GDAN trong trường MN

Chia sẻ bởi Phạm Thị Hồng Thắm | Ngày 03/05/2019 | 50

Chia sẻ tài liệu: GDAN trong trường MN thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

CHUYÊN ĐỀ
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG ÂM NHẠC
TRONG TRƯỜNG MẦM NON
SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO HÀ TỈNH
Năm học: 2013-2014
I. MỤC TIÊU:
Sau bài học này, học viên:
- Biết lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động âm nhạc:
- Xây dựng một hoạt động học cụ thể;
- Ứng dụng âm nhạc vào các hoạt động trong ngày.
II. THỜI GIAN: 05 tiết
III. TÀI LIỆU VÀ ĐIỀU KIỆN HỖ TRỢ
- Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mần non (theo các độ tuổi).
- Tuyển tập các bài hát mầm non theo chủ đề, một số bài dân ca phù hợp.
- CD, VCD một số bài hát cho trẻ mầm non, dân ca, trích đoạn bản nhạc cổ điển quen thuộc.
- Đàn organ.
- Phách.
- Giấy A0
- Bút dạ.
- Thiết bị âm thanh tối thiểu.
IV. NỘI DUNG
1. Các hình thức và nội dung tổ chức hoạt đọng âm nhạc trong trường mầm non.
2. Thực hành xây dựng tổ chức hoạt động âm nhạc.
V. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG:
1. Hoạt động 1: Các hình thức và nội dung tổ chức hoạt động âm nhạc trong trường mầm non.
* Thông tin cho hoạt động 1
Học viên thảo luận và thực hành các vấn đề sau:
- hoạt động âm nhạc trong trường mầm non có những hình thức và nội dung nào?
- Cách lựa chọn và tiến hành xây dựng hoạt động âm nhạc.
* Thông tin phản hồi
Một trong những yêu cầu của chương trình Giáo dục mần non được ban hành và thực hiện từ năm học 2009 – 2012 là tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ được tích cực hoạt động giao lưu cảm xúc, được giao tiếp thường xuyên, hoạt động với đồ vật và vui chơi, được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức. Chú trọng đổi mới và tổ chức môi trường giáo dục nhằm kích thích và tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, thử nghiệm và sáng tạo. Mọi hoạt động giáo dục cần được vận dụng một cách linh hoạt, không gò bó, không áp đặt.
1. Tổ chức hoạt động học:
Đối với giáo dục âm nhạc, cho trẻ tiếp cận nội dung và hình thức hoạt động theo hình xoáy trôn ốc, tức là trẻ hoạt động từ đơn giản đến phức tạp, dễ đến khó trên nền những kiến thức đã biết. Ở độ tuổi nhà trẻ, giáo viên chủ yếu cho trẻ nghe hát, nghe nhạc (sau đây sẽ gọi chung là nghe nhạc). Việc áp dụng các hình thức nghe nhạc phong phú sẽ giúp trẻ làm quen dần và yêu thích âm nhạc hơn.
Ở độ tuổi 6 – 24 tháng: Giáo viên chủ yếu lựa chọn cho trẻ các bài hát đơn giản, ngắn gọn mô tả những đồ dùng, vật dụng, môi trường gần gủi với trẻ, những hành động phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Nhạc không lời cho trẻ nghe có thể là các ca khúc, đặc biệt là các bài dân ca các vùng miền, các dân tộc hoà tấu bởi dàn nhạc dân tộc; hoặc các bản nhạc rất nổi tiếng và quen thuộc như Pô-lô-ne (Polonaise-Orginski), Thư gửi Ê-li-dơ (Bagatelle: “Fur Elise”-L.V.Beethoven), xô nát Ánh trăng (“Moonlight” sonata-L.V.Beethoven), vũ khúc Hungari số 5 (Hungarian Dance No.5-Jbrahms), Hành khúc Thổ Nhĩ Kì (Turkish Rondo- W.A. Mozart)…
* Trẻ từ 3 -12 tháng tuổi: Nghe nhạc một cách thụ động, không chủ đích. Giáo viên có thể cho trẻ nghe bất kỳ lúc nào phù hợp như ngủ, chơi… Khi trẻ ngủ, nghỉ, lựa chọn bài hát, bản nhạc không lời êm dịu, nhẹ nhàng với cường độ vừa phải sẽ tác động tích cực vào trí não của trẻ, giúp trẻ có thể ngủ, nghỉ ngơi được tốt; Khi trẻ chơi, tập lẫy, tập bò, tập đi… sử dụng những bản nhạc vui nhộn sẽ gây hứng thú cho trẻ.
* Trẻ từ 12 – 36 tháng tuổi: Bên cạnh cho trẻ nghe nhạc cần cho trẻ tập hát các bài hát có ca từ thật đơn giản, dễ hiểu. Việc tập hát cũng hỗ trợ cho trẻ tập nói, tập phát âm. Khi cho trẻ hát, giáo viên kết hợp gõ theo phách, nhịp hoặc tiết tấu của bài bằng cách vỗ tay, dùng các vật phát ra âm thanh khác nhau nhằm thu hút sự chú ý của trẻ và tạo hứng thú cho trẻ tham gia hoạt động.
* Trẻ ở tuổi nhà trẻ 24-36 tháng và trẻ mẫu giáo: Việc tổ chức các hoạt động âm nhạc phong phú, đa dạng hơn. Trẻ học hát, nghe nhạc, vận động theo nhạc, trò chơi âm nhạc và kết hợp âm nhạc với các hoạt động giáo dục khác.
- Dạy hát: Việc sử dụng hình ảnh, đồ dùng, vật dụng… hỗ trợ cho học hát là điều vô cùng cần thiết vì trẻ tư duy trực quan là chủ yếu. Giáo viên có thể sử dụng trong lúc giới thiệu bài, trong lúc dạy hát hay lúc ôn lại bài để giúp trẻ dễ hình dung về bài hát vốn dĩ là những âm thanh, hình ảnh khá trừu tượng. Quá trình dạy trẻ hát có ba phần chính là cho trẻ làm quen với bài hát, dạy trẻ hát, luyện tập, củng cố.
Làm quen bài hát: Giáo viên cần linh hoạt khi cho trẻ tiếp cận với bài hát. Với cách vào bài trực tiếp, cần cho trẻ trọn vẹn tác phẩm một cách sinh động, ấn tượng. Với cách vào bài gián tiếp, việc có một “kịch bản” tốt sẽ gây ấn tượng ban đầu tốt cho trẻ. Thí dụ giáo viên có thể có một vài câu hỏi ngắn, câu đố hướng vào bài hát sắp học, một tiểu phẩm, một câu chuyện ngắn cũng dễ gây ấn tượng về bài hát cho trẻ.
Dạy trẻ hát: Dạy trẻ hát đúng, thuộc bài hát và thể hiện tình cảm, kết hợp rèn kỹ năng hát. Tuỳ theo, mức độ khó hay dễ, dài hay ngắn, đơn giản hay phức tạp của bài hát, cô có thể chọn cách dạy hát sao cho phù hợp với trẻ lớp mình.
Luyện tập, củng cố: Khi trẻ có thể tự hát được, dưới hình thức tổ nhóm, cá nhân xen kẽ nhau, giáo viên khuyến khích trẻ tự hát theo đàn, theo giai điệu bài hát hay hát theo băng, đĩa. Lúc nàu, có thể cho trẻ hát kết hợp các hoạt động vận động nhẹ nhàng, đơn giản theo hướng dẫn của cô hoặc do trẻ tự sáng tạo ra. Bên cạnh đó, giáo viên chú ý tới việc phát âm chính xác lời xa của trẻ, giúp trẻ hát đều, nhịp nhàng hơn.
Ví dụ: Dạy hát: Đồ dùng bé yêu (Lê Minh Châu).
Nội dung kết hợp: Trò chơi “Ai giỏi hơn?”
- Chủ đền: Gia đình
- Lứa tuổi: 3-4 tuổi
- Thời gian: 20 – 25 phút
- Nghe nhạc, nghe hát: Ở độ tuổi mẫu giáo, việc nghe nhạc sẽ có chủ đích hơn. Ngoài việc vẫn cho trẻ nghe như khi còn ở lứa tuổi nhà trẻ, giáo viên mở rộng hình thức tổ chức cho trẻ nghe. Một điểm rất đáng lưu ý là giáo viên nhất thiết không được “Độc diễn” trong khi cho trẻ nghe nhạc. Khi trẻ nghe nhạc từ băng, đĩa cũng như từ cô biểu diễn, giáo viên luôn quan sát thái độ của trẻ, hướng trẻ vào bài, khuyến khích trẻ vận động, múa hát theo nếu trẻ muốn cùng tham gia. Nếu nhiều trẻ miễn cưỡng nghe hoặc bỏ ra khỏi vị trí, giáo viên có thể chuyển đổi sang hình thức khác chứ không nhất thiết phải cho trẻ nghe hát đủ số lần, như đã chuẩn bị.
Nghe các bài hát, bản nhạc (sau đây gọi là nghe nhạc) vốn dĩ từ trước đến nay đã được coi là một hoạt động độc lập, là một phần không thể thiếu của một tiết hoạt động giáo dục âm nhạc. Tuy nhiên, để tổ chức một tiết mà nghe nhạc là hoạt động chủ đạo thì lại là khá mới mẻ và khiến không ít giáo viên còn lúng túng khi triển khai nội dung này.
Để tổ chức hoạt động này hiệu quả, giáo viên cần thực hiện như sau:
* Lựa chọn bài hát, bản nhạc
Việc chọn bài hát mới hay đã quen thuộc với trẻ cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu là bài hát mới, chưa hề được nghe thì sẽ có sự hứng thú, tò mò và muốn khám phá. Kết quả trên trẻ có thể thấy rõ khi triển khai thực hiện hoạt động. Tuy nhiên, giáo viên lại phải chuẩn bị nhiều hơn, công phu hơn mới có thể giúp trẻ cảm nhận được bài hát và gợi cho trẻ hiểu được nội dung của bài, cũng như phải có khả năng “Vỡ bài” bằng cách xướng âm hay đánh giai điệu trên đàn. Với các bài quen thuộc thì trẻ sẽ có thể “hoà nhập” với bài ngay bằng cách hát theo, làm điệu bộ theo. Tuy nhiên, nó cũng rất dễ gây cho trẻ sự nhàm chán, mất tập trung.
- Nên chọn bài phù hợp với chủ đề, lứa tuổi và thực tế địa phương, độ dài của bài vừa phải.
- Không chọn các bài quá dài, bài có tiết tấu, giai điệu khó, bài hát có nội dung nói về chuyện yêu đương của người lớn, bạo lực…
- Lựa chọn các bài nghe trong một năm học khác nhau về nội dung, hình thức và thể loại.
* Lựa chọn hoạt động, nội dung kết hợp.
Các hoạt động kết hợp nhằm hỗ trợ, bổ sung thêm cho việc tiếp cận, tìm hiểu bài hát, bản nhạc mà tể được nghe và giúp cho tiết hoạt động phong phú hơn. Có thể dạy cho trẻ hát chính bài các cháu vừa được nghe, tổ chức trò chơi hướng vào nội dung của bài hoặc sử dụng làm nhạc nền cho trò chơi; vận động theo bài hát, bản nhạc cùng thể loại, cùng vùng miền hoặc khác thể loại, khác vùng miền cho trẻ có những khai niệm so sánh ban đầu.
Giáo viên cần xác định rõ mọi hoạt động kết hợp luôn hỗ trợ cho nội dung chính là nghe nhạc. Điều này rất cần thiết bởi sẽ tránh được sự ôm đồm hàng loạt các hoạt động rản mạn và sẽ tạo được điểm nhấn trong tiết hoạt động.
Việc lựa chọn các hoạt động kết hợp cần dựa vào một số nguyên tắc say:
- Cân đối về hình thức: Nếu hoạt động trọng tâm là dạy hát chẳng hạn, thì hoạt động kết hợp không được lại là dạy hát mà có thể là vận động theo nhạc, trò chơi âm nhạc.
- Tương quan về số lượng hoạt động, thời lượng hoạt động: Ngoài hoạt động trọng tâm, giáo viên chỉ lựa chọn thêm một hoặc tối đa là hai hoạt động kết hợp. Nhất thiết phải dành thời gian cho hoạt động trọng tâm lớn hơn toàn bộ hoạt động kết hợp.
- Hài hoà về nội dung: Nội dung của hoạt động trọng tâm là chủ đạo, nổi bật và xuyên suốt toàn bộ giờ hoạt động học. Các hoạt động kết hợp chỉ nhằm mục đích làm rõ thêm nội dung của hoạt động trọng tâm, hoặc thay đổi hình thức giúp trẻ khỏi bị nhàm chán mà thôi.
* Xây dựng hoạt động chi tiết
Với mỗi bài hát, bản nhạc cụ thể, giáo viên chọn các hình thức cho trẻ tiếp cận như cô hát, mở băng đĩa tiếng/ hình, vừa hát vừa múa, vận động. Ở lứa tuổi mầm non, việc bắt trẻ ngồi ngay ngắn từ đầu đến cuối để nghe là không hợp lý, bởi sức tập trung chú ý có chủ đích của trẻ có giới hạn về thời gian. Do đó, toàn bộ tiết hoạt động chỉ nên lựa chọn thời điểm thích hợp để cho trẻ trọn vẹn tác phẩm khoảng 2 đến 3 lần. Còn lại, sau mỗi lần nghe hoặc thậm chí sau từng đoạn (nếu như bài hát có nhiều lời hoặc bản nhạc có độ dài đáng kể), giáo viên nên dừng lại trò chuyện với trẻ về bài, để trẻ tham gia vào những hoạt động cụ thể nào đó. Các hoạt động này đều phải có sự tính toán, chuẩn bị từng bước và có những giả thiết xử lý tình huống ngoài chuẩn bị có thể bất ngờ xảy ra trên lớp. Ví dụ như trong những lúc nghe giáo viên hát, xem băng hình, nghe đàn, chơi trò chơi trên lớp, trên máy tính thì trẻ có thể rất hứng thú với việc xem giáo viên vừa hát vừa biểu diễn và chạy lên cùng múa hát với giáo viên. Lúc đó giáo viên sẽ phải dành thời gian cho hoạt động đó nhiều hơn so với giáo án đề ra và có thể giảm thời gian hay cắt bớt đi hoạt động khác, đồng thời mở rộng hình thức đó như thị phạm cho trẻ làm theo các động tác, rồi cùng hát theo.
* Tổ chức cho trẻ nghe nhạc
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi cho trẻ nghe nhạc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ cảm nhận được bài tốt hơn. Lớp học được trang trí một vài thứ khác với mọi ngày, có một vài đồ dùng, vật dụng, tranh ảnh phác hoạ nội dung bài, giáo viên mặc trang phục phù hợp nếu có thể.
Trong quá trình cho trẻ nghe nhạc, tất cả các hoạt động đều phải được triển khai một cách liên hoàn, nhịp nhàng và linh hoạt. Giữa mỗi hoạt động nhỏ cần có sự liên kết hợp lý tránh nhàm chán, đơn điệu, tẻ nhạt. Ví dụ sau khi cô hát cho trẻ nghe 1 – 2 lần, giáo viên cho trẻ đọc lời ca của bài hát, rồi hỏi về nội dung bài, cho trẻ tự đặt tệ bài, cho nghe lại, tiếp đến trò chơi, rồi nghe lại bài theo hình thức khác.
Tất cả các hình thức thể hiện đều phải để âm lượng vừa phải, không quá to, không quá nhỏ. Khi giáo viên biểu diễn cần có khoảng cách không gian nhất định giữa giáo viên và trẻ để trẻ đủ tầm quan sát các động tác, cử chỉ, nét mặt của giáo viên.
Khi trẻ nghe nhạc từ băng, đĩa cũng như từ cô biểu diễn, giáo viên luôn quan sát, chú ý thái độ của trẻ, hướng trẻ vào bài, cùng trẻ vận động, múa hát theo nếu trẻ muốn cùng tham gia. Nếu nhiều trẻ miễn cưỡng nghe hoặc bỏ ra khỏi vị trí, giáo viên có thể chuyển đổi sang hình thức khác chứ không nhất thiết phải cho nghe đủ số lần, như đã chuẩn bị.
- Vận động theo nhạc: Cho trẻ vận động theo nhạc nhằm giúp trẻ cảm nhận và thể hiện nhịp điệu âm nhạc bằng các vận động của cư thể phù hợp với giai điệu, tiết tấu và nội dung của bản nhạc, bài hát. Các chuyển động truyền cảm theo âm nhạc sẽ giúp cho việc thưởng thức bài hát, bản nhạc được trọn vẹn hơn và giúp trẻ có cơ hội hoạt động linh hoạt, khoẻ mạnh và sáng tạo hơn. Giáo viên hướng dẫn cho trẻ vận động theo một hoặc kết hợp một số hình thức sau trong một bài hát, bản nhạc:
+ Vận động cơ bản.
+ Vận động, múa các động tác minh hoạ theo tính chất âm nhạc và nội dung bài hát.
+ Vận động tự do.
- Vận động cơ bản: Là những động tác cơ bản, có thể một động tác xuyên suốt từ đầu đến cuối bài hát. Ví dụ:
Vừa hát vừa vỗ tay theo nhịp, phách, tiết tấu của bài.
Lắc lư theo nhạc.
Giậm, nhún chân theo nhịp của bài…
Vận động, múa các động tác minh hoạ theo tính chất âm nhạc và nội dung bài hát: Các động tác nâng cao hơn, có thể vận động, múa đơn hoặc theo nhóm, theo đội hình.
+ Vận động tự do: Thực chất là giúp trẻ vận dụng những động tác đã được biết, kết hợp với sáng tạo, cảm thụ âm nhạc của riêng mình để vận động, múa.

Lưu ý khi cho trẻ múa, vận động, có những động tác chung cho cả lớp, nhưng cũng có những động tác cần có sự khác biệt giữa trẻ nam và trẻ nữ. Ví dụ các động tác mềm mại, nữ tính dành cho trẻ nữ và những động tác khoẻ khoắn, cứng cáp hơn thì dành cho trẻ nam. Đặc biệt đạo cụ, trang phục thì phải hết sức chú ý đến vấn đề giới tính.
Ví dụ: Dạy vận động bài “Mấy chú ngan con” (Phan Trần Bảng).
- Lứa tuổi 5 -6 tuổi
- Số lượng 20 – 25 trẻ.
- Tổ chức trò chơi âm nhạc: Không những giúp trẻ cảm nhận về âm thanh âm nhạc tốt hơn mà có còn giúp trẻ phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nữa. Lúc tham gia chơi, trẻ được hoà vào với không khí chung của nhóm, lớp, được vận động, sáng tạo…Tổ chức mỗi trò chơi, giáo viên nên chọn một nội dung nhỏ làm chủ đạo, từ đó phối hợp với 1- 2 nội dung là cùng, tránh ôm đồm dễ dẫn đến việc chơi xong trẻ không đọng lại gì cho dù tham gia hoạt động đủ thứ.
Ví dụ: Đi tìm xuất xứ bài hát: Làm một tấm bản đồ Việt Nam phóng to, tô màu ba miền Bắc- Trung- Nam khác nhau. Phác hoạ hình ảnh và tên bài hát dân ca quen thuộc của 3 miền cho trẻ quan sát, sau đó gỡ ra và đề nghị trẻ xung phong lên dán lại. Có thể hát một đoạn một bài nào đó rồi cho trẻ lên đính lại bài hát cho đúng khu vực. Trò chơi này sẽ giúp trẻ cảm nhận được giai điệu của một số bài hát khác nhau, bước đầu nhận biết về sự khác nhau của âm nhạc mỗi vùng.
Nghe và đoán tên bài hát: Trò chơi này nhằm chủng cố các bài hát trẻ đã được đọc, được nghe trong các giờ trước. Giáo viên chuẩn bị trước các bài, cho trẻ nghe đoạn dạo hoặc đoạn có lời ca. Có nhiều cách tổ chức cho trẻ chơi. Ví dụ chia hai nhóm xem nhóm nào đoán đúng nhiều hơn; mời một trẻ hát một câu bất kỳ bài yêu thích rồi bạn khác đoán tên…
Trò chơi ô chữ: Chỉ áp dụng với trẻ 5 -6 tuổi và bài hát có tên ngắn. Lập một bộ ô chữ bằng thẻ hoặc trên máy tính tên một bài hát mà trẻ đã biết rồi cho trẻ đoán từng chữ hoặc từng từ.
Điểm đáng chú ý ở đây là trong một tiết hoạt động âm nhạc, giáo viên không nhất thiết phải thực hiện đầy đủ các nội dung trên và theo đúng trình tự mà có thể thực hiện một cách linh hoạt trên cơ sở kế hoạch lâu dài, tổng thể trong một kỳ, một năm, đảm bảo tiếp cận được kết quả mong đợi như mục tiêu chương trình.
- Kết hợp hoạt động âm nhạc với các hoạt động giáo dục khác: Việc dùng các phương tiện diễn tả âm nhạc như một công cụ hữu hiệu để kết hợp với các hoạt động giáo dục khác như làm quen với toán, chữ viết, môi trường, kết hợp vận động… đã trở nên phổ biến trong các hoạt động giáo dục.
Ví dụ: Hoạt động làm quen với toán, ta có thể sử dụng âm nhạc giúp trẻ làm quen với các con số một cách tự nhiên, nhẹ nhàng thông qua các trò chơi với lời ca có số, số người tham gia… Nếu như có thêm phần âm nhạc cho các hoạt động phát triển thể chất thì các vận động của trẻ sẽ trở lên dễ dàng và giúp trẻ nhiều hơn. Giáo viên có thể mở những đoạn nhạc có tiết tấu nhịp nhàng cho các vận động chạy, nhảy, hay nhạc vui nhộn hoặc nhẹ nhàng cho các hoạt động tinh. Với các hoạt động phát triển ngôn ngữ, âm nhạc có thể làm nền khi cô, trẻ kể chuyện, đọc thơ…
Âm nhạc như làm nền cho các hoạt động, như phương tiện tiếp cận các khái niệm, các hình ảnh, các hoạt động một cách nhẹ nhàng, vui vẻ phù hợp với trẻ mầm non. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng âm nhạc vào các hoạt động khác sẽ có thể khiến trẻ không tập trung với hoạt động đó. Do vậy, mỗi khi đưa âm nhạc kết hợp với các hoạt động khác, giáo viên cần cân nhắc kỹ lưỡng dung lượng cần thiết và phù hợp.
2. Tổ chức hoạt động âm nhạc ngoại khoá.
a. Nội dung, hình thức tổ chức:
Gồm có các hoạt động chính là tổ chức hoạt động âm nhạc mọi lúc mọi nơi và biểu diễn văn nghệ.
* Hoạt động âm nhạc mọi lúc mọi nơi: Theo lịch sinh hoạt của trẻ ở trường, có thể thấy có rất nhiều lúc dùng âm nhạc làm nền, cho trẻ vui chơi, sinh hoạt cùng âm nhạc: Đón trẻ, tập thể dục, lúc ăn trưa, khi nghỉ ngơi. Âm nhạc còn có thể làm hiệu lệnh cho trẻ thực hiện các sinh hoạt đó nữa. Đối với mỗi sinh hoạt cụ thể, giáo viên chọn những bài hát có nội dung, tính chất âm nhạc sao cho phù hợp.
- Dùng nhạc hiệu: Nhạc hiệu là dùng đoạn nhạc hoặc cả bài hát lên để làm hiệu lệnh thực hiện một việc gì đó xảy ra đền đặn. Giáo viên lựa chọn nhạc hiệu cho các hoạt động như: Giờ thể dục buổi sáng là đoạn nhạc vui vẻ, hối hả, giờ ăn trưa là bài hát “Bé ăn thật ngoan”; giờ đi ngủ chọn bài hát ru êm dịu hoặc một đoạn nhạc không lời, đánh thức trẻ bằng một đoạn nhạc phấn chấn.
- Thể dục sáng: Chọn các bài hát có nhịp điệu đều đặn, nhịp nhàng, khoẻ khoắn. Giáo viên có thể chọn các bài hát theo chủ đề, mỗi khi thực hiện chủ đề nào thì trong thời gian đó tập một bài hát có nội dung về chủ đề đó. Điều này giúp cho trẻ không bị nhàm chán và không khí của chủ đề cũng được lan toả tốt hơn.
- Hoạt động ngoài trời: Có thể cho trẻ hát hoặc giáo viên hát cho trẻ nghe, cùng múa hát các bài có nội dung gần gũi với thiên nhiên, các bài hát sử dụng trong các trò chơi ngoài trời.
- Hoạt động ở khu vực góc nghệ thuật, phòng nghệ thuật: Giáo viên không can thiệp sâu vào hoạt động này của trẻ mà chỉ gợi ý cho trẻ tự sáng tạo múa hát, vận động, sử dụng nhạc cụ cho riêng mình hoặc cùng với nhóm.
* Biểu diễn văn nghệ: Gồm có biểu diễn sau mỗi chủ đề và biểu diễn vào các ngày lễ hội. Thông qua biểu diễn văn nghệ, trẻ được thêm một dịp củng cố, rèn luyện các kỹ năng hoạt động nghệ thuật. Đây cũng là dịp để trẻ được trải nghiệm những cảm xúc mới mẻ, tăng cường khả năng cảm thụ âm nhạc, mở rộng nhận thức cho trẻ. Biểu diễn còn giúp trẻ tăng thêm sự mạnh dạn, tự tin trình bày trước người khác cũng như sự phối hợp giữa các thành viên trong nhóm.
Để tổ chức hoạt động biểu diễn văn nghệ hiệu quả, giáo viên chú ý một số điểm sau:
- Tiết mục: Nội dung phù hợp với chủ đề. Các hình thức đơn ca, song ca, tốp ca, múa phụ hoạ… xen kẽ hài hoà. Lưu ý phần mở màn, phần kết và phần nhấn (cao trào) trong chương trình.
- Trang phục: Với trẻ nhỏ, nên sử dụng trang phục có màu sắc tươi sáng, có thể sặc sỡ, hạn chế gam màu tối, xỉn. Trang phục nhất thiết phải phù hợp với nội dung của tiết mục biểu diễn.
- Đạo cụ, âm thanh, ánh sáng và các thiết bị khác: Với vu thế phát triển của xã hội, sân khấu biểu diễn ngày càng lộng lẫy, hoành tráng hơn, âm thanh hỗ trợ giọng hát, ánh sáng đủ màu sắc đã làm tăng thêm chất lượng của các buổi biểu diễn. tuy nhiên, sử dụng không đúng sẽ trở nên phản tác dụng. Do đó, khi xây dựng tiết mục văn nghệ, giáo viên cần lên kịch bản cụ thể, chi tiết kể cả việc phối hợp âm thanh, ánh sáng và sử dụng đạo cụ thế nào. Có như vậy, các thành viên tham gia mới chủ động và buổi biểu diễn mới có thể đạt kết quả cao.
b. Lập kế hoạch, xây dựng kịch bản.
Không chuẩn bị giáo án như phần tổ chức hoạt động học, đối với hoạt động này, nhà trường và giáo viên cần lập kế hoạch cho các hoạt động âm nhạc mọi lúc, mọi nơi và trong tổ chức lễ hội cũng như xây dựng kịch bản chi tiết cho một lễ hội.
* Hoạt động âm nhạc mọi lúc, mọi nơi: Ngay từ đầu năm học, nhà trường và các lớp xây dựng kế hoạch sử dụng âm nhạc vào các hoạt động như thế nào, lựa chọn các bài hát, bản nhạc vào từng giai đoạn, từng chủ đề.
Ví dụ:
- Chọn các bài hát làm hiệu lệnh.
Chọn 4 bài hát thể dục buổi sáng cho 4 mùa trong năm hoặc cho 4 chủ đề điển hình của năm.
* Biểu diễn văn nghệ
Lập kế hoạch cả năm cho toàn trường và từng lớp, từng khối, có thể tham gia cùng khu vực hoặc cấp quận/huyện/tỉnh/thành phố.
Đối với các lớp, lập kế hoạch tổ chức biểu diễn sau mỗi chủ đề và lựa chọn hạt nhân cho các hoạt động văn nghệ của trường.
Đối với nhà trường, cần xác định rõ mỗi năm chọn một sự kiện trọng tâm để tổ chức quy mô hơn. Đối với các buổi biểu diễn văn nghệ mang tính chất quan trọng nhất trong năm đó, nhà trường cần xây dựng kịch bản chi tiết để tiến hành một cách chủ động, hiệu quả.
Ví dụ: Chương trình vui liên hoan văn nghệ
“Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11”
1.CHUẨN BỊ
a. Văn nghệ
Tập luyện các tiết mục văn nghệ trước 2 tuần.
- Cô tiên của bé –Nguyễn Trường (4 phút)
(Tiết mục mở màn, gồm 20 bé tham gia màn múa hát, các bé vai đeo ba lô con giống nhỏ xinh, tung tăng vui ca hát đến lớp, kết thúc có 4 cô bước ra sân khấu đón các bé).
- Cô và mẹ -Phạm Tuyên (3 phút)
(Xây dựng tiết mục cô và trẻ cùng hát múa)
- Ngày đầu tiên đi học –Nguyễn Ngọc Thiện (4 phút)
(Cô hát đơn ca và múa cùng nhóm trẻ)
- Cháu vẽ ông mặt trời –Tân Huyền (3 phút)
(Đơn ca cùng nhóm múa phụ hoạ)
- Cô giáo – Đỗ Mạnh Thường (3 phút)
(Dàn múa 4 cô và 14 trẻ đóng vai đeo cánh thiên thần cùng với nhóm hát đơn ca giáo viên và 10 trẻ hát phụ hoạ. Tạo một màn kết hoành tráng vui tươi).
b. Trang trí
Phông trang trí cảnh cô giáo cùng các cháu cầm tay nhau cùng quay tròn múa hát với nụ cười tươi. Phía sau là cảnh bầu trời xanh, nhiều bóng bay đang được thả lên bầu trời. Toàn cảnh phông nền nổi bật dòng chữ:
“Cô tiên của bé
Mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11”
Cổng trường cắm nhiều cờ chuối các màu sắc, băng rôn căng ngang với dòng chữ:
“Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11”
Cờ đuôi cá với các câu đối được treo 2 bên cổng trường và các nơi nhiều người qua lại. Với các nội dung sau (số lượng câu tuỳ trường lựa chọn):
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”
“Mỗi ngày đến trường
Là một ngày vui”
“Hãy học ngay hôm nay
Cho thế giới ngày mai”…
Chương trình có các vị đại biểu của các cấp, của chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ học sinh… cùng dự.
2. Tiến hành
Việc tiến hành cũng phải được viết chi tiết lời giới thiệu đại biểu, lời dẫn và diễn tiến của chương trình.
2. Hoạt động 2: Thực hành xây dựng tổ chức hoạt động âm nhạc
-> Thông tin cho hoạt động 2:
- 4 nhóm xây dựng theo 4 nội dung trọng tâm như sau, nội dung kết hợp do nhóm tự chọn:
+ Dạy hát
+ Nghe hát
+ Vận động theo nhạc.
+ Trò chơi âm thanh
- Thực hành bài dạy của nhóm mình.
- Các nhóm trao đổi và góp ý.
-> Thông tin phản hồi
Các nhóm thực hiện các công việc sau:
1. Xác định nội dung, hình thức hoạt động, lựa chọn nội dung kết hợp.
2. Xây dựng giáo án chi tiết
3. Thực hành dạy cùng với nhóm của mình
4. Trao đổi, góp ý giữa các nhóm
Trao đổi, góp ý các nội dung:
- Nội dung và hình thức đã phù hợp chưa?
- Giáo án khoa học? Kiến thức chính xác?
- Những ưu điểm và hạn chế?
- Có những sáng tạo nào?
TR�N TR?NG C�M ON !
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Phạm Thị Hồng Thắm
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)