Khao co hoc

Chia sẻ bởi Lương Thu Hà | Ngày 18/03/2024 | 2

Chia sẻ tài liệu: khao co hoc thuộc Lịch sử

Nội dung tài liệu:

Thời đại đồ đá cũ ở việt nam

Mục tiêu :
Cung cấp cho SV những kiến thức cơ bản về thời đại đồ đá cũ ở Việt Nam. Cần làm rõ những nội dung chính :
- Những dấu tích về người Vượn ở Việt Nam và niên đại xuất hiện.
- Những phát hiện khảo cổ học tiêu biểu về thời đại đồ đá cũ ở Việt Nam (Sơ kì đá cũ, Trung kì đá cũ, Hậu kì đá cũ)
- Cuộc sống của chủ nhân văn hoá Sơn Vi
- Đời sống của con người thời đại đồ đá cũ ở Việt Nam
- Tại sao nói Việt Nam là một trong những "cái nôi" của loài người.
Bài giảng : Khảo cổ học
GV : TS Nguyễn Duy Bính

Yêu cầu đối với sinh viên :
- Nắm vững kiến thức của bài trước (các giai đoạn phát triển của sơ kì thời đại đồ đá cũ trên thế giới.
- Những thành tựu của loài người trung kì và hậu kì đá cũ trên thế giới.
- Tại sao giai đoạn Tiền sen còn được gọi là Văn hoá cuội gia công?
- Đặc điểm của mảnh tước Cơlắctôn là gì ?
- Đặc điểm của mảnh tước Lơvaloa là gì ?
- Kỹ thuật Mutchie là gì ?...
- Chuẩn bị tinh thần phát biểu ý kiến, thảo Luận
- Rèn luyện kĩ năng vận dụng những kiến thức Khảo cổ để hiểu và giải quyết được những vấn đề thực tiễn cũng như những vấn đề của Lịch sử.

Tài liệu tham khảo chính (đối với SV) :
1. Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Diệp Đình Hoa : Cơ sở khảo cổ học, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978.
2. Những di tích của con người thời tối cổ trên đất Việt Nam, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1973.
3. B.I. Bô-ri-xcốp-xki : Một số ý kiến về thời đại đồ đá cũ Việt Nam, Tạp chí Khảo cổ học, số I, 1977
4. Hà Văn Tấn và Nguyễn Khắc Sử : Văn hoá Sơn Vi - Mười năm sau ngày phát hiện, Tạp chí Khảo cổ học, số V, 1978.
5. "Thần Sa, những di tích của con người thời đại đồ đá", Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1981.
6. Lê Trung Khá : "Về đá cũ vùng Xuân Lộc Đồng Nai" trong : Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1976, Hà Nội, 1977

Câu hỏi kiểm tra kiến thức bài cũ :

1. Các giai đoạn phát triển của sơ kì thời đại đồ đá cũ trên thế giới ?
2. Những thành tựu của loài người trung kì và hậu kì đá cũ trên thế giới ?
3. Tại sao giai đoạn Tiền sen còn được gọi là Văn hoá cuội gia công?
4. Đặc điểm của mảnh tước Cơlắctôn, Lơvaloa là gì ?
5. Kỹ thuật Mutchie là gì ?
Nội dung bài: thời đại đồ đá cũ ở việt nam
1. Những dấu tích về người vượn trên lãnh thổ Việt Nam và niên đại xuất hiện
Những dấu tích
- Các bằng chứng khảo cổ học đã chứng tỏ Việt Nam là một trong những trung tâm hình thành loài người, vì Việt Nam nằm giữa Giava và Bắc Kinh là nơi phát hiện được giống người vượn cổ và những di tích văn hoá sơ kì đá cũ.
- Trong các hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn) các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một số răng người Vượn nằm trong lớp trầm tích màu đỏ, chứa xương cốt động vật thời cánh tân.
Răng người vượn đứng thẳng tại hang Thẩm Khuyên
(Lạng Sơn)
- Bên cạnh những chiếc răng người vượn, nằm cùng lớp còn có nhiều xương, răng các động vật khác sống cùng thời với người vượn như hổ, báo, lợn rừng, voi...
- Năm 1975 - 1977 tại hang Thẩm ồm (Tân Thuận, Quý Châu, Ngệ An) các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy 5 chiếc răng trong lớp trầm tích trung kì cánh tân. Răng người ở đây vừa có đặc điểm của răng người vượn vừa có đặc điểm của người mới.
- Tại hang Hùm (xã Đồng Tâm, Lục Yên, Yên Bái) cũng tìm tháy 4 răng người trong lớp trầm tích đầu hậu kì cánh tân, cách ngày nay từ 14 đến 8 vạn năm
Răng hàm xương Bò tại hang Thẩm Hai (Lạng Sơn)
- Tại hang Kéo Lèng (Tô Hiệu, Bình Gia, Lạng Sơn) cũng phát hiện được hai chiếc răng và một mảnh xương trán của người hiện đại trong lớp trầm tích thời hậu kì cánh tân
- Hang Thung Lang (Hà Nam Ninh), hang Soi Nhụ (Quảng Ninh) cũng tìm thấy răng và xương của người mới như ở Kéo Lèng, niên đại cách ngày nay khoảng 2 - 3 vạn năm.
- ở nhiều địa phương trên đất nước ta như di tích Núi Đọ (Thanh Hoá), Quan Yên, Núi Nuông (Thanh Hoá), Tấn Mài (Quảng Ninh), Miệng Hổ (Thái Nguyên), Xuân Lộc (Đồng Nai), Hang Gòn, Dầu Dây, Suối Đá, Núi Đất, Núi Cẩm Tiên, Cầu Sắt, Phú Quý (Đồng Nai), An Lộc (Sông Bé) đều tìm thấy công cụ của người vượn như mảnh tước, rìu tay, công cụ chặt...
Niên đại xuất hiện : Các nhà khảo cổ học đối chiếu răng người vượn tìm thấy ở Việt Nam với răng người vượn Bắc Kinh có niên đại khoảng trên dưới 30 vạn năm.
Kết luận : Những phát hiện khảo cổ học trên là bằng chứng khẳng định sự có mặt của người nguyên thuỷ trên lãnh thổ Việt Nam từ thời đại đồ đá cũ.
2. Những phát hiện khảo cổ học tiêu biểu về thời đại đồ đá cũ ở Việt Nam (Sơ kì đá cũ, Trung kì đá cũ, Hậu kì đá cũ)
2.1. Sơ kì đá cũ :
- Năm 1935 - 1936, Phơrômagiê và Xôranh đã tìm thấy di cốt của người vượn tương tự người vượn Bắc Kinh cùng một số đồ đá cuội được ghè đẽo thô sơ ở Tam Lang, Tam Paloi (Thượng Lào), và ở hang Thung Lang gần Đồng Giao (Ninh Bình).
- Tháng 11 năm 1960, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được địa điểm sơ kì đồ đã cũ ở Núi Đọ (xã Thiệu Khánh, Thiệu Dương - Thanh Hoá)
Di tích Núi Đọ (Thanh Hoá)
Sơ kì đá cũ cách ngày nay 300 - 400 ngàn năm
Công cụ :
- Di tích Núi Đọ không có kết cấu tầng văn hoá. Hiện vật nằm ngay trên mặt đất, không có hoá thạch động vật kèm theo.
- Số lượng mảnh tước (Cơlắctôn) chiếm 90%
- Mảnh tước Lơvaloa chỉ chiếm chưa đầy 5%.
Công cụ :
- Công cụ chặt ở di tích
Núi Đọ (Thanh Hoá)
- Hạch đá
Di tích Quan Yên (Thanh Hoá)
- Công cụ hình đĩa
- Rìu tay
- Nạo
Di tích Hang Thẩm Hai, Thẩm Khuyên (Tân Văn, Bình Gia, Lạng Sơn) năm 1964 - 1965 tìm thấy 10 chiếc răng hoá thạch nằm trong lớp trầm tích màu đỏ chứa xương cốt các loài động vật thuộc trung kì thời Cánh Tân. Niên đại khoảng 25 - 30 vạn năm.
Di tích Hang Gòn, Dầu Dây (Xuân Lộc, Đồng Nai) do nhà địa chất học người Pháp Xoranh phát hiện được năm 1966 - 1968.
Hang Gòn : niên đại : thuộc thời kì Asơn sớm. Công cụ tìm được gồm 3 rìu tay, 5 công cụ ba mặt, 2 công cụ nhiều mặt, 1 mũi nhọn, 1 nạo,... 1 công cụ hình rìu, nhiều hòn đá dùng để ném
(bô la).
Dầu Giây : niên đại thuộc Asơn muộn. Công cụ tìm thấy : 1 rìu tay, 2 nạo, 1 mũi nhọn.
Suối Đá, đồi Sáu Lé, Núi Đất, Núi Cẩm Tiên, Gai Tân, Cầu Sắt, Phú Quý (Đồng Nai), An Lộc (Sông Bé). Công cụ : chủ yếu đồ đá đẽo thô sơ
2.2. Trung kì đá cũ ở Việt Nam
Di tích hang Miệng Hổ (Thần Sa - Võ Nhai, Thái Nguyên)
Niên đại : Trung kì đá cũ, được phát hiện năm 1962
Công cụ : mảnh tước có tu chỉnh được chế tác từ đá cuội, kĩ thuật ghè đẽo thô sơ, mảnh tước làm mũi nhọn, thô. Nạo có rìa cạnh sắc...
Di tích Nà Khù (Thần Sa - Võ Nhai), hang Lạng Hắc, Hang Thẩm Hấu (Mảng Sộc, Võ Nhai), hang Lũng ổ (Cao Bằng), hang Pha Kình (Cao Bằng) có cùng tính chất với di tích Miệng Hổ
Hang Thẩm ồm (Nghệ An) : Thu được 5 chiếc răng người vượn trong lớp trầm tích trung kì cánh tân.
Hang Hùm (Yên Bái) : Tìm được 4 chiếc răng người trong lớp trầm tích hậu kì cánh tân, cách ngày nay khoảng 14 - 18 vạn năm.
Hang Kéo Lèng (Lạng Sơn) : Tìm được hai chiếc răng và một mảnh xương trán người hiện đại trong lớp trầm tích hậu kì cánh tân.
Hang Thung Lang (Hà Nam Ninh), hang Soi Nhụ (Quảng Ninh) : Tìm thấy răng người mới như ở hang Kéo Lèng, niên đại khoảng 2 - 3 vạn năm cách ngày nay.
2.3. Hậu kì đá cũ ở Việt Nam
Nhóm di tích Nậm Tun - Bản Phố : Di tích Nậm Tun là một hang đá vôi ở ngay thị trấn Phong Thổ (Lai Châu) phát hiện năm 1972. Bản Phố là di tích ngoài trời ven bờ sông Đà - xã Tạ Khoa, Yên Châu, Sơn La, phát hiện năm 1974.
Văn hoá Sơn Vi : là nền văn hoá tiêu biểu nhất ở hậu kì đá cũ trên đất nước ta, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 3 - 1968 ở xã Sơn Vi - Lâm Thao, Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ).
Niên đại hậu kì đá cũ. Hang Ông Quyền có niên đại là 18.390 ? 125 năm. Di chỉ Núi Một Thanh Hoá có niên đại là 16.125 ? 120 năm.
Văn hoá Sơn Vi phân bố trên một địa bàn rất rộng, từ Lào Cai phía Bắc tới Thanh Hoá phía Nam, từ Sơn La phía Tây Bắc đến lưu vực sông Lục Nam phía Đông Bắc
Hang Con Moong : (khu vực rừng quốc gia Cúc Phương) cho thấy Văn hoá Sơn Vi nằm kế tiếp phía dưới tầng Văn hoá Hoà Bình. ở lớp trên của tầng văn hoá Sơn Vi có chứa một ít công cụ văn hoá Hoà Bình.
Các nhà khoa học đã tìm thấy 3 ngôi mộ cổ có thổ hoàng và đồ tuỳ táng là công cụ, xương cá vụn nát... Tìm thấy nhiều di tích động vật hoá thạch gồm tê, ngưu, hươu, lợn, chồn, cầy, trĩ, ba ba... nhiều loài ốc núi, trùng trục, cua núi...
Nhận xét : những phát hiện trên cho thấy cư dân văn hoá Sơn Vi là những bộ lạc săn bắt và hái lượm. Việc phát hiện hang Con Moong cho thấy bước phát triển liên tục từ văn hoá Sơn Vi lên văn hoá Hoà Bình, tức là bước chuyển từ hậu kì đá cũ qua thời đại đồ đá giữa và sang thời đại đồ đá mới ở Việt Nam.
- Những phát hiện khảo cổ học cho thấy chủ nhân văn hoá Sơn Vi có địa bàn cư trú ở những vùng gò đôi trung du, triền lưu vực sông Hồng, Lục Nam, trải rộng từ các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An...
- Người Sơn Vi đã biến chế tác công cụ, điển hình là công cụ đá cuội được ghè đẽo, tu chỉnh ở phần thân, phần lưỡi.
- Người Sơn Vi sống dựa chủ yếu vào hái lượm và săn bắt, trong các di tích, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy xương các loại động vật như trâu, bò, lợn rừng, khỉ, cá,...
- Về đời sống xã hội : đã xuất hiện tổ chức thị tộc, bộ lạc.
Đời sống của chủ nhân văn hoá Sơn Vi
Mảnh tước
Một số hình ảnh về thời đại đá cũ ở Việt Nam
- Di tích Đồi Thông (Hà Giang) - Hậu kì đá cũ cách ngày nay 40.000 năm
- Di tích Mái Đá Ngườm (Thái Nguyên) - Hậu kì đá cũ cách ngày nay 20.000 - 30.000 năm
1. Từ những phát hiện khảo cổ học vừa học, theo bạn đời sống của người nguyên thuỷ thời đá cũ ở Việt Nam như thế nào ?

Đáp án
Câu hỏi thảo luận
2. Tại sao nói Việt Nam là một trong những "cái nôi" của loài người ?

Đáp án
Đáp án câu 1:
- Khí hậu nước ta rất thuận lợi cho sự sống của người tối cổ. Tuy nhiên trong điều kiện hoang dã khắc nghiệt, trình độ còn thấp kém, công cụ còn thô sơ, người tối cổ phải sống tập hợp thành từng bầy trong các hang động, mái đá, ở các dãy núi đá vôi, ven sông suối, vùng trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Họ cùng lao động, chống thú dữ. Tuy nhiên, bầy người nguyên thuỷ đã có quan hệ xã hội, có người đứng đầu, có sự phân công lao động giữa nam và nữ.
- Mỗi bầy thường có từ 20 đến 30 người, gồm các thế hệ khác nhau : ông, bà, cha, mẹ, con cái.
- Người nguyên thuỷ lấy hái lượm, săn bắt làm phương tiện để sinh tồn. Bởi vậy, họ chưa có nơi cư trú ổn định.
- Những phát hiện khảo cổ học cho thấy họ đã biết chế tạo công cụ.
- Vào cuối hậu kì đá cũ, trên nhiều địa phương ở nước ta, người tinh khôn ra đời sớm đã chuyển biến dần thành người tinh khôn giai đoạn muộn.
Đáp án câu 2 :
- Vì Việt Nam nằm giữa Giava và Bắc Kinh, hai nơi phát hiện được giống người vượn cổ và những di tích văn hoá sơ kì đá cũ. Trong các hang Thẩm Hai và Thẩm Khuyên (Lạng Sơn), các nhà khoa học đã tìm thấy răng người nằm trong lớp trầm tích. Những chiếc răng này gần với răng người vượn Bắc Kinh.
- Căn cứ vào các phát hiện khảo cổ học, căn cứ kĩ thuật chế tác đá và đặc trưng công cụ cho thấy : công cụ của người nguyên thuỷ ở nước ta tién bộ hơn nhiều so với công cụ của người tinh khôn.
- Những bằng chứng trên đã chứng tỏ Việt Nam là một trong những cái nôi của loài người, rằng trên đất nước ta đã có một sự chuyển biến mạnh mẽ, từng bước từ người vượn đến người tinh khôn.
Câu 1 : Di tích răng hàm hoá thạch của người nguyên thuỷ tại các hang động Lạng Sơn (hang Thẩm Hai, Thẩm Khuyến). Đó là răng của loại hình người nào :
1 - Răng người vượn (Tương đương Pitêcom-trơt)
2 - Răng người vượn (Tương đương người vượn Bắc Kinh)
3 - Răng người khôn ngoan (homosapiens)
4 - Răng người vượn Giava
Câu 2 : Hãy xác định niên đại của các công cụ đồ đá ở Việt Nam ở các di chỉ núi Đọ, Quan Yên, Xuân Lộc, An Lộc ?
1 - Thời đại đồ đá cũ sơ kỳ ?
2 - Thời đại đồ đá cũ hậu kỳ ?
3 - Thời đại đồ đá mới ?
4 - Thời đại sơ kỳ đồng ?
Câu 3 : Trong thời đại đồ đá cũ sơ kỳ (Văn hoá Núi Đọ, An Lộc, Xuân Lộc) ở Việt Nam - người nguyên thuỷ sống theo phương thức tổ chức nào trong các phương thức sau :
1 - Sống thành từng bầy lang thang.
2 - Sống thành gia đình cá thể
3 - Sống theo công xã thị tộc mẫu quyền, thị tộc phụ quyền.
4 - Sống theo gia đình phụ quyền.
Câu 4 : Trong các giai đoạn bày người, người nguyên thuỷ sống dựa vào phương thức kinh tế nào.
1 - Hái lượm và săn bắn.
2 - Sản xuất nông nghiệp sơ khai (dùng cuốc tay bằng đá)
3 - Trồng lúa nước nông nghiệp dùng cày và sức kéo.
4 - Chăn nuôi du mục.
Câu 5 : Trong những căn cứ sau đây, căn cứ nào là chủ yếu xác định lãnh thổ Việt Nam thời cổ và cả khu vực Đông Nam á đã là một trung tâm phát sinh của loài người nguyên thuỷ.
1 - Việt Nam có địa lý thích hợp cho loài vượn người cư trú (rừng cây nhiệt đới, có mái đá hang động nhiều sông suối.)
2 - Việt Nam Đông Dương tiếp giáp với các nước trong khu vực đã phát hiện người nguyên thuỷ như người vượn Giava, người vượn Bắc Kinh, người vượn ấn Độ, Việt Nam nằm liền kề các nước đó tất nhiên cùng là quê hương của loài người nguyên thuỷ.
3 - Những bằng chứng khảo cổ học đã phát hiện những di tích công cụ đá cũ sơ kỳ (Núi Đọ, Xuân Lộc) và di tích răng hàm hoá thạch của người Vượn trong các hang động (Lạng Sơn) có niên đại tương đương vượn Bắc Kinh (khoảng trên 20 vạn năm)
4 - Bằng chứng về dân tộc học
Câu 6 : Hãy xác định niên đại của loại hình công cụ thuộc văn hoá Sơn Vi
1 - Sơ kỳ đồ đá cũ
2 - Hậu kỳ đồ đá cũ
3 - Đồ đá mới.
4 - Sơ kì đồng thau

Câu 7 : Căn cứ vào đặc điểm công cụ sản xuất và những di tích răng hàm hoá thạch, đã phát hiện ở nền văn hoá Sơn Vi (hậu kỳ đá cũ) có niên đại khoảng trên dưới 3 vạn năm cách đâu. Hãy xác định chủ nhân nền văn hoá Sơn Vi thuộc loại hình nào :
1 - Người vượn
2 - Người khôn ngoan (homosapien) (người hiện đại)
3 - Người khôn ngoan giai đoạn sớm
4 - Người khôn ngoan giai đoạn muộn - người Sơn Vi
Câu 8 : Hãy xác định đời sống của các bộ lạc Sơn Vi dựa trên hoạt động kinh tế nào là chủ yếu trong các hoạt động sau :
1 - Săn bắt và hái lượm
2 - Trồng lúa nước
3 - Chăn nuôi du mục
4 - Sản xuất nông nghiệp trồng trọt

Câu 9 : Nền văn hoá Sơn Vi thuộc hậu kỳ đồ đá cũ tập đoàn người thường cư trú ở vùng đồi gò trung du. Đời sống chính dựa vào hái lượm săn bắt phát triển trình độ sản xuất tiến bộ hơn. Bạn hãy xác định người Sơn Vi sống theo tổ chức xã hội nào :
1 - Bầy người nguyên thuỷ
2 - Sống theo gia đình cá thể một vợ một chồng
3 - Công xã thị tộc (Mẫu quyền)
4 - Công xã nông thôn
phần đáp án trắc nghiệm
Câu 1 :
2. Tương đương người vượn Bắc Kinh.
Câu 2 :
1. Thời đại đá cũ sơ kỳ.
Câu 3 :
1. Sống theo bày
Câu 4 :
1. Hái lượm và săn bắt.
Câu 5 :
3. Bằng chứng khảo cổ học
Câu 6 :
2. Hậu kỳ đá cũ
Câu 7 :
4. Người hiện đại (homosapien) giai đoạn muộn
Câu 8 :
1. Săn bắt và hái lượm.
Câu 9 :
3. Công xã thị tộc mẫu quyền.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Lương Thu Hà
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)