GDCD

Chia sẻ bởi Ngọ Tuyền | Ngày 21/10/2018 | 46

Chia sẻ tài liệu: GDCD thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

Bài giảng: Bài 5
PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH ĐẢNG VIÊN ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM






Giảng viên: Nguyễn Đức Thanh
Uỷ viên Ban Thường vụ
Trưởng Ban Tổ chức Đảng uỷ khối
( NGuồn: http://vietanhtcn.violet.vn/present/show/entry_id/6744003 ).
I. Mục đích, yêu cầu:
- Học viên nắm được điều kiện xét để kết nạp vào Đảng.
- Nội dung phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
II. Nội dung bài giảng: gồm 4 phần
- Phần thứ nhất: Đặt vấn đề
- Phần thứ hai : Điều kiện để xét được kết nạp vào Đảng.
- Phần thứ ba : Phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Phần thứ tư: Thủ tục kết nạp đảng viên.
PHẦN ĐẶT VẤN ĐỀ:
- Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là để lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động lật đổ chế độ áp bức bóc lột, xây dựng chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội.
- Muốn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nặng nề, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đó, Đảng phải có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ cách mạng. Trong đó, hệ thống tổ chức và đội ngũ đảng viên của Đảng có chất lượng là yếu tố đặc biệt quan trọng.
- Đảng ta luôn coi công tác đảng viên là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu và đã ra sức tìm tòi các biện pháp để thực hiện công tác này trong những lúc thuận lợi cũng như những lúc cách mạng gặp khó khăn.
- Bởi vậy, đội ngũ đảng viên của Đảng ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng, Đảng vượt qua những khó khăn, thử thách hiểm nghèo, đảm bảo sự lãnh đạo trên những vùng miền đất nước, ngày càng lớn mạnh, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
* Chỉ thị số 51-CT/TW, ngày 21.1.2000 của Bộ Chính trị (khoá VIII) đã nêu:
“Kết nạp đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng, nhằm tăng thêm sức chiến đấu và đảm bảo sự kế thừa, phát triển của Đảng”.
* Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 12.10.2004 của Ban Bí thư đã chỉ đạo:
“Chú ý kết nạp vào Đảng những người ưu tú là đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, trong công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, phụ nữ, dân tộc ít người, người lao động trong các thành phần kinh tế, ở những cơ sở trọng điểm, những nơi còn ít hoặc không có đảng viên”
- Kết nạp đảng viên làm cho đội ngũ đảng viên đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có chất lượng, đó là nguồn dồi dào, phong phú bổ sung cho đội ngũ cán bộ của Đảng.
- Kết nạp những người xứng đáng vào Đảng sẽ tạo nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ, trẻ hoá đội ngũ cán bộ, thay đổi cơ cấu đội ngũ cán bộ ngày càng hợp lý, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
* Phương châm kết nạp đảng viên:
- Phương châm thứ nhất: Coi trọng chất lượng, chống khuynh hướng chạy theo số lượng.
Đại hội X của Đảng đã khẳng định: “việc kết nạp đảng viên phải coi trọng chất lượng, tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn giác ngộ lý tưởng của Đảng, đạo đức, lối sống, năng lực hoàn thành nhiệm vụ”.
- Phương châm thứ hai: Kết nạp đảng viên phải gắn chặt với việc củng cố tổ chức Đảng, làm trong sạch đội ngũ đảng viên.
- Phương châm thứ ba: Cảnh giác, đề phòng những phần tử xấu, phản động, xu thời, vụ lợi chui vào Đảng.
* Phương hướng kết nạp đảng viên trong giai đoạn hiện nay:
Nghị quyết Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Trọng tâm phát triển Đảng hướng vào thế hệ trẻ, công nhân, trí thức, quân nhân, cán bộ, con em các gia đình có công với cách mạng”.
Như vậy, kết nạp đảng viên cần tập trung vào những hướng sau đây:
- Những người ưu tú trong công nhân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất công nghiệp, công nhân kỹ thuật, để tăng tỷ lệ đảng viên là công nhân trong Đảng.
- Những đoàn viên ưu tú trong nông dân, trí thức, cán bộ khoa học kỹ thuật, giáo viên, sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, lực lượng vũ trang, phụ nữ, dân tộc ít người.
- Những nguời ưu tú trong các ngành kinh tế, kỹ thuật, trong các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, liên doanh với nước ngoài.
- Những người ưu tú trong các tầng lớp nhân dân lao động khác.
- Những cơ sở trọng điểm, những nơi còn ít hoặc chưa có đảng viên; vùng đồng bào có đạo.
PHẦN THỨ HAI
ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC XÉT KẾT NẠP VÀO ĐẢNG
Người được xem xét kết nạp vào Đảng phải có đủ bốn điều kiện cần và đủ sau:
1. Điều thứ nhất: Bảo đảm các nội dung quy định tại điểm 2, Điều 1, Điều lệ Đảng (khoá XI):
“Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện : thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng”.
Đây là điều kiện rất quan trọng và rất nghiêm khắc đối với người vào Đảng, cụ thể là:
- Là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên.
Đảng chỉ kết nạp vào Đảng những người công dân Việt Nam có tuổi đời từ 18 tuổi trở lên. Với tuổi đó họ mới có trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm về suy nghĩ và hành động của mình, có đủ sức khoẻ hoàn thành nhiệm vụ đảng viên.
- Thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng.
Đảng chỉ xét kết nạp vào Đảng những người không chỉ thừa nhận Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên trên lời nói mà phải thể hiện bằng hành động thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng có đủ tiêu chuẩn đảng viên và chứng tỏ họ có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ đảng viên.
Đảng chỉ xét kết nạp vào Đảng những người tự nguyện hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng. Điều này góp phần quan trọng nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của đảng viên, tăng cường mối quan hệ giữa đảng viên với tổ chức của Đảng.
- Qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm.
+ Người muồn vào Đảng phải hoạt động trong phong trào quần chúng, tỏ rõ tính tích cực, tiên tiến so với quần chúng, cả về nhận thức, hành động và được quần chúng tín nhiệm.
+ Muốn được tín nhiệm thì phải là người ưu tú:
- Ưu tú trong nhận thức.
- Ưu tú trong đạo đức, lối sống, phong cách, sinh hoạt.
- Ưu tú trong học tập, công tác.
- Ưu tú trong các hoạt động các phong trào...
2. Điều kiện thứ hai: Có đủ tiêu chuẩn đảng viên
Những nội dung chủ yếu của tiêu chuẩn đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tại Điều 1, Điều lệ Đảng (khoá XI) chỉ rõ tiêu chuẩn đảng viên: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng”.
Tiêu chuẩn đảng viên nêu trên có thể được xem xét ở những điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất: Giác ngộ và trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, có kiến thức, năng lực, bản lĩnh xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai: Đảng viên là người chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng.
Thứ ba: Đảng viên phải là người có lao động.
Thứ tư: Đảng viên phải là người có đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch lãnh mạnh.
3. Điều kiện thứ ba: Có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ đảng viên. Bảo đảm các nội dung quy định tại điểm tại Điều 2, Điều lệ Đảng (Khoá XI):
“Đảng viên có nhiệm vụ :
1. Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.
2. Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
3. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
4. Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định”.
4. Điều thứ tư: Không vi phạm lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo quy định số 57-QĐ/TW, ngày 03.5.2007 của Bộ Chính trị khoá X.
* Một số điều kiện khác:
- Người vào Đảng phải qua lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng và có giấy chứng nhận (giấy chứng nhận có giá trị trong thời gian 60 tháng).
- Tại thời điểm chi bộ kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi trở lên (tính theo tháng).
- Việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi phải được Ban Thường vụ cấp uỷ trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp uỷ có thẩm quyền ra quyết định kết nạp.
- Người vào Đảng nói chung phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương.
PHẦN THỨ BA
PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH ĐẢNG VIÊN
CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Cần làm gì và phấn đấu như thế nào để trở thành đảng viên?
1. Xác định động cơ vào Đảng đúng đắn.
- Xác định động cơ vào Đảng đúng đắn được đặt lên hàng đầu. Không ai bắt buộc ai vào Đảng. Đó là do sự tự giác, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên, làm chiến sỹ xung phong.
- Phấn đấu vào Đảng là để được đứng trong một tổ chức của những người cùng chung chí hướng đấu tranh xây dựng xã hội mới tốt đẹp, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Vào Đảng là dấn thân theo lý tưởng cách mạng, chấp nhận hy sinh, phấn đấu, quyết tâm đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta đã lựa chọn là xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, Chủ nghĩa Cộng sản.
- Cái được lớn nhất khi vào Đảng là được phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, được Đảng và nhân dân tin cậy, yêu mến.
- Trong quá trình phấn đầu vào Đảng, việc xây dựng động cơ vào Đảng đúng đắn là điều có ý nghĩa quyết định. Đảng chỉ kết nạp những người thực sự giác ngộ về mục đích, lý tưởng cách mạng, không thu nhận vào hàng ngũ mình những người mang động cơ thiếu trong sáng, lệch lạc; càng không để cho các phần tử cơ hội lọt vào Đảng.
- Xây dựng động cơ vào Đảng đúng đắn hiện nay có ý nghĩa quan trọng.
2. Rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng.
- Bản lĩnh chính trị thể hiện ở nhận thức đúng đắn và kiên định mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn; trong bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng không dao động, giảm sút niềm tin và ý chí chiến đấu.
- Để có bản lĩnh chính trị vững vàng, người phấn đấu vào Đảng cần đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, giữ vững niềm tin. Trước khó khăn thử thách không nao núng tinh thần, không mất phương hướng chính trị và thái độ, chính kiến rõ ràng, kiên định.
- Bản lĩnh chính trị được hình thành chủ yếu bằng nỗ lực của bản thân trong quá trình học tập, nắm vững lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng. Tích cực học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm, làm giàu vốn hiểu biết của mình. Bản lĩnh chính trị được rèn luyện qua hoạt động thực tiễn.
- Cùng với rèn luyện bản lĩnh chính trị, cần thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang.
- Nội dung xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng (đọc bài số 4: Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh Phần 4: Nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay và Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14.5.2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh).
3. Nâng cao năng lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Đảng viên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phần đấu trở thành người sản xuất, công tác, chiến đấu và học tập giỏi. Để xứng đáng với vai trò tiền phong, gương mẫu “đảng viên đi trước, làng nươc theo sau” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
- Để trở thành đảng viên, người đang phấn đấu vào Đảng cần hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác của mình và nhiệm vụ được tổ chức đảng, đoàn thể giao cho, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao. Đó là điều kiện chủ yếu để quần chúng tin cận giới thiệu và tổ chức đảng xem xét kết nạp và Đảng.
- Người đang phấn đầu vào Đảng cần nhiệt tình, say sưa, miệt mài trong học tập, công tác; không ngừng nâng cao tri thức và nâng cao năng lực thực tiễn, tự thân vận động, không ngừng học hỏi…
4. Gắn bó với tập thể, với nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, công tác xã hội.
- Muốn trở thành đảng viên, người phấn đấu vào đảng phải gắn bó với tập thể, với nhân dân, với đồng nghiệp, bạn bè trong đơn vị công tác, với bà con làng xóm, khối phố; tôn trọng, chia sẻ, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau.
- Qua hoạt động đoàn thể, người phấn đấu vào Đảng, thể hiện vai trò, khả năng lãnh đạo, tập hợp quần chúng, phát huy tính tiền phong, gương mẫu, những phẩm chất cần thiết để trở thành đảng viên của Đảng.
- Người muốn vào Đảng càng phải chú trọng mở rộng quan hệ xã hội và tích cực tham gia công tác xã hội, gương mẫu và vận động gia đình, người thân tham gia các phong trào, các hoạt động đoàn thể, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc; chống tệ nạn xã hội, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
5. Tích cực tham gia xây dựng Đảng ở cơ sở.
(Đọc tài liệu trang 125 - 126)
PHẦN THỨ TƯ
THỦ TỤC KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN

1. Đơn xin vào Đảng.
Người xin vào Đảng phải tự viết đơn trình bày rõ những nhận thức của mình về mục đích, lý tưởng của Đảng, về động cơ xin vào Đảng.
2. Lý lịch người vào Đảng.
- Người xin vào Đảng tự khai lý lịch của mình đầy đủ, rõ ràng, trung thực và phải chịu trách nhiệm về nội dung đã khai; nếu có điều gì không hiểu và không nhớ rõ thì phải báo cáo với chi bộ.
- Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng: cấp uỷ cơ sở phải thẩm tra kết luận về lý lịch của người vào Đảng và ghi ý kiến nhận xét, ký tên, đóng dấu.
- Việc thẩm tra lý lịch của người vào Đảng phải được tiến hành đầy đủ, chặt chẽ, khách quan, trung thực những nội dung đã khai trong lý lịch.
- Phải thẩm tra lý lịch đối với người vào Đảng; đối với cha, mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ; vợ hoặc chồng; đối với anh chị em ruột, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng. Nếu ông bà nội, ngoại; chú, bác, cô, dì, cậu ruột có nghi vấn về vấn đề chính trị phức tạp thì phải xác minh rõ từng trường hợp.
3. Đảng viên chính thức giới thiệu người vào Đảng.
- Đảng viên chính thức giới thiệu người vào Đảng phải cùng công tác với người đó trong cùng một đơn vị thuộc phạm vi đảng bộ, chi bộ cơ sở trong thời gian ít nhất một năm.
- Nếu đảng viên giúp đỡ người vào Đảng chuyển công tác, thay đổi chỗ ở đến đảng bộ cơ sở khác thì chi bộ phân công đảng viên chính thức khác theo dõi, giúp đỡ vào Đảng được liên tục (không nhất thiết đảng viên đó cùng công tác với người vào Đảng ít nhất một năm).
- Đảng viên chính thức được giới thiệu người vào Đảng phải bằng văn bản, trong đó cần nhận xét lỳ lịch, chú trọng đến phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác, quan hệ quần chúng của người xin vào Đảng, chịu trách nhiệm trước Đảng về những nội dung đó, tiếp tục giúp đỡ người vào Đảng có đủ điều kiện trở thành đảng viên chính thức.
- Nơi có tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được một đảng viên chính thức và được Ban Chấp hành đoàn cơ sở giới thiệu.
- Ở các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được một đảng viên chính thức và được Ban Chấp hành công đoàn cơ sở giới thiệu.
4. Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở cơ sở giới thiệu đoàn viên ưu tú vào Đảng.
Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cơ sở hoặc chi đoàn cơ sở xem xét ra nghị quyết giới thiệu đoàn viên ưu tú vào Đảng. Đối với tổ chức cơ sở đoàn ở những đơn vị lớn, hoạt động trên địa bàn rộng, được cấp uỷ cơ sở đồng ý và ban chấp hành đoàn cơ sở uỷ quyền thì ban thường vụ đoàn cơ sở được ra nghị quyết giới thiệu đoàn viên ưu tú vào Đảng.
Ban Chấp hành hoặc Ban Thường vụ đoàn cơ sở giới thiệu đoàn viên vào Đảng phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ ưu khuyết điểm của đoàn viên, số uỷ viên tán thành, số uỷ viên không tán thành giới thiệu đoàn viên vào Đảng; trách nhiệm về những lời giới thiệu và tiếp tục giáo dục bồi dưỡng người vào đảng trở thành đảng viên chính thức.
5. Lấy ý kiến nhận xét của đoàn thể quần chúng về người xin vào Đảng.
Tiến hành việc này phải chu đáo, chặt chẽ, khách quan, bằng các hình thức phù hợp. Lấy ý kiến của Ban Chấp hành các đoàn thể nơi làm việc, thuộc phạm vi của chi bộ của người xin vào Đảng là thành viên.
Chi uỷ tổ nơi có người xin vào Đảng đang làm việc, lấy ý kiến trực tiếp hoặc gửi phiếu lấy ý kiến chi uỷ hoặc chi bộ (nơi chưa có chi uỷ) nơi ở của người xin vào Đảng.
Chi uỷ tổng hợp ý kiến của tổ chức đoàn thể nơi làm việc, nơi ở của người xin vào Đảng báo cáo chi bộ. Nội dung báo cáo cần: Nêu rõ ý kiến nhận xét của quần chúng, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác, quan hệ quần chúng, số quần chúng tán thành và số không tán thành kết nạp người đó vào Đảng.
6. Nghị quyết của chi bộ xét và đề nghị kết nạp người vào Đảng.
Căn cứ vào những thủ tục đã trình bày ở trên, đối chiếu với tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp đảng viên, chi bộ xem xét biểu quyết và đề nghị kết nạp người vào Đảng.
Nếu được 2/3 số đảng viên chính thức trở lên tán thành kết nạp người vào Đảng thì chi bộ ra nghị quyết đề nghị cấp trên xét quyết định.
Nội dung Nghị quyết gồm: Kết luận của chi bộ về lý lịch, ý thức giác ngộ chính trị, ưu khuyết điểm về phẩm chất, lối sống, năng lực công tác, quan hệ quần chúng … của người vào Đảng; số đảng viên chính thức tán thành, không tán thành, lý do không tán thành.
7. Nghị quyết của cấp uỷ cơ sở đề nghị kết nạp người vào Đảng.
Ban Thường vụ hoặc thường trực (nơi chưa có ban thường vụ) cấp uỷ cơ sở kiểm tra lại lý lịch của người vào Đảng và các văn bản do cấp dưới gửi lên.
Tập thể đảng uỷ cơ sở thảo luận, biểu quyết, nếu được 2/3 số cấp uỷ viên trở lên tán thành thì đảng uỷ cơ sở ra nghị quyết đề nghị cấp trên xét kết nạp người vào Đảng.
Nếu đảng uỷ cơ sở được cấp uỷ cấp trên trực tiếp uỷ quyền quyết định kết nạp người vào Đảng thì cấp uỷ cơ sở đó ra quyết định kết nạp đảng viên.
Đối với đảng bộ, chi bộ cơ sở đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ hợac đảng uỷ trực thuộc Trung ương không được uỷ quyền quyết định kết nạp đảng viên thì đảng uỷ, chi bộ đó phải gửi văn bản đề nghị xét kết nạp người vào Đảng lên Ban Tổ chức cấp ủy tỉnh, thành hoặc đảng uỷ trực thuộc Trung ương để thẩm tra, báo cáo với ban thường vụ cấp uỷ để xét và ra quyết định kết nạp đảng viên.
8. Quyết định của cấp uỷ có thẩm quyền chuẩn y kết nạp đảng viên.
Ban Tổ chức cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng (cấp có thẩm quyền chuẩn y kết nạp đảng viên) sau khi nhận được nghị quyết đề nghị kết nạp đảng viên của cấp uỷ cơ sở, tiến hành thẩm tra lại, trích lục tài liệu gửi các đồng chí uỷ viên thường vụ cấp uỷ để các đồng chí đó nghiên cứu.
Ban thường vụ cấp uỷ họp xét duyệt, nếu được trên một nửa số thành viên đồng ý thì ra quyết định kết nạp đảng viên. Đối với đảng uỷ cơ sở được uỷ quyền quyết định kết nạp đảng viên thì phải được ít nhất 2/3 cấp uỷ viên đương nhiệm đồng ý, mới được ra quyết định kết nạp đảng viên.
Trường hợp người xin vào Đảng có vấn đề liên quan đến lịch sử chính trị, không thuộc thẩm quyền quyết định của cấp uỷ đó (theo quy định của Bộ Chính trị) thì báo cáo Ban Thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc đảng uỷ trực thuộc Trung ương xem xét, nếu được sự đồng ý (bằng văn bản) thì cấp uỷ có thẩm quyền mới ra quyết định kết nạp.
Hồ sơ thủ tục xem xét kết nạp lại đảng viên cũng thực hiện đầy đủ theo trình tự nói trên./.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Ngọ Tuyền
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)