Kết quả 5 năm của GD tiểu học (2005-2010)

Chia sẻ bởi Cao Văn Ninh | Ngày 08/10/2018 | 50

Chia sẻ tài liệu: Kết quả 5 năm của GD tiểu học (2005-2010) thuộc Toán học 1

Nội dung tài liệu:

UBND HUYỆN KRÔNG BÔNG
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP
CỦA HỌC SINH CẤP TIỂU HỌC 5 NĂM
(Từ năm học 2005-2006 đến năm học 2009-2010)
Krông Bông, ngày 10 tháng 12 năm 2010
I. Đặc điểm tình hình:
- Năm học 2010-2011, cấp tiểu học có 24 trường thuộc 14 xã, thị trấn với 64 điểm trường. Tổng số học sinh 10.223 em, nữ 4.853 em, dân tộc thiểu số 5.163 em, nữ dân tộc thiểu số 2.372 em.
- Về CSVC: có 353 phòng học (trong đó phòng kiên cố: 67 phòng, chiếm tỷ lệ: 18,98%; phòng học cấp 4: 235 phòng, chiếm tỷ lệ 66,58%; phòng học dưới cấp 4: 42 phòng, chiếm tỷ lệ: 14,44%; tỷ lệ bình quân phòng học / lớp: 0,83 phòng / lớp)
- Về cán bộ giáo viên:
+ Cán bộ quản lý (gồm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng): 49 người; nữ: 22 người; dân tộc thiểu số: 02 người; trình độ đào tạo đạt chuẩn: 49 người, tỷ lệ: 100%; trong đó: trên chuẩn (Đại học, Cao đẳng): 41 người, tỷ lệ: 83,68%; Trung học sư phạm (12+2, 9+3): 08 người, tỷ lệ 16,32%; theo quy định của Thông tư 35 thiếu 10 người.
+ Giáo viên: 502 người; nữ: 401 người; dân tộc thiểu số: 64 người; trình độ đào tạo đạt chuẩn: 495 người, tỷ lệ: 98,61%; trong đó: trên chuẩn (Đại học, Cao đẳng): 344 người, tỷ lệ: 68,53%; Trung học sư phạm (12+2, 9+3): 151 người, tỷ lệ: 30,08%; chưa đạt chuẩn: 07 người, tỷ lệ: 1,39%; tỷ lệ giáo viên/lớp: 1,18 giáo viên / lớp; theo quy định của Thông tư 35 thiếu: 10 giáo viên.
- Trường đạt MCLTT: 09 trường, tỷ lệ: 37,5%, trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1: Không
II. Đánh giá kết quả học tập của học sinh (HS) tiểu học, chất lượng HS dân tộc thiểu số, chất lượng HS lớp 5 và tỷ lệ HS Hoàn thành chương trình tiểu học (HTCTTH):
1. Bảng thống kê chất lượng HS tiểu học 5 năm (2005-2010)
1.1. Chất lượng chung
1.2. Chất lượng học tập của HS dân tộc thiểu số:
2. Đánh giá kết quả học tập của HS tiểu học:
2.1. Những ưu điểm:
Căn cứ vào kết quả học tập của HS trong 5 năm gần đây, nhận thấy kết quả học tập của HS tiểu học qua các năm học tương đối vững chắc, song còn thấp. Chất lượng của năm học 2009-2010 cao hơn năm học 2005-2006 về tỷ lệ HS Giỏi, chất lượng Hạnh kiểm và chất lượng học tập có nâng cao theo thế vững chắc, không có đột biến. Những năm đầu của cuộc vận động “hai không” chất lượng có giảm, do có sự điều chỉnh chung về đánh giá thực chất theo tinh thần “hai không”. 5 năm học gần đây, cũng là kết quả của 5 năm thay sách và đổi mới giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Do đó, chất lượng tiểu học từng bước đi vào thế ổn định và chiều sâu.
Qua khảo sát, thanh tra, kiểm tra và dự giờ thăm lớp, HS tiểu học dưới sự dẫn dắt của giáo viên theo phương pháp đổi mới cùng với nội dung mới, HS tiểu học đã thích đi học, được học và học được. HS phần lớn đã chủ động phát huy tính tích cực, chủ động linh hoạt trong học tập; HS đã làm quen và phát huy tác dụng của phương pháp học tập mới như: Hoạt động nhóm trong học tập, HS đã chủ động tiếp cận kiến thức qua thảo luận nhóm trên cơ sở phối hợp, hợp tác. Hiện tượng HS yếu và trung bình đứng ngoài lớp học đã dần được khắc phục. Giáo viên đã chủ động quan tâm đến HS yếu, tổ chức cho những HS yếu tham gia xây dựng bài và chủ động trong sinh hoạt nhóm. Hiện tượng khi có người dự giờ chỉ gọi những HS khá, giỏi tham gia xây dựng bài đã từng bước được khắc phục. Nhờ đó, HS yếu được tạo điều kiện hoạt động và thực sự được quan tâm.
Nhìn vào kết quả học tập 5 năm gần đây, tỷ lệ HS khá giỏi tăng 15%, HS xếp loại yếu cũng tăng 3%. Đây là kết quả tương đối ổn định và vững chắc, là kết quả của việc đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông cấp tiểu học trong nhiều năm qua tính trên mặt bằng chung toàn huyện; song do đặc thù của huyện nhà, số lượng HS dân tộc thiểu số đông (45,77%) nên mặt bằng chất lượng giảng dạy và học tập ở các trường tiểu học không đồng đều; do đó tỷ lệ xếp loại yếu của HS dân tộc thiểu số còn cao (chiếm 20,16%); cụ thể như trường tiểu học Cẩm Phong (20,08%), Cư Pui 2 (28,95%).
Riêng về chất lượng HS lớp 5 HTCTTH qua 5 năm học: Kết quả 5 năm là 99,92%, 96,7%, 95,55%, 97,80%, 99,35% đây là kết quả rất ổn định, không có sự đột biến về số lượng và chất lượng. Có được kết quả đó là do các trường tiểu học đã có sự lựa chọn, đầu tư đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn khá giỏi và giàu lòng nhiệt tình trách nhiệm cao để dạy lớp 5.
Điều được quan tâm trong tư tưởng chỉ đạo trong những năm học tới là: Nâng cao chất lượng thực chất, tránh hô hào, hình thức, không quay lại bệnh thành tích.
Thông qua việc dạy và học theo chương trình, sách giáo khoa và đổi mới phương pháp, không khí lớp học đã được cải thiện theo hướng thân thiện và tích cực, HS gần gũi, tin cậy giáo viên, giáo viên chăm lo hết sức cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình dạy và học.
2.2. Những vấn đề cần quan tâm đối với chất lượng giáo dục cấp tiểu học:
2.2.1. Việc dạy học 2 buổi / ngày:
Năm học 2010-2011, toàn huyện chưa có trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi / ngày, chỉ có trường tiểu học Sơn Đông dạy 7 buổi / tuần với 17 lớp, 406 HS theo chương trình SEQAP; Ngoài ra các trường TH Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai tổ chức dạy 6-7 buổi / tuần ở các khối lớp 1, 2 với 16 lớp, 368 HS.
Chất lượng dạy buổi 2 do trường tự chọn nội dung và bố trí thời lượng, chủ yếu là tăng thời lượng giảng dạy để bớt căng thẳng cho HS; riêng phần sắp xếp và tăng nội dung còn phụ thuộc vào năng lực của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng. Việc thu, chi tại các trường dạy 6-8 buổi / ngày cũng không có các văn bản hướng dẫn cụ thể của cấp trên nên việc thu, chi không thống nhất giữa các trường trong huyện. Đề nghị sở GD&ĐT sớm có hướng dẫn thống nhất trong toàn tỉnh về thu, chi dạy 2 buổi / ngày và tổ chức bán trú.
Để tiến tới năm 2020, 100% HS tiểu học học 2 buổi / ngày, từng năm học phải có kế hoạch xây dựng CSVC và các điều kiện kèm theo để thực hiện kế hoạch. Tổ chức bồi dưỡng chuyên đề cho Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng về chỉ đạo thực hiện dạy 2 buổi / ngày.
2.2.2. Về dạy học ngoại ngữ cho HS tiểu học:
Năm học 2010-2011, toàn huyện chưa có trường nào triển khai dạy ngoại ngữ cho HS.
Để đón đầu chương trình dạy ngoại ngữ cho HS tiểu học của Bộ GD&ĐT, đề nghị các trường phải có kế hoạch dạy ngoại ngữ cho HS tiểu học. Trước hết là có chỉ tiêu biên chế giáo viên dạy ngoại ngữ cho các trường. Tuyển dụng những giáo viên đủ điều kiện vào biên chế để họ yên tâm công tác. Từng bước đưa môn ngoại ngữ vào môn học bắt buộc như các môn học khác và tăng cường chỉ đạo chuyên môn ngoại ngữ.
2.2.3. Dạy tin học cho HS tiểu học:
Năm học 2010-2011, toàn huyện chưa có trường nào triển khai dạy tin học cho HS. Đề nghị có kế hoạch đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị tin học cho cấp tiểu học để từng bước đưa chương trình dạy và học tin học trong trường tiểu học thành nề nếp và có hiệu quả.
2.2.4. Về chất lượng học tập của HS dân tộc thiểu số:
Trong nhiều năm nay, các cấp quản lý giáo dục đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng học tập của HS dân tộc thiểu số như: Chuẩn bị Tiếng Việt cho HS trước tuổi đến trường tại các điểm trường thuộc các trường tiểu học vùng đặc biệt khó khăn; dạy tăng cường Tiếng Việt thông qua các bộ môn văn hóa và hoạt động giáo dục; dạy học theo hướng linh hoạt cho HS có hoàn cảnh khó khăn, … các biện pháp đã góp phần cải thiện chất lượng học tập cho HS dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tỷ lệ HS yếu về học lực của HS dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Số HS xếp loại học lực yếu hằng năm, trong đó HS dân tộc thiểu số chiếm từ 70 đến 80%
Để khắc phục tình trạng trên, đề nghị CBQL các trường tiểu học, các giáo viên phải tiếp tục tích cực áp dụng những biện pháp hiện có, phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong vận dụng phương pháp mới vào dạy học cho HS tại lớp mình phụ trách. Cần thực hiện những nội dung cụ thể như sau: Linh hoạt trong thời lượng dạy học, chủ động trong việc truyền thụ nội dung kiến thức văn hóa khoa học, sáng tạo trong phương pháp phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý HS dân tộc. Mạnh dạn đổi mới, chủ động cải tiến phương pháp tổ chức dạy học trong và ngoài lớp học. Bằng nhiều biện pháp dạy học và tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể để tăng cường Tiếng Việt cho HS, tập thói quen cho HS mạnh dạn, tự tin trong học tập và sinh hoạt tập thể cho các em.
2.2.5. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học ở tiểu học:
Phát huy thành quả 5 năm đổi mới giáo dục phổ thông cấp tiểu học, tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học cấp tiểu học; tăng cường tổ chức chuyên đề chuyên môn nghiệp vụ theo trường, cụm trường, tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học vì đây là vấn đề cơ bản để nâng cao chất lượng dạy và học cấp tiểu học.
Tổ chức dạy và học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, kiên quyết quản lý theo chuẩn, dạy theo chuẩn, học theo chuẩn, kiểm tra đánh giá, nhận xét theo chuẩn; tổng kết việc dạy và học theo chuẩn kiến thức kỹ năng để đúc rút kinh nghiệm chỉ đạo và thực hiên tốt hơn nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cấp tiểu học trong những năm tới.
Cụ thể là: Dạy học theo hướng tích cực: Thầy hướng dẫn gợi mở, trò chủ động tiếp thu kiến thức, chống bệng nói dài, nói nhiều, nói nhanh, làm thay HS kiểu áp đặt, không để HS tự tiếp thu kiến thức theo cách của chúng. Tổ chức nhóm học tập nhưng không lạm dụng nhóm mà chỉ tổ chức trao đổi nhóm khi yêu cầu nội dung bài dạy đặt ra. Về sử dụng hệ thống câu hỏi trong giảng dạy giáo viên phải xây dựng hệ thống câu hỏi chuẩn, tránh câu hỏi qua loa, chiếu lệ, hình thức rồi quay lại kiểu áp đặt, nhồi nhét kiến thức, trong khi HS chưa được tạo ra tình huống có vấn đề để sẵn sàng tiếp thu kiến thức mới. Giáo viên không được tự làm khó mình theo kiểu tự thêm kiến thức để làm bài học rối thêm; việc sử dụng thiết bị dạy học phải hợp lý, khoa học sao cho bài giảng nhẹ nhàng, lớp sinh động, HS tiếp thu bài một cách chủ động, thoải mái, lớp học thực sự thân thiện; thầy trò làm việc kết hợp nhuần nhuyễn, HS vui vẻ, thích học, kích thích sáng tạo và lòng say mê học tập.
III. Kết luận:
Nâng cao chất lượng dạy và học là một quá trình không thể đốt cháy giai đoạn, nóng vội mà phải từng bước có kế hoạch kết hợp tình hình thực tế. Đòi hỏi mỗi giáo viên và CBQL phải kiên trì sáng tạo linh hoạt trong thực hiện. Từng cá nhân phải tự đổi mới, vận động mọi người cùng đổi mới vươn lên đáp ứng với nhu cầu thực tế. Dạy học là một khoa học, đồng thời là một nghệ thuật, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có thái độ khoa học trong chỉ đạo và thực hiện, tăng cường chỉ đạo, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xây dựng tạo điều kiện để chất lượng dạy học ngày càng phát triển vững chắc, ổn định và đạt hiệu quả.
CHUYÊN MÔN TIỂU HỌC
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Cao Văn Ninh
Dung lượng: 20,03KB| Lượt tài: 1
Loại file: rar
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)