CHUYEN DE CAY LUA

Chia sẻ bởi Nguyễn Ngọc Tài | Ngày 23/10/2018 | 42

Chia sẻ tài liệu: CHUYEN DE CAY LUA thuộc Bài giảng khác

Nội dung tài liệu:

Chương 9
THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN LÚA
Thu hoạch và bảo quản là một trong những khâu quan trọng góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng lúa trong một mùa vụ của những người nông dân.
9.1 THU HOẠCH LÚA
9.1.1 Thời điểm thu hoạch lúa
- Sự chín của hạt lúa: Thông thường xác định thời điểm thu hoạch là khi ruộng lúa chín vàng. Tuy nhiên, độ chín sinh học trên một bông lúa vẫn không đồng đều nhau, khi những hạt lúa trên bông đã chuyển sang chín sáp là khi đó hạt lúa đã đủ yếu tố chuyển sang chín hoàn toàn. Trong một bông lúa, hạt lúa ở nhánh gié cấp 1 luôn chín trước, hạt đóng trên các nhánh gié cấp 2, 3 sẽ chín chậm hơn. Vì thế thời điểm thu hoạch không thể chờ tất cả hạt chín hoàn toàn.


Hao hụt do thời điểm thu hoạch: Nếu thu hoạch sau khi hạt lúa đã chín hoàn toàn, thất thoát do tỷ lệ rụng hạt khoảng 4,5%. Nếu sau 20 ngày, tỷ lệ rụng hạt lên đến 20%. Tỷ lệ này cũng còn tùy thuộc vào giống. Những giống dễ rụng, tỷ lệ rụng hạt có thể nhiều hơn.
- Chuẩn bị thu hoạch: Trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày, tháo cạn nước giúp cho lúa chín nhanh và tạo điều kiện thuận lợi cho thu hoạch.
- Xác định thời điểm thu hoạch: Ít nhất là 85% những hạt trên bông có màu vàng (đã chín), hầu hết các hạt ở cổ bông đã chín sáp.
- Nên thu hoạch lúa giống lúc trời nắng.


9.1.2 Chọn ruộng để làm giống
Cần chọn những đám ruộng tốt, lúa phát triển đồng đều, không lẫn tạp, màu rạ sáng, không sâu bệnh, không đổ ngã, lúa chín đều và tập trung để làm giống. Trong đó, chỉ giữ để làm giống những hạt lúa chín đều, chắc mẫy, không có hạt xanh non và lép lững.
9.1.3 Khử lẫn giống

Hạt giống rất dễ bị lẫn tạp qua nhiều khâu (đập, phơi, vận chuyển, tồn trữ,… ngay cả những hạt lúa rơi rụng hoặc còn sót lại trong dất những vụ trước) làm giảm phẩm chất hạt làm giống, ảnh hưởng xấu đến năng suất các vụ sau.

Do đó, để đảm bảo giống thuần (rặc giống), duy trì và củng cố các đặc tính tốt của giống, ổn định và nâng cao năng suất lúa, trước khi thu hoạch cần khử giống lẫn.

Công tác này nhằm loại bỏ những cây lúa có dạng hình đặc biệt khác với cây lúa đúng giống như trổ và chín không đồng loạt, chiều cao không đồng đều, dạng cây, dạng lá, dạng bông, dạng hạt khác với giống ban đầu hoặc dị hình …
9.1.4 Phương pháp thu hoạch

Ở Việt Nam và hầu hết các nước Châu Á, việc thu hoạch lúa chủ yếu tiến hành bằng tay.

Máy cắt xếp dãy kiểu Nhật đang được thử nghiệm ở một số khu vực ở ĐBSCL và một số nơi khác trong các nước.

Trong việc thu hoạch bằng tay, tùy theo giống lúa, tình trạng lúa lúc chín và phương cách ra hạt (đập) mà người ta thu hoạch lúa bằng cách gặt hay cắt.
Máy gặt xếp dãy kiểu Nhật bản
a) Gặt lúa

Áp dụng trên các giống lúa cao cây, lúa bị ngã đổ và rối.
Người ta dùng một dụng cụ gọi là “vòng hái” hay “vòng gặt” gồm hai nhánh cây liền, hợp với nhau một góc 45-60 độ.
Vòng gặt
Vị trí cắt thường cách cổ bông khoảng 20-30 cm. Xong bó lại thành từng bó, đường kính 10 – 15 cm.

Các bó này được gom lại thành đống, xếp chồng lên nhau từng lớp gọi là “ngố lúa” để đập cặp hoặc xếp dựng đứng thành đống tròn (phần bông quay lên) trên sân xi măng hay sân đất đã được nện chặt và tráng kín các kẻ nứt để đạp bằng trâu bò hay máy kéo.
b) Cắt lúa

Là phương pháp cổ truyền và thích hợp với mọi tình huống: Lúa đứng, lúa ngã. Năng suất thấp, hao hụt nhiều và bị áp lực lao động thời vụ.

Những giống lúa thấp cây không thể gặt được thì dùng liềm (lưỡi hái) để cắt ngang thân. Thường cắt cách cổ bông khoảng 40-50 cm, để từng mớ để tiện bó thành những bó lớn, gom lại cho máy suốt hoặc đập tại chỗ bằng bồ đập lúa.



Lưỡi hái
Một số loại nông cụ cầm tay dung trong sản xuất lúa ở ĐBSCL: (1) Nọc cấy, (2) Liềm (lưỡi hái), (3) Vòng gặt (vòng hái), (4) Cặp nịch đập lúa, (5) Phảng phác cỏ, (6) Cù nèo cào cỏ, (7) Mỏ sẩy xốc rơm, (8) Dao bứng lúa.
+ Thu hoạch bằng máy cắt xếp dãy: ngày càng được áp dụng nhiều.
Là mục tiêu đầu tư và phát triển của các trạm trại, giảm được thất thoát và giảm áp lực lao động thời vụ.
+ Thu hoạch bằng máy gặt - đập liên hợp:

Loại máy này cần được khuyến khích, tuy nhiên giá mua máy còn cao; cần rút nước thật khô để đất cứng. Thích hợp cho vùng đất gò cao, giồng cát.

Sau khi cắt tiến hành suốt ngay, không nên phơi mớ trên ruộng.

Sử dụng máy đập lúa trục dọc (tuốt lúa, máy nhai) để suốt lúa.
MỘT SỐ MÁY THU HOẠCH LÚA
Danh mục một số máy thu hoạch lúa được Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức bình tuyển lựa chọn giới thiệu có thể ứng dụng cho ĐBSCL (tháng 7/2006):
1. Máy gặt đập liên hợp mã hiệu GĐLH –154, năng suất 0,30 ha/giờ; tỷ lệ hao hụt 1,75% của Cơ sở tư nhân Chín Nghĩa, địa chỉ Ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
2. Máy gặt đập liên hợp mã hiệu MGĐ-120, năng suất 0,176 ha/giờ, tỷ lệ hao hụt 2,56% của Cty TNHH nhà nước 1 thành viên chế tạo động cơ (Vinappro-Bộ Công nghiệp); đường số 2, khu công nghiệp Biên Hoà 1, tỉnh Đồng Nai.
3. Máy liên hợp thu hoạch lúa Trung Quốc mã hiệu 4LZ- 2.0 năng suất gặt 0,5 - 1,12 ha/giờ, tỷ lệ hao hụt <3,28% của Công ty phát triển đầu tư Việt Phú, số 887 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Ngoài những mẫu máy nêu trên còn có một số loại mẫu máy cải tiến, chế tạo đơn lẻ được thị trường chấp nhận như:
- Máy gặt lúa liên hợp của cơ sở Huỳnh Văn Út ở Cao Lãnh - Đồng Tháp (năng suất 0,3 ha/giờ).
- Máy gặt lúa liên hợp của cơ sở Phạm Văn Nghĩa ở An Giang mới được Sở Nông nghiệp tỉnh nghiệm thu.
- Máy gặt lúa rải hàng FUTU-KICHI của anh Nguyễn Kim Chính ở Bình Định đã cải tiến bộ phận gặt từ máy gặt lúa rải hàng của FUTU1.
Các đơn vị có khả năng cung ứng máy thu hoạch lúa
* Các cơ sở chế tạo máy gặt rải hàng:
- Công ty phụ tùng máy số 1 ( FUTU1)
- Công ty cơ khí Nam Hồng
- Công ty Cơ khí An Giang
- Công ty Cơ khí Thái Bình
- Cơ sở Chín Nghĩa - Long An
* Các cơ sở chế tạo máy gặt liên hợp:
- Công ty chế tạo động cơ VINAPRO
- Cơ sở Chín Nghĩa – Long An
- Cơ sở Năm Sanh – Cần Thơ
* Trên thị trường còn một số loại máy gặt liên hợp được nhập ngoại chủ yếu do Trung Quốc, Nhật bản chế tạo cũng có thể sử dụng được.
9.1.5 Đập lúa
a) Đập bồ

Dùng một cái “nịch” để giữ các mớ lúa cắt và đập mạnh vào cái “thang bồ” làm bằng các thanh tre chắc và cứng chân đặt trong bồ, đầu trên tựa vào miệng bồ.

Bồ gồm có một đáy bằng gỗ kích thước khoảng 80 x 100 cm xung quanh được bao bọc bởi một miếng lưới dày cao khoảng 2,5 m để chận không cho hạt văng ra ngoài hoặc đan bằng tre và quét một lớp phân trâu bò tươi, xong phơi khô để trám bít các kẻ hở.
Đập lúa bằng bồ
b) Đập cặp

Cái “nịch” dùng để giữ bó lúa gặt tương tự như trên nhưng dây ngắn hơn vừa vặn để ôm chặt bó lúa.

Người ta đập lúa trong sân hay trên đệm với một cái “ghế đập”. Ghế đập gồm một miếng gỗ to, dày và chắc chắn, một đầu để dưới đất, một đầu tựa trên hai cái chân cao khoảng 60 cm. Người ta đập và trở bó lúa qua lại nhều lần đến khi rụng hết hạt chắc.
c) Đạp lúa

Người ta chất lúa dựng đứng (bông hướng lên trên) thành đống tròn, đường kính từ 4-5 m đến trên 10 m, tùy cách đập lúa bằng trâu bò hay máy kéo để chúng có thể xoay trở được trên sân. Trâu bò hay máy kéo được điều khiển đi vòng vòng, dẫm lên đống lúa cho đến khi rụng hết hạt. Dùng những “mỏ sẩy” để xốc trở các bó lúa từ bên dưới lên trên và từ trên xuống dưới. Cuối cùng thì giủ rơm bỏ ra, còn lại là lúa hạt trên sân.
d) Suốt lúa

Có hai loại máy suốt lúa hiện hành:
Máy suốt bán cơ giới: dùng 1 động cơ 3-4 mã lực để kéo một trục mang ống suốt quay tròn. Trong ống suốt có những răng bằng kim loại, người ta cầm một bó lúa đưa phần bông vào cho rụng hết hạt, xong quăng rơm ra và cứ thế tiếp tục đến các bó khác.
Máy suốt lúa cơ giới: dùng một động cơ 9-12 mã lực để vận hành một hệ thống bao gồm ống suốt to bằng kim loại và hệ thống sàng, quạt gió để tách hạt lép, rơm và tạp chất ra khỏi lúa chắc. Đưa cả bó lúa vào, máy sẽ tự động suốt ra hạt và dùng quạt gió tách cho hạt chắc ra riêng, rơm, rác, lép ra riêng.
Ra hạt bằng máy suốt

Tuốt lúa là hoạt động làm tách hạt lúa khỏi bông lúa. Tuốt lúa được sử dụng các nông cụ như đập bồ, tuốt bằng máy đạp chân và tuốt bằng máy suốt (máy phóng).
Hiện nay khâu tuốt lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long được cơ giới hoá hoàn toàn. Tuy nhiên suốt lúa giống bằng máy có vài điểm cần lưu ý:
Tỷ lệ hao hụt còn cao (khoảng 2 - 3%).

- Tồn tại đến hạt giống: Do cấu tạo của trống đập và tốc độ quay nhanh làm cho hạt giống va đập mạnh vào vách thùng suốt hay bị cuốn đập mạnh nên làm cho hạt bi nứt.


Để giảm bớt tổn thất về số lượng và chất lượng giống do khâu suốt, vài điểm cần được quan tâm đối với các cơ sở sản xuất lúa giống như:

- Chọn mua máy suốt chất lượng: Tỷ lệ thất thoát dưới 1%, hệ thống quạt giê lúa, lưới sàn tạp chất và thiết kế động cơ với tốc độ quay của trống đập thích hợp và cần xem xét các răng trên trống đập (nhờ kỹ thuật viên cơ khí nông nghiệp tư vấn).

- Vận hành máy: Người đứng suốt cần quan sát đống lúa, cắt dài hay ngắn, rạ ướt hay rạ khô, suốt ngay sau khi gặt hay ủ qua đêm, ... để điều chỉnh lượng nguyên liệu đưa vào máy suốt (vì thông thường chủ máy suốt cho động cơ chạy tốc độ cao và nạp lúa nhiều để hoàn thành sớm).
9.1.6 Giê lúa

Loại các hạt lép và tạp chất nhẹ: Dùng quạt điện, máy giê (lượng giống nhiều). Sàng và lựa bỏ các tạp chất còn lẫn trong mẫu.

Giê lúa là quá trình dùng sức gió để tách hạt lép và các loại tạp chất ra khỏi hạt chắc, người ta có thể lợi dụng sức gió tự nhiên hay dùng xa quạt gió và quạt bằng động cơ. Lúa được đổ từ trên cao cho rơi từ từ qua luồng gió. Hạt lép nhẹ hơn nên bị gió lôi đi xa, còn hạt chắc thì rơi tại chỗ. Chọn phần hạt chắc nặng ở phía trên gió (lúa gốc) trong đống lúa để làm giống.
9.2 PHƠI SẤY LÚA
Mục đích của việc phơi sấy là hạ thấp ẩm độ hạt để làm giảm quá trình hô hấp duy trì của hạt trong khi bảo quản ảnh hưởng đến sức sống và chất lượng hạt lúa.

Giảm ẩm độ hạt cũng nhằm hạn chế sự phát sinh phát triển của các vi sinh vật và côn trùng có hại tấn công hạt trong quá trình bảo quản.
Các yếu tố có ảnh hưởng đến tiến độ phơi sấy và chất lượng hạt cần lưu ý là:

- ẩm độ ban đầu của hạt,
- nhiệt độ và ẩm độ tương đối của không khí,
- phương pháp phơi sấy.

Hạt lúa khi thu hoạch có ẩm độ thông thường khoảng 20% trọng lượng hạt. Trong khi yêu cầu ẩm độ hạt để có thể tồn trữ an toàn là phải dưới 14%. Việc phơi sấy cần phải tiến hành ngay sau khi thu hoạch, không nên để trễ quá 24 giờ, vì ẩm độ cao sẽ làm hạt mất phẩm chất rất nhanh.
9.2.1 Nguyên tắc cơ bản của việc phơi sấy

Cũng như các hạt ngũ cốc khác, hạt lúa là một loại vật liệu ưa nước, cho nên ẩm độ hạt sẽ rất dễ dàng thay đổi tùy theo nhiệt độ và ẩm độ tương đối của không khí xung quanh nó.

Tiến trình phơi sấy cơ bản là quá trình truyền nhiệt bằng cách biến nước trong hạt thành hơi và chuyển ra ngoài không khí.

Nhiệt được truyền tới hạt bằng luồng khí đối lưu, bức xạ mặt trời hoặc sự truyền dẫn.
Phương pháp đối lưu khí thường được sử dụng nhất. Phương pháp này đòi hỏi phải sưởi nóng không khí để làm giảm ẩm độ tương đối của không khí xuống đủ thấp để có thể hút ẩm từ hạt ra.
9.2.2 Các phương pháp phơi sấy

a) Phơi nắng

Phơi nắng rất phổ biến ở hầu hết các nước Châu Á.

Có 2 cách lợi dụng ánh nắng mặt trời để phơi lúa: phơi trên đòng trước khi ra hạt và phơi hạt sau khi đập lúa.
Trong mùa nắng, nông dân thường cắt lúa rồi để lúa mớ trên ruộng phơi nắng một thời gian cho khô mới ra hạt. Cách thứ hai là phơi hạt sau khi đập, lợi dụng sức nóng mặt trời và gió để làm khô hạt một cách tự nhiên, bằng cách trãi hạt ra đệm, trên sân xi măng, gạch hoặc trên đường và thường xuyên đảo hạt cho khô đều. Thời gian phơi lâu hay mau tùy thuộc nhiệt độ và ẩm độ không khí.
b) Sấy lúa
Dùng máy sấy: Nhiệt độ nên ổn định tại 40oC/96 giờ.

Phơi sấy khô để hạt có hàm lượng nước đạt < 13%, cũng như không cho mầm bệnh phát triển và hoạt động. Có thể sử dụng 2 phương pháp phơi sấy chủ yếu sau:

- Phơi bằng ánh sáng mặt trời
Có thể được phơi bằng ánh sáng tự nhiên, độ dầy 3-7 cm, thường xuyên đảo hạt để hạt khô đều, tránh cường độ ánh sáng mạnh.
- Làm khô bằng hệ thống quạt không khí nóng:

Hạt lúa có thể làm khô băng hệ thống sấy có thổi không khí nóng với nhiệt độ 40 – 450C, thời gian sấy tùy thuộc vào ẩm độ hạt khi thu hoạch, nhiệt lượng cung cấp, cũng như khối lượng hạt cần xử lý.
Theo đánh giá của tổ chức Nông-Lương Liên Hợp Quốc (FAO) hàng năm tổn thất về ngũ cốc trên toàn Thế giới khoảng 13% nghĩa là 13 triệu tấn lương thực bị mất và không sử dụng được.
Ở Việt Nam tỷ lệ tổn thất nông sản sau thu hoạch trên 13%, như vậy hàng năm chúng ta bị mất khoảng 3-5 triệu tấn thóc.
Vì vậy việc giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo quản, đảm bảo an ninh lương thực cho các hộ nghèo, những hộ có nguy cơ thiếu lương thực đặc biệt đồng bào ở vùng sâu, vùng xa nơi mà nền kinh tế còn mang nặng sắc thái tự cung tự cấp là việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
9.3 BẢO QUẢN HẠT LÚA
Trong quá trình bảo quản, hạt thóc thường bị một số hiện tượng: nấm mốc, lên men, nhiễm sâu mọt, dịch chuyển ẩm trong khối hạt, tự bốc nóng…

Khi bị những hiện tượng trên, chất lượng của thóc bị giảm, hàm lượng các chất dinh dưỡng và giá trị thương phẩm giảm và không đáp ứng yêu cầu vệ sinh cho người và vật nuôi.

Để khắc phục và giúp làm giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch, bảo quản và lưu thông, bà con nông dân cần áp dụng kỹ thuật cơ bản sau để bảo quản lúa cho phù hợp với điều kiện của hộ gia đình mình.

Có thể tóm tắt quy trình bảo quản lúa sau thu hoạch như sau:
THU HOẠCH --> LÀM SẠCH --> PHÂN LOẠI --> LÀM KHÔ --> BẢO QUẢN
Cất trữ bảo quản

Mục đích bảo quản là giữ cho hạt thóc không bị ẩm ướt, không bị men, mốc xâm nhập gây hại dẫn đến hiện tượng tự bốc nóng và không để bị côn trùng, chuột tấn công. Dụng cụ bảo quản thích hợp là chum, vại, bồ, hòm, thùng phuy, cót quây… có nắp đậy kín.

Cách này thường được các hộ gia đình áp dụng với số lượng nhỏ. Thóc sau khi được phơi khô đến độ thủy phần an toàn (khoảng 11-13%), quạt sạch để loại bỏ tạp chất, sâu mọt và chuyển vào các dụng cụ bảo quản đã được làm sạch, khô ráo để tồn trữ, dùng dần. Nếu được đậy kín, để nơi khô ráo, thoáng mát có thể bảo quản được 4-5 năm mà chất lượng hạt gạo vẫn đảm bảo, tỷ lệ hao hụt không đáng kể.
Ưu điểm của tồn trữ bằng túi yếm khí:

Có thể trữ lúa giống trong một thời gian dài do lượng oxy trong túi càng ít thì quá trình hô hấp của hạt sẽ chậm lại, hạt sẽ sống lâu hơn, nhằm cung cấp giống cho các vụ lúa sau.

Trong quá trình tồn trữ yếm khí, khí CO2 thải ra môi trường nhiều sẽ làm hạn chế các côn trùng trong lúa giống. Hơn thế nữa, qua quá trình nghiên cứu nhận thấy rằng, trong tồn trữ lúa bằng túi yếm khí, mùi hạt lúa thoát ra ít hơn, nên hạn chế được sự phá hoại của chuột.
Tồn trữ hạt giống bằng túi yếm khí
Túi yếm khí có thể dùng tồn trữ lúa ăn, gạo để chờ giá cao mang lại lợi ích kinh tế, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng tốt. Ngoài ra, có thể được dùng để trữ một số hạt khác như cà phê, ca cao, bắp, các loại hạt đậu...

Kỹ thuật tồn trữ lúa giống bằng túi yếm khí: (1) Lồng túi yếm khí vào bao tải thông thường (bao đay, bao PP…); (2) Đổ nhẹ nhàng hạt lúa vào đầy túi (chừa phần túi bên trên để cột); (3) Dùng tay ém đưa không khí ra khỏi túi (trong túi còn càng ít không khí càng tốt); (4) Xoắn miệng túi cho thật chặt và cột bằng dây cao su đàn hồi. Xoắn tiếp, gấp lại và cột lần thứ hai; (5) Cột bao giá đỡ bên ngoài bằng dây nylon bình thường (có thể may bằng máy, cẩn thận không làm thủng bao yếm khí).
Một số lưu ý khi sử dụng túi yếm khí:

+ Không nên xem thường kỹ thuật tồn trữ giống bằng túi yếm khí, phải thực hiện đúng các thao tác đã được chỉ dẫn;
+ Không đổ lúa quá mạnh vì có thể làm rách túi;
+ Cột túi đúng cách và đúng loại dây để đảm bảo điều kiện yếm khí trong quá trình tồn trữ giống;
+ Tuy mùi hạt lúa thoát ra ít hơn nên hạn chế được sự phá hoại của chuột, nhưng không nên xem thường, cần thận trọng để tránh sự va chạm có thể làm rách túi.
Lúa giống được bỏ vào túi yếm khí bằng poly-ethylene.
Bảo quản thóc bằng công nghệ mới
   Để tránh gây độc đối với người và gia súc, các biện pháp bảo quản sinh học và vật lý đang dần thay thế cho các chất hoá học trong bảo quản nông sản.
 
   Mới đây, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã công bố phương pháp bảo quản thóc lúa quy mô hộ gia đình bằng chất hoạt động bề mặt do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu.
Thành phần chủ yếu của những chất hoạt động bề mặt chủ yếu kết tinh từ silicon dioxide, dung hoà với một số khoáng chất silic. Dựa trên nguyên lý phá lớp biểu bì, làm mất nước, mất dầu và ngăn cản quá trình hô hấp qua da của côn trùng, các chất hoạt động bề mặt rất hữu hiệu trong việc tiêu diệt côn trùng, nên chúng được sử dụng trong bảo quản hạt lương thực. Các chất này có tác dụng diệt mọt suốt thời gian dài mà không gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
nhóm các nhà khoa học của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch Việt Nam
Kết quả thực nghiệm cho thấy, sử dụng chất silicagen được sản xuất tại Việt Nam, với nồng độ 0,1% trộn đều vào đống thóc, đã cho hiệu lực diệt mọt 100% sau 15 ngày bảo quản.

Nhờ khống chế được các chỉ tiêu độ ẩm, tiêu diệt côn trùng, vi sinh vật, nên chất lượng thóc bảo quản ở mẫu xử lý cao hơn hẳn so với mẫu đối chứng, tỷ lệ rạn nứt giảm 13%, tỷ lệ thu hồi gạo nguyên tăng 5,2%.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Nguyễn Ngọc Tài
Dung lượng: | Lượt tài: 2
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)