Lịch Sử

Chia sẻ bởi Trịnh Hoàng Trâm | Ngày 27/04/2019 | 87

Chia sẻ tài liệu: Lịch Sử thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

Khổng Tử
Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sinh ngày 27 tháng 8 năm 551 trước Công nguyên, tại ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) trong một gia đình mà ông tổ ba đời vốn thuộc dòng quí tộc sa sút từ nước Tống dời đến nước Lỗ. Cha của Khổng Khâu, Thúc Lương Ngột (cháu 13 đời của Vi Tử Diễn, anh của vua Trụ nhà Thương) là quan võ thuộc ấp Trâu, đến 70 tuổi mới lấy Nhan thị mà sinh ra ông. Năm lên ba, Khâu mồ côi cha, lớn lên, phải làm lụng vất vả để nuôi mẹ, nhưng rất ham học. Năm 19 tuổi, ông lấy vợ và làm một chức quan nhỏ coi kho. Năm 22 tuổi, ông mở lớp dạy học. Học trò gọi ông là Khổng Phu Tử, hay gọi gọn hơn là Khổng Tử, có nghĩa là "Thày Khổng". Khi dạy, ông luôn đòi hỏi học trò phải suy nghĩ.
Trong suốt gần 20 năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước trong vùng để truyền bá các tư tưởng và tìm người dùng các tư tưởng đó. Có nơi ông được trọng dụng nhưng cũng có nơi ông bị coi thường. Năm 51 tuổi, ông quay lại nước Lỗ và được giao coi thành Trung Đô, năm sau được thăng chức Đại tư khấu (coi việc hình pháp), kiêm quyền tể tướng. Sau ba tháng, nước Lỗ trở nên thịnh trị. Nhưng rồi bị ly gián, dèm pha, ông bèn từ chức và lại ra đi một lần nữa.
Năm 68 tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ, tiếp tục dạy học và bắt tay vào soạn sách. Ông mất tháng 4 năm 479 trước công nguyên, thọ 73 tuổi.
Khổng Tử ( còn gọi là Khổng Phu Tử; 28 tháng 9, 551 – 479 TCN) là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng người Trung Quốc, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn trên cuộc sống và tư tưởng Đông Á.
Triết học của ông nhấn mạnh trên cá nhân và cai trị bằng đạo đức, sự chính xác của những mối quan hệ xã hội, sự công bằng và sự ngay thẳng. Các giá trị đó đã có được tầm ảnh hưởng lớn trên mọi học thuyết khác ở Trung Quốc như Pháp gia hay Lão giáo ở thời nhà Hán. Các tư tưởng của Khổng Tử đã được phát triển thành một hệ thống triết học được gọi là Khổng giáo. Khổng giáo được Matteo Ricci đưa vào Châu Âu, ông cũng là người đầu tiên La tinh hoá tên Khổng Tử thành "Confucius".
Các bài giảng của Khổng Tử được nghiên cứu chủ yếu qua cuốn Luận Ngữ, một tập hợp những "mẩu chuyện cách ngôn ngắn", được biên soạn nhiều năm sau khi ông qua đời. Các nhà sử học hiện đại cho rằng bất kỳ một tài liệu nào cũng không thể được coi là do ông viết ra, nhưng trong gần 2,000 năm ông từng được cho là tác giả của Ngũ Kinh, Lễ Ký, và Biên niên sử Xuân Thu.
Mộ Khổng Tử tại Khúc Phụ, quê hương ông. Khổng miếu, mộ Khổng Tử và khu nhà thờ của họ Khổng nay là một di sản thế giới do UNESCO công nhận.
Tư Mã Thiên
Tư Mã Thiên, sinh ở Long Môn (nay là huyện Hàn Thành, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), chưa biết chắc năm nào. Có người bảo là năm 163 trước Công Nguyên, nhưng đa số các học giả cho rằng vào khoảng năm 145 TCN thì đúng hơn. Ông sống thời thơ ấu ở Long Môn, trong một gia đình có truyền thống làm sử. Hai chữ Tư Mã có từ đời nhà Chu và dùng để gọi một chức quan võ coi tất cả các việc binh trong nước, tức là chức Binh bộ Thượng thư đời sau. Đời Chu Tuyên Vương (827-780) một người giữ chức đó, có công, được vua cho phép lấy chức làm tên họ. Sau đó họ Tư Mã có vài người làm sử quan ở triều Chu. Đời nhà Tần có tướng giỏi là Tư Mã Thác. Cha của Tư Mã Thiên (Tư Mã Đàm) là cháu tám đời của Tư Mã Thác. Từ nhỏ, Tư Mã Thiên đã được học nhiều sách văn học và sử học thời đó, như Tả Truyện, Quốc Ngữ, Thế Bản... Ông đã là học trò của một số nhà Nho học như Khổng An Quốcvà Đổng Trọng Thư
Năm 20 tuổi, nhờ sự hỗ trợ của cha, Tư Mã Thiên đã bắt đầu chuyến du hành vòng quanh đất nước, thu thập các tài liệu và bằng chứng lịch sử. Mục đích của chuyến đi là để kiểm chứng các lời đồn đại và truyền thuyết và để thăm viếng các di tích lịch sử, như mộ Đại Vũ. Ông đã đi qua Sơn Đông, Vân Nam, Hà Bắc, Chiết Giang, Giang Tô, Giang Tây, Hồ Nam…
Sau chuyến đi trở về, ông được chọn làm Lang Trung ( Lang Zhong) trong chính quyền, với nhiệm vụ đi kiểm tra từng địa phương cùng Hán Vũ Đế (vào khoảng từ 122 TCN đến 116 TCN). Sau ông được phụng sứ đi thanh tra các miền Ba Thục, Cung, Tạc, Côn Minh tức những miền mà nhà Hán mới chinh phục được ở phía Tây Nam. Phía Bắc ông lên tới Vạn Lý Trường Thành và Sóc Phương. Năm 110 TCN, sau cuộc tuần du, cha ông lâm bệnh và gọi Tư Mã Thiên về để nối nghiệp. Tư Mã Đàm có ước nguyện viết tiếp Xuân Thu Tả Thị Truyện . Kế nghiệp cha, ông nhận chức Thái Sử Lệnh. Chức đó vừa giữ việc chép sử vừa coi về thiên văn, làm lịch, nhưng là một chức nhỏ, bị coi thường. Năm 104 TCN, ông cùng một vài người nữa, sửa lại lịch. Ông thu thập hết tài liệu trong các sách của thư viện triều đình.
Năm 99 TCN, ông bị vướng vào vụ Lý Lăng . Lý Quảng Lợi và Lý Lăng, hai quan võ, đã không hoàn thành nhiệm vụ trong một cuộc chiến với Hung Nô ở miền Bắc. Hán Vũ Đế và đa số các quan trong triều cho rằng tội trạng thuộc về Lý Lăng. Chỉ mình Tư Mã Thiên bênh vực vị tướng này. Hán Vũ Đế cho rằng Tư Mã Thiên, qua việc bảo vệ Lý Lăng, đã ngầm chê Lý Quảng Lợi, anh vợ của Vũ Đế, là nhút nhát. Tư Mã Thiên bị tội tử hình, nếu không chuộc bằng tiền bạc hoặc bị cung hình (thiến). Do không đủ tiền chuộc, ông đành chọn bị thiến và bị cầm tù.
Sau khi ra tù, Tư Mã Thiên được làm Trung Thư Lệnh, đây là chức quan to, ở gần vua, được ra vào cung cấm, xem các tài liệu mật, chức này chỉ dành cho hoạn quan. Thỉnh thoảng ông được đi theo vua trong các cuộc tuần du. Không được giữ chức Thái Sử nữa, lại luôn cảm thấy nhục nhã vì hình phạt, ông dồn tất cả tâm sức cho bộ Sử Ký và hoàn thành nó năm 97 TCN (có sách nói là năm 91 TCN, lúc ông trên 55 tuổi).
Không ai để ý tới ông cả và ông mất năm nào cũng không biết rõ, chỉ đoán được phỏng chừng vào năm 90 TCN.
Cống hiến
Trong sử học
Quyển Sử Ký được Tư Mã Thiên viết hoàn toàn do niềm đam mê lịch sử, một truyền thống của gia đình, chứ không nhằm mục đích đạt danh tiếng. Nó được lưu giữ, ít người biết, cho đến thời cháu ngoại của ông là Dương Vận (Dương Uẩn?), thì mới được công bố gọi là Thái Sử Công Thư Chí. Tên Sử Ký là tên đặt sau này.
Nó đã xây dựng một phong cách viết sử mà sau này trở thành "khuôn mẫu chính thức" cho tài liệu lịch sử Trung Hoa. Trong Sử Ký, Tư Mã Thiên trình bày các sự kiện theo chuỗi kèm theo chú giải, nguồn tham khảo. Công trình này gồm 526.500 chữ, 130 thiên; không theo trình tự thời gian, mà theo 5 chủ đề, bao gồm bản kỷ, biểu, thư, thế gia, liệt truyện; viết về nhiều lĩnh vực của xã hội gồm âm nhạc, lễ hội, lịch, tín ngưỡng, kinh tế; kèm theo một nguồn tham khảo lớn. Trước ông, lịch sử được viết dành cho triều đình. Phong cách viết sử mở rộng cho nhiều mặt của xã hội trong Sử Ký sau này ảnh hưởng đến Trịnh Tiều (Zhèngqiáo) khi viết Thông sử (Tongshi) hay Tư Mã Quang ( Sima Guang) khi viết Tư trì thông giám ( Zizhi Tongjian). Phong cách này còn ảnh hưởng đến cách viết sử của các nước láng giềng, như Triều Tiên.

Trong văn học
Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng đã được coi như hình mẫu cho văn học miêu tả chân dung nhân vật và sự kiện tại Trung Hoa. Nó được các nhà phê bình coi là có "trình độ miêu tả điêu luyện" (như phương pháp đàm thoại khiến các miêu tả thêm sống động), "phong cách sáng tạo" (ngôn ngữ bình dân, dí dỏm và phong phú, như tác phẩm thơ không vần), "súc tích" (cách viết chỉ miêu tả những điểm cốt yếu, ngắn gọn dễ hiểu)...
Phong cách viết trong Sử Ký có ảnh hưởng trong phong cách văn học Trung Hoa thời kỳ nhà Đường, nhà Tống và sau này. Ngoài Sử Ký, Tư Mã Thiên còn viết 8 bài thơ trào phúng , trong số đó có bài nói về sự chịu đựng của ông trong vụ Lý Lăng và bài nói về niềm đam mê viết Sử Ký.
Trong thiên văn học
Tư Mã Đàm và Tư Mã Thiên, đều là các nhà chiêm tinh của triều đình nhà Hán. Đây là chức vụ quan trọng, có nhiệm vụ giải nghĩa và tiên đoán các việc triều chính trong sự hài hòa với chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng và các ngôi sao, cùng các hiện tượng tự nhiên khác như nhật thực, động đất, ...
Năm 104 TCN, trước khi viết Sử Ký, Tư Mã Thiên cùng Công Tôn Khanh Hồ Toại và đồng nghiệp khác sửa lại lịch cũ, chế định Hán lịch. Lịch này có độ chính xác cao nhất vào thời đó, xác định một năm có 365,25 ngày và một tháng có 29,53 ngày. Đây được coi là một cuộc cách mạng trong lịch sử làm lịch của Trung Hoa. Âm lịch ngày nay cũng dựa trên công trình này.
Lí Bạch
Lý Bạch (tên tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ; 701–762) là nhà thơ lãng mạn, kiếm sĩ đời nhà Đường (618–907), trong nhóm Trúc khê lục dật trên núi Thái Sơn. Ông sinh ở tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc.
Lý Bạch được tôn xưng là thi tiên. Ông đã sáng tác hàng ngàn bài thơ chan chứa lòng yêu quê hương đất nước và sự lãng mạn. Thơ của ông ở thể cổ phong nhiều hơn là theo niêm luật chặt chẽ.
Đỗ Phủ
Đỗ Phủ sinh năm 712 mất năm 770, người huyện Củng tỉnh Hà Nam, xuất thân trong một gia đình Nho học, làm quan suốt mấy đời, nhưng đến đời ông thì sa sút nghiêm trọng. Ông lại sống trọn vẹn trong hoành cảnh loạn ly (loạn An Sử), ngược xuôi chạy loạn, gia đình ly tán, con chết đói... Và rồi ông cũng chết thảm thương vì đói và bệnh tật trong một chiếc thuyền rách nát trên sông Tương nơi đất khách quê người. Ông để lại hơn 1400 bài thơ.

Thơ của Đỗ Phủ thấm máu và nước mắt của nhân dân trong thời buổi loạn ly. Nếu trong thơ Lý Bạch có dòng sông hát ca, chim muông ríu rít, vầng trăng duyên dáng thì trong thơ Đỗ Phủ dòng sông nức nở, vầng trăng thổn thức và chim muông, cỏ cây câm lặng, úa vàng.


Người đời gọi thơ ông là một tập Thi sử (một bộ sử viết bằng thơ). Men theo năm tháng của các bài thơ ra đời, chúng ta có thể thấy được những nét chính của đời sống chính trị, xã hội đời Đường trước và sau loạn An Sử. Trước loạn An Sử (755 - 763) hai hiện tượng xã hội nổi bật là thói ăn chơi xa hoa, dâm dât của vua quan và chiến tranh bành trướng xâm lược. Nhà thơ lớn của nhân dân đã cùng nhịp thở với trăm họ, đứng ở vị trí của những nạn nhân mà nói lên niềm uẩn ức không kìm nén được. "Lệ nhân hành" miêu tả cảnh yến tiệc linh đình của chị em Dương Quý Phi cùng với các vương tôn công tử bên bờ sông. Đũa làm bằng sừng tê ngưu. Thức ăn là bướu lạc đà. Kèn sáo vang động cả quỷ thần mà họ không buồn nghe, thức ăn quý do bếp nhà vua dâng họ không buồn gắp. Giọng thơ đều đều như khách quan mà không giấu được uẩn ức.


Đất nước điêu linh, nhân dân cơ cực, nhưng triều đình vẫn liên tục phát động chiến tranh, mở mang bờ cõi. Đỗ Phủ đã đứng về phía những người dân bị bắt phu bắt lính, kịch liệt lên án chiến tranh bành trướng xâm lược. "Binh xa hành" (Bài ca xuất trận) phản ảnh tâm trạng của người ra đi và người tiễn đưa thật ảm đạm. Họ chỉ là con thiêu thân phục vụ tham vọng chinh phục nước Nam Chiếu (vùng Vân Nam bây giờ) để mở rộng biên cương. Nhà thơ còn làm các bài "Tiền xuất tái", "Hậu xuất tái" (Xuất tái là ra cửa ải) châm biếm bọn tướng tá lấy việc chinh phạt để tiến thân.
Sự xa hoa, dâm dật, bỏ mặc chính sự cùng với việc động binh liên tục đã dẫn đến sự rối loạn của nhà Đường. Loạn An Sử nổ ra, triều đình phải mất 8 năm mới dẹp yên được. Nhân dân rơi vào cảnh lầm than, điêu đứng. Hai hiện tượng nổi bật trong những năm tháng loạn ly này là cảnh bắt lính, bắt phu và cảnh chia ly thê thảm. Chùm thơ "Tam lại" (ba bài nói về cảnh nha lại bắt lính, bắt phu ở Đồng Quan, Tân An và Thạch Hào). Tam biệt (ba bài nói về cảnh ly biệt giữa đôi vợ chồng già giữa đôi vợ chồng trẻ và giữa một người lính già với ngôi nhà bị phá rụi: Thuỳ lão biệt, Tân hôn biệt, Vô gia biệt). Bài "Nha lại bắt lính ở Thạch Hào" (Thạch Hào lại) đã vẽ nên một cảnh tượng điển hình: Nha lại chờ lúc mọi người ngủ say để xông vào nhà bắt lính. Cả gia đình (mà nhà thơ ngủ nhờ trên đường về nhậm chức ở Hoa Châu thăm vợ nơi tản cư) có ba con trai đều ra trận, hai đứa đã chết; trong nhà chỉ còn hai ông bà già và một cô con dâu với đứa bé còn bú trên tay. Thế mà Nha lại vẫn đòi người, ông già phải vượt tường trốn và bà già phải đi thay để nấu cơm cho quân sĩ. Nhà thơ tự nén mình trước tiếng khóc uẩn ức của xóm làng khi bọn Nha lại kéo đi, đêm đen lại trùm lên xóm làng hoang vắng.
"Tam lại", "Tam biệt" là chùm thơ nổi tiếng của Đỗ Phủ. Gọi thơ ông là Thi sử bởi vì cái ấn tượng binh đao khói lửa nội chiến mà thơ ông gieo vào lòng người còn sâu sắc gấp trăm lần các bộ sách viết về thời này.

Nhưng Đỗ Phủ không hề "viết sử" một cách khách quan. Ông đã đứng hẳn về phía "dân đen", coi nỗi đau của họ như nỗi đau của chính mình, ước mong san sẻ gánh năng cơm áo và dằn vặt tâm linh với họ. Tư tưởng nhân đạo của Đỗ Phủ là đỉnh cao của chủ nghĩa nhân đạo dưới thời phong kiến. Một nhà nho suốt đời long đong lận đận nhưng luôn quan tâm đến vận nước, mà quan tâm đến vận nước cốt để giảm nhẹ gánh nặng cơm áo và sự dằn vặt tâm linh của người dân bình thường. Bài "Mao ốc vi thu phong sở phá ca" (Túp lều tranh bị gió cuốn sập) thể hiện rõ nhân cách của ông. Trên đường chạy loạn, nhờ người bạn giúp đỡ ông dựng được túp lều tranh, nhưng rồi bị gió phá sập. Trong cảnh màn trời chiếu đất ông đau đớn cho thân phận riêng và không quên nghĩ đến những "hàn sĩ" như mình
Chung quy, Đỗ Phủ đã cùng nhịp thở với nhân dân của mình trước vận nước và trong cảnh đói nghèo, loạn ly. Ông viết về mọi đề tài. Nhưng hầu như không có đề tài nào thoát ly thời cuộc. "Đỗ Phủ là nhà thơ chính trị vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc" (Lịch sử văn học Trung Quốc - Viện Khoa học Trung Quốc 1988).

Khác với Lý Bạch - nhà thơ lãng mạn, ngòi bút Đỗ Phủ luôn bám sát đời sống, hay nói như Lương Khả Siêu, ông là nhà thơ "tả thực chi tiết". Ông lại đặc biệt chú trọng ngôn từ thơ ca, chủ trương "ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu" (lời thơ không làm người ta kinh hoàng thì chết không nhắm mắt). Do vậy thơ ông gieo vào lòng người đọc ấn tượng sâu sắc về cuộc sống, về nỗi cơ cực của nhân dân, về số phận "gian nan khổ hận" cùng cảnh ngộ với "dân đen" của chính ông. Đặc biệt Đỗ Phủ có nhiều bài luật thi rất chuẩn mực, chính tỏ sự tu dưỡng về thơ rất uyên thâm của Thi Thánh.

Ảnh hưởng của Đỗ Phủ đến đời sau rất sâu sắc. Đó là ảnh hưởng về nhân cách, luôn luôn đồng cam cộng khổ với nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Đó còn là ảnh hưởng về con đường sáng tác thơ ca: thành công của nhà thơ tùy thuộc vào vốn sống của nhà thơ, vào độ chính trong quá trình chiếm lĩnh hiện thực. Đó còn là tài năng thơ ca, một tài năng siêu việt được Nguyễn Du tôn làm bậc thầy của văn chương muôn thuở.
Bạch Cư Dị
Bạch Cư Dị (772-846): Tên chữ là Lạc Thiên, hiệu là Hương Sơn cư sĩ, người Hạ Thành (nay là Thiểm Tây). Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch và Đỗ Phủ. Mười lăm tuổi ông đã bắt đầu làm thơ, thuở nhỏ nhà nghèo, ở thôn quê, đã am tường nỗi vất vả của người lao động.
Năm Trinh Nguyên, ông thi đậu tiến sĩ được bổ làm quan trong triều, giữ chức Tả thập di. Bởi mâu thuẫn với tể tướng Lý Lâm Phủ, ông chuyển sang làm Hộ Tào Tham Quân ở Kinh Triệu rồi lại được triệu về kinh lo răn dạy Thái Tử.
Năm Nguyên Hòa thứ 10 (Đường Hiến Tông ), do hạch tội việc tể tướng Vũ Nguyên Hành bị hành thích và ngự sử Bùi Độ bị hành hung, đám quyền thần cho là ông vượt qua quyền hạn, đày làm Tư Mã Giang Châu. Ông chủ trương đổi mới thơ ca. Cùng với Nguyên Chẩn, Trương Tịch, Vương Kiến, ông chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức.
Ông nói: "Làm văn phải vì thời thế mà làm... Làm thơ phải vì thực tại mà viết", mục đích của văn chương là phải xem xét chính trị mà bổ khuyết, diễn đạt cho được tình cảm của nhân dân.
Thơ ông mang đậm tính hiện thực, lại hàm ý châm biếm nhẹ nhàng kín đáo. Trường hận ca để nói mối tình đẹp của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, nhưng đọc kỹ thì những ý châm biếm, mỉa mai kín đáo đều có. Ông cùng Nguyên Chẩn đề xướng phong trào Tân Nhạc Phủ, nên trong thơ, ông luôn công kích đời sống xa hoa dâm dật của bọn quý tộc, bóc trần sự bóc lột của bọn quan lại, thông cảm với nỗi thống khổ của dân chúng (Tần Trung Ngâm, Tân Nhạc Phủ).
Thơ ông thấm nhuần tư tưởng nhân đạo, nhân văn. Ông hòa đồng cùng dân chúng, không coi việc làm quan của mình là gì, mà thấy mình cũng bị cuộc đời làm cho bảy nổi ba chìm chẳng khác gì người đời (Tỳ bà hành). Ông thông cảm với những thân gái chịu bao tập tục hủ bại và cảnh nghèo túng mặc dù sắc đẹp thì chẳng thua ai (Nghị hôn).
Bạch Lạc Thiên chủ trương thơ ca phải giản dị để dân chúng đều hiểu được. Không những thế, tình cảm, tư tưởng phải giàu tính nhân dân, nói được nỗi lòng của mọi người trước thế sự.
Thơ ông giàu tính trữ tình. Khi ông bị đi đày từ Tràng An đến Tây Giang, ba bốn ngàn dặm, dọc đường thấy trường học, chùa chiền, quán trọ.... đều có đề thơ của mình, nên càng tự tin ở chủ trương của mình hơn.
Riêng hai bài Tỳ Bà Hành và Trường Hận Ca đã đủ tỏ tài thơ của Bạch Cư Dị. Bằng lối kể chuyện miêu tả, với chủ đề khác nhau, hai bài thơ dài của ông, bài thì bay bướm, hình ảnh đẹp, lời bình trầm lắng, ý ngoài lời, ca tụng, mỉa mai đều kín đáo; bài thì hoà đồng vào cảnh ngộ cùng nhân vật, viết lên những tâm trạng gửi gắm của cả hai, người gẩy -người nghe, vào tiếng đàn trên bến Tầm Dương, bài thơ da diết, buồn thấm thía mà nỗi đời thì vời vợi mênh mang.
Ngoài ra ông còn làm một số bài thơ về thiên nhiên, nhàn tản. Lối nói u hoài, vương một nỗi buồn riêng kín đáo. Ông thích đàm đạo về thiền, về Lão Trang, cũng như là biểu hiện trốn đời, sau khi đã quá ngán về nhân tình thế thái.
Ông để lại hàng ngàn bài thơ.
Văn hoá Trung Quốc
Trong hàng thế kỷ, sự tiến bộ kinh tế và xã hội Trung Quốc có được là nhờ chất lượng cao của khoa cử phong kiến. Điều này dẫn tới chế độ lựa chọn nhân tài, mặc dù trên thực tế chỉ có đàn ông và những người có cuộc sống tương đối mới có thể tham dự các kỳ thi này, cũng như đòi hỏi một sự học hành chuyên cần. Đây là hệ thống khác hẳn so với hệ thống quý tộc theo dòng máu ở phương Tây. Các kỳ thi này đòi hỏi các thí sinh phải viết các bài luận cũng như chứng minh khả năng thông hiểu các sách vở kinh điển của Nho giáo. Những người vượt qua được kỳ thi cao nhất trở thành các quan lại-học giả ưu tú gọi các các tiến sĩ. Học vị tiến sĩ có vị trí kinh tế-chính trị rất được coi trọng tại Trung Quốc và các nước xung quanh. Và tệ nạn sùng bái học vị của các nước vùng Đông Á vẫn còn cho đến ngày nay.
Văn học Trung Quốc đã có một lịch sử phát triển lâu dài do kỹ thuật in ấn có từ thời nhà Tống. Trước đó, các cổ thư và sách về tôn giáo và y học chủ yếu được viết bằng bút lông (trước đó nữa thì viết trên giáp cốt hay trên giấy tre) rồi phát hành. Hàng chục nghìn văn thư cổ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, từ các văn bản bằng chữ giáp cốt tới các chỉ dụ nhà Thanh, được phát hiện mỗi ngày.
Các triết gia, tác gia và thi sĩ Trung Quốc phần lớn rất được coi trọng và có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phổ biến văn hóa của Trung Quốc. Một số học giả khác, cũng được ghi nhận vì dám xả thân cho quyền lợi quần chúng cho dù có trái với ý của chính quyền.).
Khoa học và kỹ thuật
Trong số những thành tựu về khoa học của Trung Quốc phải kể đến la bàn, thuốc súng, kỹ thuật làm giấy và kỹ thuật in ấn. Đây được coi là tứ đại phát minh. Ngoài ra cũng phải kể đến các phát minh như bàn tính, cung tên, bàn đạp ngựa, sơn mài, bánh lái, địa chấn ký, sành sứ, tiền giấy.
Những địa hạt nghiên cứu kỹ thuật khác:
Toán học: các ứng dụng toán học của Trung quốc thời xưa là kiến trúc và địa lý. Số π đã được nhà toán học Tổ Xung Chi tính chính xác đến số thứ 7 từ thế kỷ thứ 5. Hệ thập phân đã được dùng ở Trung Quốc từ thế kỷ 14 TCN. Tam giác Pascal được nhà toán học Lưu Dương Huy tìm ra từ lâu trước khi Blaise Pascal ra đời.
Sinh học: các nghiên cứu sinh học tương đối phát triển, và các ghi chép lịch sử vẫn còn được tra cứu cho đến ngày nay như dược điển về các cây thuốc.
Y học: Y học Trung Quốc và phẫu thuật đã phát triển cao tại nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử, và nhiều lĩnh vực vẫn còn được xem là nổi bật. Chúng tiếp tục giữ vai trò lớn mạnh trong cộng đồng y học quốc tế, và cũng đã được phương Tây công nhận như các phương pháp trị liệu bổ sung và thay thế trong vài thập niên gần đây. Một thí dụ là khoa châm cứu, mặc dù được coi như một phương pháp y học tại Trung Quốc và các nước xung quanh, nhưng lại từng là đề tài gây tranh luận tại phương Tây. Tuy nhiên, khoa khám nghiệm tử thi đã không được chấp nhận (ở Trung Quốc), vì người ta cho rằng không nên xâm phạm xác chết. Dù thế, nhiều bác sĩ không tin điều này đã tăng cường sự hiểu biết về giải phẫu học.
Thuật giả kim là hóa họ theo trường phái Đạo giáo, rất khác với hoá học hiện đại. Thiên văn Trung Quốc và các chòm sao đã thường được dùng cho bói toán.
Các phát minh quân sự bao gồm cung tên, bàn đạp ngựa, hơi độc, hơi cay (làm từ bột chanh), các bản đồ giải vây dùng cho kế hoạch đánh trận, diều chở người, hỏa tiễn, thuốc súng, thuốc nổ, các dạng sơ khai của súng ngắn, và súng thần công
Vạn Lý Trường Thành, dài hơn 6700 km, bắt đầu được xây dựng vào đầu thế kỷ 3 TCN để ngăn quân "du mục" từ phương Bắc, và cũng đã được xây lại nhiều lần.
Tây An, thời cổ đại gọi là Trường An, là kinh đô của 13 triều đại phong kiến khác nhau (bao gồm Hán và Đường) của Trung Quốc.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Trịnh Hoàng Trâm
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)