Giai thoại "Nợ như Chúa Chổm"

Chia sẻ bởi Trần Văn Phúc | Ngày 10/05/2019 | 36

Chia sẻ tài liệu: Giai thoại "Nợ như Chúa Chổm" thuộc Lịch sử 7

Nội dung tài liệu:

Câu ca dao này nói đến nhân vật chúa Chổm, đó là tên gọi dân gian dành “tặng” cho vị vua thời Lê Trung hưng Lê Trang Tông. Vua có tên tục là Lê Ninh, còn có tên khác là Lê Huyến. Lê Ninh là con vua Lê Chiêu Tông với bà Phạm Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Quỳnh. Lê Trang Tông sinh năm Ất Hợi (1515), mất ngày 29.1 năm Mậu Thân (1548), thọ 33 tuổi, làm vua từ năm Quý Tỵ (1533) đến năm 1548. Ở ngôi 15 năm. Là vua khởi đầu nhà Lê Trung hưng với niên hiệu duy nhất: Nguyên Hòa. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập nên nhà Mạc, nhà Lê bị đứt đoạn một thời gian. Đến năm 1533 vua Lê Trang Tông lên ngôi mới nối lại được. Điều đặc biệt ở chỗ Lê Trang Tông - vị vua thứ 12 của nhà Hậu Lê lên ngôi không phải ở nước mình. Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Lê Ninh mới 11 tuổi được viên quan Lê Quán ẵm chạy loạn sang đất Ai Lao rồi được bề tôi cũ của nhà Lê là An Thành hầu Nguyễn Kim phò tá lập lên làm vua. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Qúy Tỵ, Nguyễn Hòa năm thứ một (1533). Mùa xuân tháng giêng, vua lên ngôi ở Ai Lao (tức nước Lào ngày nay – tác giả), đặt niên hiệu là Nguyên Hòa, tôn đại tướng quân Nguyễn Kim làm Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công trưởng nội ngoại sự, lấy hoạn quan là Đinh Công làm Thiếu úy Hưng quốc công, ngoài ra người nào cũng được phong thưởng, để cùng lòng giúp đỡ. Lại giao kết với vua Ai Lao là Sạ Đẩu để nhờ quân và lương, mưu việc tiến lấy lại nước”. Vì sao Lê Trang Tông được dân gian ưu ái cho mỹ danh nghèo nàn Chúa Chổm? Chuyện này bắt nguồn từ giai thoại dân gian: Hồi nhỏ vua Lê Trang Tông có tên tục là Chổm, mẹ là cô bán rượu xinh đẹp người làng Kim Lũ ven sông Tô Lịch. Bố cô trước là một viên quan nhỏ của nhà Lê trước cảnh vua Lê Chiêu Tông chưa có con nối nghiệp, muốn con gái mình đổi đời liền bày cho cô đem rượu ra bán bên cạnh nhà tù giam vua Lê Chiêu Tông, chuốc rượu cho lính canh say mèm rồi được dịp lẻn vào tình tự với vua. Sau cô bán rượu có thai, vua Chiêu Tông liền giao cho cô chiếc ấn ngọc và bảo cô trốn đi, nếu đẻ con trai thì gặp dịp khôi phục lại nhà Lê. Chiêu Tông sau đó chết trong tay nhà Mạc. Cô gái bán rượu sinh ra được bé trai, đặt tên là Chổm. Nhà nghèo chàng Chổm phải đi làm thuê nuôi mẹ. Nhiều lần Chổm bán củi la cà ăn uống nơi các hàng quán ở cửa ô Thăng Long, lạ nỗi Chổm ăn mở hàng ở hàng nào thì hôm đó quán ấy bán đắt như tôm tươi. Một đồn mười, mười đồn trăm, các chủ quán nghĩ Chổm tốt vía nên thi nhau mời Chổm ăn mở hàng và sẵn lòng cho ăn chịu. Được thể, Chổm tiêu pha, ăn uống bạt mạng, nợ nần khắp nơi, người nào đòi thì Chổm bảo “Chờ lúc làm nên tôi sẽ trả”. Nhưng ai biết lúc nào Chổm làm nên. Bẵng đi thời gian sau Chổm (Lê Trang Tông) được làm vua, từ Ai Lao trở lại Thăng Long, khi kiệu vua đến cửa ô, các chủ hàng nhận ra đó là anh Chổm nợ vung nợ vãi ngày xưa nên thi nhau chào đón đòi nợ. Nợ nhiều, Chổm vẫn quen cái tính vung tay quá trán nên ai đòi cũng trả. Vua sai quân lính lấy tiền trả, nhưng chủ nợ thật nợ dỏm lẫn lộn nhiều quá mà vua thì không nhớ mình đã nợ ai, quan quân cứ thế vung tay trả tiền mãi không thôi, mệt quá đành vung tiền ném cho đám chủ nợ nhặt. Nhưng chủ nợ càng ngày càng đông như nêm cối. Đến cửa Đại Hưng một viên tướng bèn hạ lệnh “cấm chỉ” không ai được phép đòi nợ vua nữa. Tên ngã Tư Cấm Chỉ (ở cạnh Hàng Bông thuộc phố Tống Duy Tân, Hà Nội nay) cũng từ đó mà ra đời. Còn thành ngữ “Nợ như chúa Chổm” thì ăn liền với vua Lê Trang Tông. (Nguồn: Trần Đình Ba - Cử nhân khoa học chuyên ngành Lịch sử).
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Trần Văn Phúc
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)