CON NGƯỜI KHIẾN ĐỘNG VẬT TIẾN HÓA NHANH HƠN

Chia sẻ bởi Thân Thị Diệp Nga | Ngày 18/03/2024 | 11

Chia sẻ tài liệu: CON NGƯỜI KHIẾN ĐỘNG VẬT TIẾN HÓA NHANH HƠN thuộc Sinh học

Nội dung tài liệu:


CON NGƯỜI KHIẾN ĐỘNG VẬT TIẾN HÓA NHANH HƠN
Với tư cách là loài săn mồi siêu hạng, con người buộc động vật phải thay đổi kích thước cơ thể và độ tuổi sinh sản với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với tác động của tự nhiên. 


Tuần lộc là một trong những loài có tốc độ thu nhỏ kích thước cơ thể nhanh nhất do bị con người săn bắn nhiều. Ảnh: CBC.

 Săn bắn thú trên cạn và đánh bắt thủy sản gây tác động rất lớn đến thế giới động vật. Theo nhiều chuyên gia, đối với động vật, hai hoạt động đó của con người còn đáng sợ hơn cả các thảm họa tự nhiên. Một nhóm chuyên gia thuộc Đại học California (Mỹ) phân tích 34 nghiên cứu về động vật để tìm hiểu tác động của hành vi săn bắn và đánh bắt thủy sản đối với động vật. Đối tượng nghiên cứu của các công trình này là 29 loài ở 40 khu vực địa lý trên thế giới. Họ nhận thấy những loài bị con người săn bắt nhiều nhất có tốc độ thu nhỏ kích thước cơ thể rất nhanh. Theo mức trung bình thì cứ sau mỗi thế hệ kích thước cơ thể của chúng giảm đi 20% và độ tuổi sinh con lần đầu cũng được rút ngắn tới 25%. “Những động vật bị săn bắt nhiều có tốc độ thu nhỏ kích thước cơ thể rất nhanh. Đó có thể là do trong quá trình đi săn, con người thích những con to nhất để tiêu diệt. Vì thế mà động vật phải thu nhỏ kích thước để không lọt vào tầm ngắm của chúng ta”, Chris Darimont, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu. Một số nhà sinh học cho rằng sự thu nhỏ kích thước cơ thể và đẩy nhanh độ tuổi sinh sản không phải là thay đổi mang tính tiến hóa vì họ không phát hiện ra các biến đổi trong gene động vật. Xu hướng thu nhỏ kích thước cơ thể không chỉ xảy ra ở những động vật lớn như hươu hay voi, mà còn xuất hiện ở các loài nhỏ như cá và ốc sên. Phát hiện của Chris Darimont và cộng sự phù hợp với kết quả của nhiều công trình khoa học trong suốt hai thập kỷ qua. Vào năm 1990, một nghiên cứu cho thấy hành vi “săn bắn có chọn lọc” (chỉ chọn những con to nhất) đã khiến kích thước cơ thể gấu Kodiak (có lông màu nâu, sinh sống ở khu vực Alaska của Mỹ) giảm theo từng năm. 


Kích thước của loài gấu nâu ở Alaska giảm theo từng năm bởi nạn săn bắn bừa bãi. Ảnh: National Georgraphic.

 Tác giả của công trình nghiên cứu khẳng định, hành vi săn bắn có chọn lọc của con người khiến số lượng cá thể động vật có kích thước lớn giảm rất nhanh, buộc những con có kích thước nhỏ hơn sinh sản sớm hơn để bù đắp số lượng. “Với tư cách là động vật săn mồi siêu hạng, con người có vai trò to lớn trong quá trình tiến hóa của sinh giới”, Chris Darimont nhận xét. Chris khẳng định những thay đổi của động vật xảy ra ngay trong một đời người. “Hoạt động săn bắt quá mức của con người đã đánh thức khả năng thay đổi của động vật”, ông nói thêm. Theo Chris, các thay đổi diễn ra theo hai cách. Thứ nhất, những động vật nhỏ có cơ hội sống sót cao hơn khi đối mặt với con người (cá càng nhỏ càng dễ thoát khỏi lưới). Khi sinh sản chúng sẽ truyền gene cho thế hệ sau. Theo quy luật của tạo hóa, những gene có lợi cho sự tồn tại sẽ được giữ lại. Như vậy, những gene quy định kích thước cơ thể nhỏ và thời gian sinh sản sớm sẽ được truyền qua nhiều thế hệ. Quá trình thay đổi thứ hai được gọi là sự linh hoạt. Chẳng hạn, những loài sinh sản vào mùa thu cố gắng đẻ con vào mùa xuân vì đó là thời điểm thức ăn dồi dào. Do được ăn nhiều hơn, lũ động vật con sẽ động dục sớm hơn và lại sinh sản vào mùa xuân. “Đẩy nhanh độ tuổi sinh sản tạo nên nhiều vấn đề đối với số lượng của mỗi loài. Những cá thể sinh sản sớm thường đẻ ít con hơn. Nếu chúng ta tiêu diệt quá nhiều cá thể trong một loài, khả năng sinh sản của chúng sẽ giảm, từ đó tốc độ phục hồi số lượng của chúng cũng giảm”, Chris giải thích. Cá tuyết ở bờ biển phía đông của Canada là ví dụ điển hình nhất về xu hướng đẩy nhanh độ tuổi sinh sản. Cách đây gần hai thập kỷ, chúng bắt đầu sinh sản ở năm thứ 6, nhưng giờ đây chúng đẻ con lần đầu tư tuổi thứ 5 để đối phó với tình trạng đánh bắt quá mức.
Theo VnExpress (Livescience)
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Thân Thị Diệp Nga
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)