De kiem tra hoc kì II

Chia sẻ bởi Đỗ Hồng Nguyệt | Ngày 26/04/2019 | 51

Chia sẻ tài liệu: De kiem tra hoc kì II thuộc Ngữ văn 10

Nội dung tài liệu:

Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II
Trường THPT Cao Bá Quát Môn: Ngữ Văn lớp 10
Thời gian: 90’ (không kể thời gian giao đề)
Phần I: Phần chung ( dành cho cả chương trình cơ bản và nâng cao) (7 điểm)
Câu 1: (2điểm) Em hãy nêu hoàn cảnh ra đời bài “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi.
Câu 2: (5điểm) Em hãy phân tích đoạn thơ sau:
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh.
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!
Mặc người mưa Sở, mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì.
( Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Phần II: Phần riêng ( 3điểm)
Câu 3a: (3điểm) ( Dành cho những thí sinh học chương trình cơ bản)
1. ( 1 điểm) Ngôn ngữ nghệ thuật được dùng trong văn bản nào?
2. (2điểm) Một văn bản thuyết minh về chương trình học, có người viết: “Ở lớp 10 THPT, học sinh chỉ được học Văn học dân gian ( ca dao, tục ngữ, câu đố)”. Viết như thế có chuẩn xác không? Vì sao?
Câu 3b: (3 điểm) ( Dành cho thí sinh học chương trình nâng cao)
Em hãy đọc đoạn văn sau và chỉ ra những phép liên kết có trong đoạn văn đó:
“ Than ôi! Người ta thường nói: “Cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời. Sao lại đoán trước là sẽ gãy mà chịu đổi cứng ra mềm? Ngô Tử Văn là một chàng áo vải. Vì cứng cỏi mà dám đốt đền tà, chống lại yêu ma, làm một việc hơn cả thần và người. Bởi thế được nổi tiếng và giữ được chức vị ở Minh ti, thật là xứng đáng. Vậy kẻ sĩ, không nên kiêng sợ sự cứng cỏi.” ( Truyền kì mạn lục - Nguyễn Dữ, SGK nâng cao lớp 10 tập 2)

****************Hết********************

HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI KIỂM TRA HỌC KÌ II
MÔN NGỮ VĂN – LỚP 10
Phần chung
Câu 1: (2 điểm)
Hoàn cảnh ra đời của Đại cáo bình Ngô:
Cuối năm 1427 đầu năm 1428, sau khi dẹp xong quân Minh, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Đại cáo bình Ngô.
Câu 2: ( 5 điểm)
Yêu cầu
Về kĩ năng: Học sinh biết vận dụng những hiểu biết viết bài văn nghị luận về lập luận, các phương pháp nghị luận, lập dàn ý.vận dụng tổng hợp những kiến thức văn học để viết bài văn nghị luận.
Về kiến thức: Tuỳ theo cách trình bày của HS nhưng theo cách nào thì cũng phải trình bày được hai nội dung chính sau:
+ Tình cảnh trớ trêu của Kiều ở lầu xanh.
+ Tâm trạng, nỗi niềm đau đớn tủi nhục của Kiều trong cảnh sống ấy.
Cách cho điểm:
5 điểm: Trình bày đúng, đủ nội dung, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, vận dụng tốt những phương pháp và kĩ năng nghị luận đã học, có thể còn sai sót vài lỗi nhỏ về chính tả.
4 điểm: Trình bày đủ ý, có thể vận dụng các phương pháp và kĩ năng chưa được tốt lắm, còn mắc những lỗi về diễn đạt.
3 điểm: Trình bày được hơn nửa số ý, diễn đạt chưa được trôi chảy.
2 điểm: Trình bày được nửa số ý, còn mắc nhiều lỗi diễn đạt, trình bày.
1 điểm: chưa hiểu bài, diễn đạt rối ý, lủng củng.
0 điểm: không làm được bài
Phần riêng
Câu 3a: Dành cho những thí sinh học chương trình cơ bản
1. Ngôn ngữ nghệ thuật được dùng trong văn bản văn học ( văn chương).(1 điểm)
2. (2 điểm) Không chuẩn xác, vì:
+ Chương trình Ngữ văn lớp 10 không phải chỉ có Văn học dân gian.
+ Chương trình Ngữ văn lớp 10 về Văn học dân gian không phải chỉ có ca dao, tục ngữ.
+ Chương trình Ngữ văn lớp 10 không có câu đố.
Câu 3b: ( 3 điểm) Dành cho những thí sinh học chương trình nâng cao
Phép lặp ( gãy); phép nối ( vì, bởi thế, vậy)
****************Hết************

* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Đỗ Hồng Nguyệt
Dung lượng: | Lượt tài: 3
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)