Đinh Tiên Hoàng bị sát hại do số trời ?

Chia sẻ bởi Trần Thị Tuyến | Ngày 11/05/2019 | 67

Chia sẻ tài liệu: Đinh Tiên Hoàng bị sát hại do số trời ? thuộc Lịch sử 7

Nội dung tài liệu:

- Ghi chép về sự kiện hai cha con vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị đầu độc, Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử lược đều trích dẫn câu sấm  báo trước như sau: "Đỗ Thích thí Đinh Đinh/Lê gia xuất thánh minh/Cạnh đầu đa hoành tử/Đạo lộ tuyệt nhân hành..." (Đỗ Thích giết hai Đinh (Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn)/Họ Lê xuất hiện bậc thánh minh (chỉ Lê Hoàn)/Tranh nhau nhiều kẻ chết oan uổng/Đường sá vắng hẳn người qua lại).
Đại Việt sử lược ghi rằng: "Năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 (974) Vương (tức Đinh Tiên Hoàng) được lời sấm nói rằng: "Đỗ Thích thí Đinh Đinh...". Đại Việt sử ký toàn thư thì ghi: "Lại vào năm Thái Bình thứ 5 (974) có lời sấm ngữ: "Đỗ Thích thí Đinh Đinh..." Người ta cho là số trời đã định như thế" .


Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.

Sự việc hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị Đỗ Thích đầu độc là vào tháng 10/979. Như vậy là 5 năm trước đó, lời sấm đã cảnh báo rằng Đỗ Thích sẽ giết hai cha con vua Đinh. Nhiều người đọc đến đây đã nêu thắc mắc: Vậy sao Đinh Tiên Hoàng không cảnh giác đề phòng trước? Sử ghi những lời sấm này đã đến tai vua kia mà?
Việc đề phòng này cũng không khó, mà cũng chẳng cần giết ai cả. Lời sấm chỉ đích danh không hề bóng gió là Đỗ Thích sẽ giết vua. Vậy thì tốt nhất là đừng cho ông ta gần vua nữa, mà cho làm lính đến một nơi xa xôi nào đó hoặc giả là cho về làm ruộng. Sao lại để cho ông ta phục vụ bên mình, làm chức Chi hậu nội nhân (tức một chức quan nhỏ phục dịch trong cung)?
Thực ra thì câu sấm ngữ kia xuất hiện sau sự kiện hai cha con vua Đinh bị giết, cụ thể là sau khi Lê Hoàn lên ngôi vua, bộ máy tuyên truyền của triều đình mới đã sáng tác ra câu đồng dao trên, phổ biến trong dân gian để chứng tỏ rằng, việc hai cha con vua Đinh bị giết, việc Lê Hoàn lên ngôi là số trời, nhằm trấn an dư luận. Đã là số trời thì chẳng cách nào tránh được, chẳng có gì phải thắc mắc.
Cũng như khi nhà Lý lên thay nhà Tiền Lê thì người ta lại sáng tác ra cả một bài thơ có đến 10 câu, mỗi câu bốn chữ và người ta gán cho một sự kiện lạ: Sét đánh vào cây gạo. Sử viết: "Trước đó, làng Diên Uẩn thuộc châu Cổ Pháp có cây gạo bị sét đánh. Người làng ấy đến xem kỹ thì thấy có chữ như sau: Thụ căn điểu điểu/Mộc biểu thanh thanh/Hoà đao mộc lạc/Thập bát tử thành... (Rễ cây thăm thẳm, vỏ cây màu xanh, họ Lê rụng  xuống, họ Lý sẽ thành...
Ở đây có sự chơi chữ: Hoà + đao + mộc ghép lại thành chữ Lê; Thập + bát + tử  ghép lại thành chữ Lý). Thực ra, đây cũng chỉ là những sáng tác của các nhà nho rồi gán cho... Trời, để nói rằng, việc nhà Lý thay nhà Tiền Lê là do trời định, không có gì phải nghi vấn!
Vậy thì, sấm ký nhiều khi là sáng tác của một số nhà nho nhằm tuyên truyền cho triều đại mới, nhằm trấn an dư luận trong dân gian, rằng việc triều đại trước mất đi, triều đại sau lên thay chẳng qua là do số trời đã định mà thôi.

* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Trần Thị Tuyến
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)