HỆ THẦN KINH

Chia sẻ bởi Hồ Minh Hùng | Ngày 24/10/2018 | 50

Chia sẻ tài liệu: HỆ THẦN KINH thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

- Hệ thần kinh là một hệ cơ quan phân hóa cao nhất trong cơ thể người, ở dưới dạng ống và mạng lưới đi khắp cơ thể
- Được cấu tạo bởi một loại mô chuyên biệt là mô thần kinh, gồm các tế bào thần kinh - nơ ron và các tế bào thần kinh đệm (thần kinh giao). Cũng chính các nơ ron đã tạo ra hai thành phần cơ bản của não, tủy sống và hạch thần kinh là chất xám và chất trắng.
- Về cấu tạo, hệ thần kinh được chia ra làm 2 bộ phận là:
+ Bộ phận trung ương gồm não, tủy sống.
+ Bộ phận ngoại biên gồm các dây thần kinh, hạch thần kinh.
Trong đó bộ phận trung ương giữ vai trò chủ đạo.
- Về chức năng, hệ thần kinh được chia thành:
+ Hệ thần kinh vận dộng (điều khiển cơ, xương).
+ Hệ thần kinh sinh dưỡng lại gồm 2 phân hệ là phân hệ giao cảm và phân hệ đối giao cảm.
- Hoạt động thần kinh cao cấp ở người hình thành nên nhiều phản xạ có điều kiện (PXCĐK) rất phức tạp mà không sinh vật nào có được. Vì vậy, việc “vệ sinh" hệ thần kinh có cơ sở khoa học là cần thiết để hệ thần kinh luôn đạt chất lượng hoạt động cao.
Bộ phận trung ương

Bộ phận trung ương gồm có: bộ não nằm trong hộp sọ, gồm đại não (có rãnh chia thành hai bán cầu đại não), não trung gian, tiểu não và trụ não; tủy sống nằm trong ống xương ống.
Phía ngoài tủy sống và bộ não có chung một màng bọc được gọi là màng não – tủy. Màng não - tủy gồm 3 lớp: màng cứng, màng nhện và màng nuôi.
+ Màng cứng là một màng dày và dai, nằm ở ngoài cùng, có nhiệm vụ bảo vệ não và tủy sống; ở bộ não, màng cứng nằm sát với khối xương sọ còn ở tủy sống nó nằm cách ống xương sống bởi một lớp mỡ mỏng.
+ Màng nhện là một màng liên kết nằm ở phía trong màng cứng, sát màng nuôi. Màng này có những khoang chứa một chất dịch trong suốt gọi là dịch não – tủy; nhờ dịch não - tủy mà bộ não và tủy sống được bảo vệ khỏi những chấn thương mạnh gây hại.
+ Trong cùng, màng nuôi cũng là một màng liên kết nhưng rất mỏng, bên trong có nhiều mạch máu đến nuôi mô thần kinh.

Làm thế nào để bạn có thể hít thở (mà dường như bạn chẳng để ý đến)? Làm thế nào để nhớ đường đến trường & về nhà? Tại sao có giấc mơ? ... Rất nhiều câu hỏi có thể đặt ra trước mắt bạn & bạn sẽ hiểu được những câu hỏi trên sau khi tìm hiểu về bộ não - ông chủ điều khiển mọi hoạt động cho cơ thể.
TÌM HIỂU VỀ NÃO
Bạn có biết:
Tốc độ hoạt động của não bộ còn nhanh hơn gấp nhiều lần tốc độ của chiếc máy vi tính mạnh nhất
Não có thể tích khá lơn, chiếm hơn một nửa hộp sọ của Bạn
Não bộ mềm, có nhiều nếp nhăn (nếp gấp), màu hơi xám & khá nặng (trọng lượng não bộ khoảng 1.4 kg ở người trưởng thành)

Các bán cầu đại não & vùng vận động:
Trong các thành phần cấu tạo nên não, vùng đóng vai trò nhiều nhất trong điều khiển hoạt động cơ thể là vỏ não, và vì thế vỏ não chiếm đến 85% trọng lượng toàn bộ não. Từ việc giải một bài toán khó đến việc chơi đùa, khiêu vũ hoặc nhớ ra ngày sinh nhật của bạn bè, ... đều được điều khiển tại vỏ não. Vỏ não là một trong những yếu tố để phân biệt giữa loài người và các loài vật khác, vỏ não cũng giúp loài người tiến hóa & phát triển đến như ngày hôm nay.
Vỏ não được cấu tạo bởi hai thùy, còn gọi là hai bán cầu não, một bên trái & một bên phải. Các nhà khoa học cho rằng não bên phải giúp con người có được tư duy trừu tượng, có thể hiểu được âm nhạc, nhận biết màu sắc & hình dạng của vạn vật. Còn não trái có chức năng phân tích, lý giải, xử trí theo lôgic & điều khiển ngôn ngữ. Các nhà khoa học cũng đã khẳng định rằng bán cầu não trái điều khiển hoạt động nủa thân bên phải & ngược lại, não phải điều khiển hoạt động của nửa thân bên trái.

Một vùng trên vỏ não được đặt tên là vùng vận động. Vùng này kéo dài xuyên qua hai bán cầu não như là một ống tai nghe choàng qua đầu từ tai này đến tai kia. Vùng vận động đều khiển tất cả các hoạt động có chủ đích của cơ thể, ví dụ như hoạt động viết lách hoặc đưa tặng mẹ bó hoa chẳng hạn.

Tiểu não & cuống não:
Kế tiếp theo vùng vỏ não là vùng tiểu não, tiểu não nằm phía sau & hơi thấp hơn so với vỏ não. Kích thước của tiểu não khoảng 1/8 thước của vỏ não. Mặt dù không lớn nhưng tiểu não đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát sự thăng bằng cho cơ thể, kiểm soát mọi trạng thái chuyển động & sự phối hợp vận động của các cử động. Hãy thử tưởng tượng mọi chuyện sẽ ra sao khi Bạn chơi patin hoặc khi Bạn chơi các trò chơi cảm giác mạnh mà không có sự kiểm soát của tiểu não và hiển nhiên các nhà ảo thuật xiếc cũng không thể trình diễn cho Bạn các tiết mục đi dây thăng bằng hoặc xe đạp 1 bánh, ...
Kế đến là cuống não, cuống não có đường kính không lớn nhưng dài & giống như chân đỡ toàn bộ não. Cuống não nằm bên dưới vỏ não nhưng nằm trước tiểu não. Cuống não nối với tủy sống kéo dài xuống cổ & lưng. Cuống não điều khiển các hoạt động duy trì sự sống như hô hấp, tiêu hóa thức ăn & vận hành hệ tuần hoàn máu bằng các hoạt động không chủ đích. Có nghĩa là dù Bạn muốn hay không muốn, tim của Bạn vẫn đập, hệ tiêu hóa vẫn co bóp & máu vẫn chảy để nuôi sống cơ thể. Ngoài ra cuống não còn là một xa lộ chứa hàng triệu các tín hiệu thần kinh truyền giao tiếp từ não đến các cơ quan & ngược lại.
Có thể tóm tắt mối liên hệ giữa não, cuống não & các cơ quan trong cơ thể bằng mô hình máy vi tính cá nhân như sau: bộ vi xử lý được coi như não bộ; màn hình, bàn phím & con chuột được xem như là các cơ quan còn các dây dẫn từ bàn phím & con chuột đến bộ vi xử lý hoặc dây dẫn từ bộ vi xử lý đến màn hình được xem như là cuốn não & cột sống. Tín hiệu được gởi từ bàn phím & con chuột hoặc các thiết bị đầu vào khác đến bộ xử lý. Sau khi xử lý xong, bộ vi xử lý sẽ trả lời kết quả đến màn hình hoặc các thiết bị xuất ra khác.
Thùy hải mã điều khiển các loại bộ nhớ trên não:
Thùy hải mã là một tập hợp các tế bào não đặc biệt nằm ngay bên trên cuống não & trãi dài qua tiểu não bên dưới vỏ não, có hình dạng giống như lưng con ngựa nước nên có tên gọi là thùy hải mã. Thùy hải mã là một bộ phận của não bộ có chức năng giải quyết các loại bộ nhớ cho não. Có 3 loại bộ nhớ bên trong não bộ, một gọi là bộ nhớ thường xuyên (ROM của máy vi tính được mô phỏng theo bộ nhớ thường xuyên này), hai là bộ nhớ gần (RAM của máy vi tính mô phỏng theo bộ nhớ gần) & bộ nhớ xa (ổ đĩa cứng của máy vi tính mô phỏng theo bộ nhớ xa này). Ví dụ, Bạn nhớ được chi tiết bữa ăn sáng nay gồm những gì thuộc vào bộ nhớ gần; tên của Bạn là gì nằm ở bộ nhớ thường xuyên còn định lý Pitagor phát biểu như thế nào khi Bạn học thời lớp 7 gọi là bộ nhớ xa.
Thùy hải mã chủ yếu thực hiện công việc chuyển tải các thông tin qua lại giữa hai loại bộ nhớ gần và xa, nó giống như hoạt động liên lạc giữa RAM & ổ cứng: những thông tin nào thường xuyên được sử dụng sẽ được thùy hải mã sắp xếp vào vùng nhớ gần & những thông tin nào ít dùng hơn sẽ được xếp vào vùng nhớ xa. Ví dụ, khi bạn chuẩn bị thi học phần môn Kinh tế chính trị thì những kiến thức này thuộc loại bộ nhớ gần, nhưng chúng sẽ trở thành loại bộ nhớ xa chỉ vài tháng sau đó (... trong trường hợp bạn không phải thi lại!)
Tuyến yên và vùng điều hoà thân nhiệt:
Tuyến yên là một tập hợp tế bào đặc biệt khác, rất nhỏ cỡ chừng hạt đậu phộng. Tuyến yên thật ra là một tuyến thuộc hệ nội tiết, nhưng nó có vị trí nằm trong não bộ. Tuyến yên có chức năng chính trong việc kích hoạt mọi hoạt động của tất cả các tuyến nội tiết khác & giao tiếp với não bộ. Ví dụ, khi bạn được khoảng 12-14 tuổi, tuyến yên sẽ tiết ra các hormon (nội tiết tố) đặc biệt kích thích các tuyến nội tiết khác tiết ra các hormon làm cho quá trình dậy thì xảy ra. Trong thời gian dậy thì, dưới sự điều kiển của tuyến yên, tuyến sinh dục bắt đầu hoạt động & cùng với hormon tăng trưởng (tiết ra trực tiếp từ tuyến yên) làm cho cơ thể bộc phát tăng trưởng. 
Cuối cùng là vùng điều khiển thân nhiệt & các phản xạ đói, khát, ... gọi là hypothalamus, nằm ở ngay trung tâm não bộ. Chức năng của nó là nhận biết được nhiệt độ của cơ thể, và kiểm soát nhiệt độ đó quanh rất lân cận 37 độ C bằng cách ra lệnh cho cơ thể điều tiết nhiệt độ như ra mồ hôi khi trời nóng hoặc thu người giữa ấm khi trời lạnh.
Hệ thống dây thần kinh & cột sống:
Não bộ liên lạc với tất cả các cơ quan bộ phận trong cơ thể bằng hệ thống dây thần kinh. Hệ hây thần bắt đầu từ cuống não kéo dài xuống cổ & cột sống ở lưng. Trên đường đi ở cột sống, bó dây thần kinh tách ra những nhánh để điều khiển thần kinh cho các bộ phận tương ứng. Bó dây thân kinh khi di chuyển xuống lưng được bao bọc bên trong ống cột sống với các xương sống nối liền với nhau & có các lổ để dây thần kinh phân phối đều sang hai bên cơ thể. Bó dây thần kinh tủy sống được đệm trong một lớp nước được gọi là dịch não tủy.







Công việc của dây thần kinh là một đường truyền 2 chiều qua lại, giống như đường dây điện thoại nhà bạn vậy. Và mạng lưới thần kinh cần để thực hiện một loạt động tác liên hồi, nhân quả hoặc phối hợp với nhau. Ví dụ, khi bạn đang ngồi học bài hoặc làm việc, có một con muỗi chích vào bắp chân bạn & làm bạn ngứa ngáy khó chịu, khi ấy các đầu mút thần kinh ở bắp chân báo tín hiệu lên cho não biết rằng đang có một vật nào đó tấn công gây ngứa ở bắp chân, tiếp theo não ra lệnh cho mắt quan sát xem vật gì gây ra kích thích đó, nếu mắt trả lời cho não nguyên nhân là do muỗi, não sẽ ra lệnh cho tay đập chết muỗi. Một ví dụ khác, khi bạn đi ra sân vườn vào ban đêm để đóng cổng đi ngủ & bạn loáng thoáng thấy một bóng người vụt qua, bạn nghi ngờ là kẻ trộm khi và hậu quả là tim bạn đập rất nhanh, bạn thở gấp & có thể la toáng lên, ... tất cả đều do sự nhận diện thông tin, gởi cho não, xử lý & trả lại kết quả thực hiện. Tuy nhiên, trong ví dụ thứ hai là sự phối hợp giữa hệ vận động có chủ đích & hệ vận động tự thân (tim đập nhanh) của cơ thể.
Giấc ngủ & giấc mơ:
Ngủ là hình thức để tất các bộ phận trong cơ thể thư giãn sau một ngày làm việc, tuy nhiên mức độ thư giãn là khác nhau ở từng bộ phận. Não luôn làm việc, ngay cả khi Bạn ngủ và điều khiển mọi hoạt động của quá trình ngủ qua 5 giai đoạn:

Trước tiên, khi cơ thể mệt mỏi báo tín hiệu cần được ngỉ ngơi, não sẽ ra lệnh cho Bạn nằm xuống để ngủ. Kế đến là gai đoạn đi vào giấc ngủ, lúc này mặc dù vẫn có những kích thích xung quanh Bạn nhưng không có gì là nguy hiểm cho cơ thể & Bạn an tâm để đi vào giai đoạn thứ 3 của giấc ngủ là ngủ sâu, não sẽ ra lệnh huyết áp hạ xuống, da không cảm nhận với nhiệt độ của môi trường xung quanh, ... để ngủ ngon hơn, giai đoạn ngủ ngon nhất này gọi là giai đoạn ngủ sâu nhất, mớ (nói trong khi ngủ) và mộng du (đi lại trong khi ngủ) có thể xảy ra trong giai đoạn này. Ở giai đoạn ngủ sâu nhất này, các cơ hoàn toàn được thư giãn, khi đó các cơ mắt không còn giữ mắt cố định nữa làm cho mắt di chuyển theo chiều trước sau rất nhanh làm cho nhịp tim đập chậm lại, giai đoạn này có tên gọi là REM (Rapid Eye Movement). Giấc mơ thường xảy ra trong giai đoạn REM này. Trong mỗi giấc ngủ dài trong đêm, Bạn thường trải qua chu kỳ của 4 giai đoạn 2, 3, 4 & REM mỗi 90 phút một lần. Như vậy, có đến 4-5 chu kỳ này xảy ra trong một giấc ngủ đêm khoảng 8 tiếng đồng hồ.

Các nhà khoa học vẫn đang còn tìm hiểu về giấc mơ, họ cho rằng giấc mơ là cách mà não bộ sắp xếp lại các thông tin đã xảy ra trong ngày theo trình tự quan trọng & ghi vào những vùng nhớ trong não cũng như loại bỏ các thông tin không cần thiết, giống như việc bạn dọn dẹp lại ổ cứng hoặc mail box của bạn trên máy vi tính vậy.
Quá trình học hỏi & sáng tạo:
Khi bạn còn nhỏ, não đã sẵn sàng để học mọi thứ và hình thành nên các nếp gấp hoặc các đường liên hệ nhận biết sự việc, cảm nhận & hành động đối phó lại các sự việc đó, ... và hình thành nên các neurons.
Hệ thống thần kinh chứa hàng triệu triệu neurons như vậy, mỗi neuron có những nhánh nhỏ liên kết với các neuron khác hình thành các đường dẫn truyền giống như một chuỗi lệnh được lập trình sẵn vậy. Quá trình học hỏi là quá trình lập trình cho neuron & hệ thần kinh của bạn, chính vì vậy mà bạn có kinh nghiệm để đối phó với các tình huống & dựa trên các kinh nghiệm (còn gọi là khả năng bắt chước), bạn sẽ sáng tạo ra những cái mới tương tự (khả năng mô phỏng) hoặc những cái mới đối lập (giống như hình học phi Eurlic đối lập với hình học Eurlic vậy). Quá trình học tập là quá trình củng cố đi củng cố lại một đường truyền thần kinh giữa các neurons ở trên não bộ. Một khi đường truyền này được thiết lập thì rất khó để loại bỏ nó & có những đường truyền không thể xóa được, ví dụ như việc mặc quần áo chẳng hạn.
Biểu hiện cảm xúc trong đời sống tinh thần
Trên não bộ còn có một số các nhóm tế bào hạnh nhân (amygdala), các tế bào này có chức năng gây ra các biểu hiện cảm xúc ở con người. Bình thường, có nhiều loại cảm xúc khác nhau & đối ngược nhau. Những cảm xúc như vui, hưng phấn, hạnh phúc là những biểu hiện cho thấy sự đáp ứng có lợi của cơ thể & cho cơ thể. Tuy nhiên, các cảm xúc như buồn, giận giữ hoặc lo âu chưa hẳn là hoàn toàn bất lợi cho cơ thể. Nói một cách khác, tất cả những cảm xúc của cơ thể là một bộ phận cấu thành cơ thể & không thể tách rời cơ thể. Chúng hình thành nên con người bạn, bản chất & nhân cách của bạn, và cũng là cái để nhận biết hai nhân vật giống nhau hoàn toàn về hình dạng bên ngoài trong những cặp song sinh chẳng hạn. Nó tạo ra những phong phú cho cuộc sống, mà chúng ta thường gọi là đời sống tinh thần hay sức khỏe cảm xúc, ...
Não được nuôi sống bằng hệ mạch máu não, tuy nhiên sức khỏe tinh thần được nuôi dưỡng từ môi trường sống xung quanh bạn & thói quen sống của bạn. Những thói quen như ăn ngủ điều độ, tập thể dục thể thao đều đặn, học hỏi nhiều kiến thức là những cách để có một tinh thần khỏe mạnh. Ngược lại, những thói quen nghiện ngập rượu, chất kích thích, thuốc lá gây tổn hại thực thể trên não & hậu quả chắc chắn là làm cho đời sống tinh thần, thậm chí đời sống vận động cũng bị hủy hoại.
Những bệnh lý thường thấy ở não & hệ thần kinh:
Viêm não, màng não
Chấn thương não
Xuất huyết não
Nhồi máu não
Nhũn não
Ung thư não
Chấn thương đốt sống cổ
Liệt dây thần kinh mặt
Liệt nửa thân người
Liệt tứ chi
Bại liệt
Bệnh tự kỷ ám thị
Bệnh tâm thần phân liệt
Bộ phận ngoại biên
Các dây thần kinh não - tủy: gồm 12 đôi dây thần kinh não, xuất phát tảotụ não và tỏa ra khắp các cơ quan ở mặt, cổ (riêng dây thần kinh X còn gọi là dây phế vi phân nhánh đến tận các cơ quan ở khoang ngực, khoang bụng); và 31 đôi dây thần kinh tủy xuất phất từ tủy sống phân bố ra tận các cơ quan ở thân, cổ và các chi.
Các hạch thần kinh là những khối nơ ron nằm ngoài phần thần kinh trung ương. Tất cả các hạch thần kinh đều thuộc phần thần kinh ngoại biên của hệ thần kinh sinh dưỡng. Chúng có thể nằm ở xa hoặc ngay bên cạnh một số cơ quan. Trong số hạch này có 2 chuỗi hạch nằm hai bên cột sống và một hạch lớn nằm trong khoang bụng (gọi là hạch mặt trời).
Hệ thần kinh thực vật
Hệ thần kinh thực vật là một bộ phận của hệ thần kinh trung ương. Gọi là thần kinh thực vật vì nó điều hoà các chức năng của cơ thể động vật giống như ở thực vật tức không theo ý muốn chủ quan của chủ thể. Thần kinh thực vật tham gia điều chỉnh các cơ quan hô hấp, tuần hoàn, tiêu hoá, bài tiết, chuyển hoá… cho nên ngoài thuật ngữ chẩn đoán bệnh rối loạn thần kinh thực vật còn có những thuật ngữ khác: rối loạn thần kinh tim, rối loạn thần kinh giao cảm, rối loạn phó giao cảm, suy nhược thần kinh,..

Hệ thần kinh thực vật được chia làm hai hệ: hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Mỗi hệ giao cảm hoặc phó cảm có các trung khu. Trung khu của hệ giao cảm phân bố ở sừng bên chất xám tuỷ sống từ ngực 1 đến thắt lựng 2 – 3, trung khu hệ phó giao cảm phân bố ở 3 nơi: não giữa, hành cầu não và các đốt cùng của tuỷ sống.


*Chức năng của hệ thần kinh thực vật:

- Chức năng của hệ thần kinh thực vật là điều hoà các quá trình chuyển hoá vật chất, điều hoà hoạt động của cơ quan nội tạng cũng như của chính hệ thần kinh trung ương. Trong điều hoà chức năng của các cơ quan thường có sự tham gia của cả hai hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Tác dụng của giao cảm và phó giao cảm thường có mối quan hệ tương hỗ: kích thích đồng thời các dây thần kinh giao cảm có tác dụng tăng cường chức năng của các dây phó giao cảm…


Ảnh hưởng của hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm lên chức năng các cơ quan trong cơ thể diễn ra như sau: giao cảm làm giãn đồng tử thì phó giao cảm làm co, giao cảm làm giãn mạch vành (beta 2) và co (alpha) thì phó giao cảm làm giãn, giao cảm làm tăng nhịp tim thì phó giao cảm làm giảm nhịp tim, giao cảm nhu động và trương lực lòng ruột thì phó giao cảm làm tăng nhu động và trương lực…




Phản xạ thực vật là các phản xạ được thực hiện với sự tham gia của các neuron thuộc hệ thần kinh thực vật. Được chia thành phản xạ thực vật chính thức, phản xạ thực vật tại chỗ và phản xạ axon.


Các phản xạ tại chỗ quan trọng:

- Phản xạ tạng - tạng là phản xạ phát sinh khi kích thích vào một tạng nào đó và phản ứng xuất hiện ở một tạng khác.

- Phản xạ tạng - cơ là phản xạ phát sinh khi kích thích vào cơ quan nội tạng gây ra phản ứng ở cơ.

- Phản xạ tạng - da phát sinh khi các cơ quan nội tạng và phản ứng xuất hiện ở da.

- Phản xạ da - tạng phát sinh khi kích thích da và phản ứng xuất hiện ở cơ quan nội tạng.

Điều hoà chức năng thực vật là các trung khu điều hoà nằm ở tủy sống, ở hành não và não giữa, vùng dưới đồi, ngoài ra còn có vai trò của thể lưới, tiểu não, vỏ các bán cầu đại não.


*Biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật và vấn đề điều trị:



Mặc dù có các trung tâm điều hoà hoạt động của thần kinh thực vật nhưng trong trường hợp mất cân bằng thì không điều hoà được hệ thống này và đưa đến các triệu chứng của rối loạn.

Tùy vào rối loạn giao cảm hay phó giao cảm (hệ nào chiếm ưu thế) mà triệu chứng biểu hiện khác nhau
Thường gặp triệu chứng ở hệ tim mạch và bệnh nhân được chẩn đoán là rối loạn thần kinh tim. Thường bệnh nhân có nhịp tim nhanh (hoặc cơn nhịp nhanh), thậm chí co thắt cả mạch vành làm cho bệnh nhân đau ngực (triệu chứng giống với nhồi máu cơ tim), nhịp tim nhanh làm cho bệnh nhân cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, đôi khi cảm giác hẫng người. Đặc biệt, các cơn rối loạn này không liên quan gì đến sự gắng sức của bệnh nhân cũng như xuất hiện không có quy luật gì cả và cơn có thể kết thúc đột ngột làm cho người ngoài tưởng rằng bệnh nhân giả bộ.
. Đối với rối loạn thần kinh thực vật mà phó giao cảm chiếm ưu thế thì người bệnh bị co thắt phế quản làm khó thở. Một số biểu hiện ở đường tiêu hoá làm co thắt ruột giữ dội gây đau bụng đôi khi phải vào cấp cứu. Nhiều người cảm thấy triệu chứng xảy ra bất thường quá giống như giả đò nên có thái độ trầm cảm và nghĩ rằng mình bị rối loạn tâm thần nên đến chuyên khoa tâm thần. Bệnh nhân có thể kèm theo rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da khô, hư móng, mất ngủ…


Triệu chứng biểu hiện của bệnh chỉ gây ra khó chịu cho người bệnh và kéo dài làm thay đổi tâm lý. Do tính chất không nguy hiểm nên người bệnh thường không được quan tâm đúng mức, bị từ chối điều trị và càng làm cho bệnh nhân lo lắng. Để điều trị, bệnh nhân được dùng các thuốc điều trị triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân và dùng tâm lý liệu pháp, vận động liệu pháp… Một sai lầm trong điều trị là vấn đề dùng thuốc ngủ, có thể tạo thêm rối loạn khác. Hiện đối với thể bệnh bị trầm cảm người ta dùng thuốc chống trầm cảm, đối với rối loạn nhịp tim nhanh thì dùng thuốc kiểm soát nhịp tim và nói chung là điều trị triệu chứng.

* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Hồ Minh Hùng
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)