bảo... rất phong phú mà lịch sử tiền tệ xưa nay chưa bao giờ có :  
Mẹ em tham thúng xôi rền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng !
Triều Lê trung hưng, Trịnh Kiểm chuyên quyền, tạo mầm Trịnh - Nguyễn phân tranh sau này... Thái tổ Nguyễn Hoàng, từ thuở mang gươm đi mở nước, đã đem chất Việt từ Bắc vô Nam, cũng như các chúa Nguyễn sau này, biết cách phối hợp với văn hóa bản địa tạo nền móng mới, dám ly khai với Ðàng Ngoài để cát cứ Ðàng Trong một thời...
Phóng khoáng cởi mở, hòa cùng tâm nguyện phản Thanh phục Minh của Hoa kiều, sẵn sàng cho tàn quân Ðại Minh trú ngụ rộng rãi ở Ðàng Trong, nhờ đó được họ giúp đỡ nhiều về phương diện kinh tế.
Chúa Nguyễn từng nhờ Hoa kiều đem thư sang Nagasaki trình Ðức Xuyên Mạc Phủ thỉnh đúc giúp tiền đồng; sau đó, năm 1725, chúa Nguyễn Phũc Thụ mua được đồng đỏ của Nhật Bản đúc ra hệ thống tiền đồng đỏ như Tường Phù nguyên bảo, Phúc Bình nguyên bảo...
Sau khi hoàn tất cuộc Nam tiến, chúa Nguyễn cho cha con người Tàu là Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ làm đô đốc trấn Hà Tiên. Năm 1736, chúa cho Thiên Tứ mở cục đúc tiền để thuận lợi buôn bán với hải ngoại. Mạc Thiên Tứ đã đúc ra một hệ thống tiền đồng như An Pháp nguyên bảo, Thái Bình thánh bảo... gây tranh cãi khoa học gay gắt nhiều năm nay.
Năm 1746, chúa Nguyễn nghe lời người Hoa họ Hoàng, mua kẽm trắng của Tây mở cục đúc tiền ở Lương Quán (Huế) cho tiện việc tiêu dùng. Kết quả xuất hiện hệ thống tiền kẽm rất phong phú : Thiên Minh thông bảo, Thái Bình thông bảo...
Sự xuất hiện của 3 hệ thống tiền ở xứ Ðàng Trong đã thúc đẩy nền kinh tế khu vực này phát triển mạnh mẽ. Ðàng Trong được xem là một trong những trạm trung chuyển hàng hóa giữa các trung tâm vùng, trung tâm liên vùng với trung tâm liên thế giới...
Tiền của anh hùng Nguyễn Huệ, ngoại trừ loại thông dụng là Quang Trung thông bảo (và Cảnh Thịnh thông bảo của người con là Nguyễn Quang Toản) thì còn có loại tiền Quang Trung mặt lưng có hai chữ An - Nam. Loại tiền này như một tuyên ngôn xác định chủ quyền.
Tiền triều Nguyễn gồm tiền từ Gia Long (1802-1819) đến Bảo Ðại (1926-1945), trong đó có tiền kẽm Gia Hưng thông bảo do Nguyễn vương Phúc Anh đúc năm 1796 để sử dụng trong thời kỳ bôn ba khôi phục cơ đồ.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Lê Trần Thùy Linh
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)