Chuyên đề: Ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học viết

Chia sẻ bởi Lê Văn Dư | Ngày 19/03/2024 | 11

Chia sẻ tài liệu: Chuyên đề: Ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học viết thuộc Ngữ văn 10

Nội dung tài liệu:

Vai trò to lớn của văn học dân gian
đối với văn học viết nói chung
"Ở Việt Nam, văn học dân gian có vị trí và vai trò rất quan trọng. Trong hàng nghìn năm Bắc thuộc và ở các thời kì dân tộc chưa có chữ viết hoặc chữ viết chưa phổ cập, văn học dân gian đã đóng góp to lớn trong việc gìn giữ, mài giũa và phát triển ngôn ngữ dân tộc sâu sắc và những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, tài hoa của văn học dân gian có tác động mạnh mẽ đối với sự hình thành và phát triển của văn học viết từ nội dung đến hình thức". Từ thuở nghìn năm Bắc thuộc, văn học dân gian đã có một vị thế quan trọng trong đời sống tinh thần của quần chúng lao động khi chữ viết "chưa có hoặc chưa phổ cập", văn học dân gian đã "gìn giữ, mài giũa và phát triển ngôn ngữ dân tộc", nuôi dưỡng tâm hồn nhân dân". Bởi có một vị trí như thế nên văn học dân gian có vai trò như "người diễn tả hộ" tình cảm lẫn tư tưởng của nhân dân lao động .
Nhận xét về ảnh hưởng to lớn của văn học dân gian đối với văn học viết Việt Nam, giáo trình Văn học dân gian nhận định:“ Văn học dân gian là cội nguồn, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng nền văn học dân tộc Việt Nam. Nhiều thể loại văn học viết được xây dựng và phát triển dựa trên sự kế thừa các thể loại văn học dân gian. Nhiều tác phẩm , nhiều hình tượng do văn học dân gian tạo nên là nguồn cảm hứng , là thi liệu , văn liệu của văn học viết.
Nhiều nhà thơ , nhà văn lớn của dân tộc ( Nguyễn Trãi , Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du , Hồ Xuân Hương , Phan Bội Châu , Hồ Chí Minh,….) đã tiếp thu có kết quả văn học dân gian để sáng tạo nên những tác phẩm văn chương ưu tú” . Đó là một nhận định xác đáng thể hiện rõ mối quan hệ máu thịt gắn bó giữa văn học dân gian và văn học viết trong suốt tiến trình phát triển của văn học dân tộc Việt Nam từ thời trung đại sang thời hiện đại.
ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN
ĐỐI VỚI VĂN HỌC VIẾT
Về nội dung và nghệ thuật
Văn học viết chịu ảnh hưởng của văn học dân gian về nhiều phương diện, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật. Mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn học viết cũng như vai trò, ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học thể hiện trọn vẹn hơn cả ở lĩnh vực sáng tác và ở bộ phận thơ văn quốc âm.
Thời chữ Hán
Trong một thời kì lịch sử khá dài, chữ Hán được coi là một thứ chữ có tính quan phương, “ chính thức” thì việc học tập, vận dụng ca dao tục ngữ, thành ngữ dân gian vào các sáng tác đặc biệt là các sáng tác bằng tiếng nói dân tộc không chỉ có giá trị về phương diện nghệ thuật ngôn từ mà còn là một hành vi văn hoá thể hiện sâu sắc lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Nhà thơ dân tộc lớn đầu tiên của nước ta, Nguyễn Trãi, đã nêu một tấm gương sáng. Bên cạnh tập thơ chữ Hán ( Ức Trai thi tập) , ông đã để lại cho đời một tập thơ nôm bề thế là Quốc âm thi tập. Trong tập thơ quý này, chúng ta thấy thi hào đã vận dụng thuần thục lời ăn tiếng nói dân gian, từ thành ngữ, tục ngữ, ca dao- dân ca, đến các hình ảnh hình tượng trong văn học dân gian.
Trong nhiều bài thơ, Nguyễn Trãi đã sử dụng khá nhiều tục ngữ, thành ngữ.

Ở bầu thì dáng ắt nên tròn
Xấu tốt đều thì lắp khuôn
Lân cận nhà giàu , no bữa cốm 
Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn
Chơi cùng đứa dại nên bầy dại
Kết với người khôn học nết khôn
Ở đằng thấp thì nên đằng thấp
Đen gần mực , đỏ gần son.

Đọc bài thơ này chúng ta dễ dàng nhận thấy Nguyễn Trãi đã vận dụng sáng tạo nhiều tục ngữ: 

- Ở bầu thì tròn , ở ống thì dài
- Ở gần nhà giàu đau răng ăn cốm 
- Ở gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn
- Gần mực thì đen gần đèn thì sáng
Chính vì thế , những kinh nghiệm được Nguyễn Trãi nêu ra trong bài thơ rất gần gũi với dân gian, dễ được nhân dân tiếp nhận và qua đó phản ánh cốt cách thân dân của nhà yêu nước vĩ đại xứng danh “ Kinh bang hoa quốc cổ vô tiền” này.
Thời chữ Nôm
Trong số những nhà thơ lớn của thời kì toàn thịnh của văn học chữ Nôm (nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX) , Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương đã sử dụng rất sáng tạo ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật văn học dân gian và ngược lại nhân dân cũng mượn nhiều câu trong Truyện Kiều kiệt tác của Nguyễn Du và trong thơ Hồ Xuân Hương, hoặc để nguyên hoặc sửa đi ít nhiều, để đối đáp , gửi gắm tâm sự của mình
Thương nhớ người xa vắng, ca dao có câu: “ Ai đi muôn dặm non sông/ Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy” .Nói về tâm sự kẻ ở người đi, nỗi chia li ray rứt, ca dao có câu: “ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng”,… Truyện Kiều cũng có những câu: “ Sầu đông càng lắc càng đầy / Ba thu dọn lại một ngày dài ghê” và “ Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Nửa in gối chiến nửa soi dặm trường”,…..Khảo sát hệ thống từ ngữ Truyện Kiều và Văn chiêu hồn chúng ta thấy Nguyễn Du đã học tập vận dụng rất nhiều từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ dân gian.Mặt khác Nguyễn Du học tập cách tổ chức ngôn ngữ trong thành ngữ và tục ngữ để tạo ra những kết cấu ngôn ngữ như những thành ngữ , tục ngữ.
Có những trường hợp thật khó phân biệt đâu là thành ngữ , tục ngữ Nguyễn Du học của quần chúng, đâu là đơn vị từ ngữ do Nguyễn Du tạo ra:


- Ra tuồng mèo mả gà đồng
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào

- Bề ngoài thơn thớt nói cười 
Mà trong nham hiểm giết người không dao

- Ở đây tai vách mạch dừng
Gặp ai người cũ cũng đừng nhìn chi
Thời kì văn học hiện đại
Trong văn học hiện đại, các tác giả Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận , Chế Lan Viên,…cũng luôn khẳng định vai trò to lớn của văn học dân gian đối với các sáng tác văn học để văn học thực sự là văn học hướng về quảng đại quần chúng công nông binh.


Trong văn thơ và trong lời nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dùng những cách nói quen thuộc gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân như gan vàng dạ sắt, anh em ruột thịt, sum họp một nhà, chân đồng vai sắt, chung lưng đấu cật đúng chỗ cần thiết. Nhiều trường hợp Người hoán cải cho phù hợp với văn cảnh, với nội dung mới nhưng ý vị thành ngữ , tục ngữ vẫn rõ rệt.
Trong Di chúc , Người đã để lại một câu thơ khắc sâu vào tâm khảm mọi người:


“ Còn non , còn nước , còn người 
Thắng giặc Mĩ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”


Hình ảnh non nước là một hình ảnh thấm đượm màu sắc dân tộc. Ca dao nói nhiều đến non nước, thơ cổ nói chung, Truyện Kiều nói riêng cũng dùng nhiều hình ảnh này. Nói đến non nước, nước non là để gợi tình cảm yêu quê hương đất nước.
Tố Hữu sử dụng rất nhiều thành ngữ, tục ngữ dân gian trong sáng tác của mình


Dù ai nói ngả , nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
Dù ai rào giậu ngăn sân
Lòng ta vẫn vững là dân Cụ Hồ


Tóm Lại
Văn học dân gian là một bộ phận văn học đặc trưng, tiêu biểu, là bông hoa nghệ thuật sáng chói trên bầu trời văn học Việt Nam. Văn học dân gian không chỉ góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc riêng của dân tộc mà còn tô điểm thêm cho bức tranh chung của văn chương các dân tộc trên thế giới, cho đến ngày hôm nay tuy văn học dân gian không còn giữ vai trò chính thốngnữa mà thay vào đó là văn học viết với những tác giả chuyên nghiệp nhưng bộ phận văn học ấy không hề bị mai một mà nó đã nhập tâm vào văn học viết. Có thể nói văn học viết cũng chính là hiện thân của văn học dân gian Việt Nam.
Vì thế khi tinh hoa của 2 bộ phận văn học này kết tinh lại ở những cá tính sáng tạo, trong điều kiện lịch sử nhất định thì đất nước lại thấy sự xuất hiện của những thiên tài văn học như : Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương..Văn học dân gian không phát triển một cách độc lập riêng rẽ mà có ảnh hưởng rất lớn với văn học viết Việt Nam.
* Một số tài liệu cũ có thể bị lỗi font khi hiển thị do dùng bộ mã không phải Unikey ...

Người chia sẻ: Lê Văn Dư
Dung lượng: | Lượt tài: 0
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)