Hămlet

Chia sẻ bởi Minh Ly | Ngày 21/10/2018 | 20

Chia sẻ tài liệu: Hămlet thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

HĂMLET
Sêchxpia
TIỂU DẪN VỀ HĂMLET
Sêcxpia viết Hămlet vào
khoảng năm 1601 theo
thể tuồng (melodrame) là hình
thức nghệ thuật sân khấu phổ
biến ở nước Anh thời bấy giờ; về
sau qua nhiều lần trình diễn, tác
phẩm bị tam sao thất bản, ông tự
tay chỉnh lý dần tác phẩm, văn
bản cuối cùng theo thể kịch nói
xuất bản năm 1623 được dùng
cho đến ngày nay.
Kịch bản của Hămlet phỏng theo một truyện dân gian Đan-Mạch, truyện này đã được thầy tu Đan-Mạch tên là Grammaticut (Saxo Grammaticus) sao chép lại từ ba thế kỷ trước; đến năm 1572, nhà biên soạn Pháp tên là Belơforét (Louis de Belleforest) dựa vào đó mà viết Câu chuyện bi thảm thứ năm trong tập truyện của ông. Đây là chuyện một vị thái tử tên là Amlet (Amleth) phải giả điên để tìm cách báo thù cho cha, vì người chú ruột đã giết cha chàng, lấy mẹ chàng và cướp đoạt ngôi vua.
Tuy rằng kịch bản của Sêcxpia được dựa trên câu chuyện đó nhưng chủ đề tư tưởng cũng như tính cách các nhân vật của bi kịch Hămlet hoàn toàn khác hẳn hai văn bản kia. Amlet của Grammaticut là "một con người có thể sánh với thần thánh, làm được những việc tày trời như Hecquyn". Amlet của Belơforet là một con người có sức "chiến thắng được số mệnh nhờ đức kiên trì nhẫn nại, nêu lên một tấm gương vĩ đại và dũng cảm". Hămlet của Sêcxpia không thuộc vào loại những con người tượng trưng đơn giản đó, cũng như chủ đề của câu chuyện không phải chỉ là sự trả thù. Dưới ngòi bút của Sêcxpia, Hămlet là một điển hình hiện thực phức tạp, một con người đa dạng mà tính cách chủ yếu là hoài nghi, bất bình đối với xã hội trong đó chàng đang sống, chàng đã vùng lên kháng cự cuộc sống đen tối và cuối cùng thành nạn nhân của cuộc sống đó.
Hămlet mở đầu giai đoạn sáng tác bi kịch của Sêcxpia, là vở kịch có ý nghĩa tâm lý xã hội sâu sắc nhất trong các vở kịch của ông. Ông xây dựng tác phẩm này vào thời kỳ đã từng trải nhiều về cuộc sống, sau hai mươi lăm năm bôn ba chìm nổi trong xã hội nước Âu thời bấy giờ. Đó cũng là thời kỳ mà tích luỹ sơ khai của tư bản Anh đang đẻ ra những mâu thuẫn xã hội gay gắt chưa từng thấy, sự cướp đoạt làm giàu của giai cấp tư sản cấu kết với phong kiến đang bần cùng hóa quảng đại nhân dân, đồng tiền vạn năng và cường quyền chà đạp lên công lý, bao nhiêu quan niệm nhân đạo làm giá trị tinh thần của thời đại Phục hưng đổ vỡ trên nền móng thối nát của xã hội tư bản đang thành hình… Con người lý tưởng của thời đại Phục-hưng, mà trước đây Sêcxpia đã biểu hiện trong các vở hài kịch của ông, cũng đã bị tan vỡ theo.
Trong hoàn cảnh xã hội tư sản Anh mới ra đời "mình đã tẩm đầy bùn máu" (Kac Mac), một kiểu con người mới cũng ra đời theo: đó là con người đau khổ và bất bình trước thực tế phũ phàng của một xã hội đen tối đầy rẫy tội ác, con người băn khoăn muốn đánh giá lại toàn bộ cuộc sống trước mắt nó. Hămlet chính là hiện thân của kiểu người mới ấy. Bởi thế Hămlet là một nhân vật hết sức đặc biệt và độc đáo, chưa từng có trong nền văn hóa thế giới trước đó, cũng như không thể có nữa về sau này. Đó là một con người vốn thừa kế những tinh hoa của thời đại Phục-hưng: bẩm chất thông minh, tư tưởng tự do khoáng đạt, tâm hồn cao quý, tấm lòng nhạy cảm. Xuất thân trong hàng quý tộc mà đã sớm gặp cảnh ngộ đắng cay chua xót, chàng sớm nhìn thấy mặt thật của xã hội, "sự áp bức của kẻ bạo ngược, sự trì chậm của công lý, hỗn xược của cường quyền, miệt thị của kẻ bất tài...", cho nên trước mắt chàng cả thế giới chỉ là "một ngục thất rộng lớn" và "Đan-mạch này là một ngục thất đáng ghê tởm nhất". Thực tế phũ phàng của cuộc sống đã làm cho chàng phải đánh giá lại tất cả mọi quan hệ trong cuộc sống - từ tình họ hàng, tình vợ chồng, cho đến tình mẹ con, và cả đến tình yêu. Thậm chí, trong cơn giày vò của đau khổ, chàng đã có lúc băn khoăn đặt lại cả vấn đề to lớn nhất: "Sống, hay không nên sống…".
Nhân vật hoài nghi Hămlet là một hiện tượng có ý nghĩa lịch sử: đó là lần đầu tiên trong văn học thế giới, một nhân vật dám lên tiếng hoài nghi cả một xã hội và công nhiên lôi nó ra toà án của công chúng, của nhân loại. Bởi thế, hoài nghi của Hămlet không phải là thứ chủ nghĩa hoài nghi tiêu cực, nó có một tác dụng tích cực đặc biệt, vì nó chính là phát súng đầu tiên của nhân loại bắn vào thành trì của chủ nghĩa tư bản ngay giữa lúc đang xây dựng. Giá trị tư tưởng vĩ đại của vở kịch Hămlet là ở chỗ ấy.
Về mặt nghệ thuật, Sêcxpia đã xây dựng một nhân vật điển hình rất sinh động, có chiều rộng và chiều sâu, một nhân vật dường như đang sống trong thực tế với toàn bộ cân não và trái tim, ngay cả với tiềm thức nữa. Mặc dầu hoài nghi và mỉa mai công kích tất cả, Hămlet vẫn mang trong người một trái tim yêu đương nồng cháy, một tình bạn chân thành, và trong thâm tâm chàng vẫn tin tưởng ở sự chiến thắng cuối cùng của lẽ phải, của chính nghĩa, bởi vậy hành vi của chàng luôn luôn cao quý, thẳng thắn, đại lượng. Hình tượng Hămlet không ngừng lớn lên trong diễn biến của kịch, bởi vì nội tâm nhân vật có quá trình phát triển sâu sắc của nó. Từ chỗ hoài nghi chán nản, Hămlet dần dần xác định được nhận thức về thế giới khách quan, tìm lại được nghị lực sống, và để chống lại cái ác, chàng đã trở nên kiên quyết hơn, khôn ngoan hơn, dũng cảm hơn. Một nhân vật như thế, thật là phức tạp mà cũng thật là sinh động, hiện thực.
Ngòi bút hiện thức của Sêcxpia không những chỉ thành công ở nhân vật chính Hămlet, mà còn thành công ở những nhân vật thứ yếu và nhân vật phụ nữa. Bất kỳ nhân vật xuất hiện nhiều hay ít trên sân khấu, ở đâu chúng ta cũng nhìn thấy những con người rất độc đáo và điển hình: Clôđiut, chú ruột của Hămlet là một kẻ nham hiểm, miệng ngoài luôn luôn đường mật mà bụng dạ gươm dao; Pôlôniut, một lão già ti tiện, giả dối lại nghiêm khắc và độc đoán, tính hay giễu cợt mà xiểm nịnh, sâu cay; Giectrut, một người đàn bà yêu con nhưng sa ngã, nhẹ dạ, yếu đuối; Ôphêlia, một người con gái có trái tim chung thủy, nhưng lại sợ lễ giáo, cường quyền; Hôraxiô, một thư sinh lúc nào cũng nói giọng học thức, một người bạn trung thành và dũng cảm; Ôxric, một vai không quan trọng gì nhưng cũng được vẽ rất rõ nét, khiến người xem thích thú liên tưởng đến bao nhiêu kẻ khác như hắn, đần độn, bất tài, kiểu cách chỉ nhờ giàu sang mà leo được thang danh vọng. Từ cửa miệng của hai người đào huyệt, chúng ta cũng đủ thấy ý nghĩ của quần chúng nhân dân nước Anh thời bấy giờ đối với lập pháp, lễ nghi và cả cái xã hội mà ở đấy "mọi người đều điên cả".
Cũng như trong các vở kịch khác của Sêcxpia, ngôn ngữ trong bi kịch Hămlet là một ngôn ngữ rất điêu luyện. Đặc biệt ở đây, để diễn tả tính cách và tâm lý phức tạp của nhân vật trong mỗi tình huống, ngoài việc vận dụng những hình tượng ẩn dụ rất phong phú, Sêcxpia đã vận dụng đến cao độ phương tiện nhịp điệu. Ngôn ngữ tinh vi này làm cho tác phẩm toát ra một nội dung triết lý sâu sắc và màu sắc trữ tình rất nên thơ.
Từ hơn ba thế kỷ nay, vở kịch Hămlet không ngừng làm xúc động quần chúng ở nước Anh cũng như ở khắp các nước khác trên thế giới. Vượt qua thử thách của thời gian và không gian, nó đã lôi cuốn hàng nghìn triệu người, luôn luôn gây được cảm xúc mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân các nước và nêu lên cho mọi người những vấn đề phải suy nghĩ. Sở dĩ có hiện tượng đó là vì xã hội tư bản, từ ngày ra đời ở nước Anh, trải qua thời kỳ thống trị thế giới, cho đến ngày nay tuy đương tàn tạ trên quá phần nửa địa cầu, nhưng vẫn còn là vấn đề thiết cốt mà nhân loại không ngừng phải quan tâm giải quyết. Mặt khác, nhân vật Hămlet là một thành công lớn lao về nghệ thuật, mỗi con người trong thời đại tư bản chủ nghĩa hay đã từng sống trong xã hội tư sản đều có thể nhìn thấy có mình ở trong Hămlet, đều có thể cảm thông với người trong kịch, cùng ngậm ngùi hay cùng căm giận với người trong kịch.
Người ta đã viết rất nhiều để tán tụng và bình luận vở kịch Hămlet. Nhưng các nhà phê bình của giai cấp tư sản đã không nhận thấy chủ đề xã hội của tác phẩm vĩ đại này. Nhiều người trong bọn họ cho rằng chủ đề là sự trả thù, những người khác cho là sự hoài nghi, tựu trung, họ đều không nhận thức được đúng đắn ý nghĩa thời đại to lớn của tác phẩm. Về tính cách của nhân vật Hămlet nhiều nhà văn và nghệ sĩ tiến bộ trên thế giới đã có những quan điểm không giống nhau. Có người cho rằng Hămlet thiên về suy nghĩ nhiều hơn hành động, nhưng giới sân khấu Liên-xô gần đây lại nhấn mạnh khía cạnh hành động của nhân vật. Có người cho bản chất Hămlet bấp bênh yếu đuối, trái lại, đa số nghệ sỹ tiến bộ gần đây diễn đạt Hămlet thành một hình ảnh có dũng khí. Sở dĩ có những điểm khác nhau trong nhận thức về tính cách của Hămlet, vì đây là một điển hình anh hùng thuộc thời đại Phục-hưng, một nhân vật đặc biệt phức tạp, cho nên mỗi nghệ sĩ chân chính đều có thể hiểu nó ở khía cạnh hợp với thị hiếu và mục tiêu nghệ thuật của mình. Phong trào trình diễn vở kịch này trên sân khấu các nước đã đẻ ra một số diễn viên lừng lẫy tiếng tăm vì tài thể hiện nhân vật Hămlet như những nghệ sĩ Xamôilôp (Liên-xô), Vittôriô Hatxman (Đức), Moitxi (Anbani), Paulơ Cơnfin (Anh)... mỗi người đều có quan điểm và cách thể hiện riêng. Bí quyết thành công của người nghệ sĩ đó là họ đã đứng trên cơ sở chủ nghĩa hiện thực và tư tưởng nhân đạo của Sêcxpia để phát huy mọi khả năng diễn đạt của mình.
Với bi kịch Hămlet, trong văn học thế giới, Sêcxpia đã mở đường cho phương pháp xây dựng nhân vật điển hình đa dạng, trên cơ sở phân tích sâu sắc tâm lý của nhân vật và triết lý của cuộc sống. Vì thế tác phẩm này đã từng làm khuôn mẫu học tập và gợi hứng cho nhiều thi hào, văn hào ở các nước. Nhiều nhà nghiên cứu văn học đã nêu lên ảnh hưởng rõ rệt của Hămlet cùng những vở kịch khác của Sêcxpia trong Picmaliôn của Bơcnơt Sô, Hecnani của Victo Huygô, Bôritgôđuđôp và Epgêni Ônêghin của Puskin, Fauxtơ và Vecte của Gơtơ, Sức mạnh bóng tối của Lep Tônxtôi, Khuất Nguyên của Quách Mạt Nhược… (và chính những tác giả đó cũng đã từng công nhận ảnh hưởng to lớn của Sêcxpia đối với mình).
Đến ngày nay, Hămlet vẫn không hề mất giá trị hiện đại của nó. Ở các nước phương Tây, Hămlet đang chiếm một vị trí quan trọng trong phong trào trình diễn kịch Sêcxpia sau đại chiến thứ hai, nhằm phục-hưng chủ nghĩa hiện thực và phát huy tư tưởng nhân đạo của nhà thơ viết kịch vĩ đại. Ở Liên-xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Hămlet không ngừng có thêm những tài năng mới thể hiện nó trên sân khấu và công chúng mới ưa thích nó. Giữa thời kỳ hai hệ thống xã hội song song tồn tại và thi đua trong hòa bình, Hămlet với ý nghĩa phê phán xã hội cũ của nó, vẫn tiếp tục nêu lên cho nhân dân các nước một bài học thấm thía để suy nghĩ và hành động. Như lời nhà phê bình xô viết Êmêlianôp nói "Hămlet, ở thời đại chúng ta, là một vở kịch anh hùng". Hămlet làm quen với nhân dân Việt Nam kể cũng hơi muộn, nhưng chắc chắn nó sẽ được nhân dân ta ưa thích.
Khi xem bi kịch Hămlet, chúng ta cần tránh khuynh hướng lấy quan điểm của người thời nay để chỉ trích quan điểm của người thời xưa. Cần đặt nhân vật Hămlet vào những hoàn cảnh lịch sử của nó mà nhận định. Giữa thời kỳ chủ nghĩa tư bản đang có xu thế hưng thịnh mạnh mẽ ở nước Anh, một nhân vật có tư tưởng hoài nghi và thái độ bất bình như Hămlet là một hiện tượng hết sức đặc biệt, nói lên tầm vĩ đại của tư tưởng nhân đạo của Sêcxpia. Nếu như Hămlet có lúc đã nói những lời tin tưởng vào định mệnh, thì đó là một điều không thể tránh khỏi, cũng như nhân vật Hămlet không thể nào tránh khỏi bước đường cùng đau xót trong xã hội thời bấy giờ. Ngày nay chúng ta đã có tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, dĩ nhiên là chúng ta không còn có lý do để hoài nghi như Hămlet, mà chúng ta nâng cao lòng căm ghét xã hội cũ tiềm tàng trong Hămlet để quyết tâm hơn nữa tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa vĩnh viễn giải phóng con người.
Minh Minh Lý
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Minh Ly
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)